Ở Lại Bên Anh - Khổ Tư

Chương 5: Cậu thích là được




Kiếp luật sư của Trần Bách Kiêu, nói thật, thì xuôi chèo mát mái hơn những người khác rất rất nhiều. Có lẽ là vì anh tốt nghiệp trường danh giá, hơn nữa còn có tí yếu tố may mắn. Năm đi tìm việc, anh thành công nhận được offer từ một ekip không tồi. Từ đấy, anh bắt đầu trở thành một mảnh ghép trong thị trường tư bản.
Những ai biết Trần Bách Kiêu có lẽ đều cảm thấy anh không hợp làm luật sư. Bởi vì luật sư trong ấn tượng của mọi người phải là kẻ miệng lưỡi trơn tru linh hoạt khôn khéo, có năng lực xã giao thiện nghệ, năng nổ khoản ăn nói, còn Trần Bách Kiêu thì lại chẳng hề liên quan gì đến những từ ấy.
Nhưng Trần Bách Kiêu vẫn trở thành một luật sư xuất sắc, bởi vì anh còn có rất nhiều phẩm chất và tính cách hợp với nghề này. Hơn nữa, không như nhiều kẻ khác, Trần Bách Kiêu không có cuộc sống cá nhân, mà chỉ có công việc.
Bởi vậy anh có thể chịu đựng việc tăng ca ở bất kỳ cường độ nào, standby mọi lúc mọi nơi.
Phấn đấu như thế bao năm qua, anh mua nhà mua xe, có tiền tiết kiệm, trở thành một cá thể thành công trong mắt bao người.
Nhà của Trần Bách Kiêu rất lớn, tuy chỉ có một tầng, nhưng cực kỳ rộng rãi.
Phong cách nội thất của anh vô cùng giản dị, như thể chủ căn nhà cũng chẳng muốn bỏ mấy thời gian vào việc trang hoàng nhà cửa.
Trước khi vào nhà, Dương Trĩ thật lòng cũng nghĩ vậy.
“Vào đi.” Trần Bách Kiêu khom lưng tìm một đôi dép lê cho cậu.
Nhà có hai phòng tắm, Trần Bách Kiêu đưa Dương Trĩ vào, bật đèn sưởi trong phòng tắm cho cậu, để cậu tắm rửa trước.
Sắp xếp xong cho Dương Trĩ, Trần Bách Kiêu mới về phòng mình.
Tuy Trần Bách Kiêu cũng thấy hơi lạnh, nhưng anh tắm rất nhanh, vì luôn để ý tới việc có Dương Trĩ bên cạnh.
Lúc anh ra khỏi phòng tắm, Dương Trĩ còn chưa tắm xong. Hồi trước Trần Bách Kiêu chẳng bao giờ thích mặc quần áo tử tế trong nhà, nhưng bây giờ còn có Dương Trĩ.
Bởi vậy anh đi đến mép giường, nhặt chiếc áo ngủ dài tay bị mình ném bừa phứa lên, cài từng cúc thật cẩn thận.
Trong lúc đợi Dương Trĩ tắm xong, Trần Bách Kiêu gọi điện thoại cho một đồng nghiệp của anh.
Đồng nghiệp này tên Lý Dật Tư, là người bạn đầu tiên của Trần Bách Kiêu sau khi anh vào công ty Luật.
Đợi mãi Lý Dật Tư mới bắt máy. Trần Bách Kiêu đoán chừng vì đang cuối tuần, nên chắc anh chàng lại đi bar bủng gì rồi.
Quả nhiên bên kia rất ồn ào, Trần Bách Kiêu cau mày, phủ đầu ngay: “Ông ra chỗ nào yên tĩnh chút được không?”
Lý Dật Tư bật cười, đáp ờ được được, rồi cầm di động qua chỗ khác.
“Gọi tôi gì đấy? Tôi làm xong hết việc rồi, chẳng lẽ có dự án nào cần tăng ca hả?” Lý Dật Tư càng hỏi càng thấy căng thẳng.
Cả tuần trời có khi chỉ được một tối để nghỉ ngơi, anh chàng không muốn đang ngồi giữa bar còn phải lôi laptop ra làm việc đâu.
