Ngược Chiều Vun Vút

Chương 1: Chương 1




Các tay còi Việt Nam
Một dàn nhạc truyền thống kết hợp nhiều tay tài năng: tay chơi vi ô lông, tay thổi ô boa, tay đánh chũm chọe. Điều thấy thú vị là dàn nhạc đường phố Việt Nam cũng kết hợp nhiều tay tài năng không kém.
Tay còi giả là một tay còi lừa đảo. Hãy tưởng tượng khi đang đi xe thì mình nghe tiếng còi ngay sát đằng sau – có thể là xe ô tô lớn, xe buýt, xe công te nơ. Mình hốt hoảng chuyển sang làn bên phải vừa lúc một đứa hư hỏng vụt qua trên xe Wave Alpha bé tí. Hóa ra hắn cài còi to vào chiếc xe nhỏ - cảm giác từ sợ thành tức, như vừa phát hiện “con ma” trên tầng ba hóa ra cũng chỉ là chuột hamster do cháu ngoại bỏ rơi.
Tay còi khản bóp còi nhiều đến mức không còn còi để bóp; bóp cái còn lại ra tiếng ho yếu ớt của một xe máy bị viêm thanh quản. Điều thú vị là hắn vẫn cứ bóp bình thường, vẫn tỏ ra bực mình khi các xe đi trước không nghe tiếng và nhường chỗ.
Kỳ lạ hơn là Tay còi liên thanh. Hắn “bíp bíp bíp bíp” như cái còi của mình là súng chống máy bay và các xe đi trước đều là B52 hết.
Rồi đến với Tay còi suốt. Thay vì bóp nhiều lần liên tiếp, hắn bóp một phát dài. Tiếng bíp kéo dài đến tận hai, ba phút – ngón cái hôn nút còi suốt từ lúc ra đầu ngõ đến lúc dừng lại trước cổng công ty. (Lưu ý: tay còi suốt dễ trở thành tay còi khản.)
Tay còi đèn xanh xuất hiện đằng sau đám đông xe dừng trước đèn đỏ. Ngay lúc đèn chuyển xanh hắn bóp còi liên tục, mặc dù các anh chị dừng trước quá biết đèn chuyển xanh (do một số quy luật vật lý nên họ không thể cùng tăng ga một lúc được). Tay còi này có tên gọi khác là Tay còi tuyên truyền – hắn rất thích nói những điều ai cũng biết, khuyên những điều không ai làm nổi.
Đối với Tay còi điệu, tiếng còi là nhạc chuông trên phố. Hắn thích những giai điệu mang chất xiếc, phù hợp với các chương trình biểu diễn có con gấu đạp xe đạp. Để tăng độ phong phú, hắn thiết kế thêm những đèn màu LED (nhạc phát xập xình thì đèn nhảy lấp lánh), tưởng mỗi lần bóp còi là tặng người xung quanh món quà ý nghĩa.
Theo lý thuyết, bóp còi là để tránh tai nạn xảy ra. Rất tiếc Tay còi muộn chưa hiểu điều đó. Hắn đâm vào xe khác mới bóp còi – bóp to, bóp dài. Không dừng lại ở đó mà hắn chửi mắng người vừa bị hắn đâm. Hắn học thủ đoạn này ở các cầu thủ bóng đá khi làm đối thủ vấp ngã thì lập tức tự ngã lăn ra theo, ôm chân, kêu đau.
Tay còi tay phải xuất hiện bên làn phải đằng sau hàng chục xe dừng trước đèn đỏ. Hắn bấm, hắn bóp, hắn kêu, hắn thét. Ý hắn là: “Chúng mày rẽ phải đi để tao có thể rẽ phải theo”. Mặc dù là người Việt nhưng hắn chưa hiểu một số luật ngữ pháp tiếng Việt cơ bản. “Các phương tiện được phép rẽ phải” (ghi trên biển màu xanh) không có nghĩa là các phương tiệng phải rẽ phải. “Được phép” mang ý nghĩa khác với “phải”. Tôi được phép lấy vợ Việt Nam không có nghĩa là lấy vợ Tây thì tôi sẽ bị công an văn hóa hành hung.
