Nga Mi Kiếm Khách

Chương 7: Nghĩa huynh nghĩa muội giang tương hội - Thiếu Thất cô nhi kiến mẫu thân




Chiều ngày mùng sáu tết Phiêu Trần nhận được thư của sư phụ là Thiên Xảo chân nhân. Ông bảo chàng phải đi ngay Trung Sơn gấp!
Sáng mùng bảy, Phiêu Trần khởi hành ngay, không kịp từ biệt ông ngoại là Bình Nam Vương. Giữa tháng giêng Phiêu Trần vượt sông Hán Thủy ở bến Chương Phàn. Chàng đi thêm được ba chục dặm thì đến đồi Tiên Đào. Có lẽ do hình dáng tròn trịa, kỳ lạ của tảng đá khổng lồ trên đỉnh đồi, nên nơi này mới có tên như vậy.
Phiêu Trần ngắm nghĩa đồi Tiên Đào, thấy một đàn quạ cứ bay lên xà xuống mé tả của tảng đá tròn, thỉnh thoảng có con quác lên đau đớn rồi rơi rụng. Dường như mấy chục con quạ chuyên ăn xác kia đang tấn công một con mồi hấp hối. Nhưng vật ấy là người hay thú?
Lòng nghĩa hiệp thôi thúc Phiêu Trần xuống ngựa, lướt nhanh đến đỉnh đồi. Lúc gần đến nơi, chàng nhận ra một người đang nằm nép dưới chân tảng đá, y phục đầy máu, đang cố dùng những viên đá nhỏ để chống cự với bầy quạ.
Phiêu Trần giận dữ, dùng phép “Mãn Thiên Hoa Vũ”, rải liền mười mũi Bát Túc Phi Tiền, giết ngay mười con quạ hung ác. Đám còn lại, thấy có người sống xuất hiện, sợ hãi bay đi hết.
Phiêu Trần ngồi xuống bên nạn nhân, thấy người ấy độ sáu mươi, không râu, anh mắt lạnh lùng, lộ vẻ oán độc. Lão nhìn chàng chăm chú rồi nói :
- Cảm tạ tiểu huynh đệ đã đuổi giùm đàn quạ. Nhưng lão phu trúng ám khí tuyệt độc Khổng Tước Mao, không cứu được đâu!
Phiêu Trần nhớ đến bình sứ nhỏ đựng rượu đã ngâm Tỵ Độc châu mà Sở Quyền đã xin được của Hoàng Long động chủ Bàng Tinh Hải, liền nghiêm giọng :
- Vãn bối có mang theo một loại rượu quý, hy vọng sẽ cứu được tiền bối!
Lão già cười nhạt :
- Vô ích thôi! Chỉ có Tỵ Độc châu là khắc tinh của chất kỳ độc bôi trên mũi chiếc lông công thép quái ác này!
Phiêu Trần mỉm cười :
- Hay lắm! Đây chính là rượu đã ngâm qua Tỵ Độc châu!
Chàng mở bọc hành lý, lấy binh sứ ra đưa cho nạn nhân. Lão mở nắp ngửi mùi, mắt ánh lên vẻ mừng rỡ, nhưng không uống mà trả lại cho Phiêu Trần rồi nói :
- Đây đúng là giải dược, nhưng lão phu muốn ngươi biết rõ lai lịch rồi suy nghĩ cho kỹ trước khi tặng thuốc. Lão phu chính là Tỳ Bà Sương Khúc Mạc Sầu, một ác nhân khét tiếng võ lâm!
Phiêu Trần giật mình, không ngờ lại hội ngộ con người khủng khiếp này. Cái danh hiệu Tỳ Bà Sương (nọc rắn Tỳ Bà) đã nói lên được lòng ác độc và thủ đoạn tàn nhẫn vô song của Khúc Mạc Sầu. Khi ai xúc phạm lão thì khó thoát khỏi cái chết thê thảm, thân xác lại bị chặt ra nhiều mảnh. Ba năm trước, họ Khúc đã giết bốn chục mạng người của Lưu gia trang, chỉ tha cho bọn đàn bà, con trẻ.
Minh chủ võ lâm Hà Tự Lưu ráo riết truy nã nhưng không sao bắt được Khúc Mạc Sầu, vì tài cải trang của lão độc bộ thiên hạ. Họ Khúc còn là tay đạo chích số một võ lâm. Đã nhằm vật gì thì cho dù chủ nhân có gởi vào quốc khố cũng không thoát nổi! Trong bốn chục năm qua, Khúc Mạc Sầu đã thu thập được một kho báu liên thành, được xem là người giàu nhất võ lâm!
Nhưng hôm nay, thái độ khẳng khái, xem thường sinh tử của Họ Khúc đã khiến Phiêu Trần kính phục. Chàng chính sắc nói :
- Vãn bối nghe đồn tôn giá là đại ác nhân, nhưng vẫn muốn tặng thuốc vì lòng nhân của trời đất, chỉ mong sau này tôn giá bớt gây sát nghiệp.
Tỳ Bà Sương cười nhạt :
- Nếu lão vương vẫn làm ác thì sao?
Phiêu Trần lạnh lùng đáp :
- Lúc ấy, chính tại hạ sẽ tiêu diệt tôn giá!
Để chứng minh khả năng thực hiện lời thề, Phiêu Trần rút kiếm, nhắm cây tùng non cao hơn đầu người, cách đấy ba trượng. Thân ảnh chàng hòa trong đạo kiếm quay lướt đi và quay trở về chỗ cũ trước khi cây tùng ngã xuống, và chia ra làm năm đoạn.
Thuật Ngự kiếm và thân pháp nhanh như thiểm điện này đã khiến Tỳ Bà Sương kinh hãi. Lão không ngờ một chàng trai tuổi đôi mươi lại có võ nghệ cao siêu đến thế. Khúc Mạc Sầu gật gù :
- Hảo thiếu niên! Lão phu có thể yên tâm mà sống nốt quãng đời còn lại!
Nói xong, lão uống cạn bình sứ và ngồi xếp bằng trục độc. Phiêu Trần đứng bên cạnh bảo vệ vì lúc nghiêm trọng này, chỉ một con quạ lao xuống cũng khiến họ Khúc tẩu hỏa nhập ma!
Nửa canh giờ sau, Tỳ Bà Sương đứng lên, ngửa cổ cười dài. Tiếng cười chất chứa niềm oán hận khôn cùng. Lão rít lên :
- Trương Tự Thanh! Lão phu thề sẽ phá tan Khổng Tước bang, và khiến ngươi chết không có đất chôn thây!
Phiêu Trần giật mình mừng rỡ, không ngờ Tỳ Bà Sương lại biết rõ lai lịch của Khổng Tước bang như vậy?
Khúc Mạc Sầu quay sang nói với Phiêu Trần :
- Nếu công tử muốn lão phu hướng thiện xin hãy khuất tất nhận làm nghĩa huynh.
Phiêu Trần biết lão là người tài trí, lợi hại, sẽ giúp chàng đối phó với Khổng Tước bang, nên vui vẻ quỳ xuống lạy :
- Tiểu đệ Sở Phiêu Trần quê Trường Sa, mười chín tuổi, vui mừng được làm em của Khúc đại ca!