“Tôi gọi ông chỉ để bàn chuyện công việc thôi chắc?” Trần Bách Kiêu hỏi.
“Ô, chứ còn gì nữa?” Lý Dật Tư cười. Trần Bách Kiêu không thích cái kiểu cười cợt này lắm. Mỗi lần Lý Dật Tư cười như thế, Trần Bách Kiêu lại cảm thấy như họ không ở cùng một thế giới.
“Được rồi,” Trần Bách Kiêu không muốn lãng phí thời gian nữa, “Ông có biết muốn phòng cảm lạnh thì nên uống canh gì không?”
Lý Dật Tư khựng lại, nghi hoặc kêu hả: “Ông nói gì cơ?”
“Tôi bảo là, uống canh gừng, có được không…”
“À, được chứ,” Lý Dật Tư cuối cùng cũng nghe rõ, “Ông bị cảm à?”
“Tôi không,” Trần Bách Kiêu cảm thấy nói chuyện với Lý Dật Tư lao lực quá, “Trước kia ông có bảo, mẹ ông từng nấu cho ông.”
Bình thường Lý Dật Tư rất lắm mồm, nên anh chàng phải ngẫm ngợi một lát rồi mới xác nhận: “Ờ đúng.”
“Vậy cụ thể là nấu kiểu gì?” Trần Bách Kiêu cầm di động đi vào phòng bếp.
Phòng bếp của anh vô cùng sạch sẽ, bởi vì những lúc Trần Bách Kiêu ở nhà được để nấu ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng anh lại không thích đồ ăn bên ngoài lắm. Trừ những dịp tụ họp bắt buộc, thì Trần Bách Kiêu luôn thuê người giúp việc về nấu. Mỗi lần đi, cô giúp việc đều quét dọn phòng sạch sẽ tinh tươm.
Nhưng hôm nay hơi muộn rồi, nên Trần Bách Kiêu không quấy rầy cô giúp việc nữa.
“Hả?” Lý Dật Tư vừa cười vừa hỏi, “Ông tính nấu à?”
“Chứ không tôi phải gọi cho ông làm gì,” Trần Bách Kiêu đã bắt đầu cúi xuống tìm gừng, “Ông nói đi.”
Lý Dật Tư phát hiện bây giờ Trần Bách Kiêu hẳn là đang rất sốt ruột, nên anh chàng cũng bớt mấy lời trêu chọc, nhớ lại rồi nói với anh: “Trong ấn tượng của tôi thì có gừng với đường nâu, nhà ông có không?”
“Có.” Trần Bách Kiêu đi đến tủ lạnh lục lọi.
“Rồi sao nữa?” Anh lại hỏi.
“Phải đun tan đường nâu rồi mới bỏ gừng,” Lý Dật Tư giảng giải, “Ông đun nước trong một cái nồi con đã.”
“Được.” Trần Bách Kiêu nói xong thì Lý Dật Tư nghe thấy tiếng mở nước ở đầu dây kia.
Thêm nước rồi bật bếp, Trần Bách Kiêu cảm thấy bước tiếp theo chắc mình biết làm rồi, nên tính cúp máy.
Đột nhiên, Dương Trĩ xuất hiện ở cửa phòng bếp. Thấy Trần Bách Kiêu đang nấu gì đó, cậu đi vào, bản thân chưa kịp nhận ra thì đã đứng sát gần anh: “Đang làm gì đó?”
Ở đầu dây kia, Lý Dật Tư tự dưng nghe thấy một giọng nam trẻ thì la oai oái, gào lên má tui ơi Trần Bách Kiêu nhà ông có ai hả!
Trần Bách Kiêu sợ Lý Dật Tư nói năng lung tung Dương Trĩ lại nghe được, nên lập tức vươn tay ngắt máy.
“Đun nước đường nâu, đợi một lát thì cho vài lát gừng vào.” Trần Bách Kiêu tỏ vẻ rất hiểu biết, bỏ mấy lát đường nâu vào nồi nước đang nổi bong bóng.
Dương Trĩ nhìn lướt qua phòng bếp của Trần Bách Kiêu, nói: “Mình còn tưởng cậu không biết nấu ăn cơ.”
