Những Mùa Hoa Mãi Nở

Chương 8: Cánh lục bình lững lờ bên sông




Rồi hoa sẽ tàn, hoa nào chẳng thế! Nhưng tôi tự hỏi, liệu có loài hoa nào đẹp dịu dàng mà vẫn ngang ngạnh đứng giữa bao la trời đất thế kia không?
~*~
​Ở quê tiết mục mà tôi thích nhất đó là tắm sông. Mặc dù về cái khoảng bơi lội tôi gần như âm điểm.
Chiều chị Ngọc con cô Út về, chúng tôi kéo nhau ra con sông nhỏ trước cửa nhà tắm. Chị Ngọc là con gái, tất nhiên rồi, nhưng chẳng ai nhìn nhận chị như một đứa con gái cả. Chị để tóc ngắn, mặc áo sơ mi và quần ngắn rộng như con trai. Vai lúc nào cũng kè kè cái ba lô mà tôi biết chắc trong đó có gì: một cái laptop, một cái bản đồ, một cuốn sổ, một hộp bút đen thui hình con mèo mun, một bình nước giữ nhiệt, vài ba bộ đồ, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, dầu gội đầu, thẻ atm và một số ít tiền mặt.
Cái chuyên ngành địa lý học của chị ấy suốt ngày chỉ cần bấy nhiêu đó thôi. Hễ muốn đi đâu là chị cứ việc vác cái ba lô ấy đi là chẳng sợ thiếu thứ gì. Dì Út suốt ngày sợ chị không lấy được chồng, nhưng dượng thì có vẻ ủng hộ chị ấy đi đây đi đó cho thỏa thích rồi sau này muốn ra sao thì ra. Dượng là người thuộc dạng cưng chiều con số một luôn, như ba tôi vậy. Hình như người ba nào cũng xem con gái như sinh mệnh của mình. Nhất là chỉ có duy một đứa con gái.
Chị Ngọc về đến nhà chỉ kịp vào chào ông và mẹ rồi kéo chúng tôi ra bờ sông như sợ trời tối sớm thì không thể kịp tắm sông vậy. Nước sông bây giờ đã đục hơn mấy năm về trước rất nhiều, nhưng dù cảnh vật ấy có đổi thay thì lòng người vẫn không hề thay đổi. Chúng tôi vẫn là đứa trẻ nhỏ thích nghịch nước, tắm sông. Mấy năm về trước còn có chị Nhàn, lúc chị còn chưa có con chị vẫn hay chơi cùng chúng tôi. Giờ thì cuộc sống chị vất vả hơn nhiều, chị bộn bề với nhiều việc lặt vặt và giữ thằng nhóc, việc làm một người mẹ đơn thân thật sự chẳng dễ dàng gì.
Nói tắm sông là nói, chứ tôi chỉ được ngồi trên chiếc xuồng nhỏ nghịch nước, vớt lục bình thôi. Đến lúc gần lên Phát sẽ cõng tôi một vòng dưới nước rồi chúng tôi sẽ kéo nhau lên. Tuy chỉ là vài phút ngắn ngủi thì tôi cũng đã mừng lắm rồi. Ngày trước có lần trầm mình quá lâu dưới nước tôi phải nhập viện cả tuần. Từ đó việc nghịch nước mới là trò chơi thường nhật của tôi chứ tắm sông dường như là hai từ quá ư là xa xỉ.
Cạnh mé sông có một gốc gừa lớn. Chị Ngọc, Phát và nhóc Huy hay leo lên đó rồi nhảy ùm xuống. Chỉ ngồi nhìn thôi mà đã thấy thích rồi.
Tôi ngồi trên chiếc xuồng ba lá nhỏ được cột vào gốc gừa với những rễ cây chùm chùm buông xõa xuống dòng nước như mái tóc dài của người thiếu nữ. Chiếc xuồng nhỏ này gắn liền với tôi từ nhỏ, tuy nó hơi cũ nhưng có thể nói nó như một người bạn đã trở thành thân quen. Bác cả Vinh mua nhiều chiếc xuồng to hơn, gắn động cơ và cả mái che, nhưng tôi chỉ duy nhất thích cái xuồng ba lá nhỏ này.