Tỳ Bà Sương cũng quỳ xuống :
- Lão phu là Khúc Mạc Sầu, sáu mươi mốt tuổi, nguyên quán Sơn Đông, nguyện kết nghĩa Kim Lan với Sở Phiêu Trần, phúc họa cùng hưởng!
Hai người lạy tám lạy, rồi ôm nhau cười khanh khách!
Trưa ngày mười tám, có hai kỵ sĩ mang gươm đi vào thành Nam Dương. Một người tuổi độ hai mươi lăm, hai mươi sáu, râu mép xanh, tuấn tú phi phàm, người kia chừng bốn mươi, mặt nhẵn nhụi, mũi diều, miệng luôn nở nụ cười tươi tắn.
Hai người ấy chính là Sở Phiêu Trần và Khúc Mạc Sầu! Họ Khúc đã trổ tài dịch dung, hóa trang cho cả hai ngươi. Lão đã chôn kín nhân vật Tỳ Bà Sương độc ác, biến thành vai Tiếu Diện thư sinh Đông Môn Thức. Đây là thân phận mà lão đã dùng trong mười năm trở lại đây, để che giấu lai lịch Tỳ Bà Sương.
Đông Môn Thức có một tòa gia trang ở Hứa Xương nổi tiếng trượng nghĩa khinh tài, được đồng đạo võ lâm yêu mến. Không ai có thể ngờ rằng Tiếu Diện thư sinh lại là hóa thân của Tỳ Bà Sương!
Dọc đường, Khúc Mạc Sầu kể cho Phiêu Trần nghe xuất xứ của Bang chủ Khổng Tước bang, và một bí mật trọng đại của giới Hắc đạo võ lâm :
“Người xưa có câu: “Tỳ Bà Sương, Khổng Tước đàm, Hạc Đỉnh Hồng, tối độc phụ nhân tâm,” nghĩa là: “Nọc rắn hổ mang, mật công, máu mào hạc tuy độc nhưng độc nhất là lòng dạ đàn bà,” tình cờ sáu chục năm trước có bốn đại cao thủ tà đạo ứng với câu nói này.
Danh hiệu Tứ ác ma là Tỳ Bà Tú Sĩ, Khổng Tước Thần Ma, Hạc lão nhân và Độc phụ nhân. Bốn người này chi phối, khống chế phần chìm của võ lâm, thu lợi hàng vạn lượng vàng! Tứ đại ác ma này đã cùng thủ học thực hiện những vụ cướp của giết người rất táo bạo và tàn nhẫn, số nạn nhân trong hai mươi năm lên đến cả ngàn người.
Ngày ấy, Toàn Cơ Thượng Nhân Công Tôn Chí chưa xuất gia, và đang giữ chức Minh chủ võ lâm. Ông khổ công điều tra, cuối cùng đã tìm ra hung thủ.
Công Tôn Chí có tấm thân Kim Cương Bất Hoại và kiếm pháp số một võ lâm, lại thống lãnh hàng ngàn cao thủ các phái Bạch đạo, nên Tứ ác ma không thoát nổi. Họ đem hết của cải giấu vào một nơi bí mật rồi cải trang, trốn sang Mông Cổ. Nhưng thiên bất dung gian, họ gặp bão cát, chôn thây ở sa mạc Đại Qua Bích!
Tuy nhiên tấm bản đồ kho tàng đã được chia làm bốn mảnh, trao cho đệ tử của họ. Khúc Mạc Sầu là một học trò của Tỳ Bà Tú Sĩ, Trương Tự Thanh là đồ đệ của Khổng Tước Thần Ma, Hoàng Long động chủ Bàng Tinh Hải là đồ đệ của Hạc lão nhân. Còn đệ tử của Độc phụ nhân là ai thì không rõ!
Chính vì không tìm ra người thừa kế của Độc phụ nhân nên ba người còn lại đành bó tay, quên đi chuyện kho tàng. Họ khổ luyện võ công trong bí kíp để lại, tự gầy sự nghiệp và thanh danh.
Nhưng Trương Tự Thanh đã may mắn là con của Tề Châu đại hiệp nên biết rằng họa đồ Toàn Cơ cốc nằm trong tay Tri Thù môn. Gã đã giết sạch nhà họ Sách để đoạt họa đồ. Và khi đến núi Đại Tuyết sơn. Gã tìm ra được võ học của Toàn Cơ Thượng Nhân, lẫn mảnh bản đồ của Độc phụ nhân.
Có lẽ đệ tử của Độc phụ nhân là một cô gái lương thiện nên đã đem nộp cho Công Tôn Chí. Thế là, sau khi luyện thành tuyệt học Toàn Cơ, Trương Tự Thanh nuôi mộng bá chủ, và quyết tìm lại kho tàng khổng lồ của Tứ ác ma.
Thủ hạ của lão đã truy ra Tỳ Bà Sương, bức bách phải trao phần họa đồ thứ ba. Chính Hắc Diêm La đã dùng Khổng Tước Mao hạ thủ Khúc Mạc Sầu, trong một trang viện cạnh bờ sông Hán.
Nhưng họ Khúc là cao thủ Độc môn, nên không dễ chết ngay, lao mình xuống dòng sông đào tẩu. Lão ta đã uống bảy viên giải dược hoàn, chạy đến đồi Tiên Đào thì kiệt sức và sắp tán mạng. Được Phiêu Trần cứu tử, lại nhận làm huynh trưởng, Tỳ Bà Sương thề sẽ giúp chàng tiêu diệt Khổng Tước bang và trở thành người giàu có nhất thiên hạ.”
Giờ đây, tác giả xin mời bạn trở lại với bối cảnh Nam Dương.
Lúc này, Phiêu Trần và Tiếu Diện thư sinh đang có mặt trong tòa Cửu Châu đại tửu lâu để dùng bữa trưa! Phiêu Trần hạ giọng :
- Khúc đại ca! Tiểu đệ định đêm nay sẽ dọ thám Kiếm bảo xem có thấy gia mẫu hay không?
Tỳ Bà Sương lắc đầu :
- Không được đâu! Tổng đàn Khổng Tước bang được bầy công canh gác, không ai có thể qua mắt chúng. Hiền đệ cứ đi Trung Sơn gặp lệnh sư, còn ta về Hứa Xương tìm Độc Vật Nương Tử. Chỉ có nàng ta mới khắc chế được bầy công tinh quái kia. Anh em ta sẽ gặp lại nhau tại đây vào ngày mười một tháng hai!
Khúc Mạc Sầu là đạo tặc số một võ lâm mà còn không dám vọng động, thì Phiêu Trần cũng đành nghe theo lão. Chàng thở dài bảo :
- Thế lực Khổng Tước bang ngày càng hùng mạnh, chúng ta làm sao đối phó được đây?
Tỳ Bà Sương mỉm cười :
- Hiền đệ đừng lo! Lão phu sẽ đem phần họa đồ kho báu của mình đến tặng cho Bàng Tinh Hải. Lão đã có hai phần tất sẽ tương tranh với Khổng Tước bang để chiếm nốt hai phần kia!
Phiêu Trần băn khoăn :
- Lỡ Bang chủ Thần Kiếm bang e ngại võ công của Trương Tự Thanh, đề nghị hợp tác chia đôi thì sao?
