Nhu Phong

Chương 21: Chương 21




Người cõi âm rời khỏi dương bạt sẽ có cảm giác gì?
Bão Kê nương nương đã hơn một lần nghe chính miệng người cõi âm kể lại.
Là lửa ấm bên mình thình lình vụt tắt, chớp mắt đã sa xuống hầm băng, từ đầu đến chân buốt cóng thấu xương thấu tủy, toàn thân tưởng chừng bị ngàn vạn mũi kim do băng kết thành châm ngập da thịt.
Đó là điềm báo thối rữa.
Nàng trông thấy Lý Nhu Phong đột nhiên rùng mình, dừng bước ngoái đầu, hoang mang xoay khắp bốn phía.
Chẳng cần quá lâu, chàng bắt đầu luống cuống. Chàng đã không thể đứng yên. Con người khi lo âu sẽ trở nên cuồng chân, bước loanh quanh vô định. Hai tầng thế giới đan cài trong chàng đảo loạn. Đôi mắt chàng chứng kiến chuyện âm gian, bên tai chàng vang vọng tiếng dương thế, một khi tâm trạng rối bời, hai tầng thế giới này liền nhiễu động.
Chàng bắt đầu va vào đoàn người nườm nượp nối đuôi lui tới trên phố chợ, nhận lấy vô số lời nhiếc mắng cay nghiệt. Chàng không dám dịch chuyển nữa, chàng gọi: “Nương nương!Nương nương!” Mỗi tiếng mỗi nôn nóng hơn.
Phải chăng chàng luôn nghĩ, trong thế giới riêng mình trông thấy được kia, một quầng lửa như nàng là rất dễ tìm? Cái thế giới đen tuyền một màu với bao quỷ hồn phiêu đãng, một quầng lửa như nàng này, chỉ cần nằm trong tầm mắt của chàng thì chẳng lý nào có thể mất dấu.
Nhưng Bão Kê nương nương biết chàng không còn thấy mình nữa. Nàng ngồi lọt thỏm giữa tàng lá rậm rạp của một cội hòe già. Loại cổ thụ nửa cây nửa quỷ mấy trăm tuổi này đều đã thành tinh, âm khí rất nặng, đủ để bọc kín một dương bạt mới hai mươi năm như nàng.
Bên đường vẫn lanh lảnh rộn vang những lời rao đầy vần điệu từ hàng dãy sạp, quán, từng tiếng bắt tai, nhanh chóng át mất giọng Lý Nhu Phong. Chàng gọi đến khô cổ, ho khan vài tiếng. Khi nhấc tay che miệng, chẳng biết phải chăng đã ngửi thấy đầu ngón tay mình bắt đầu bốc mùi thối rữa, chàng bất giác nôn khan.
Bỗng đâu từ đầu đường có tên lưu manh nghênh ngang đi lại, hất chàng ngã nhào xuống đất. Bão Kê nương nương thấy chàng cúi gằm đầu, lọn tóc đen nhánh chợt như bị sương tuyết lan phủ, trắng hết quá nửa.
Bão Kê nương nương thầm nghĩ nguy mất rồi! Lý Nhu Phong thế này là sắp biến thây ma! Một khi chàng đánh mất lý trí, chỉ sợ cả con phố này sẽ máu chảy thành sông. Đạo sâu ẩn chốn phố phường, nào ai dám chắc khu phố chợ này sẽ không xuất hiện cao nhân Đạo gia muốn lấy mạng chàng! Nàng đang tính trèo xuống, thì thấy Lý Nhu Phong chầm chậm thả tay đang che mặt ra, cuối cùng thần sắc đã ổn định như cũ.
Bão Kê nương nương thở phào, chợt ý thức mới rồi mình còn thấp thỏm âu lo vì Lý Nhu Phong. Nàng bỗng dưng nổi cơn thịnh nộ, phần tâm nhiệt tình cũng nhanh chóng nguội lạnh, sắt đá trở lại. Thừa lúc Lý Nhu Phong nhìn qua hướng khác, nàng nhảy khỏi cội hòe, tung người lên ngựa, phóng như bay vào ngõ nhỏ bên cửa tây.
Thẳng hướng tây, đi qua hai con phố thì tới khu Lộc. Khu Lộc này ở vào thượng nguồn sông Tần Hoài. Dưới thời Trừng vương trị vì thì trong vùng có khoảng ngàn hộ gia đình, phần lớn đều theo nghề nấu rượu. Tuy sau chừng ấy chiến loạn, số hộ đã giảm đi một nửa, song đây vẫn là nơi tụ tập nhiều phường rượu lớn nhất thành Kiến Khang.