“Mình không biết mà.” Trần Bách Kiêu thành thật đáp.
Dương Trĩ: “Vậy mà nhà cậu cái gì cũng có.”
Trần Bách Kiêu: “Mình thuê giúp việc về.”
Dương Trĩ gật đầu, nói: “Mình biết nấu, để mình làm cho.”
“Không sao.” Trần Bách Kiêu liếc Dương Trĩ, rồi lại quay đầu quan sát nồi nước.
Đồ ngủ của Dương Trĩ bình thường mà lại bất thường. Bình thường là vì chúng chỉ là áo dài tay quần thụng, không có thiết kế gì đặc biệt, bất thường là tại bộ đồ ngủ này màu vàng nhạt, vải còn in rất nhiều họa tiết gấu con, trông vô cùng ấm áp.
Dù Trần Bách Kiêu muốn tự nấu một mình, nhưng Dương Trĩ vẫn đứng cạnh nấu với anh.
Trong lúc đợi đun nước đường nâu, chiếc di động đặt bên cạnh Trần Bách Kiêu cứ kêu hoài, nheo nhéo đến độ Dương Trĩ phải nhắc nhở anh: “Di động của cậu kìa, hay là có công việc gì quan trọng lắm?”
Trần Bách Kiêu chẳng cần đoán cũng biết chắc chắn là Lý Dật Tư gọi sang. Nhưng ở trước mặt Dương Trĩ, anh vẫn mở máy nhìn lướt qua, nhắn lại một dấu ba chấm, rồi tắt tiếng điện thoại.
Tối hôm đó, nhờ Trần Bách Kiêu và Dương Trĩ chung tay canh chừng, nồi canh gừng kia ngon vượt mức bình thường.
Trần Bách Kiêu cho là rất vừa miệng, nhưng có lẽ Dương Trĩ thấy hơi cay, nên lúc uống canh thi thoảng cậu lại thè lưỡi, hơi ngượng ngùng nói với Trần Bách Kiêu: “Mình không quen uống món này lắm.”
Nói thế có lẽ sẽ khiến Trần Bách Kiêu tổn thương, nên Dương Trĩ lập tức bổ sung: “Nhưng uống xong thấy khỏe hơn nhiều rồi.”
Thật ra Trần Bách Kiêu chẳng tổn thương tổn thiếc gì, nhưng anh hơi ngơ ngẩn, bởi vậy nên Dương Trĩ mới hiểu lầm.
Thật tình, Trần Bách Kiêu ngẩn ngơ là vì thấy đầu lưỡi của Dương Trĩ.
Hồng hào, có vẻ rất mềm mại, khiến trí tưởng tượng của Trần Bách Kiêu bay xa, nảy sinh… dục vọng.
Dương Trĩ được xếp vào phòng ngủ cho khách ở kế phòng Trần Bách Kiêu.
Hồi xưa lúc mua căn hộ này, điểm Trần Bách Kiêu không hài lòng nhất chính là vị trí phòng ngủ dành cho khách, bởi vì anh nghĩ tới việc nhỡ nhà có khách, mình cũng chẳng muốn vị khách ấy ở ngay sát vách phòng mình.
Nhưng vào giờ khắc này, anh bỗng thấy vô cùng may mắn vì mình vẫn mua nhà dẫu không vừa ý.
“Cần gì thì gọi mình nhé.” Trần Bách Kiêu nhìn Dương Trĩ chạy vào phòng trèo lên giường.
Dương Trĩ chống tay lên giường, hơi ngước đầu, cười nói với Trần Bách Kiêu: “Thoải mái thật đó.”
Trần Bách Kiêu vẫn không trưng ra biểu cảm dư thừa gì, chỉ nói: “Cậu thích là được.”
Đến lúc Dương Trĩ nằm xuống, đắp chăn đàng hoàng, Trần Bách Kiêu mới tắt đèn, xoay người đi ra ngoài.
Ngày đầu tiên Dương Trĩ ở nhà Trần Bách Kiêu, Trần Bách Kiêu gần như mất ngủ suốt đêm.
Anh dành nửa buổi tối để ngẫm ngợi làm sao mới giữ Dương Trĩ lại được, còn nửa tối kia là để kiềm chế.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.