Nữ Hộ

Chương 15: Mừng thọ




Lại nói Ngọc Tỷ nghe Tô tiên sinh giảng thế nào là “Đình thi bất cố, thúc giáp tương công*”, thầy Tô miệng khô lưỡi hanh nói xong, nghĩ bụng con bé mới tý tuổi đầu, tuy trí nhớ tốt nhưng chắc chả hiểu được bao nhiêu, tính qua quýt cho xong, những điển cố loại này, dù có là con trai cũng phải trên mười tuổi mới nên dạy cặn kẽ. Nhưng ông trước nay luôn nghiêm túc, từ khi dạy Thái tử lại thành tật xấu, chuyện gì cũng phải giảng giải rõ ngọn ngành, thế là không kềm nổi miệng mình. Bèn giảng trọn năm điều bất hiếu, phạm phải điều nào cũng không xứng đáng làm bậc quân tử.
[*Lấy từ tích Tề Hoàn công thời Xuân Thu, ý bảo bậc sinh thành chết mà vứt đấy không lo, chỉ lo giành giật chém giết vì tài sản.]
Đến khi lan man xong, tổng kết lại một câu cho Ngọc Tỷ: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá*.” Ngọc Tỷ lại nghĩ trong lòng, đúng là ngốc, người muốn làm quân tử, sao có thể phá hỏng danh tiếng của mình? Nếu là mình, chôn cha trước thì ai giành lại mình nữa?
[*Nuôi mà không dạy là lỗi của cha.]
Sau khi dạy bảo xong con bé này, cái ghế thường ngồi cũng khiến Tô tiên sinh phải chênh vênh, suýt nữa đã lại té xuống đất. Tô Trường Trinh bỗng dưng cảm thấy, học trò trước của ông mới là một đứa ngoan ngoãn, khiến người an tâm.
Kẻ hại Tô tiên sinh nói không dứt mồm được – cái nhà có tang kia đang ầm ĩ đòi ra riêng. Tuy không tới nỗi “đình thi bất cố*”, nhưng vẫn lên sàn màn “thúc giáp tương công**”, cánh đàn ông vẫn bàng quan, đám đàn bà đã đánh um cả lên. Vài vị nương tử sai mụ hầu theo từ nhà mẹ đẻ ra vỗ tay chửi ầm trời, cũng không thẳng họ thẳng tên, không vào vấn đề chính, chỉ gom đủ loại từ mà chửi: “Mày là cái con đĩ trộm, cái thứ chó già heo nái, cái ngữ ăn mày…” Hú hét đến nỗi khàn cả giọng. Sau đó là màn giật tóc cào mặt của đám thị nữ, mỗi đứa tự mài móng cho nhọn, chỉ hận không thể đâm rách mắt người ta.
[*Xác không lo.]
[**Cả nhà đánh mắng chửi đập phá lẫn nhau. =))]
Trẻ con ở ngõ Hậu Đức bèn trở thành cá trong chậu, ngoài phố ầm ĩ quá thể, chửi mắng quá thô tục, những nhà cẩn thận một chút đều không muốn con cháu mình nghe phải lời dơ bẩn, đứa nào đứa nấy bị nhốt trong nhà, lên trời không lối, xuống đất chẳng đường. Thường ngày tuy chăm bẳm kỹ càng nhưng vẫn có thể ra ngoài chơi, hôm nay đến cả cửa lớn mặt tiền cũng chẳng thể đến gần, sợ bị dạy hư.
Lý chính cắn tay nói với vợ: “Ta đã nói thế nào? Ta đã nói thế nào? Già vừa quéo, trẻ đã chia, nhà này lụn bại rồi.”
Vợ lý chính đếm tay: “Nhà họ cũng có vài khoảnh ruộng diện tích hàng dặm, mấy cái cửa hàng, một hai chục kẻ hầu người hạ. Tuy có chia ra thì mỗi người cũng được một phần không nhỏ, ít thì ít, sao bại được?”