Có người mù màu. Cũng có người mù vằn. Tay còi mù vằn dừng xe ngay trước vạnh trắng rồi bấm còi liên tục, nhìn người đang đi bộ qua đường với ánh mắt độc ác. Rất tiếc mắt hắn không nhìn thấy đường vằn dành cho người đi bộ. Có thể kiếp trước hắn là ngựa vằn bị sư tử vồ chết, kiếp này muốn quên hết mọi thứ liên quan đến kết thúc đau buồn ấy.
Cuối cùng là Tay còi không. Không bóp còi. Đơn giản hắn thích bóp miệng hơn. Miệng hắn đủ to khiến các loại phương tiện đi trước nhường đường ngay. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp Tay còi không “bất đắc dĩ”, là hậu quả cuối cùng của quá trình bắt đầu với Tay còi suốt và tiếp tục với Tay còi khản.
Tạm biệt Hello
Tôi may mắn được đi nhiều nước châu Á. Ở Nhật, nhân viên phục vụ luôn cúi đầu và chào khách bằng “Konichiwa”, nghe rất hay, cách lịch sự chỉ có ở Nhật. Ở Lào, nhân viên chào khách bằng “Sabaidee”, dù khách người Lào 90 tuổi hay người Tây vừa sang hôm qua. Ở Thái, nơi trình độ tiếng Anh của dân rất cao, nhân viên chắp hai tay vào nhau chào khách bằng “Sawatdee-Kaa” (hoặc “Sawatdee-Krap” nếu nhân viên là người nam). Ở Trung Quốc thì “Ni-hao”, ở Hàn Quốc thì “An nyeong ha say yo”, ở Campuchia thì “Choum-reap-sua”, ở Mông Cổ thì “Sain-baina-uu”…
Vậy tại sao ở Việt nam cứ khách Tây đến là “Hêlô! Hêlô!”, như các anh chị làm nghề phục vụ đang tham gia chương trình trao giải đặc biệt do Hội đồng Anh tài trợ. Tiếng Việt nghe rất thanh lịch và tình cảm – kể cả khi không hiểu nghĩa. Tại sao không dùng nó?
Tôi hỏi nhiều nhân viên phục vụ tại sao họ không chào khách Tây bằng tiếng Việt. Họ trả lời rằng họ muốn làm hài lòng khách tối đa, chào khách Tây bằng tiếng Tây sẽ khiến khách cảm thấy được quý. Họ lý giải một cách cặn kẽ, nhẹ nhàng và khiêm tốn. Họ nhầm.
Hãy hình dung một anh người Việt sang nước ngoài rồi ở đâu cũng được (hoặc bị) chào bằng “Xin chào”, phát âm lơ lớ, thanh điệu chưa chuẩn. Có khi lúc đầu anh ấy cảm thấy vui – “Hay nhỉ, người ở đây thích dùng tiếng mình!” – nhưng sau một thời gian anh ấy rất chán. “Hello” nói với giọng uyển chuyển và thanh lịch của người Anh nghe hay hơn nhiều.
Nhiều khách Tây bước vào cửa hàng tại Việt Nam và được chào bằng tiếng Việt thấy sướng tai lắm. Câu đó, nó lạ, nó hay, nó chính là lý do mình xách va li đi đến nơi xa. Trái lại, nhiều khách Tây bước vào cửa hàng tại Việt Nam và bị chào bằng “Hello”, từ hai âm tiết nghe hàng triệu lần tính từ lúc sinh ra, phải nói là hơi ngứa tai một chút. Chưa đủ ngứa để nói với người ta, nhưng đủ để nói với bản thân.
