Như Là Yêu Thương

Chương 13: Chương 13




Cả nhà quây quần bên mâm cơm vui vẻ, bia bốc hơi men lên mặt mọi người. Ba hỏi anh Trí:
- -Mai em Minh thi, con đã xem bài vở em kỹ càng chưa?
- -Dạ tốt rồi, chiều và tối nay để nó chơi cho thư giãn tinh thần.
Ba lại hỏi tôi:
- -Con đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần chưa?
Tôi ngập ngừng:
- -Sao... sao.. hình như con quên hết...
Dì Phượng vuốt tóc tôi:
- -Vậy là tốt, quên bây giờ để ngày mai vào thi nhớ tất cả, đó là kinh nghiệm của dì.
Ba lại hỏi dì Phượng:
- -Em dạo này ra sao, làm việc vui chứ?
Dì Phượng gắp một miếng rau bỏ vào chén:
- -Vui thì vui vì hợp với chuyên môn của mình nhưng mà nghèo lắm anh ơi.
Ba cười:
- -Bác sĩ mà lại than nghèo à?
- -Anh chị nghĩ coi, lương công nhân viên không đủ ăn sáng, tiền vá cái ruột người còn thua tiền vá cái ruột xe, mà có được lành ngay đâu, cả nửa năm mới có tiền rót về thanh toán - dì Phượng cười buồn - học hành tốn hao nhiều cơm gạo, đến bây giờ mạ vẫn nuôi em.
Anh Trí bỏ thêm đá vào ly dì:
- -Bà ngoại vẫn mạnh hả dì, bà vẫn buôn bán khá chứ?
Mặt dì Phượng tươi lên:
- -Nhờ trời cũng khá Trí à, nhưng dạo ni bà cũng yếu rồi, phải nhờ mấy người bà con giúp đỡ.
Dì quay sang ba mẹ:
- -À, mạ có làm mấy phong bánh đậu xanh ướt gởi cho anh chị, em còn để trong giỏ, mạ nói anh Tuệ thích bánh này lắm phải không?
Tôi vừa nhai cơm vừa la lên:
- -Hay quá, cháu cũng thích nữa.
Anh Trí nghiêm nghị nhìn tôi:
- -Nuốt xong đàng hoàng rồi hãy nói.
Ba cũng tỏ vẻ không bằng lòng:
- -Con gái lớn rồi phải ý tứ chứ.
Mẹ bênh tôi, mẹ đánh trống lãng:
- -Ái Minh ăn xong vào pha trà đi con.
Tôi thoát nạn, buông đũa, nhảy chân sáo xuống bếp.
Dì Phượng đã sắp xong hai đĩa bánh đặt trên bàn, khi tôi bưng khay trà lên thì ba mẹ đã ngồi vào salon, anh Trí đang giúp dì Phượng soạn hàng từ giỏ ra. Ba giục:
- -Thôi để đấy, tới uống trà, ăn bánh đã.
Tôi cầm chiếc bánh đậu vàng ươm tròn trĩnh ngắm nghía, thầm phục bà ngoại, quả là danh bất hư truyền. Dòng họ của bà có nghề làm bánh suốt mấy đời mẹ truyền con nối, khắp xứ Huế và các tỉnh miền Trung không ai không biết đến hiệu bánh "Hương Giang" nổi tiếng của bà. Nghe nói trước đó nữa, hồi thời bà cố tôi kìa, hiệu bánh phát triển lớn lắm, đủ sức phục vụ cho hầu hết các đám tiệc, đám cưới trong thành phố, nhưng đến đời bà ngoại tôi, gặp chiến tranh đời sống khó khăn nên sức tiêu thụ cũng giảm bớt, hiệu bánh thu hẹp phạm vi sản xuất, bảng hiệu cũng hạ xuống, bà ngoại chỉ làm cầm chừng đủ nuôi mẹ và dì Phượng ăn học. Bây giờ bà ngoại đã già nhưng các tay làm bánh ở Huế không ai qua nổi bà món bánh măng, bánh mận, và bánh su sê, nhà nào có đám cưới phải đặt trước cả tháng trời mới mong có bánh. Ba vừa ăn bánh vừa nói với dì Phượng:
- -Mạ làm bánh ngon quá, hay là em học nghề mạ, mở rộng tiệm bánh chắc là khá đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.