Nữ Sinh

Chương 4: Chương 4




Hẹn với Xuyến ba ngày nhưng mới đến ngày thứ hai, anh đã có mặt ở quán.
Xuyến hỏi:
- Đồ lính thủy đâu?
Nhìn gương mặt rạng rỡ hy vọng của nó, anh áy náy kinh khủng. Sau một thoáng ngập ngừng, anh nói, giọng bối rối:
- Không mượn được.
Giọng Xuyến xìu hẳn đi:
- Sao vậy? Anh có đến đoàn Hương Miền Nam không?
Anh gật đầu:
- Có. Nhưng họ bảo tiết mục đó lâu rồi không biểu diễn. Những bộ đồ lính thủy cũ hết rồi.
Xuyến trách:
- Anh thật cù lần. Cũ cũng mượn. Tụi này đâu có cần đồ mới.
- Nhưng đồ đó cũ quá, họ đem làm giẻ lau hết rồi.
Xuyến thở dài:
- Vậy thì thôi.
Cúc Hương và Thục ngồi bên cạnh cũng buồn xo. Anh cũng buồn. Không hiểu sao anh có cảm giác mọi chuyện đều do lỗi của mình. Anh liền lấy mấy tấm giấy màu xanh cắt sẵn trong túi xách ra, dè dặt nói:
- Tôi cắt mấy tấm giấy này...
- Gì vậy? - Xuyến hỏi.
- Giấy màu.
Xuyến ngạc nhiên:
- Anh cắt giấy màu làm gì? Tụi này lớn rồi, đâu có học môn thủ công.
- Không phải! Cái này để làm đồ lính thủy.
Trong khi Xuyến đang trố mắt thì Cúc Hương reo lên:
- Tôi hiểu rồi. Anh định dán những đường sọc xanh lên áo trắng chứ gì?
- Ừ. Chỉ có cách làm như vậy.
Xuyến hiểu ra và nó nhìn anh bằng ánh mắt trìu mến. Lần đầu tiên nó nhìn anh như vậy. Và nó khen:
- Anh thật thông minh.
Ngập ngừng một chút, nó nói thêm:
- Và thật tốt.
Lời khen của Xuyến làm anh ngượng đỏ cả mặt.
Cúc Hương cười cười nhìn anh:
- Vậy là may cho anh đó. Nếu không có mấy tấm giấy này "cứu mạng", con Xuyến nó đã kỷ luật anh rồi.
Xuyến nạt Cúc Hương:
- Mày đừng có nói oan cho tao! Kỷ luật cũng tùy chuyện chứ!
Nghe Xuyến nói, anh buồn cười nhưng cố nén. Nó làm như anh là học trò của nó, muốn phạt lúc nào thì phạt.
Cúc Hương hỏi anh:
- Tối mốt, anh có muốn đến xem tụi này biểu diễn văn nghệ không?
Anh chưa kịp trả lời thì Thục can:
- Thôi, anh đừng đi! Tụi này múa xấu hoắc à!
Cúc Hương lườm Thục:
- Xấu đâu mà xấu! Mày đừng có khiêm tốn mà mất uy tín của cả bọn. Tao thấy tụi mình múa không thua gì chương trình ca nhạc nước ngoài trên ti-vi.
Xuyến khịt mũi:
- Còn hơn nữa ấy chứ!
Xuyến nói xong, cả bọn cười khúc khích. Anh cũng cảm thấy vui lây niềm vui hồn nhiên và nhí nhảnh của các cô gái.
Cúc Hương lại hỏi:
- Sao? Anh đi không?
Anh ngập ngừng:
- Tôi chưa thể nói trước.
Cúc Hương nheo mắt:
- Anh ngại phải không?
- Không. Tôi có ngại gì đâu. Nhưng tối mốt có thể tôi bận.
- Thôi, bây giờ như thế này. Tối mốt, nếu anh rảnh thì anh đến trước cổng trường lúc bảy giờ, tụi này sẽ đưa anh vào. Được không?
- Còn nếu trễ thì tôi vào một mình?
Cúc Hương nhún vai:
- Sợ đi một mình anh không vào được. Ông bảo vệ sẽ đuổi anh ra liền. Phải có tụi này bảo lãnh mới được. Nhớ nghen, lúc bảy giờ.