Nhìn dòng nước lững lỡ trôi, những khóm lục bình lênh đênh tôi thường hay ngẩn người nghĩ về kiếp người lênh đênh vô định. Giống như chị Nhàn. Giờ chắc hẳn chị đang chăm bẵm cho nhóc con ăn, chứ không được vui đùa như lũ nhóc tụi tôi đâu.
Chị là con út bác cả Vinh, trước chị còn có hai người anh trai nữa. Vì là con gái út nên chị rất được cưng chiều. Chị hiền và hòa nhã với mọi người, không vì được nuông chiều mà đâm hư.
Nhưng người tốt tính như chị cũng bị cuộc đời vùi dập khi vướng vào mối tình đầu tiên với tên cặn bã ấy. Khi người con gái yêu thương họ sẽ dành hết niềm tin ấy cho người mình yêu. Chị cũng vậy. Và sau khoảng thời gian yêu nhau mấy năm, anh ta chợt bỏ đi biền biệt. Bỏ lại chị với thằng nhóc trong bụng chưa kịp thành hình.
Chị đã phải chống chọi lại với số phận, đối mặt với mất mát đau thương. Vì người ta coi khinh chị, một người mẹ đơn thân như chị bị hết người này đến người kia hắt hủi.
Tôi nhớ lúc biết chuyện ông đã giận đến suýt phải nhập viện, bác cả đuổi chị ra khỏi nhà, nhưng nhờ cô Út hết lời van xin nên chị được giữ lại. Và dù vậy, thì đứa nhỏ trong nhà cũng không được yêu thương. Bởi chính những gì ba nó gây ra.
Người thiệt thòi lớn nhất là chị Nhàn. Lúc tôi mới biết chị, tôi thấy danh xưng tên chị là một danh từ thật mỹ miều. Nhàn trong an nhàn, là bình yên, nhàn hạ. Nhưng mà cuộc đời chị lại trái hẳn với cái tên. Chưa bao giờ chị thôi lam lũ vì gia đình…
Chị Nhàn khác chị Ngọc ở chỗ chị quá hiền đi. Chị Ngọc thì mạnh mẽ không ai quản được, chị nghịch phá từ nhỏ và quyết tâm đi học đại học dù cho cô Út có khuyên chị nên ngừng việc học lại và đi lấy chồng. Suy cho cùng cái tư tưởng lạc hậu trong vùng quê này vẫn còn tồn tại. Dù đô thị hóa tới đâu, thì tư tưởng con người vẫn chẳng thể nào đô thị được. Nếu là nét đẹp thì người ta coi đó là nét văn hóa quý, còn thói hư tật xấu thì bị xem như là bản chất của người mình. Con người có hiện đại đến đâu thì những nét văn hóa tốt đẹp cùng những thói hư tật xấu đã hình thành sẽ mãi ám ảnh con người ta qua hàng trăm, hàng nghìn thế hệ có hơn.
Người mình vẫn chẳng thể chấp nhận những người phụ nữ như chị Nhàn, dẫu rằng chị ấy không hề có tội. Có con mà không có chồng, đáng thương hơn là đáng trách. Chín tháng mang nặng đẻ đau, những ngày quần quật nuôi con mà không có lấy một bờ vai nương tựa, tôi nghĩ những ai chưa từng trải qua sẽ chẳng thể nào hiểu được. Đâu ai muốn đứa con chào đời mà không thấy mặt người cha? Xét cho cùng, lỗi lầm của chị Nhàn đâu đáng trách như những lời đàm tiếu về chị.
Tôi thật sự rất hận miệng đời. Rất rất. Là một người chịu tổn thương sâu sắc vậy, chị còn phải chịu dèm pha từ bên ngoài lẫn áp lực trong gia đình và cả những tủi hờn của bản thân.
Hẳn chị Nhàn đã phải mạnh mẽ lắm mới vượt qua được ngần ấy gian nan trong đời. Sao người đời chỉ biết lên án mà không ai cảm thông hay thậm chí là khâm phục sự kiên cường của chị nhỉ?