Lý chính đáp: “Đàn bà thì hiểu cái gì? Đã thân thì né chuyện tài sản ra, động vào rồi khó mà qua lại nữa. Nếu không đòi chia, mặt mũi tình cảm vẫn còn, dễ bề chung sống, còn cái loại đánh lộn ì xèo thế này, tình còn một chút cũng thành không, nhà mình không thuận người ngoài khinh. Vả lại giành tài sản, không thể không mượn tay người ngoài, lại tốn kém bao nhiêu tiền của, lòi ra biết mấy chuyện thị phi? Bà xem, bọn họ mỗi người đã tặng đến nhà chúng ta mấy cái hộp, còn cả nhà chồng của con gái, nhà Kỷ chủ bộ, Trình tú tài ngõ này, ai mà không được nhận một ít? Còn chưa chia đã tốn nhiều tiền như vậy rồi.”
Vợ lý chính nói: “Đúng là phá gia chi tử.”
Lý chính bảo: “Không ổn không ổn, ta giải quyết sớm mới được, phải tự mình coi sóc vụ chia gia sản nhà mình, để chết rồi đỡ ầm ĩ tới độ khiến người khác cười chê.” Lại cuống quýt lấy giấy bút, tính tài sản nhà mình, chia ra trước để đề phòng bất trắc.
Bên kia, nhà họ Liễu cuối cùng cũng đã mời họ hàng, gia đình nhà cậu, lý chính, láng giềng làm chứng, chia tài sản. Trình lão thái công hiền hậu nói: “Vậy trước tiên chừa người nuôi, áo quan, quan tài cho mẹ các cậu ra.” Mấy cậu con trai Liễu gia rất khó xử, chừa ra thì số tài sản chia được lại càng ít, không chừa, bên nhà cậu sẽ không chịu. Lại còn chuyện nuôi mẹ già, nuôi thì phiền, không nuôi thì chị em không đồng ý, nhà cậu không đồng ý, mà mẹ cũng còn tý của để dành.
Nhà họ lợi ở chỗ gia nghiệp ít, tranh tới đoạt lui, non nửa tháng sau cũng xong. Vì ai cũng muốn giành nhà chính để ở, bèn dứt khoát bán luôn chia đều, mẹ thì xoay vòng, mỗi nhà nuôi một tháng. Của hồi môn của vợ mỗi người tự tính, cuối cùng là chia tài sản chung. Thằng cả bảo mình là đích trưởng, ắt phải lấy phần nhiều, để dễ bề phụng dưỡng tổ tiên, cậu hai vặt lại rằng mình cũng có thể ngày ngày cúng bái. Lý chính bực mình: “Ai không đồng ý, đổi cho nhau đi.” Mỗi người bèn cân nhắc đến món lợi mình ngầm chiếm được, không lên tiếng nữa.
Trong lúc rối ren, cuối cùng xong việc, tuy không ai vừa lòng, nhưng cũng chẳng còn hơi sức đâu mà giành nữa. Có điều chia tới cái sọt cuối cùng, hai nhà cáu bẳn, chẳng ai nhường ai, khiến nhà cậu giận điếng người: “Lấy rìu ra chẻ, mỗi nhà một nửa, đem về nhóm lửa cũng được!”
Anh em Liễu gia vun vén gia sản mình chiếm được, cũng chẳng ở nổi ngõ Hậu Đức nữa rồi, bèn đến nơi kém hơn một chút vay nhà để ở, chẳng bao lâu đã dọn đi.
Vì vụ ồn ào này mà bầu không khí ở ngõ Hậu Đức nặng nề thêm vài phần, đến tận khi lão an nhân Triệu gia tổ chức tiệc mừng thọ.