Vừa vào khu Lộc đã nghe hương rượu ngây ngất say lòng. Bão Kê nương nương đi thẳng đến một nhà bán rượu Lạc Dương. Rượu phương bắc luôn rất mạnh và ngấm lâu, phường rượu của nhà này nổi danh với “Bạch Đọa xuân lao" (rượu thuần Bạch Đọa), được tán dương là vị đậm hương nồng, đã uống ắt sẽ say, trọn con trăng không tỉnh. Tương truyền từng có kẻ cướp bởi vì vừa uống đã say mà bị tóm gọn, từ đó dẫn tới một câu lưu hành trong giới hiệp khách giang hồ: “Chẳng sợ gì giương cung rút đao, chỉ duy sợ Bạch Đọa xuân lao” [1].
Những khi trong túi rủng rỉnh, Bão Kê nương nương rất thường đến đây nên khá thân quen với tiểu nhị. Số tiền lấy từ chỗ Pháp Tuân vẫn còn dư kha khá, nàng dốc hết ra, gọi tiểu nhị dọn Bạch Đọa xuân lao thượng hạng cho mình.
Tiểu nhị cười tít mắt: “Nghe bảo nương nương lại vào phủ của Dương tướng quân à?”
Bão Kê nương nương không xem đó là châm chọc, chỉ cười nhạt đáp: “Bắt tin nhanh đấy.”
“Nương nương là người tôi luôn ghi khắc trong lòng mà, sao có thể thiếu quan tâm được.”
Bão Kê nương nương cười nhẹ. Nàng nhìn quanh phường rượu thấy các ghế đều trống, ngoài mình ra thì chẳng còn ai khác, bèn hỏi: “Sao đêm nay vắng quá vậy? Ta thấy bên đầu phố kia đèn đuốc như ban ngày, trông tưng bừng lắm.”
Tiểu nhị than: “Thì phải vắng thôi. Ngài không biết chứ, hôm nay Ngô vương giá lâm bên quán kia, chẳng biết sao tự nhiên nổi hứng, nhất định phải tự xắn tay làm việc, còn để vương phi bán rượu, ra vẻ là gia đình thương nhân. Càng nhiều người mua thì ngài ấy càng vui. Hồi đầu dân chúng cũng sợ lắm, nhưng về sau phát hiện mua rượu còn được thưởng tiền nên ùn ùn kéo nhau qua đó. Ngài xem đấy, bảo sao mà không tưng bừng?”
Bão Kê nương nương rút một đôi đũa trong ống đũa, gõ ngược lên bàn để so cho ngay, rồi gắp lấy một hạt lạc bỏ vào miệng. Nàng bấm đốt tínhtoán: “Giờ Tuất (19h) sẽ chết người. Nhớ đóng cửa sớm.”
Tiểu nhị cười: “Tiết lộ thiên cơ, ngài không sợ trời phạt à.”
Bão Kê nương nương lại ăn một hạt lạc, nhai ngon lành: “Phạt thì phạt thôi, có sinh tử nào mà ta chưa thấy qua, đã bao giờ ông thấy ta sợ chưa?”
Tiểu nhị nheo mắt cười, bưng rượu đến cho nàng. Đồ dùng uống rượu được xếp trên một khối ngọc bích cổ ram ráp, bên cạnh đặt vài nhành hoa dành dành. Ngọc và hoa, hai màu xanh trắng đan xen rất tinh tế.
Tiểu nhị thấy Bão Kê nương nương trầm ngâm nhìn khối ngọc cổ thì cười giới thiệu: “Bạch Đọa xuân lao vốn là phải chứa trong bình ngọc. Bữa trước tôi vừa có được một khối gạch Hán đấy, bên trên chạm nổi năm chữ triện vuông.” Ngón tay ông ta nhịp nhịp lên khối ngọc, lẩm nhẩm, “Vĩnh Hòa năm thứ chín. Tôi nhớ trước giờ ngài thích mấy thứ bia đá khắc chữ, chuông vạc hay như này, nên muốn lấy ra khoe chút.”
Bão Kê nương nương tự rót đầy chén, nốc một hơi cạn sạch, đoạn đặt cộp xuống bàn, hiên ngang nói: “Ông đừng hòng gạt tiền ta nữa. Từ hôm nay trở đi, nương nương ta không thèm ba cái thứ đấy!”