Không phải chỉ mất cơ hội “tặng quà”, mà các anh chị phục vụ vô tình mở hộp Pandora, tự kéo về nhiều rắc rối lẽ ra không cần. Nhân viên chào khách Tây bằng tiếng Việt là lịch sự mời khách theo văn hóa của nơi đang ở.
Thêm vào đó, “Hello” là tiếng Anh. Có nhiều người không thực sự thoải mái với sự phổ biến của tiếng Anh trên toàn cầu – nhất là người Pháp. Người Pháp nào cũng biết một chút tiếng Anh, nhưng sang Paris sẽ không có người bán bánh nào chào du khách nước ngoài bằng “Hello”. Người Đức, người Nga, người Tây Ban Nha – số người “dị ứng tiếng Anh” hiện đang rất cao. Họ công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, nhưng sự công nhận ấy mang tính miễn cưỡng. (Hãy hình dung tiếng Trung thành ngôn ngữ quốc tế và du khách người Việt đi đâu cũng bị chào bằng “Ni-hao”.) Biết đâu cánh cửa cửa hàng chưa kịp đóng là người bán hàng đã làm mất lòng khách.
Cách của Việt Nam luôn là an toàn nhất. Là sướng tai nhất, chu đáo nhất.
Tuy nhiên cách của Việt Nam là cách nào? Khuyên nhân viên chào khách Tây bằng tiếng Việt thì dễ - nhưng chọn cụm từ nào để chào là một việc khác. Xin chào? Chào anh chị? Chào cô, chú, bác, ông, bà, cụ? Khỏe không? Đi đâu đấy? Mỉm cười không nói gì? Hình như tiếng Việt chưa có cách chào phổ biến nào có thể áp dụng trong mọi trường hợp thuộc loại “Hello”. Tiếng Nhật có “Konichiwa”, tiếng Hàn có “An nyeong ha say yo”. Nhưng tiếng Việt thì… tiếng Việt hơi phức tạp.
Lúc đầu tôi nghĩ ứng cử viên triển vọng nhất vẫn là “Xin chào”. Vừa đơn giản vừa Việt Nam. Nhưng sự thật là từ “Xin chào” trong tiếng Việt nghe khác với từ “Hello” trong tiếng Anh. Khi phân tích về chuyện này trên các mạng xã hội tôi nhận được một số phản hồi tỉnh táo, trong đó có lời nhận xét của một bạn tên Nghị đang sinh sống tại thành phố quê hương tôi.
“Xin chào có trong từ điển tiếng Việt hẳn hoi, có trong hầu hết tất cả phần dịch của các sách ngoại ngữ giao tiếp, nhưng đây lại là một từ gần như tuyệt chủng trong giao tiếp hàng ngày. Chỗ duy nhất mà tôi biết nơi “Xin chào” được chính thức hóa là nhà hàng gà rán Kentucky. Và thú thật, tôi có ác cảm với nó ngay từ lần đầu nó được áp dụng hồi tôi còn học cấp hai… ‘Xin chàooo!’ Thú thật tôi không hiểu vì sao KFC lại đề ra quy định này cho nhân viên… với phong cách hiện đại, chủ đề thức ăn nhanh và trẻ trung của KFC, nói ‘Hi’ là gọn lẹ và hợp nhất với tiêu chí của nhà hàng.”
Chuyện Nghị là người Việt viết bài ở Vancouver để ủng hộ cách chào của tiếng Anh, còn tôi là người Canada viết bài ở Hà Nội để ủng hộ cách chào của tiếng Việt chứng tỏ rằng Thái Bình Dương đang ngày càng nhỏ đi. Nhưng nước vẫn còn và mình nên trôi về vấn đề chính: từ “Xin chào” chưa ổn. Nếu cảm giác của bạn Nghị là cảm giác phổ biến (và tôi tin thế) thì phải tìm từ khác.