Tỳ Bà Sương trấn an :
- Lão phu đã nghĩ đến điều ấy, tất chỉ hứa tặng chứ đâu đưa ra ngay! Vả lại, Bàng Tinh Hải vào động Hoàng Long lấy được pho kiếm phổ của Giang Nam quái hiệp, một kỳ nhân thời Bắc Tống, lại có bảo kiếm sắc bén vô song nên đâu sợ gì Trương Tự Thanh? Nếu sợ thì họ Bàng sẽ chẳng dám dựng cờ cùng lúc với Khổng Tước bang!
Phiêu Trần lo lắng nói :
- Mong đại ca bảo trọng, vì Bàng Tinh Hải có thể trở mặt, bắt đại ca mà đoạt họa đồ!
Khúc Mạc Sầu cảm kích vô cùng khi trên đời này còn có người quan tâm đến an nguy của lão! Họ Khúc chớp mắt, gật đầu :
- Hiện đệ yên tâm! Khi Lão phu đã đề phòng thì không ai làm hại được cả! Phần họa đồ ta sẽ nhờ hiền đệ giữ giùm!
Bàn bạc, ăn uống đến cuối giờ Ngọ, hai người chia nhau. Phiêu Trần thắng chính Bắc, Mạc Sầu đi hơi chếch về hướng Đông!
* * * * *
Phiêu Trần càng đi lên phía Bắc trời càng lạnh, tuyết rơi dầy, dù đã quá nửa tháng giêng. Rời Nam Dương hai chục dặm, Phiêu Trần đến bến đò sông Bích Giang. Đò vẫn còn bên bờ Bắc, Phiêu Trần khép kín vạt áo choàng lông, ngắm nhìn dòng nước trong xanh như ngọc của Bích Giang. Chàng bỗng nhìn thấy dưới gốc liễu già gần đấy có một thiếu nữ mặc bộ võ phục vàng nhạt mong manh đang co ro nép mình vào tuấn mã để sưởi ấm.
Mặt nàng rỗ chằng chịt, mang đậm dấu vết của bệnh đậu mùa, thân hình thon dài, nảy nở không thua gì Tiêu Tương Thần Nữ Tư Đồ Lan. Do dung mạo bị tàn phá nên khó có thể đoán được nàng bao nhiêu tuổi.
Nhìn thanh kiếm trên lưng, Phiêu Trần tự nhủ rằng đấy là một nàng hiệp nữ hào khí can vân, nhưng đã cạn túi trên đương phiêu bạt.
Chàng bỗng cảm thấy áy náy khi mình là nam nhân, sức chịu đựng khá hơn mà lại xúng xính áo Ngự Hàn, để cho thiếu nữ kia rét mướt. Động lòng trắc ẩn, Phiêu Trần cởi áo lông, mũ lông bước đến bên nàng hòa nhã nói :
- Chúng ta đều là đồng đạo võ lâm mong cô nương nhận lấy vật mọn này!
Nữ lang mỉm cười :
- Té ra trên đời này vẫn còn có người có lòng nhân ư?
Nàng nhận lấy, mặc vào và không hề nói lời cảm tạ. Phiêu Trần cũng quay về chỗ để ngựa và không nói gì thêm. Gió Đông lồng lộng thổi những bông tuyết bám đầy y phục và tóc của chàng, Phiêu Trần vận công sưởi ấm. tiếp tục theo dõi nhìn chiếc đò đang vào bờ. Chàng chợt nhận ra thiếu nữ mặt rỗ đã dắt ngựa đến cạnh mình cười cợt :
- Đưa Phật phải đưa đến Tây Thiên! Đã tặng áo sao không tặng luôn lộ phí?
Phiêu Trần vui vẻ hỏi lại :
- Xin cô nương cho biết lộ trình để tại hạ ước lượng số lộ phí?
Nữ lang cười mát :
- Nếu thiếp bảo rằng mình phải đi Mông Cổ thì công tử có tặng nổi ngàn lượng bạc hay không?
Phiêu Trần nhớ đến xấp ngân phiếu dầy cộp mà Tỳ Bà Sương Khúc Mạc Sầu đã trao cho, liền mở hầu bao, đưa cho nàng tờ ngàn lượng. Chính họ Khúc đã tuyên bố rằng lão sẽ phân phát tài sản, làm việc thiện để chuộc lại lỗi lầm. Vậy thì Phiêu Trần dùng tiền nghĩa giúp người cũng là phải đạo!
Nữ lang mặt rỗ đọc thấy dòng chữ Bạch Ngân Thiên Lượng, khẽ giật mình. Nàng cau mày bảo :
- Thiếp thấy công tử ăn mặc giản dị, phong thái chẳng có gì giống con nhà đại phú, quen thói hoang đàn, sao lại có thể vung tay cho kẻ không quen biết hàng ngàn lượng như vậy?
Chàng ngượng ngùng không biết giải thích thế nào, nói lảng đi :
- Đò đã cập bến, mời cô nương sang sông!
Nữ lang lên trước, rồi đến toán thương khách nhanh chân, nên Phiêu Trần đứng ở cuối thuyền, cách xa nàng! Lúc đò sang bờ Bắc, nữ lang lên ngựa đi luôn, không chờ Phiêu Trần. Chàng nghe lòng nhẹ nhõm vì rất sợ phải trả lời những câu hỏi của nàng ta.
Nhưng sau khi vượt mấy dặm đường, đến trấn Hạc Bích, Phiêu Trần nghé vào Trung Nguyên đại phạn điếm thì gặp lại nữ lang. Quán này nổi tiếng về thức ăn và rượu ngon nên rất đông khách, bàn nào cũng có người. Nữ lang thấy Phiêu Trần đứng lớ ngớ, liền đứng lên vẫy :
- Công tử! Thiếp đã dành chỗ sẵn rồi!
Phiêu Trần bước vào, an tọa rồi vòng tay hỏi :
- Tại hạ là Trang Huyền, ba mươi tuổi, quê ở Hồ Nam, dám hỏi phương danh của cô nương!
Phiêu Trần nhớ đế sư phụ nên lấy họ của ông. Nữ lang mặt rỗ cười đáp :
- Thiếp là Diệp Tú Châu, quê Tứ Xuyên, mười chín tuổi!
Phiêu Trần giật mình, không ngờ nàng bằng tuổi mình và có vẻ như già dặn hơn. Chàng càng bối rối khi nghe nàng đổi cách xưng hô :
- Tiểu muội xin kính Trang đại ca một chung.
Hai người đang ăn dở bữa thì có bốn lão nhân áo tím đậm bước vào. Ánh mắt Diệp Tú Châu chợt lộ vẻ sợ hãi.
Phiêu Trần quay sang nhìn, thấy một lão già thấp bé đang tiến gần đến, chiêc mũi lớn qua khổ nổi bật trên gương mặt loắt choắt. Lão vừa đi vừa hìt mạnh, như đang đánh hơi trông rất hoạt kê. Khi đến gần bàn của Phiêu Trần và Tú Châu, lão rú lên mừng rỡ :
- Đây rồi, con bé mặt rỗ này là Diệp ma đầu đấy!
Ba lão còn lại lập tức lướt đến. Nhưng họ chỉ bao vây chứ không tấn công ngay. Vũ khí của họ là bốn cây đoản thương, mũi tẩm độc xanh biếc.
Thực khách sợ hãi bỏ chạy cả ra ngoài để tránh vạ lây. Lão áo tím mũi to cười đắc ý :
- Lão phu nổi danh Thiên Khuyển Tẩu, dù ngươi có cải trang thành dạ xoa, cũng không thể thoát được. Hãy mau ngoan ngoãn chịu trói, về Tứ Xuyên chịu tội.
