Những Mùa Hoa Mãi Nở

Chương 22: Chương 22




Việc đầu tiên khi về nhà là lén lút đi lên phòng, tắm rửa rồi đến tiệm. May mà ba mẹ và nhóc Huy đều không có nhà nên tránh được việc đối mặt với họ lúc nào hay lúc đó.
Khánh đến lúc chiều, khi mấy cô bé vừa vào chọn quà sinh nhật xong đợi tôi gói lại. Cậu ta mang cho tôi một ly súp, chỗ đường hẻm gần công ty cậu, chắc vừa tan ca mua đến cho tôi luôn rồi đi thẳng vào trong pha một ly sữa ca cao nóng.
Cô bé vừa chọn nơ vừa thỏ thẻ với tôi: “Bạn trai chị dễ thương quá, lại còn chu đáo nữa.”
Tôi mỉm cười nhìn cậu ta loay hoay với ly sữa: “Không phải, cậu ấy là em họ của chị.”
Khánh liếc tôi, tôi nhìn cô bé bẽn lẽn chợt thấy buồn cười. Hình như tôi đã qua cái thời rụt rè mơ mộng ấy rồi, cuộc sống mài mòn khiến tôi trở nên thực tế hơn. Tôi đã hết sức vọng tưởng đến tình yêu, một thứ có vẻ ngoài hào nhoáng lại chẳng ngọt ngào gì. Nhìn lại, có lẽ mấy năm qua tôi đã già rồi.
Khánh dọn dẹp lại mớ rác lúc nãy tôi gói quà cho cô bé, tôi ngồi vắt vẻo trên ghế ăn súp. Thật ra tôi cũng muốn trả lương cho cậu ta lắm, nhưng nghĩ lại lương tháng cậu ta gấp mấy lần tôi nên… dẹp đi cái suy nghĩ đó vẫn hơn.
“Cậu cũng nên tìm cho mình một cô bé đáng yêu như vậy đi.” Tôi ngậm cái muỗng mỉm cười nhìn cô bé nữ sinh dắt xe đạp qua bên kia đường rồi cùng mấy cô bạn mình đi về. Nhìn mấy cô bé đi xa dần mà cứ ngỡ như đang đưa tiễn chính tuổi xuân của mình ra đi. Sáng giờ tâm trạng tôi vẫn đang lơ lửng đâu đó chưa về được, về chuyện với Phát, về lời đề nghị của cậu ấy. Tôi không muốn ai định đoạt cuộc đời mình, nhất là một người có tính bảo vệ và chiếm hữu cao như Phát. Cậu ấy làm vậy thì được gì chứ? Tôi sợ sau này cậu ấy sẽ hối hận vì những bốc đồng của mình, tôi muốn can ngăn khi mọi việc còn chưa đến hồi không cứu vãn được. Vì cậu ấy, và cũng vì chính tôi.
“Tôi đã qua cái tuổi mê mẩn mấy em nữ sinh rồi.” Tôi nghe Khánh cười nói.
Tôi gượng cười nói một câu chẳng đâu ra đâu: “Ha ha vậy đợi cậu ba mươi tuổi rồi quen mấy em đi làm công sở cũng được.”
“Hẳn cô ấy không đợi được đến năm tôi ba mươi…” Khánh lẩm bẩm rồi đi ra ngoài đổ rác. Tôi uống hết ly sữa của mình rồi lén múc của cậu ấy một chút uống thêm. Không hiểu sao cậu ấy pha ca cao sữa lúc nào cũng ngon hơn tôi.
Điện thoại đổ chuông làm tôi giật cả mình, đổ cả muỗng nước đang múc ra ngoài.
“Cậu đang ở đâu?” Là Phát gọi, giọng cậu ấy nhẹ tênh phía đầu dây bên kia mà tôi cứ ngỡ như rất gần, giờ đến việc nói chuyện với cậu ấy tôi cũng thấy áp lực. Làm cách nào đối diện với cậu ấy trong quãng thời gian này và làm như mọi việc chưa từng xảy ra? Làm thế nào để mọi thứ quay trở về quỹ đạo vốn có của nó? Nhưng dù có ra sao tôi cũng phải học cách đối diện và chấp nhận từ từ. Thảo Mây, không được hèn nhát!
“Ở tiệm.” Tôi liếc nhanh qua cái đồng hồ treo trên tường, mới năm giờ hai mươi, cậu ấy tìm tôi làm cái gì chứ?
“Về nhà đi rồi cùng đi thăm ông, ông đang ở bệnh viện.” Tôi hoảng hốt định hỏi ông có sao không thì cậu ấy nói tiếp, “Ông không sao, không cần lo, sức khỏe ổn định lại rồi.”
Tôi thở phào nhẹ nhõm vội cùng Khánh thu xếp đồ đạc về nhà thay đồ rồi cùng Phát đi thăm ông. May có ly súp của Khánh không thì tôi đã không chống cự được đến buổi tối.