Người ta chỉ nhìn thấy cánh lục bình trôi nổi lênh đênh thật yếu mềm, nhưng nào có ai nhìn thấu được vẻ đẹp ấy? Dù đóa hoa chỉ nở một sớm một chiều, rồi lại bị những tác động bên ngoài vùi dập, nhưng ắt hẳn nó đã chống chọi rất nhiều để phô bày hương sắc cho đời mình qua những cánh hoa tím biếc kia.
Rồi hoa sẽ tàn, hoa nào chẳng thế! Nhưng tôi tự hỏi, liệu có loài hoa nào đẹp dịu dàng mà vẫn ngang ngạnh đứng giữa bao la trời đất thế kia không?
Chắc là có. Nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm được...
~*~​
Tắm sông lên, tôi và chị Ngọc phụ dì Út dọn cơm. Ba mẹ Phát cũng về đoàn viên. Hôm nay ông vui lắm. Lúc nào con cháu tụ họp lại ông cũng vui như vậy.
Ông móm mém cười, rồi giục cả nhà ngồi vào bàn cơm. Giờ cơm luôn không ngớt tiếng cười nói rộn rã. Tôi nhìn ra được ông vui hơn hẳn vì Phát và chị Ngọc. Có thể ông thương chị Ngọc là vì chị sống bên ông từ nhỏ đến lớn, nhưng với Phát là một niềm hy vọng lớn lao. Ông luôn mong rằng Phát sẽ thi vào công an, hay ít nhất cũng thi đậu trường y.
Và Phát cũng không phụ lòng ông. Cậu ấy từng nói với tôi, cậu ấy sẽ không thi công an, hay làm việc dưới danh nghĩa nhà nước. Tất nhiên mục tiêu của cậu ấy là trường y.
Tôi tin chắc cậu ấy sẽ không phụ lòng mong mỏi của ông. Không như tôi, kì thi tốt nghiệp sắp đến tôi chẳng định hướng được gì cho tương lai mình. Ba tôi nói, nếu tôi không đậu cao đẳng hay đại học, ông sẽ cho tôi đi du học. Hay mở cho tôi một căn tiệm bán đồ lưu niệm hay một shop hoa nhỏ. Ba tôi nói những lời đó trong ngày tôi thi đậu lớp mười. Rằng tôi đừng tạo áp lực cho mình, cũng đừng gắng sức quá, khi nào ông còn sống, khi đó tôi không cần phải lo lắng bất cứ điều gì. Vì đã có ông ở đó, cả mẹ và nhóc Huy nữa.
Tôi cũng muốn gắng lắm, nhưng không thể. Tôi biết mình chỉ có thể tốt nghiệp, và may mắn lắm thì đậu cao đẳng thôi. Đại học đối với tôi là một giấc mơ xa vời, xa thật xa… Vậy nên thay vì vùi đầu vào học như đám bạn, tôi vẫn cứ nhởn nhơ. Không phải tôi ỷ lại vào ba mình, mà là tôi biết dù có cố công cũng vô ích. Tôi là một người không đủ kiên nhẫn và cũng không đủ mạnh mẽ để chịu thất bại từ những việc mình đã dồn hết công sức vào.
Những người quá đặt hy vọng vào ngưỡng cửa đại học sẽ không thể chịu đựng nổi sự thất bại khi thi rớt. Tôi không muốn mình như thế. Và dù rằng có ai nói tôi quá hèn nhát thì tôi cũng chịu. Đó là điều mà dù không ai nói hay tôi không thừa nhận thì cũng không thể phủi bỏ được. Sự thật chỉ có một, thế nên tôi chẳng bao giờ trốn tránh đâu. Ừ, thì tôi hèn nhát đó. Nhưng biết thừa nhận mình hèn nhát thì chắc cũng không đến nỗi quá hèn nhát đâu, chứ nhỉ?
Buổi tối là tiết mục của tụi trẻ chúng tôi. Tôi, Phát, nhóc Huy và chị Ngọc gộp lại đủ bốn tay chơi đánh bài. Thường thì chúng tôi chơi trong phòng chị Ngọc, vì phòng chị có đủ đồ nghề để chúng tôi “quật lộn” sau khi chơi chán.