•••••
Sinh nhật bà Triệu vào tháng chín, con cháu hiếu thảo tổ chức tiệc mừng, hàng xóm cũng đến góp vui. Lâm lão an nhân đưa con gái Tố Tỷ, cháu ngoại Tú Anh, mợ Lý dắt Ngọc Tỷ vào phòng Triệu lão an nhân Tề thị. Vào trong, Dư thị – mẹ của Triệu đại nương tử thấy bà Lâm, vội vã cùng con dâu đứng dậy chào hỏi, chồng của Dư thị nhận bà Lâm làm mẹ nuôi, vai vế mình đương nhiên thấp hơn một bậc, thế là hành lễ.
Có cả hàng xóm, đến Hà thị vợ chủ bộ cũng đã đến, mỗi người lại dắt con cái nhà mình theo, đều đến dập đầu ra mắt thọ tinh*. Trong số trẻ con ở đây, Ngọc Tỷ xinh xắn nhất, tuổi lại bé, khá được cưng chiều. Con gái Nga Tỷ của Hà thị đã có dáng dấp trưởng thành, cử chỉ đoan trang, cha lại làm quan, cũng được nịnh nọt. Con trai của Hà thị lại không thích chơi đùa với đám má hồng, Hà thị bèn đẩy nó ra ngoài tìm cha.
[*Người đứng tuổi được làm lễ sinh nhật, ở đây là chỉ Triệu lão an nhân – bà Triệu.]
Con trai trưởng Văn Lang của Triệu đại nương tử xấp xỉ tuổi Ngọc Tỷ, cũng trắng trẻo dễ nhìn, lại được thọ tinh cưng chiều, cũng nhận được kha khá lời khen. Vái đứa trẻ con chơi cùng nhau, Văn Lang thấy Ngọc Tỷ xinh xắn, hai nhà lại thân, bèn chơi chung với bé. Ngọc Tỷ thấy Văn Lang cầm một con hổ bông có phần mới mẻ, nhà bé không có anh em, đương nhiên không có đồ chơi kiểu này —– Tròn mắt ngắm. Nhìn tới nỗi Văn Lang cầm lòng không đậu mà đưa cho bé: “Chơi đi, cái này thú vị lắm.”
Ngọc Tỷ cầm hổ bông trong tay, lật tới lộn lui khám phá, chọc chọc, lại vê vê, muốn tìm xem rốt cuộc chỗ thú vị nằm ở đâu. Văn Lang đưa đầu sang: “Thú vị không?”
Ngọc Tỷ thầm nghĩ, thứ này chỉ mềm mại thôi mà, bèn hỏi: “Có gì thú vị?”
Phụ nữ cả phòng hàn huyên xong, đã nghe thấy lời trẻ con của hai đứa bé, dâu trưởng nhà họ Dương nháy mắt với em dâu, lại chớp mắt nhìn hai đứa bé, cười mờ ám. Hai chị em dâu nhà họ liếc nhìn nhau, cũng lọt vào tầm nhìn người khác, Lý tam tỷ chưa xuất giá của nhà họ Lý nói: “Hai người các cô hết nhìn nhau lại đưa mắt nghía trai gái nhà người, định giở trò xấu xa gì phải không?”
Lý tam tỷ vốn thích Dương nhị ca nhà hàng xóm, nào ngờ Dương nhị ca lại cưới Tiền tứ tỷ? Cứ thấy là đâm chọt vài câu.
Lý tam tỷ nói xong, mọi người biết chuyện cũng tròn mắt một trận, dâu nhỏ nhà lý chính tiếp lời: “Chắc thấy cả hai đứa bé xinh xắn, nhìn như một đôi tiên đồng ngọc nữ, trông mà thèm thôi.”
Cô ta có ý tốt, nhưng ngàn chẳng ngờ vạn chẳng mong, chị dâu lại đế thêm câu nữa: “Trông có vẻ xứng lứa vừa đôi đấy nhé.” Lời vừa dứt đã bị mẹ chồng cố sống cố chết trừng mắt, không kìm được rùng mình.
Triệu đại nương tử chần chờ liếc nhìn đám Tú Anh, ngậm miệng không nói, cả phòng chợt lặng, nữ quyến nhà họ Trình là khó xử hơn cả. Ngọc Tỷ cầm con hổ bông, bỗng nhận ra xung quanh im lặng, ngẩng đầu ngây ngô nhìn mẹ. Tuy bé sáng dạ, nhưng cũng không tài nào tìm được nguyên nhân.