Phiêu Trần đã nhận ra họ là Gia Lăng tứ tẩu, hộ pháp của Thần Thương bang đất Tứ Xuyên. Chàng cau mày hỏi Tú Châu :
- Vì sao họ lại truy bắt cô nương?
Nữ lang mặt rỗ nghiến răng đáp :
- Thiếu bang chủ Thần Thương bang Tề Tân Tập cưỡng bức gia muội, khiến nó phải quyên sinh. Tiểu muội giết họ Tề để báo hận nên trở thành kẻ thù của Thần Thương bang!
Nước mắt Tú Châu rớt ra rất thành thật và bi thiết. Phiêu Trần gật gù đứng lên nói với Gia Lăng tứ tẩu :
- Quý bang dung dưỡng cho Tề Tân Tập làm càn, nay y chịu quả báo là đúng đạo trời, sao còn truy sát Diệp cô nương làm gì nữa?
Lão mũi thính chính là anh cả của Tứ tẩu, lão giận giữ đáp :
- Ngươi là cái quái gì mà dám xen vào chuyện của bổn bang?
Phiêu Trần cười nhạt :
- Tại hạ chỉ là kẻ mới xuất đạo, nhưng trước cảnh trái tai, gai mắt quyết chẳng khoanh tay, mời tứ vị ra ngoài sân.
Tứ tẩu sở Trường Thương trận nên cũng không muốn giao đấu trong quán, vì bàn ghế sẽ cản trở biến hóa của thế trận. Nhưng họ lại sợ Diệp Tú Châu đào tẩu nên chẳng dám ra, bất ngờ hạ thủ nàng trước.
Lão già mũi to vừa khẽ ho thì cả ba lão kia nhất tề hợp lực tấn công ngay. Bốn cây đoản thương chia nhau vây chặt lấy Phiêu Trần và Tú Châu, chiêu thức cực kỳ hiểm độc và nhanh nhẹn.
Phiêu Trần tuy mới bước chân vào chốn giang hồ, nhưng đã được Dạ Tri Thù chỉ dạy hết nhưng thủ đoạn thâm độc của Hắc đạo, nên lúc nào cũng cảnh giác. Do vậy, phản ứng của chàng rất thần tốc, vung chân hất tung cái bàn trước mặt lão mũi lân và lão cao gầy, rồi vung kiếm đánh bật hai cây thương còn lại, đỡ đòn cho Diệp Tú Châu.
Bảo kiếm của chàng rít lên ro ro gạt phăng hai thanh thương sắt nặng nề, khiến đối phương khiếp sợ. Sau đó, chàng thò tay trái quàng qua eo Tú Châu đưa nàng lướt ngược về phía sau, áp sát bức tường gạch của Phạn điếm.
Tú Châu thét lên :
- Tiểu muội có thể tự bảo vệ, đại ca cứ toàn tâm đối phó với họ!
Nàng rút trương kiếm, dựa vách mà thủ thế. Phiêu Trần yên tâm được đôi phần, vung kiếm lao về phía Tam Tẩu và Tứ Tẩu.
Hai lão này là anh em ruột, đều to béo như nhau, tâm ý tương thông nên càng bội phần lợi hại. Sách Siêu luôn nhắc nhở Phiêu Trần phải biết tận dụng bất ngờ để chiếm tiên cơ. Trong lúc đối phương còn chủ quan, chưa đo lường được bản lĩnh của mình, thì phải hạ sát thủ ngay.
Chàng không quên những lời giáo huấn quý báu đó nên xuất chiêu “Thiên Họa Nga Mi”, dồn hết công lực vào thân kiếm.
Dãy Nga Mi có hai đỉnh như cắp lông mày nên mục tiêu của chiêu kiếm này là cả hai người. Tam Tẩu và Tứ Tẩu dùng phép hợp bịch nên đứng khá gần nhau, nằm cả trong phạm vi khống chế của chiêu “Thiên Họa Nga Mi”!
Song tẩu đâu ngờ chàng trai ba mươi tuổi kia lại có công lực thâm hậu và kiếm pháp tinh kỳ như vậy, khi mũi kiếm chặn đứng đường thương và xuyên qua màn thương ảnh họ mới biết mình gặp phải sát tinh. Nhưng đã quá muộn để vãn hồi tình thế, vì thân pháp “Huyền Huyền Ảo Bộ” nhanh như gió thoảng, giúp chiêu kiếm đạt đến mức tột cùng của phép khoái kiếm.
Tam Tẩu và Tứ Tẩu rú lên ghê rợn, ngã ngửa vì trán đã bị kiếm đâm thủng. Phiêu Trần lo cho Tú Châu nên vừa đắc thủ xong đã quay ngoặt lại tấn công Nhất Tẩu và Nhị Tẩu. Hai lão đang ráo riết uy hiếp thanh trường kiếm của Tú Châu, sắp sửa giết được nàng. Phiêu Trần kinh hãi quát vang :
- Có ta đây!
Tiếng quát vang rền như sấm, khiến Nhị Tẩu sợ hãi, vội quay lại đón chiêu kiếm của Phiêu Trần, để mình lão mũi to đối phó với Tú Châu.
Phiêu Trần xuất chiêu “Tam Nghiệp Chỉ Sinh” (Ba Nghiệp Thôi Sinh Sản).
Phật giáo cho rằng tội lỗi nghiệp quả đều phát sinh từ thân, khẩu khí của con người. Chỉ có cách trượng hành, trai giới, thiền định mới dứt được tam nghiệp! Phái Nga Mi đặt tên cho chiêu kiếm này như vậy để nói lên tính chất ác liệt, kiên quyết của nó.
Tuy phái Nga Mi là phái Phật môn, nhưng đã gọi là võ học thì phải có tác dụng sát nhân, và chiêu “Tam Nghiệp Chỉ Sinh” lợi hại hơn cả.
Trường kiếm của Phiêu Trần ra đòn từng loạt ba thức, sau mười hai loạt đã phá thủng mà thương ảnh của đối phương và trổ đủ ba lỗ trên ngực lão cao gầy. Cùng lúc ấy, Thiên Khuyển Tẩu, lão Đại trong Gia Lăng tứ tẩu cũng rú lên thảm thiết, ngực bụng bị rách toang, khiến ruột gan đổ cả ra ngoài.
Phiêu Trần giật mình, không ngờ kiếm pháp của Diệp Tú Châu lại cao cường như vậy? Chàng bỗng cảm thấy rằng việc mình bảo vệ nàng là thừa thải. Phiêu Trần quăng vài nén bạc cho gã tiểu nhị đang đứng góc nhà, rồi nhặt tay nải rời phạn điếm.
Chàng lên ngựa phi mau, không hề nhìn lai Diệp Tú Châu, người con gái này đã giết được lão mũi lân một cách dễ dàng tất không cần đến chàng nữa. Vả lại, nàng ta mang mặt nạ, chắc là để che giấu một dung nhan xinh đẹp, khác với hình tượng một thiếu nữ đáng thương chàng gặp lúc đầu.
Diệp Tú Châu vẫn lẳng lặng thúc ngựa bám theo Phiêu Trần, chiều buông và màn đêm rơi xuống, ánh trăng mười tám không xuyên thủng nổi mưa tuyết mịt mù. Phiêu Trần phi một hơi gần bốn chục dặm, nghe tiếng vó ngựa Tú Châu xa dần.
