Những Bông Hồng Trong Thung

Chương 12: Chương 12




Nguyên đi được gần một tháng, mẹ tôi hỏi về Nguyên đến năm lần. Tôi nói Nguyên về Sài Gòn rồi và tôi không biết tin về Nguyên, bà thở dài. Lần thứ sáu, mẹ tôi buột miệng:
- Mẹ nghĩ hai đứa vẫn liên lạc với nhau... con bé Nguyên dễ thương biết chừng nào. Nhưng mà nó là con gái mà nó có ý chí mạnh quá! Mẹ phục nó!
Đêm ấy, mẹ tôi đã nói cho tôi một quyết định của bà. Tôi không thể thay đổi được gì, mọi thứ đã được mẹ tôi sắp xếp từ bao giờ. Ngay tuần sau, tôi có mặt ở Sài Gòn. Mẹ tôi về ở gần nhà cậu tôi ở Finôm, căn nhà bên thung lũng đã được sắp xếp đón người chủ mới. Mẹ nói tôi hãy yên tâm vì bây giờ mẹ tôi đã có vợ chồng cậu Út gần bên. Việc của tôi là tự lực, cố gắng mưu sinh và ôn thi lại vào đại học.
Tiền bán con Phi, tôi mua chiếc xe cà tàng về Sài Gòn làm phương tiện kiếm sống. Thằng đàn ông trong tôi đã khóc đau đớn ngày rời khỏi Đà Lạt, ngày để mẹ lại với sự cô đơn, ngày chia tay với người bạn bốn chân mà tôi rất thương yêu. Nhưng tôi hiểu ra những gì Nguyên nói, tôi không thể đi vào lối cụt. Cách tốt nhất để vượt qua nỗi buồn là đạp lên nó và đi qua. Trước tiên, tôi phải dũng cảm đối diện với mọi vấn đề. Mẹ tôi cũng phải vượt qua quá nhiều nỗi buồn để là người mạnh mẽ và dũng cảm khi quyết định nói tôi về Sài Gòn.
Sau này tôi mới nghe mẹ kể lại, Nguyên đã chủ động tìm tới gặp mẹ. Qua những câu chuyện, những lời nói chân thành và sự gợi ý của em, mẹ tôi đã quyết định như thế. Những sự hy sinh nếu có, không phải là hy sinh để người khác vẫn quanh quẩn với lối cụt. Mẹ đã biết Nguyên là bạn tôi từ trước khi tôi gặp hai người nói chuyện với nhau, nhưng Nguyên đã nói với mẹ đừng cho tôi biết gì. Nguyên muốn tôi phải trưởng thành và tự tin vào chính mình. Nhưng em cũng đã muốn tôi không phải tự ái khi cuộc đời tôi thay đổi nhờ có em, nên em đã bước đi lặng lẽ khỏi cuộc đời tôi phải không Nguyên? Em cao thượng biết chừng nào! Sự cao thượng dịu dàng và mạnh mẽ!
Đó là những gì mà gần tám năm sau mẹ tôi mới nói.
Suốt thời gian bận rộn học hành và mưu sinh trên đất Sài Gòn, tôi vẫn dành thời gian để tìm tin tức của Nguyên. 8 năm qua, tôi vẫn không tìm lại được người đã khiến tôi quyết tâm xuống Sài Gòn để học, phấn đấu, bắt đầu thành công. Những khổ cực ngày đầu, tôi vừa chạy xe, vừa dạy võ, ôn luyện học. Cực nhưng thấy con đường phía trước sáng hơn, thằng đàn ông trong tôi cứng rắn và trưởng thành dần. Năm sau, tôi vào được đại học. Vừa học vừa làm, tôi nhận được sự hỗ trợ nhỏ từ mẹ tôi về học phí vì tiền bán nhà trên Đà Lạt còn dư chút đỉnh bà bỏ vào ngân hàng, và tôi nhận được rất nhiều lời động viên tinh thần của mẹ. Căn bệnh của mẹ tôi không hiểu sao dường như ngưng lại không phát nặng thêm. Lâu lâu bà lại hỏi thăm trong thư xem tôi có gặp lại Nguyên chưa. Tôi viết trả lời rằng chưa, ngay khi gặp lại Nguyên tôi sẽ báo cho bà biết.