Ông bị cao huyết áp, hay mệt, mấy hôm nay ông bị cảm không ăn uống được nên sức khỏe yếu đi, cả nhà hoảng hốt đưa ông đến bệnh viện. Tôi và Phát đến thì mọi người đã về bớt rồi, ông đang nghỉ ngơi nằm trên giường chỉ còn cô dượng Út ở lại chăm sóc ông. Ông chưa ngủ, thấy tôi đến thì ngồi dậy muốn nói chuyện với tôi và Phát. Cô dượng cũng ra ngoài mua thêm khăn giấy với nước nóng cho tối ông rửa mặt. Nhìn từng giọt nước biển đang chảy xuống tôi chợt hoảng sợ. Mọi thứ vốn dĩ mong manh lắm, ông cũng già rồi… Ông gắn bó với tôi từ lúc còn bé, là người ông bao dung, hiền từ, quý mến tôi luôn giải đáp mọi thắc mắc của tôi về quân khu, về chiến tranh, về mọi thứ mà ông trải qua trong quá khứ. Khi lớn lên ông vẫn đối với tôi ân cần như vậy, tôi ra ngoài làm ông vẫn hay ghé thăm tôi, hay ngỏ ý muốn giúp đỡ lúc tôi khó khăn. Tôi sợ rồi ông cũng không thể cùng tôi làm mọi việc, nói mọi chuyện như ngày còn bé, tôi sợ mất ông.
“Ông không sao, con bé này buồn gì chứ.”
“Con mừng vì ông không sao mà.” Tôi cố cười cho ông vui. “Ông ơi, để con gọt trái cây cho ông ăn, ông ăn một tí nha, tốt cho sức khỏe lắm.”
Tôi nhanh nhẹn đi gọt dưa lê cho ông phần vì để tránh không khóc, phần vì để Phát nói chuyện với ông. Dù gì tám năm qua thời gian cậu ấy ở bên ông vốn dĩ đã không nhiều.
“Ba mẹ con vừa ghé qua đây. Nó nói mọi chuyện để con tự quyết nhưng ông muốn con phải rõ ràng.” Tôi quay lại lấy con dao trên bàn thì thấy Phát nhìn tôi, muốn nói gì đó rồi lại thôi.
Sau hồi lâu tôi mới nghe cậu ấy nói, “Con và Mây đã định rồi, sau khi dự lễ trao bằng tốt nghiệp về chúng con sẽ tính đến chuyện kết hôn.”
Cái dao đang gọt sượt vào tay tôi, chảy máu. Tôi quay lưng về cậu ấy sợ cậu ấy nhìn thấy nên cố nén đau, đợi máu bớt chảy ra tôi sẽ lấy miếng băng cá nhân trong giỏ xách dán lại. Dường như cậu ấy đang nhìn tôi nên không thể che giấu được. Phát chạy đến, lấy con dao để qua bên rồi ngậm ngón tay tôi vào miệng. Tôi muốn rút lại nhưng không được, ngón tay vô cùng đau nhức.
Khi ngón tay đã khô máu cậu ấy lôi trong bóp ra miếng băng keo dán lại cho tôi rồi giành gọt luôn phần còn lại. Tôi thật vô tích sự mà.
Ngồi bên giường, ông nhẹ nắm lấy ngón tay bị dán keo của tôi, vì vui mừng nên khóe mắt không ngừng run rẩy: “Ông vẫn muốn con làm cháu dâu của ông, cuối cùng tâm nguyện của ông đã thành rồi.”
Tôi áy náy. Chuyện này tôi còn chưa quyết định mà. Chúng tôi còn quá trẻ để kết hôn, huống hồ, cậu ấy không yêu tôi. Tôi không muốn để mọi người quyết định cuộc sống của mình nhưng nhìn ông vui như vậy, có lẽ nên tạm thời không được đả kích ông vào lúc này.
Tôi cười bẽn lẽn trong lòng thì chỉ muốn cho Phát ngàn dao vạn búa, cậu ấy cầu hôn tôi còn chưa đồng ý mà chưa gì đã dùng sức ép với tôi. Tôi tuyệt đối không đồng ý. Cậu ấy lấy quyền gì muốn mọi thứ thế nào thì như thế ấy chứ, đành rằng, tôi cũng có chút hạnh phúc nho nhỏ nhưng cuộc sống này không phải duy nhất chỉ có tình yêu. Cậu ấy quá độc đoán rồi.
…​
“Tại sao cậu nói với ông như vậy? Sao không hỏi qua mình?” Tôi cố kìm nén giọng mình bình thường hết mức có thể, tôi muốn nói lý lẽ với cậu.
“Cậu không biết ông muốn tác hợp cho chúng ta thế nào đâu… Chúng ta cũng không phải là không thể kết hôn được, tôi làm được, những gì người đó làm được cho cậu tôi thậm chí còn làm tốt hơn.” Cậu ấy cao giọng bướng bỉnh.