Chàng bỗng nghĩ lại hai bên đường chỉ toàn rừng rậm, Tú Châu dù giỏi võ cũng chỉ là một nữ nhân, chắc sẽ run sợ lắm, nếu bị bỏ rơi. Phiêu Trần gò cương, dừng ngựa đợi chờ. Diệp Tú Châu lên đến nơi cất giọng ai oán :
- Tiểu muội tưởng đại ca nhẫn tâm bỏ tiểu muội một mình trên con đường đáng sợ này! Tiểu muội sợ ma lắm.
Lời thú nhận này đã khiến Phiêu Trần ngượng ngùng. Chàng hổ thẹn vì đã giận hờn vô cớ, không muốn đồng hành với Tú Châu.
Phiêu Trần nói lảng đi :
- Ngựa đã mệt cả, hay là chúng ta qua đêm ở bìa rừng cũng được.
Tú Châu phụng phịu đáp :
- Bộ đại ca không nhận ra mình vừa đi qua một tòa cổ miếu hay sao? Chỉ quay lại gần dặm là có chỗ nghỉ ngơi, hà tất phải ngủ ở bìa rừng?
Hai người quay đầu ngựa, lát sau có mặt trong tòa miếu thờ Lâm Thần hoang phế. Họ cùng nhau quét dọn và nhóm lửa. Phiêu Trần ngạc nhiên khi thấy Tú Châu bày ra một đùi dê nướng và bầu rượu nhỏ. Nàng cười khúc khích :
- Tiểu muội tiện tay lấy theo vì biết đường này không có quán xá gì.
Phiêu Trần nhìn hàm răng ngà ngọc và đôi môi đỏ hồng, tự nhủ rằng chắc mặt thật của Tú Châu rất đẹp.
Tú Châu chia phần thịt nhiều hơn cho chàng rồi hỏi :
- Vì sao đại ca lại muốn bỏ tiểu muội? Phải chăng đại ca chê tiểu muội xấu xí, không xứng đáng làm bạn đồng hành?
Phiêu Trần cười mát :
- Cô nương chưa mở mặt nạ sao dám bảo mình xấu xí?
Tú Châu thản nhiên đưa tay vuốt mặt, để lộ một gương mặt sần sùi với hai gò má nám đen! Phiêu Trần sửng sốt, không nói lên lời, nâng bầu rượu uống cho đỡ ngượng. Tú Châu rầu rĩ nói :
- Tiểu muội biết phận mình chẳng dám với cao. Dù không biết về đâu nhưng sáng mai cũng sẽ cáo biệt Trang đại ca!
Phiêu Trần sửng sốt :
- Cô nương không còn thân quyến gì sao?
- Thưa không, tiểu muội chỉ có hai chị em, gia muội đã qua đời thì làm gì còn ai nữa?
Chàng bỗng nhớ đến chiêu kiếm kỳ ảo mà Tú Châu đã thi triển để giết Thiên Khuyển Tẩu!
- Chẳng hay cô nương là cao đồ của ai, mà kiếm pháp cao cường như vậy?
Tú Châu mỉm cười :
- Tiểu muội học nghệ của một vị ẩn sĩ trên núi Vu Sơn, kiếm pháp chỉ thuộc hạng trung, nhưng nhờ có thủ pháp phóng ám khí nên mới giết được lão già mũi to! Chủ yếu là tiếng thét lìa đời của Nhị Tẩu đã làm lão ta giật mình, lộ sơ hở!
Lời nói thực thà của nàng càng khẳng định hoàn cảnh khó khăn, đơn độc của Diệp Tú Châu. Phiêu Trần là người nhân hậu, mang hoài bão giúp đời nên không nhẫn tâm để Tú Châu lưu lạc trong chốn giang hồ hiểm ác. Chàng tư lự bảo :
- Nếu cô nương về Sở gia trang ở Trường Sa mà sinh sống. Tại hạ có một tửu lâu, cũng đang cần người chăm sóc!
Diệp Tú Châu tròn mắt kinh ngạc :
- Chẳng lẽ công tử không phải họ Trang?
Chàng ngượng ngùng thú nhận :
- Tại hạ tên là Sở Phiêu Trần, mười chín tuổi. Gương mặt này là thực, chỉ thêm râu mép và vài nếp nhăn mà thôi.
Diệp Tú Châu mỉm cười :
- Té ra là Trường Sa đệ nhất mỹ nam tử. Tiểu muội ngưỡng mộ đã lâu không ngờ lại có duyên gặp gỡ.
Vu Sơn ở khá gần Hồ Nam nên Tú Châu biết chàng là phải. Hai người chuyện trò đến cuối canh hai rồi đi ngủ. Họ nằm cạnh đống lửa để chống lại cái rét mùa đông.
Đêm ấy, Phiêu Trần nằm mơ thấy Tiêu Tương Thần Nữ Tư Đồ Lan đến với mình. Thân hình ngà ngọc ngợi cảm của nàng chập chờn trong ánh lửa lung linh của đống lửa sắp tàn. Phiêu Trần say đắm giang tay mời gọi, gây cuốc truy hoan nồng thắm. Và rồi gương mặt của Tư Đồ Lan liên tục biến đổi, lúc thì là Vệ Yên Hà, lúc thì lại là một nữ nhân xa lạ nhưng rất đẹp.
Sáng ra, Phiêu Trần ngồi bật dậy, thấy y phục mình vẫn chỉnh tề, hạ thể sạch sẽ, không khỏi lấy làm lạ. Chàng nhớ rằng mình đã thoát dương, sao lại chẳng có dấu vết gì? Phiêu Trần ngượng ngùng nhìn sang bên kia, thấy cô gái mặt nám Diệp Tú Châu vẫn ngủ say!
Lát sau, Tú Châu tỉnh giấc, che miệng ngáp dài. Hai người ăn nốt đùi dê rồi rời tòa cổ miếu, đi về hướng rặng Trung Sơn. Dưới chân ngọn Thiếu Thất.
Chàng mướn phòng trọ cho Tú Châu nghỉ ngơi rồi một mình lên Thiếu Lâm tự.
Tuệ Nghiêm thiền sư, Phương trượng chùa Thiếu Lâm, cũng là một trong những người hiếm hoi biết được bản chất thần tiên của Thiên Xảo chân nhân, nên vui vẻ tiếp Sở Phiêu Trần. Và khi nhận ra chàng cũng chính là Đồng Kim Tú đồ tôn của Kim Đính Thượng Nhân, ông càng thêm quý mến. Nhưng ông không biết vì sao Thiên Xảo chân nhân lại gọi Phiêu Trần đến Thiếu Thất. Vì Trang Thứ không hề có mặt ở nơi này.
Thiền sư trầm ngâm bảo :
- Hay là lệnh sư tiên đoán đại hội các phái ngày hai mươi tám sẽ có biến cố, cần đến thần oai của Sở thí chủ?
Phiêu Trần cung kính hỏi lại :
- Bẩm Phương trượng! Chẳng hay người có mời Khổng Tước bang và Thần Kiếm bang hay sao?
Tuệ Nghiêm thiền sư đáp :
- Hai phái này chưa tổ chức lễ khai đàn, nên theo quy củ võ lâm thì chưa được công nhận. Vì vậy, lão nạp không gởi thiếp cho họ.