Tiểu nhị tủm tỉm châm đèn sáng trưng cả bốn góc phường để nàng thêm hứng thưởng rượu. Ông ta mời: “Đêm nay vắng khách thì ngài cứ uống thả cửa đi. Ban sáng bà nhà tôi bị ngã trật chân, tôi phải vào trông con giúp bà ấy đây.”
Bão Kê nương nương nhắc: “Khoan, ông đóng cửa lại trước đã.”
Tiểu nhị ngó qua đồng hồ nước: “Còn nửa canh giờnữa mới tới giờ Tuất, chưa biết chừng sẽ bán thêm được đấy. Nương nương canh tiệm hộ tôi nhé.” Dứt lời thì đi vào trong.
Bão Kê nương nương ngồi đây tự châm tự uống, nghĩ bụng, có rượu ngon mà không ai làm bạn thì đúng là tịch mịch. Nghĩ thế rồi lại uống nhiều thêm.
Chẳng mất quá lâu, quả có một người tới mua thật. Bão Kê nương nương rời bàn, loẹt quẹt giày vải đi qua, uể oải hỏi: “Muốn mua gì vậy?”
Người kia lặng thinh. Bão Kê nương nương vừa ngước mắt thì không khỏi ngạc nhiên.
Là một cô bé, thoạt nhìn chỉ độ mười lăm mười sáu tuổi, đôi mắt sâu to tròn, sống mũi cao, nước da trắng hơn dân Ngụy rất nhiều.
Cô bé này chắc là người Tây Vực. Nghe nói bên Trường An, Lạc Dương có khá nhiều ca kỹ người Hồ như thế, nhưng Kiến Khang ở Giang Nam đây lại rất hiếm gặp. Cô bé này trông dáng người rất mượt°mà, đầy đặn. Dù đã bọc áo dài kín bưng thì vẫn thấy rõ là có da có thịt, chứ không mảnh mai yểu điệu như các cô gái Giang Nam.
Cô bé cũng đang nhìn thẳng vào nàng, giống như đã nhận ra nàng, trong mắt lại chứa ý trốn tránh.
Bão Kê nương nương mơ hồ nhận ra có gì đó khác thường, nhưng chẳng thể nói rõ. Nàng lặp lại câu hỏi: “Cô cần mua gì?”
Tiếng Hán của cô bé không sõi lắm, chỉ nhỏ nhẹ đáp: “Năm cân Bạch Đọa xuân lao.”
Bão Kê nương nương hơi ngạc nhiên với tửu lượng khá cao của cô bé người Hồ này. Nàng xách ra năm vò rượu, dùng dây thừng cột thành một xâu đưa cho cô bé. Trên vách tường đã treo sẵn bảng gỗ viết tên rượu và giá cả bằng sơn son, cô bé lấy tiền ra đếm rồi đặt lên quầy. Khi nhận tiền, đầu ngón tay Bão Kê nương nương sượt qua tay cô bé, chợt.thấy một sợi âm khíu ám quấn lấy đầu ngón tay, khiến nàng là dương bạt mà cũng phải rùng mình.
Cô bé lao nhanh ra khỏi phường rượu. Chờ đến khi Bão Kê nương nương kịp phản ứng lại, đuổi theo thì cô bé đã mất hút vào màn đêm.
Người cõi âm.
Cô bé này đúng là người cõi âm.
Thế mà lại có người cõi âm không muốn đến gần dương bạt như nàng. Nói vậy, lẽ nào trong thành Kiến Khang còn một dương bạt khác?

Cửa phường rượu đóng chặt. Khi ánh lửa bên ngoài rực sáng, nàng và tiểu nhị đã thổi tắt đèn trong phường, chỉ chừa lại vài ánh nến leo lét trên lối đi.
Tiếng hô “Sát” vang trời dậy đất, chúng dân gào khóc cắm đầu trốn chạy. Rất nhiều người đập cửa dọc đường, xin: “Cứu mạng!”
Bão Kê nương nương và tiểu nhị cùng tự châm một chén, ngửa đầu nhắm mắt mà uống.
Người nào mệnh nấy.
“Loạn thế, mệnh trong tay trời.” Bão Kê nương nương lầm rầm, “Chẳng thể cứu mạng ai.” Nàng đã ngà ngà say.
“Có Trừng tặc muốn ám sát Ngô vương!”