Tôi đi trước cậu mấy bước chân ngoái đầu lại nhìn cậu như người ngoài hành tinh vừa nói câu đó. Thế nào gọi là không phải không thể kết hôn, cái gì mà làm tốt hơn người đó, nguyên nhân chính là cậu ấy không yêu tôi, không yêu là không yêu không có chuyện sống bên nhau chân chính như hai người bạn.
Tôi không còn là cô bé mười tám, mơ mộng về tình yêu như lẽ sống đời mình. Tôi không mơ về người đàn ông hoàn hảo như cậu, không mơ một ngày cậu ấy có thể nắm tay tôi đi đăng kí kết hôn, giấc mơ vốn dĩ không phải vậy. Sự quan tâm của cậu trước giờ căn bản chỉ là đối với một người bạn thân yếu đuối bám víu lấy cậu, không phải là dạng có thể cùng nhau ăn cơm, cùng nhau sinh con, cùng nhau ngắm mặt trời mọc mỗi sáng như vậy đến già.
Tôi sẽ vui lắm nếu cậu ấy chỉ cần nói một câu "tôi có chút thích cậu thôi", chứ không phải là chúng ta kết hôn đi. Hôn nhân không định nghĩa được điều gì cả, cậu ấy không hiểu. Hôn nhân không phải tờ giấy thông hành của hạnh phúc, và nếu chọn làm bạn bè mà vui vẻ như trước giờ cả đời tôi cũng sẵn sàng đánh đổi.
Tôi cụp mắt xuống, đi tiếp. Chợt thấy lòng mình quặn lên những cơn sóng trào, có phải hay không mối quan hệ đang dần đi đến bế tắc? Vì trách nhiệm đêm hôm đó mà phải như vậy sao? Vì thuận theo ý người lớn, cậu ấy phải hy sinh cả đời mình sao? Không đáng, tôi cảm thấy mình không đáng.
“Cậu không cần như vậy, không cần chịu trách nhiệm cũng không cần mang hạnh phúc cả đời mình ra đánh cược.” Tôi nói lí nhí nhưng rõ ràng.
"Không có vấn đề trách nhiệm gì ở đây hết,” cậu ấy níu vai tôi lại nhìn tôi một cách nghiêm túc: “đừng cảm thấy như đang chịu tổn thương như vậy, được không?”
Cậu ấy dịu giọng, làm tôi không biết phải làm như thế nào. Đột nhiên cảm thấy thật mệt, như bị rút đi hết sức lực của mình vậy. Giờ ý nghĩ lớn nhất mà tôi nghĩ được là trốn chạy thật xa. Tôi không muốn mọi thứ như thế này.
Tôi yêu cậu ấy, tôi thừa nhận là tình cảm ấy từ năm đó đến nay vẫn không thay đổi. Tôi đã tự lừa dối mình quá lâu rồi, bao nhiêu lần tôi cho mình cái quyền mơ tưởng đến Thành vì mọi người cho rằng anh hoàn hảo hơn Phát. Tôi vẫn tưởng anh có thể thay thế được vị trí của Phát trong lòng mình nhưng thực ra không phải vậy. Tôi vẫn sợ cậu ấy đi quá xa đời mình, tôi vẫn muốn níu giữ cậu ấy, nhưng tôi biết mình không lấy quyền gì để cản ngăn cậu ấy đi quá xa hay kéo cậu ấy lại gần mình. Tôi chấp nhận trao cho cậu ấy tất cả, không hối tiếc, kể cả bản thân mình nhưng tôi không muốn những ý nghĩ đó hình thành sự độc chiếm đối với cậu.
Tôi cũng không muốn cậu ấy đến với mình vì vốn dĩ định sẵn là như thế hay có một xíu trách nhiệm nào. Tôi sợ mình lại bị động tổn thương, được cậu ấy ban phát một chút thương hại một chút ân cần lại lầm tưởng đó là tình yêu rồi đến khi cậu ấy tìm thấy người cậu ấy thực sự yêu thương tôi lại không thoát ra được. Tôi không đủ can đảm nên không dám mở lòng đón nhận người tôi yêu, tôi cũng hèn nhát không dám lựa chọn người yêu mình. Hèn nhát cũng là một căn bệnh, loại bệnh ăn sâu trong lòng hình thành một phản xạ tự nhiên tự bảo vệ mình. Tôi nghĩ cũng không phải là không tốt.
Khi đêm tối bao trùm cả căn phòng yên tĩnh, tôi lén mở cửa sổ nhìn qua phía đối diện. Chậu xương rồng bên cửa sổ vẫn in bóng một vệt dài thành một hình thù kì quái gợi lên tịch mịch cùng cô đơn. Bên phòng cậu ấy vẫn sáng đèn. Tôi mỉm cười, có lẽ đêm nay không chỉ một người không ngủ được…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.