Phát và tôi luôn một phe, nhóc Huy và chị Ngọc một phe. Chơi đánh bài chán chúng tôi chuyển sang đánh nhau. Cái mền được trưng dụng thành miếng bọc đối phương lại, rồi chọc lét. Phát và tôi luôn thắng, bởi nếu thua Phát sẽ chặn hai người kia lại và khi tôi thoát ra được khỏi phòng thì coi như trò chơi chấm dứt.
Chị Ngọc và nhóc Huy trêu tôi hèn. Ừ, tôi hèn từ lâu lắm rồi. Hê hê.
“Ê, Mây, em ngủ chưa?” Lúc khuya chị Ngọc nằm cạnh tôi thủ thỉ.
Tôi và chị Ngọc lúc về đây thì sẽ ngủ chung, nhóc Huy và Phát ngủ chung. Lúc nhỏ cả bốn chúng tôi cũng dồn nhau vào cùng một chiếc giường. Nhưng khi chúng tôi lớn rồi, giường chẳng đủ chỗ cho cả bốn đứa nữa nên chúng tôi ngậm ngùi “chia tay” nhau ra ngủ riêng. Thực ra thì hai phòng sát bên nhau thôi. Chỉ cần tôi gõ tay lên tường một tiếng, bên kia sẽ gõ lại hai tiếng.
Có lúc chúng tôi gõ như vậy cho đến lúc ngủ quên lúc nào không hay. Gõ như vậy cảm giác chúng tôi thật sự gần nhau lắm. Cả đời này, tôi vẫn mong bốn đứa chúng tôi thân thiết và gần nhau như vậy.
“Chưa. Sao chị chưa ngủ nữa?” Tôi hỏi lại chị.
“Em có từng thích một ai đó chưa?” Chị Ngọc tiếp tục nói với tôi bằng cái giọng nhỏ nhất có thể để bên kia Phát và nhóc Huy không nghe được.
Tôi không biết mình có nên nói cho chị ấy nghe không. Tôi nửa muốn nói, nửa muốn không…
“Dạ, có…” Sau một phút tôi quyết định nói thật.
“Là Phát à?”
“Dạ, ừm, đã từng, nhưng mà…” đột nhiên tôi muốn kể cho chị nghe tất cả những ấm ức trong lòng. Tôi tiếp bằng một cái giọng khàn khàn sắp khóc, hy vọng là tôi nói nhỏ quá nên chị không thể nghe ra: “…không được. Em với Phát là chuyện không thể. Em không xứng đáng. Và cậu ấy cũng chỉ xem em là người bạn thân thiết thôi.”
Chị Ngọc không nghe được những gì tôi nói, hay căn bản là chị chẳng hiểu tôi đang lảm nhảm cái gì. Bởi vậy trọng tâm câu hỏi chị ấy không đặt vào điều mà tôi muốn chị hiểu.
“Em nói đã từng á? Là sao?”
“Em thích người khác, nhưng anh ấy không thích em. Vì bạn gái anh ấy là bạn thân của em. Em biết tình cảm của em là sai, nhưng lớp em ai cũng mê anh ấy cả. Anh ấy được tất cả mọi người yêu mến, nên em chẳng là gì hết.”
“Vậy… Phát và cậu bạn em, chị chỉ ví dụ thôi, hai người đánh nhau thì em sẽ bênh vực ai?”
“Tất nhiên là Phát rồi.” Tôi buột miệng trả lời không chần chờ lấy một giây. Và sau đó tôi hối hận. Nhưng tôi biết mình sẽ không bao giờ hững hờ với Phát, vì đó đã thành thói quen rồi. Còn Thành, chắc không cần đến một đứa không liên quan gì như tôi lo lắng đâu nhỉ?
“Em còn quá nhỏ để hiểu được yêu thích một người là như thế nào.” Chị Ngọc vừa nói vừa vuốt tóc tôi. Rồi im lặng.
Cả hai chúng tôi cùng chìm vào yên lặng. Màn đêm tĩnh mịch đáng sợ đến nỗi có thể nghe cả tiếng hít thở đều đều của chính mình.
Và trong cái đêm tịch mịch ấy, tôi đã không nhận ra được rằng chị Ngọc nói đúng. Mười bảy tuổi, còn quá nhỏ để yêu. Hay biết được ai yêu mình…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.