“Phàm những nhà sáng đèn đều phải vào lục soát! Gặp kẻ mặc áo đen, giết!”
Hung tàn như thế, chắc chắn là lính của Dương Đăng.
Tiểu nhị quay qua Bão Kê nương nương, chắp tay: “Đa tạ.”
Cả mặt Bão Kê nương nương đỏ gay, chẳng buồn ngước mắt: “Cảm tạ thế nào?”
“Đây là ân cứu mạng cả nhà tôi.” Tiểu nhị nói, “Chỉ cần là việc tôi có thể làm, xin nương nương đừng ngại mở lời.”
***
Đến giữa giờ Hợi (22h) Bão Kê nương nương mới chuếnh choáng rời khỏi khu Lộc. Khắp các nẻo đường trong khu này đã hoàn toàn tĩnh mịch. Ngựa ô rón rén, dè dặt bước tránh hàng đống tử thi nằm ngổn ngang đầy đường, đi dọc bờ sông Tần Hoài về hướng đông.
Tần Hoài phồn hoa, Tần Hoài phủ ngợp ánh đèn chiếu tận trời xanh xưa kia, nay đã tan thành sương khói. Phố xá bên bờ tiêu điều, chẳng còn một bóng người.
Bão Kê nương nương ngồi ngang lưng ngựa, hai chân để trần, bàn chân gác cả lên yên. Nàng xõa tóc dài, ôm vò rượu, ngửa đầu mà uống.
“Chậm thôi, chúng ta vừa đi vừa ngắm sao.” Bão Kê nương nương say khướt lầm rầm. Thế mà ngựa ô giảm tốc độ thật, cứ lộp cà lộp cộp ưu nhã bước đi.
Đằng trước là một cây cầu đá vắt ngang sông Tần Hoài, có cỗ xe to chất đầy rượu quý kẽo kẹt băng qua. Trên xe cắm một lá vương kỳ, xem ra là xe của cung Ngô vương.
Hoạn quan đánh xe cầm roi dài trong tay, đến lưng chừng cầu chợt vung vút đi tựa rắn độc, quất ngay một tiếng như pháo nổ vang.
“Ăn mày ở đâu tới, đêm hôm khuya khoắt dám chắn giữa cầu!”
Thái giám lòng đầy oán giận vì bị bề trên sai đi làm việc giữa đêm khuya, cứ quất hết roi này đến roi khác. Mãi tận khi xe qua khỏi cầu mới thôi không nghe tiếng roi nữa.
Ngựa ô bước lên cầu. Trước mắt là mặt đá được ánh trăng dát bạc, sáng lóa như một miền tuyết trắng. Lý Nhu Phong đang ngồi xổm bên thành cầu, bộ áo lam đã bị đánh rách bươm.
Chàng cúi gằm đầu, lặng thinh.
Bão Kê nương nương thấy sau
lưng chàng có một chiếc giỏ phủ vải kín mít, chiếc giỏ ấy thế mà lại vẫn nguyên.vẹn. Nàng vung roi, ngọn roi quấn quanh quai giỏ, cuốn nó tới bên mình. Lý Nhu Phong nghe tiếng roi kia thì toàn thân khẽ run.
Bão Kê nương nương lật miếng vải lên, chỉ thấy bên trong có một chiếc bình.và một hộp đựng thức ăn. Trong bình ngâm một miếng lê nhỏ, vừa mở nắp đã tản ra mùi mật ngạt ngào; trong hộp là một con cá trắng tỏa hương thơm phức và vẫn còn âm ấm.
Lê ngâm[2] của Bác thị, cá trắng nướng rượu [3] của lầu Minh Nguyệt, đều là các món ngon nổi tiếng ở vùng ven sông Tần Hoài, được lưu truyền từ tiền triều tới nay. Tiếc rằng chúng đều cực đắt cực quý hiếm, trước giờ chỉ dành riêng cho vương công quý tộc độc hưởng. Nàng đến Kiến Khang lâu vậy rồi mà vẫn chưa biết mùi vị thế nào.
Bão Kê nương nương lạnh nhạt nhìn những thứ ấy rồi xếp tất cả lại như cũ.
“Tiền ở đâu ra?”
“Phạm tiên sinh đưa tôi trước khi chia tay.”
“Đưa bao nhiêu?”
“Tôi không tiện nhận nhiều, chỉ lấy một ngàn.”