Anh gật đầu.
Nhưng vào buổi tối liên hoan văn nghệ, Xuyến, Cúc Hương và Thục chờ mỏi con mắt vẫn không thấy anh tới. Đến bảy giờ, cả ba đành phải kéo vào hội trường.
Mấy hôm sau, gặp anh, Xuyến hỏi:
- Bảy giờ tối bữa đó sao anh không tới?
- Tôi kẹt.
Cúc Hương trách:
- Tụi này chờ anh đến dài cả cổ luôn!
Anh đùa:
- Tôi thấy cổ của mấy cô đâu có dài.
- Dài chứ! Hôm đó dài lắm. Bữa nay thụt lại rồi.
Xuyến tỏ vẻ tiếc rẻ:
- Tụi này múa đẹp quá trời mà anh không được xem, uổng thật!
Thục chớp mắt:
- Cái áo lính thủy trông giống lắm!
Anh gật đầu:
- Ừ, trông rất giống. Nhưng mấy cô dán không kỹ, Xuyến múa nửa chừng, một đường viền bị bong ra. Trông như cái đuôi diều.
Xuyến trố mắt:
- Ủa, sao anh biết?
Rồi nó quay sang Thục:
- Mày len lén mày kể phải không?
Thục nhăn mặt:
- Hỏi vô duyên!
Anh cười:
- Không phải Thục kể đâu! Hôm đó tôi có xem!
Cúc Hương bán tín bán nghi:
- Anh có xem?
- Ừ.
- Anh tới hồi nào ?
- Khoảng tám giờ. Tôi tới trễ.
- Làm sao anh vô được?
- Tôi... đi vô.
- Nhưng mà ai cho anh vô?
- Thì bác bảo vệ.
Cúc Hương nghi ngờ:
- Bác bảo vệ mà để yên cho anh vô? Bác ta đuổi anh ra đấy chứ!
- Bác ta không đuổi. Tôi nói: bác cho cháu vào xem văn nghệ. Bác ta bảo: vào đi! Chỉ có thế thôi!
Cúc Hương khịt mũi:
- Chỉ có thế thôi! Thật khó tin!
Xuyến cũng đồng ý với Cúc Hương. Nó nói:
- Quả là khó tin! Bác bảo vệ của tụi này rất khó tính. Không bao giờ bác ta cho kẻ lạ mặt vào trường xem văn nghệ. Tôi nghi là anh leo hàng rào!
Thục phản đối:
- Hàng rào trường mình toàn kẽm gai làm sao leo được?
Xuyến hắng giọng:
- Biết đâu được! Nếu không thì chắc anh năn nỉ ỉ ôi với bác bảo vệ. Không chừng anh hối lộ bác ta nữa!
Anh nhún vai:
- Tôi chẳng năn nỉ cũng chẳng hối lộ. Mấy cô không tin thì thôi! Bác ta chỉ nói: vào đi! Thế là tôi vào!
Kỳ công của anh khiến ba cô gái đều ngạc nhiên. Nhưng chỉ có Xuyến là nghi hoặc. Cúc Hương cười cười nhưng nó tin là anh nói thật. Còn Thục thì ngay từ đầu đã chẳng nghi ngờ gì. Nhưng nó chẳng hiểu anh làm cách nào mà lọt qua được bác bảo vệ vốn nổi tiếng là bảo thủ nhất trường. Hôm sau, anh còn làm ba cô gái ngạc nhiên hơn nữa khi anh đột nhiên hỏi Thục:
- Thục giỏi văn nhất lớp phải không?
Thục giật mình ấp úng:
- Đâu có!
Anh cười:
- Thục đừng chối. Tôi biết hết. Còn Cúc Hương thì giỏi toán. Đúng không?
Cúc Hương ngẩn người ra nhưng nó chưa kịp trả lời, Xuyến đã vọt miệng:
- Còn tôi thì sao ? Anh có biết gì về tôi không?
- Xuyến hả? Xuyến thì giỏi đều các môn. Ngoài ra, Xuyến còn là lớp trưởng!
Xuyến thè lưỡi:
- Cha mẹ ơi! Thế này thì anh nhất định là công an rồi!