Tề thị nói: “Tổ chức tiệc thọ cho ta lại chỉ chú ý tới người khác, lúc khai tiệc, các cô phải tự phạt ba chén đấy.” Đoạn dẹp chủ đề kia sang bên —– Chung quy lòng cũng thấy khó chịu. May mà mợ bếp Triệu gia bước vào bẩm: “Bàn tiệc đã tinh tươm rồi ạ, rượu thịt của Thái Phong lâu, trái cây mua ngoài phố, canh nhà mình tự hầm.”
Sau đó ồn ã ra ngoài nhập tiệc, Dư thị đánh mắt ra hiệu cho dâu mình, Triệu đại nương tử hơi rối rắm, đứng dậy đỡ tay bà nội chồng: “Bà đi chậm tý, hôm nay bà là thọ tinh, phải ra áp trận đó.”
Vào bàn, trẻ con mỗi nhà đều đi tìm mẹ mình, nhưng Dương đại nương tử có hai trai một gái, không trông hết được, bèn mượn cớ đưa về nhà. Triệu đại nương tử nói: “Cho tụi nhỏ chơi với nhau đi, sao phải tới lui làm gì? Trời thu thường lạnh, đừng để bị cảm.”
Sau đó tách trai gái ra, lại thu xếp dâng trà bánh hai bàn, để đám trẻ vừa ăn vừa chơi.
Nhập tiệc chưa lâu, Lâm lão an nhân bèn bảo mình già rồi nhức đầu, Tố Tỷ không quen chỗ náo nhiệt đã đứng ngồi không yên từ sớm: “Con dìu mẹ về nhà.” Tú Anh ngồi lại dùng bữa, trò chuyện đôi câu với Hà thị.
•••••
Tiệc tan về nhà, Trình Tú Anh đập bàn căm hận: “Cũng cái kiểu mắt chó xem thường người khác! Lúc cần lợi dụng, miệng mồm một hai tiếng mẹ nuôi, giờ thì ra vẻ Ngọc Tỷ của cháu không ai cần, phải nhờ cậy nhà chúng nó vậy! Hừ!” Nàng quả thật chẳng có ý này —– Ngọc Tỷ mới bao lớn? Nàng còn mong Ngọc Tỷ được gả cho người hiền nữa kìa.
Trình Khiêm chẳng rõ tình hình, ông Trình hỏi: “Lại làm sao vậy?”
Tố Tỷ lúng túng định yểm đi, Trình Tú Anh đã khóc òa: “Triệu gia khinh người quá đáng, hôm nay chẳng qua Ngọc Tỷ với Văn Lang nhà họ tuổi xấp xỉ nhau, ngồi chơi chung, Lý tam tỷ bảo giống kim đồng ngọc nữ. Lại có kẻ nghĩ chệch đi, bảo nhà chúng ta muốn đẩy Ngọc Tỷ cho nhà họ, sau đó tách trai gái riêng, không cho chơi chung với nhau nữa. Đây là cái lẽ gì? Cháu đã nói tiếng nào đâu? Lại còn xem Ngọc Tỷ của cháu là ôn thần, chúng nó có bản lĩnh thì đi mà trông thằng con cho tốt, coi chừng bị sói tha đi mất đấy! Cháu lớn tới từng tuổi này, đây là lần đầu bị người ta dè chừng như phòng trộm!”
Bà Lâm là nóng nhất, bấy giờ lại không nói tiếng nào. Ông Trình nói: “Cháu lại lung tung gì đấy? Đi nghỉ sớm đi, đừng dọa Ngọc Tỷ sợ.”
Trình Khiêm bên tai chợt động: “Ai?!”