Tuy Bão Kê nương nương chưa bao giờ nếm những thứ này, song vẫn biết rõ giá cả của chúng. Những nhà phú quý ăn mỗi bữa luôn mất đến hàng vạn đồng. Cá trắng nướng rượu được xếp vào hạng mĩ vị, chỉ riêng món đấy thôi đã tốn tám trăm tám mươi đồng. Một bình lê ngâm Bác thị nhỏ cũng phải thêm cả trăm đồng.
Bão Kê nương nương lạnh lùng nhìn chàng, đột nhiên giơ tay, hất cả giỏ cá trắng và lê ngâm xuống sông.
Nghe tiếng rơi tõm, Lý Nhu Phong cuống quýt nhào đến thành cầu, vội quay đầu giải thích: “Nương nương! Đấy là tôi mua riêng cho ngài, cá trắng rất tốt cho cơ thể ngài, mật lê có thể thông phổi ”
“Chát” một tiếng, chưa đợi Lý Nhu Phong nói hết, Bão Kê nương nương đã quất một roi trúng mặt chàng. Bên má vừa bị thái giám đánh lại hằn lên một lằn tím xanh, khóe miệng còn rách chảy máu.
“Giỏi lắm Lý Nhu Phong.” Bão Kê nương nương lãnh đạm mắng, “Còn dám lén giấu tiền riêng.”
Lý Nhu Phong chợt quay ngoắt qua hướng khác không thèm nhìn nàng, trong đôi con ngươi đen như mực đã ướt sương giăng. Chàng mím chặt môi, bờ môi phai màu, bàn tay cũng siết lại.
Bão Kê nương nương ngồi thẳng ngay dậy, điềm nhiên ra lệnh: “Đi qua đây.”
Lý Nhu Phong chẳng nghe theo, trong mắt đầy lửa giận, chỉ không trút ra bằng sạch.
Bão Kê nương nương vỗ ngựa ô đến gần chàng thêm chút, kéo ống tay áo chàng lại để mình ở ngay trước mặt chàng, quát lớn: “Chẳng phải nói làm trâu làm ngựa à? Có trâu ngựa nào mà chủ sai không được không?”
Lý Nhu Phong dằn cơn.giận xuống, nhưng vẫn ngậm miệng, lặng thinh đứng đấy.
Ánh trăng bàng bạc như tuyết như băng trên cao vẫn tỏa sáng, tưởng chừng còn có cả nhiệt độ.
Bàn tay với các khớp rõ ràng của Bão Kê nương nương xoa lên gò má Lý Nhu Phong, toàn thân chàng khẽ run.
Vết thương kia liền khép miệng lại.
Bão Kê nương nương vuốt sạch từng vết bầm trên mặt chàng, chợt cúi đầu xuống, hôn lên bờ môi lành lạnh của chàng.
Vệt tuyết sương nhiễm lên mái tóc chàng khi trước, bỗng chốc hóa tan đi.
- ---------------
[1] Bạch Đọa xuân lao: Theo “Lạc Dương Già Lam ký”, Lưu Bạch Đọa thời Nam Bắc triều giỏi cất rượu, thứ rượu ủ từ lá dâu của ông ngon đến mức ai uống vào cũng phải say cả tháng. Thứ sử Thanh Châu trong một lần chở rượu này về thì gặp cướp, bọn cướp có được rượu lại uống say bất tỉnh rồi bị bắt. Bởi vậy rượu này còn có tên là “rượu bắt cướp”, được lưu truyền với câu “Chẳng sợ gì giương cung rút đao, chỉ duy sợ Bạch Đọa xuân lao”, và tên “Bạch Đọa xuân lao” vang danh là loại rượu cực mạnh thời bấy giờ.
[2] Lê ngâm: Một loại rượu trái cây được ghi trong sách “Tề Dân Yếu Thuật” thời Bắc Ngụy, dùng lê ngâm trong bình nước pha rượu ấm và bịt kín bằng bùn để lên men.
[3] Cá trắng nướng rượu: Món ăn được ghi trong sách “Tề Dân Yếu Thuật” thời Bắc Ngụy, dùng cá trắng (một loài cá chưa xác định rõ, thuộc chi Anabarilius sống ở TQ) mổ lưng, nhồi thịt vịt băm đã xào trước và nhiều loại gia vị, nướng lửa nhỏ đến khi chín một nửa thì quét hỗn hợp rượu đắng trộn tương, chao, rồi nướng tiếp tới khi chín hẳn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.