Cứ cho rằng “Xin chào” đã tuyệt chủng trong giao tiếp hàng ngày: “Konichiwa” là nhân viên Nhật chào khách Tây giống cách họ chào khách Nhật. Nhưng “Xin chào” (vì chết trong giao tiếp) là nhân viên Việt chào khách Tây không giống cách họ chào khách Việt.
Mà sự phân việt là thực chất của vấn đề. Một cách chào dành riêng cho khách Tây; một cách ứng xử dành riêng cho khách Tây, (một mức giá dành riêng cho khách Tây) – tất cả đều không ổn. Sự quý mến là nguyên lý nhân quả: quý người ta là để người ta quý mình. Nhưng muốn được quý thì phải biết mình là ai.
Tôi vẫn cho rằng nếu chỉ có hai lực chọn “Hello” và “Xin chào” thì các anh chị làm nghề phục vụ nên chọn “Xin chào” để dùng với khách Tây. Trong mắt đa số thì “Xin chào” thắng “Hello” tuyệt đối.
Nhưng không phải tiếng Việt chỉ mỗi sự lựa chọn ấy đâu. Tôi nghĩ tới nghĩ lui mới quyết định cách tốt nhất là cách quen thuộc nhất.
Chào anh! Chào chị! (Chào cô, chào chú, chào bác!) Tại sao không? Thỉnh thoảng người Việt đánh giá hơi thấp về khả năng tiếp cận văn hóa của khách Tây – đến giờ vẫn có người ngạc nhiên khi thấy tôi dùng đũa. Sự thật là du khách Tây ở bên này nhanh hiểu không khác gì du khách “ta” ở bên kia.
Cách chào của tiếng Thái cũng phụ thuộc giới tính (của người nói) nhưng không vì thế mà nhân viên phục vụ ở đó ngại dùng với khách Tây. Họ tự tin. Họ công bằng. Họ không lộ quốc tịch của khách qua nội dung lời chào. Tất nhiên hệ thống xưng hô của Việt Nam phức tạp hơn một chút, nhưng không đến nỗi là phải giấu nó dưới giường mỗi khi thấy khách Tây chạy tới.
Chào anh đi. Chào chị đi. Khách sẽ hiểu, còn nếu chưa thì đó là cơ hội dạy thêm về văn hóa Việt Nam – “You are my “chị”, it means “older sister”. Đó là một Việt Nam tôi muốn du khách luôn thấy. Một Việt Nam tự tin. Một Việt Nam tự nhiên. Không phải một Việt Nam “generic” đạt tiêu chuẩn ISO 9002.
Cách chào là một trong những điều thiêng liêng nhất của một ngôn ngữ, là điểm khởi đầu và khép lại một cuộc trò chuyện. Người Việt khá khiêm tốn, quý khách, nhiệt tình hòa nhập – nhưng nhiệt tình đến mức thay lời chào của mình bằng lời chào của người ta “hé-lộ” một điều khó nói. Chào xong thì dùng tiếng nào cũng được; nhưng phải chào xong đã.
Dĩ nhiên vấn đề này lớn hơn các anh chị làm nghề phục vụ. Vừa lớn hơn, vừa nhỏ hơn. Tôi xin kết thúc bài viết đanh đá này bằng một câu chuyện vui . Hồi mới sang Hà Nội, tôi thuê nhà trong một khu chung cư cũ. “Hello, Hello”, các cháu kêu mỗi khi thấy tôi xuống cầu thang. Đứa nào ngại bị bố mẹ giục: “Ông Tây kìa. Con Hê-lô đi”. Tôi mỉm cười, vẫy tay, bước ra khỏi cổng.
Ngay cổng hay có một cháu trai khoảng bốn tuổi đạp xe đạp theo vòng số tám, mặt nó to, tóc nó ngắn tũn. Khi thấy tôi, nó luôn nhìn lên và nói “Chào chú!” (Còn chưa thấy thì bố nó nhắc: “Con ơi, chào chú kìa!”). Tôi quý nó lắm! Quý nó vô cùng.
Nó là tương lai của Việt Nam.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.