Phiêu Trần tuần tự kể lai lịch của Bang chủ Khổng Tước bang và Thần Kiếm bang, rồi khẳng định Trương Tự Thanh là chủ sở trong vụ sát hại Minh chủ võ lâm Hà Tự Lưu!
Tuệ Nghiêm thiền sư toát mồ hôi hột trước dã tâm hiểm độc của bọn tà ma. Ông hứa sẽ bàn bạc với Chưởng môn các phái, mở mặt trận bảo vệ chính khí võ lâm.
Phiêu Trần xuống núi, trở lại khách điếm. Diệp Tú Châu đã chờ sẵn với mâm cơm thịnh soạn. Mấy ngày qua, chàng đã quen với sự chăm sóc của Tú Châu. Nàng lặng lẽ lo lắng cho chàng chu đáo, với nụ cười tươi tắn và ánh mắt dịu dàng.
Phiêu Trần lớn lên trong cảnh sung túc, được Sở Quyền hết dạ cưng chiều, nên mọi việc đều có nữ tỳ lo toan. Sau này, Yên Hà và Tư Đồ Lan dành lấy phần hầu hạ chàng. Thói quen lâu năm khó mà bỏ được, nay có Tú Châu lo lắng cho mọi việc, Phiêu Trần rất hài lòng, cảm thấy như mình ở nhà vậy.
Sáng ngày hai muơi tám tháng giêng, Phiêu Trần lên chùa Thiếu Lâm. Đại biểu các bang phá giang hồ đã tề tựu đông đủ nhưng không thấy Thiên Xảo chân nhân Trang Thứ đâu cả. Chàng bái kiến Sư tổ Kim Đính Thượng Nhân và mọi người. Thượng nhân vui vẻ nói :
- Đêm qua, chúng ta đã được nghe Tuệ Nghiêm phương trượng kể lại mọi việc, và kết luận rằng hôm nay Khổng Tước bang chủ Trương Tự Thanh sẽ xuất hiện. Sự có mặt của Trần nhi ở đây là rất cần thiết, vì ngoài Trang Thứ ngươi là người duy nhất có thể đối phó với ám khí Khổng Tước Mao!
Quả nhiên, vào lúc cuối giờ Thìn, tri khách tăng lên báo rằng có đoàn đại biểu của Khổng Tước bang xin phép thượng sơn. Tuệ Nghiêm thiền sư ung dung bảo :
- Cứ cho họ lên! Lão nạp cũng muốn nhìn mặt kẻ âm mưu khuynh đảo võ lâm!
Lát sau, phu thê Khổng Tước bang chủ cùng các cao thủ đầu não như Hắc Diêm La, Bạch Phán Quan bước vào khách xá của chùa Thiếu Lâm.
Giữ lễ địa chủ, Phương trượng Tuệ Nghiêm đứng lên chào khách. Tuy nhiên câu nói của ông chẳng hòa nhã chút nào cả :
- A di đà Phật! Chẳng hay Bang chủ giá lâm tệ tự với mục đích gì?
Bang chủ Khổng Tước bang là một lão nhân cao lớn, uy nghi, tuổi độ sáu mươi. Gương mặt của lão thoạt nhìn có vẻ anh tuấn, đạo mạo nhưng xem kỹ lại thì có điều kỳ quái. Đó là sự lệch lạc bất xứng của ngũ quan: Hai mắt lão một lớn, một nhỏ. Sống mũi thẳng cao nhưng cánh mũi bên dày bên xẹp. Miệng lão hơi méo, môi trên mỏng dính, còn môi dưới dầy quá khổ. Ngay cả đôi tai cũng vậy, chiếc thì vểnh ra, chiếc thì áp sát vào sương sọ.
Nhưng Phiêu Trần đặc biệt chú ý đến người đàn bà che mặt bằng sa đen, đi bên cạnh Trương Tự Thanh, tim chàng rộn ràng, đoán rằng đó là Đại quận chúa Hà Tường Anh, mẹ ruột của mình.
Trước đây, chàng vẫn nghĩ rằng thân mẫu bị giam hãm chịu cảnh đọa đày dưới sự áp bức của kẻ thù. Nhưng nay bà xuất hiện với vai trò Bang chủ phu nhân kiêu sa lộng lẫy, khiến lòng chàng đau như cắt. Té ra, bà ta chẳng căm hận kẻ thù đã giết chồng và ném con mình xuống hố, mà lại hoan hỉ với lương duyên mới.
Lúc này, Khổng Tước bang chủ, cười ha hả đáp lời Tuệ Nghiêm thiền sư :
- Phương trượng khéo hỏi. Lão phu là người võ lâm tất phải quan tâm đến việc điều tra hung thủ hạ sát Hà minh chủ, nên mới đến đây dự bàn.
Chưởng môn phái Võ Đang là Thành Tâm Tử, tuổi mới bảy mươi, tính tình nóng nảy, cương trực, ghét ác như ghét kẻ thù. Ông lạnh lùng lên tiếng :
- Tôn giá chưa tổ chức lễ khai đàn, ra mắt võ lâm nên Khổng Tước bang không đủ tư cách tham dự đại hội này.
Khổng Tước bang chủ cười khanh khách :
- Qui củ ấy nên sửa lại, vì các phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi... Khi khai giáo cũng đâu có mời đồng đạo đến chứng kiến.
Quả thực các phái Bạch đạo đều có truyền thống vài trăm năm, lúc võ lâm bắt đầu hình thành. Do đào tạo được nhiều đệ tử kiệt xuất nên nghiễm nhiên trở thành một võ phái, đâu cần phải mở tiệc ra mắt ai.
Phiêu Trần nóng lòng muốn xác định lai lịch của Khổng Tước phu nhân nên truyền âm nói với Tuệ Nghiêm thiền sư. Phương trượng hiểu ý hắng giọng nói :
- A di đà Phật! Nay Khổng Tước bang đã có lòng vì võ lâm chúng ta cũng chẳng nên câu nệ qui củ làm gì? Mong Bang chủ tự giới thiệu để bọn lão nạp được làm quen.
Khổng Tước bang chủ hài lòng đáp :
- Thiền sư quả là cao tăng thấu tình đạt lý, lão phu rất khâm phục. Lão phu là Trương Tự Thanh, quê ở Sơn Đông. Còn đây là Phó bang chủ bổn bang, Hắc Diêm La Hân Tốn và Bạch Phán Cát Dự.
Trương Tự Thanh tin chắc rằng chẳng ai biết rõ lai lịch của mình và Đại quận chúa Hà Tường Anh nên mới thành thực khai báo như vậy. Lão giả điên ẩn mình trong vườn Trương gia trang mấy chục năm, còn Hà đại quận chúa trước đây chỉ là gái khuê môn, không dính líu đến giang hồ. Nếu lão biết rõ Phiêu Trần là ai và có mặt nơi này, chắc sẽ không dám đến đây, hoặc có đến cũng khai tên giả.
Các Chưởng môn nghe xong đều chấn động, đưa mắt nhìn nhau. Thì ra, những lời nói của Phiêu Trần đều đúng sự thật.
Tuệ Nghiêm thiền sư mỉm cười đáp :
- Té ra Bang chủ là nam tử của Tế Châu đại hiệp, còn tôn phu nhân là Đại quận chúa của Bình Nam Vương đất Hà Nam.