- Không phải công an. Mà là thám tử! - Cúc Hương nhận xét. Và nó dòm anh, nói - Anh khai thật đi! Anh không phải tên Gia. Anh là Maigret hay Sherlock Holmes?
Anh tròn mắt nhìn Cúc Hương:
- Chà, Cúc Hương rành chuyện trinh thám quá hén!
Cúc Hương vênh mặt:
- Phải đọc truyện trinh thám để cảnh giác những kẻ khả nghi chứ! - Rồi nó cười tủm tỉm, nói - Như anh chẳng hạn.
- Như tôi?
- Ừ, như anh. Nhưng mà tôi nhớ ra rồi. Anh không phải là Maigret hay Sherlock Holmes. Anh là Arsène Lupin.
Anh gật gù:
- Tôi biết rồi . Đó là nhân vật của Maurice Leblanc. Nhưng tại sao Cúc Hương bảo tôi là Arsène Lupin?
Cúc Hương nói mà mắt nhìn lên trần nhà:
- Bởi vì Arsène Lupin cũng trẻ như anh. Cũng... đẹp trai như anh. Lúc nào cũng ăn mặc láng coóng. Ngoài ra, Arsène Lupin lại rất láu cá và rất khoái "trồng cây si" các cô gái.
- Nè, nè, Cúc Hương đừng có nói bậy! Tôi láu cá hồi nào?
- Thì anh không láu cá.
- Tôi cũng chẳng "trồng cây si" ai hết. Tôi đã nói rồi. Tôi đến đây chỉ để uống cà phê.
- Thì anh không "trồng cây si" nhưng mà cây si trồng anh.
Anh cau mặt:
- Nếu mấy cô còn nghĩ như vậy thì tôi sẽ không đến đây nữa.
Thấy anh có vẻ giận thật sự, cả bọn phát hoảng. Thục giảng hòa, vẻ lo lắng:
- Con Cúc Hương nói đùa, anh giận làm chi!
Cúc Hương cũng nhân nhượng:
- Vậy thôi, tôi rút lời lại. Anh không láu cá, cũng không "trồng cây si". Chỉ còn mỗi khoản trẻ và đẹp trai thôi. Anh đồng ý chưa?
Đang bực mình nhưng nghe giọng lưỡi của Cúc Hương, anh cũng phải phì cười:
- Không đồng ý. Chỉ trẻ thôi. Nhưng không đẹp trai.
Cúc Hương chép miệng:
- Đẹp thật mà. Y chang thần Apollon trong thần thoại Hy Lạp.
Xuyến gật đầu và nói bằng giọng tỉnh khô:
- Con Cúc Hương nói đúng đó. Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi chưa từng thấy một người nào đẹp trai mà lại quí phái, sang trọng như anh.
- Thôi đi mấy cô! - Anh xua tay - Mấy cô đừng có chọc quê tôi!
Xuyến làm ra vẻ thật thà:
- Chọc quê gì đâu! Không tin, anh hỏi con Thục coi! - Rồi nó quay sang Thục, hỏi - Phải không Thục?
Anh nhìn Thục. Nhưng Thục đã ngó lơ chỗ khác.
Xuyến hùng hồn:
- Đó, anh thấy chưa! Con Thục ngó lơ tức là nó đồng ý rồi đó!
Trước lối diễn giải ngang phè của Xuyến, anh chỉ biết mỉm cười. Anh biết có cãi nhau với Xuyến cũng vô ích, Xuyến sẽ át giọng anh. Vả lại, cũng không nên làm như vậy. Cô này mà làm lớp trưởng thì đáo để phải biết! Cả lớp nghe lời cứ là răm rắp! - Anh nghĩ thầm và khẽ ngước nhìn ba cô gái đang ngồi ríu rít trước mặt bằng ánh mắt trìu mến. Họ đều là những học sinh ưu tú. Chỉ có mỗi cái tội nghịch phá, trời cũng sợ! Và không hiểu ma xui quỉ khiến thế nào mà anh lại ngẫu nhiên trở thành nạn nhân khốn khổ của họ.
Hôm đó, anh không phải trả tiền cà phê. Khi anh kêu tính tiền, bà chủ quán bảo Xuyến đã trả rồi. Anh đoán rằng đó là cách họ cảm ơn anh về chuyện chiếc áo lính thủy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.