Khi tôi ra trường, Mẹ tôi cầm tay tôi khi tôi về thăm bà:
- Lúc này mà gặp lại bé Nguyên, chắc là con sẽ thấy mình tự tin hơn. Con sẽ không nhờ đến vườn hồng nữa, phải không?
Tôi cười vì bị bà lật tẩy chuyện cũ, đánh trống lảng:
- Bây giờ thì chắc Nguyên có chồng rồi mẹ à.
Mẹ tôi trầm ngâm buồn buồn:
- Hồi đó, không biết bé Nguyên có thương con không, nhưng mà nó tốt bụng thật. Mẹ thương nó lắm!
- Nguyên tốt với mọi người, không phải chỉ riêng con đâu. Cô ấy lúc nào cũng muốn người khác hạnh phúc. Con thấy Nguyên sống bằng hạnh phúc của người khác.
- Nó sống như vậy, không biết có ai bên cạnh để nó cảm thấy có điểm tựa không?
- Cô ấy bản lĩnh hơn con nhiều mà mẹ! Con nghĩ cô ấy đủ mạnh mẽ...
- Không có người đàn bà nào mạnh mẽ cả, người ta chỉ tỏ ra mạnh mẽ vì cần phải như thế thôi.
Tôi nắm bàn tay xương xẩu của bà, thương cháy lòng:
- Vậy là mấy năm nay mẹ đang phải tỏ ra mạnh mẽ? Mẹ không có ai bên cạnh để làm điểm tựa...
- Đó là con nghĩ vậy. Còn mẹ, mẹ lấy con làm điểm tựa. Mẹ nghĩ đơn giản như bé Nguyên nói với mẹ, là khi mình thấy người khác hạnh phúc mình sẽ hạnh phúc hơn, nhất là khi đó là người mà mình quý mến, thương yêu. Mỗi khi mẹ buồn, mẹ lại nghĩ đến con đang trưởng thành và có một tương lai tốt hơn, thế là mẹ lại cảm thấy mẹ vui.
Người ta chỉ có thể làm điều đó khi người ta có một tấm lòng rộng mở, một tâm hồn cao thượng. Mẹ có biết mẹ và Nguyên là những người phụ nữ cao thượng không? Nếu không có những người như mẹ, như Nguyên, những người hy sinh vì người khác, sống với nỗi vui của người khác, con đâu có ngày hôm nay.
Tôi ra trường và tham gia vào ngành quảng cáo. Sự quyết tâm và nhạy bén của tôi giúp công việc thành công rất nhanh. Sau ba năm, tôi tự tin vào chính mình, khao khát học hỏi và khao khát chinh phục, thử thách chính bản thân mình. Tôi đã trả lời được câu hỏi tôi là ai, và tôi cần gì.
Không có tin của Nguyên, tôi tin rằng em đã lấy chồng và mong em hạnh phúc.
Tôi quen được một hai người bạn gái, nhưng hình ảnh của Nguyên như đám sương mù làm đông đặc tôi khiến tôi không thể yêu ai chân tình được. Có nhiều lần hôn người yêu mà trong đầu tôi ngỡ là môi Nguyên, vội xót xa dứt ra như vừa làm tổn thương hình ảnh vừa hoang dại vừa thánh thiện luôn ở bên mình. Cô người yêu sửng sốt câm lặng nhìn, đến lần thứ ba như thế thì bật khóc. Phụ nữ nhạy cảm, họ hiểu tôi đang nhớ về một ai đó. Mà lúc ấy tôi cũng chỉ nhìn người yêu tôi - chứ không phải người tôi yêu - với ánh mắt đau đớn không buồn thanh minh. Người yêu thứ hai của tôi có mái tóc ngang vai như Nguyên. Vài lần đi chơi giữa phố Sài Gòn, chẳng hiểu sao tôi lại đột ngột dừng xe ngoái lại nhìn. Làm gì có mái tóc liêu trai bay hất ra sau vì gió lạnh. Đôi khi ngồi bên cô ấy, tôi nhìn lên mái tóc rồi thở dài. Người yêu tôi - vẫn là người yêu tôi - tưởng tôi thích tóc dài nên nuôi tóc. Tóc mới chỉ qua vai thì chia tay. Tôi nào muốn thế. Cuộc sống, người ta vô tình hay cố ý cứ làm tổn thương nhau.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.