Câu nói chính xác này như chiếc chùy sắt giáng vào ngực phu thê Trương Tự Thanh. Họ giật mình kinh hãi và ai cũng thấy rõ.
Họ Trương gượng cười :
- Không ngờ Phương trượng lại tỏ tường lai lịch lão phu như vậy?
Kim Đính Thượng Nhân cắt lời :
- Hà nữ thí chủ! Năm xưa, thí chủ cùng một chàng thư sinh tên Sở Quân luyến ái, đưa nhau đến Mã Sơn xây tổ ấm. Sao lại trở thành phu nhân của Trương bang chủ.
Hà Tường Anh hậm hực đáp :
- Hòa thượng chớ hồ đồ. Làm gì có chuyện ấy!
Thượng nhân cười nhạt :
- Nữ thí chủ đừng giấu diếm cho uổng công. Đồ đệ của lão nạp Kim Nhãn Điêu Sở Quyền, là bào huynh của Sở Quân, đã đến Mã Sơn và phát hiện em mình bị giết bởi một mũi Khổng Tước Mao!
Hà đại quận chúa lúng túng :
- Khẩu quyết vô bằng! Hòa thượng đừng bôi nhọ ta!
Kim Đính Thượng Nhân lạnh lùng nói tiếp :
- Lão nạp chưa nói hết! Năm ấy, Sở Quyền còn cứu được một đứa bé ở dưới khe núi Mã Sơn. Đứa bé ấy đã trưởng thành và hiện có mặt nơi này!
Thành Tâm Tử đứng phắt lên quát :
- Vì đạo nghĩa làm người, vì chính khí võ lâm, chúng ta hãy giết quách đôi gian phu dâm phụ này cho rồi.
Trương Tự Thanh và hai lão ma đều tái mặt. Mặc dù võ công có cao siêu đến đâu cũng không địch lại ba mươi mấy vị Chưởng môn. Đó là chưa kể các cao tăng khác của Thiếu Lâm tự. Tuệ Nghiêm thiền sư trầm giọng :
- Đại quận chúa! Nếu quả thực nữ thí chủ bị Trương Tự Thanh khống chế, thì hãy nói để bọn lão nạp giải thoát cho.
Câu này do Phiêu Trần mớm lời cho ông. Chàng muốn biết rõ lòng dạ của mẫu thân trước khi hành động.
Hà Tường Anh cười khanh khách :
- Chư vị đừng hàm hồ! Bổn nương chỉ có một trượng phu là Trương bang chủ mà thôi.
Phiêu Trần đứng lên, xóa lớp hóa trang, bước ra quì xuống lạy Hà quận chúa chín lạy, rồi đứng lên nghiêm giọng nói :
- Nay phu nhân đã không nhận chồng con, chín lạy kia để trả nghĩa sinh thành. Tại hạ tự xem mình là đứa con không có mẹ vậy.
Đôi vai gầy của Hà quận chúa run rẩy dữ dội. Dung mạo anh tuấn hiên ngang của đứa con ruột thịt đã khiến tình mẫu tử trong lòng bà rung động. Chàng rất giống Sở Quân, người chồng trước của bà. Nhưng thay vì ôm lấy con trai bà lạnh lùng nói :
- Công tử nhận lầm người rồi! Lão thân mắc tuyệt chứng nên không thể sinh nở được, làm gì có đứa con xinh đẹp như công tử?
Lời phủ nhận kiên quyết của Hà quận chúa khiến mọi người chua chát và thất vọng. Họ không còn cớ để vây đánh Bang chủ Khổng Tước bang.
Lòng Phiêu Trần đau như cắt nhưng vẫn cố thản nhiên, nói với Trương Tự Thanh :
- Tại hạ nghe nói tôn giá đã vào được Toàn Cơ cốc, và kế thừa di học của Thượng nhân?
Họ Trương gật đầu :
- Đúng vậy! Lão huynh may mắn trở thành truyền nhân của bậc kỳ nhân quyết đem thần công chấn chỉnh võ lâm, phù trì chính nghĩa.
Phiêu Trần cười mát :
- Tôn giá tất phải đa ngôn, giả nhân giả nghĩa. Tại hạ là người nắm bắt rất rõ xuất thân cũng như dã tâm của tôn giá. Hôm nay, tại hạ sẽ vì vong hồn của thân phụ và mấy chục người Tri Thù môn, thử với tôn giá một chiêu kiếm.
Trương Tự Thanh ngạo nghễ đáp :
- Lão phu đến đây vì đại sự võ lâm, đâu có thời gian dây với kẻ hậu bối vô tri ăn nói hồ đồ như ngươi.
Phiêu Trần quắc mắt :
- Tôn giá không muốn cũng không được, tại hạ đang giữ một vật mà tôn giá rất khao khát.
Nói xong chàng ngâm nga :
- Khổng Tước đàm, Tỳ Bà Sương, Hạc Đỉnh Hồng, Tối Độc Phụ Nhân Tâm.
Câu chuyện về kho tàng của Tứ ác ma chỉ có người trong cuộc mới biết, vì vậy, các Chưởng môn đều ngơ ngác. Nhưng Trương Tự Thanh giật bắn mình, suy nghĩ rồi nói :
- Được lắm! Lão phu đồng ý tiếp ngươi một chiêu, nhưng phải thề không được hủy vật ấy đi.
Phiêu Trần gật đầu :
- Nhất ngôn vi định! Sau chiêu kiếm này, dù tại hạ thắng hay bại thì tôn giá cũng phải xuống núi. Hẹn sáu tháng sau gặp lại.
Trương Tự Thanh tần ngần :
- Nhưng lỡ ngươi chết thì sao?
Phiêu Trần cười nhạt :
- Nêu tôn giá có được bản lãnh ấy thì cứ lục xác tại hạ mà lấy bảo vật!
Kim Đính Thượng Nhân lo lắng nói :
- Trần nhi hãy suy nghĩ cho kỹ, Toàn Cơ kiếm pháp chẳng phải tầm thường đâu!
Phiêu Trần mỉm cười :
- Sư tổ yên tâm, đồ tôn không chết được đâu.
Bạch Phán Quan cũng đoán được Phiêu Trần là chàng trai đã từng đả thương mình ở núi Nga Mi nên thì thầm cảnh báo với Trương Tự Thanh.
Họ Trương đã xem xét thương thế của Bạch Phán Quan, nên biết kiếm thuật của Phiêu Trần cao cường nhưng chưa đến mức đáng sợ, và chàng chưa đến bốn mươi năm công lực.
Nhưng lão không ngờ rằng thiên bẩm của Phiêu Trần thuộc hàng thượng phẩm, khổ luyện vài tháng cũng bằng vài năm của người khác. Hiện nay, chàng có thể thi triển chiêu “Kiếm Hải Cô Chu” đến mức tận thiện, tận mĩ, hơn hẳn lúc đấu với Bạch Phán Quan.
Phần Trương Tự Thanh suy nghĩ thê nào? Lão tin chắc rằng mình sẽ giết được chàng trai trẻ tuổi kia. Nhưng nhìn mặt ái thê lão biết rằng tình mẫu tử đang vò xé lòng bà. Là nữ nhân, ai chẳng muốn có một đứa con xinh đẹp tựa tiên đồng như Phiêu Trần. Huống hồ chàng ta lại là con một của Hà Tường Anh.