Ngoài cửa sổ ầm một tiếng, Trình Khiêm đẩy cửa, nương ánh đèn nhìn ra ngoài, không phải Ngọc Tỷ thì là ai? Cả ngày chơi vui quá, về tới lại ngủ không được, nhân lúc mợ Lý lơi lỏng đã chuồn ra ngoài, trời tối chân trượt, đầu đập vào cửa. Trình Tú Anh bước tới véo tai Ngọc Tỷ: “Con lại học thói xấu!!!!”
Ngọc Tỷ khóc đáp: “Con nghe không hiểu gì cả mà.” Từ khi chui ra khỏi bụng mẹ đến giờ, lần đầu tiên bé mới bị đau như vậy, khóc lem cả mặt mày, Tố Tỷ đau lòng nói: “Nó còn con nít, có hiểu gì đâu, con trút giận lên nó làm chi?”
Tú Anh kìm không nổi ôm chầm lấy Ngọc Tỷ mà khóc. Trình Khiêm bảo: “Về nhanh thôi về nhanh thôi, thái công an nhân phải nghỉ ngơi rồi.” Trình Tú Anh vội nín khóc, lại chùi nước mắt cho Ngọc Tỷ: “Ông bà, là con say quá nên không tự chủ được, người đừng lo lắng.”
Trình Khiêm thở dài, hành lễ với ông Trình rồi dắt vợ và con gái về phòng. Trong vườn, mợ Lý đã chong đèn từ sớm, sốt ruột đến thừa sống thiếu chết: “Tiểu thư đâu rồi?” Lúc thấy Ngọc Tỷ thì chân nhũn ra, lại thấy trên mặt mẹ con Tú Anh có vết nước mắt bèn nuốt hết lời muốn nói lại, vội vàng đón lấy Ngọc Tỷ: “Để tôi rửa mặt cho tiểu thư.”
Tú Anh mượn ánh đèn nhìn thử, thấy tai con gái đỏ cả lên, đau lòng nói: “Để ta làm cho.”
Tú Anh vắt khăn, giũ ra rồi kề sát mặt Ngọc Tỷ, con bé bỗng né người, Tú Anh lại bắt đầu rơi nước mắt. Ngọc Tỷ sợ hãi, chìa tay lấy khăn: “Mẹ, mẹ đừng khóc, con lau mặt, con… hết đau rồi, mẹ ngắt con thêm một chút đi.”
Tú Anh vuốt khẽ cái tai mềm mại của bé, khóc như không thiết sống nữa: “Con của mẹ, mẹ đau cho con quá.” Trình Khiêm đến đỡ nàng, lại dịu dàng nói với Ngọc Tỷ: “Mẹ con say rồi, không trách con đâu, mẹ chỉ muốn lau mặt cho con thôi.” Lại vỗ về Tú Anh.
Tú Anh lanh loát lau sạch mặt cho Ngọc Tỷ, lại dỗ bé nói chuyện, hỏi: “Đau không con, là mẹ không tốt.” Lại cầm tay bé, bảo bé đánh lại. Ngọc Tỷ rút tay ra: “Mẹ sẽ đau mất.”
Tú Anh chua xót: “Mẹ sai rồi, đánh là phải.” Ngọc Tỷ vẫn lắc đầu, sau tránh không được Tú Anh, đành phải đưa tay lên khẽ vuốt mặt mẹ. Lại nói: “Văn Lang ca ca bảo, anh ấy đọc sách còn bị quất bằng thước kẻ, mà có sợ đâu.”
Tú Anh hờn giận: “Không được phép nhắc tới nó nữa! Một chữ cũng không! Con mà còn để ý tới nó, thì là muốn mẹ chết! Con cố gắng học thì kém ai chứ?”
Ngọc Tỷ không dám hỏi lại, lại nhớ có người cười bé không giỏi bằng Văn Lang, thế là lập chí giành thể diện lại cho mẹ. Từ đấy càng dốc sức học hành, không chơi với Văn Lang nữa.
Tú Anh cũng không qua lại với Triệu gia nữa, chỉ thường trò chuyện với Hà thị thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.