Thứ hai, đôi mắt đổ lửa của Thành Tâm Tử, Chưởng môn phái Võ Đang, khiến lão e dè. Nếu Phiêu Trần chết, lão mũi trâu nóng như lửa kia tất sẽ không để họ Trương lục soát Phiêu Trần mà lấy họa đồ. Lão mà xuất thủ thì Chưởng môn các phái cũng chẳng khoanh tay, nhất là phái Nga Mi.
Do suy nghĩ như vậy nên Trương Tự Thanh quyết định thủ hòa, chờ dịp khác mới thanh toán Sở Phiêu Trần. Chàng ta không thể nào thoát được mạng lưới trinh sát đông đảo của Khổng Tước bang.
Đã có chủ ý như vậy nên Trương Tự Thanh rút kiếm thủ thế, định dùng chiêu “Lư Sơn Vân Tỏa” để đối phó.
Ngọn Lư Sơn quanh năm bị bao phủ bởi mây mù, ít khi để lộ chân diện mục, trở thành một danh sơn và là đầu đề cho thi phú Trung Hoa.
Toàn Cơ Thượng Nhân đặt tên chiêu thức theo núi Lư Sơn quả cũng không sai. Khi Phiêu Trần vừa động thân thì quanh người Trương Tự Thanh xuất hiện một đám mây kiếm ảnh mịt mù. Lão ta nhìn thấy chàng nhưng Phiêu Trần lại không thấy lão được.
Phiêu Trần thấy đối phương chỉ thủ chứ không công, thần tốc biến hóa, bỏ dở chiêu “Kiếm Hải Cô Chu”, bốc thẳng lên không trung, đánh chiêu “Bích Thượng Xả Thân”!
Căn nguyên của cái tên này là hiện tượng ánh sáng kỳ ảo trên đỉnh Nga Mi sơn. Hiện tượng này được người đời gọi là Phật Quang hay Nga Mi Quang.
Ngọn Kim Đính của núi Nga Mi cao gần ngàn trượng (300m) trên có một vách núi dựng đứng, hiểm trở. Ở khoảng không bao la dưới vách đá là biển mây cuồn cuộn, tầng tầng, lớp lớp không thấy đâu là đâu. Còn phía trên mây là bầu trời xanh lồng lộng. Mùa Đông, đôi khi Phật Quang xuất hiện lúc bình minh, hoặc hoàng hôn.
Đó là một vòng ánh sáng to lớn bảy màu xếp theo thứ tự từ trong ra ngoài: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Mặt trời sáng chói thì màu sắc rực rỡ, nếu ánh sáng yếu ớt thì chỉ thấy máy vòng màu phân định không rõ. Có khi chỉ nhìn thấy một vòng sáng trắng lớn, kỳ diệu nhất là lúc xuất hiện đến mấy tầng ánh sáng liền, càng ra phía ngoài các vòng màu càng nhạt.
Do hiện tượng mầu nhiệm này, vài trăm năm trước, có một người đã cho rằng Phật Quang là biểu hiện của Bồ Tát hiển thánh liền nhảy từ đỉnh vách đá xuống để được siêu thoát. Từ đấy, vách đá trên núi Kim Đính được đặt tên là Xả Thân Bích!
Chiêu kiếm này lấy tên “Bích Thượng Xả Thân” là hàm ý gác ngoài sự sống chết, cũng như chiêu “Phật Quá Nại Hà” vậy. Nhưng khác ở chỗ là trên đánh xuống và lực đạo dồn cả vào một điểm duy nhất. Phiêu Trần nghe Tỳ Bà Sương kể rằng Trương Tự Thanh uống Toàn Cơ đại thần đan, có đến gần trăm năm công lực. Chàng đành phải liều mạng mới mong đả thương được kẻ thù.
Nếu Phiêu Trần dùng chiêu “Kiếm Hải Cô Chu”, lực đạo chia thành bảy luồng, chắc chắn không phá nổi màn mây kiếm kình quanh thân họ Trương. Nay chàng dồn hết chân khí vào một nhát kiếm nên kết quả khác hẳn, mũi kiếm của Phiêu Trần xuyên thủng lớp kiếm ảnh đâm thẳng vào đỉnh đầu Trương Tự Thanh, mặc cho thân hình mình bị kiếm khí của đối phương rạch nát.
Khổng Tước bang chủ thất kinh hồn vía, nghiêng người lùi nhanh. Lão thoát chết nhưng bắp vai bị đâm thủng, máu tuôn xối xả. Phiêu Trần hạ thân, lòng nuối tiếc không cùng. Chàng không giết được kẻ đại cừu hôm nay thì ngày mai cực kỳ khó khăn. Lúc ấy, lão sẽ đem hết bản lãnh ra tấn công chứ không đứng im chịu đòn nữa.
Ngực, bụng, và đùi Phiêu Trần bị kiếm khí đối phương rạch mười mấy đường ngang dọc, máu nhuộm ướt y phục, nhưng không vết thương nào sâu cả.
Khổng Tước bang chủ nghe vai trái đau nhức, căm hận rít lên :
- Tiểu tử giỏi lắm! Đúng ngày này sáu tháng sau, hẹn gặp nhau trên cầu Sách Khê.
Mọi người chấn động biết Phiêu Trần khó thoát chết. Ở nơi hiểm địa ấy, khinh công hoàn toàn không có đất dụng võ.
Sách Khê thạch kiều là một tảng đá thiên nhiên dài gần mười trượng, rộng nửa trượng bắc ngang qua hai đỉnh núi của núi Vũ Lăng đất Từ Lợi, Hồ Nam. Dưới cầu là vực sâu ba bốn chục trượng, đá rơi xuống còn tan nát, huống hồ thân xác con người?
Cầu đá Sách Khê là một thắng cảnh thiên nhiên, nhưng cũng là nơi hiểm ác tuyệt luân.
Phiêu Trần chua xót khi thấy mẫu thân xé vạt áo băng bó cho Trương Tự Thanh. Chàng lạnh lùng đáp :
- Hôm ấy tại hạ sẽ đem phần họa đồ của mình đến, và các hạ cũng phải đưa cả hai phần của mình. Nếu ai thắng được sẽ có ba phần!
Trương Tự Thanh cười rộ :
- Quân tử nhất ngôn! Tuy lão phu hơi thiệt một chút nhưng không hề gì!
Lão kéo Hà đại quận chúa và hai Phó bang chủ đi thẳng xuống núi, chẳng thèm chào ai cả. Âm mưu đã bại lộ, còn mua mặt làm gì nữa?
Các tăng lữ Đạt Ma viện cũng đã đưa Phiêu Trần vào trong băng bó. Chàng trở ra xin phép cáo tử về lữ điếm thay áo.
Thành Tâm Tử nhìn theo, giơ ngón cái khen ngợi :
- Nhân phẩm, căn cơ của vị Sở thí chủ này đáng gọi là kỳ hoa của võ lâm. Sau này sẽ làm rạng danh phái Nga Mi.
Phái Hằng Sơn thoát thai từ Nga Mi phái, gồm toàn những nữ ni do Linh Hựu thần ni, sư muội của Kim Đính Thượng Nhân, làm Chưởng môn. Bà hân hoan tiếp lời Thành Tâm Tử :
- Trần nhi dùng chiêu “Bích Thượng Xả Thân” đả thương được một cao thủ có trăm năm công lực như Khổng Tước bang chủ thì quả là trí dũng song toàn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.