Ông Trăm Tuổi Trèo Qua Cửa Sổ Và Biến Mất

Chương 26: Chương 26




1968 – 1982
Yury Popov Borisovich sống và làm việc ở thành phố Sarov tại Nizhny Novgorod, khoảng 350km về phía đông Moskva.
Sarov là một thành phố bí mật, có khi còn bí mật hơn điệp vụ Hutton. Thậm chí không được phép gọi nó là Sarov mà bằng một cái tên không mấy lãng mạn là Arzamas-16. Hơn nữa, toàn bộ thành phố đã được tẩy xóa khỏi mọi bản đồ. Sarov cùng lúc vừa tồn tại, vừa không tồn tại, tùy vào việc ta đề cập đến thực tế hay cái gì khác. Gần giống như Vladivostok trong vài năm từ 1953 trở đi, dù nó ngược nhau.
Ngoài ra, thành phố được rào bằng dây thép gai, tuyệt đối không ai được phép ra vào mà không bị kiểm tra an ninh ngặt nghèo. Nếu ai có hộ chiếu Mỹ và ở Đại sứ quán Mỹ tại Moskva thì lại càng không nên bén mảng đến gần nơi này.
Nhân viên CIA Ryan Hutton và học trò của ông, Allan Karlsson đã nghiên cứu cuốn sách ABC dành cho gián điệp trong vài tuần trước khi Allan đã được cài vào Đại sứ quán ở Moskva dưới cái tên Allen Carson và chức danh mơ hồ ‘nhân viên hành chính’.
Thật xấu hổ cho mật vụ Hutton là ông đã hoàn toàn bỏ qua thực tế rằng đối tượng mà Allan Karlsson định tiếp cận là bất khả xâm phạm, quây kín sau dây thép gai trong một thành phố được bảo vệ cẩn mật đến mức nó thậm chí còn không được phép gọi bằng tên ra.
Mật vụ Hutton xin lỗi Allan về sai lầm của mình, nhưng đèo thêm rằng chắc chắn Allan sẽ nghĩ ra một cách gì đó. Thỉnh thoảng Popov phải đến Moskva và nhiệm vụ của Allan là điều tra xem lần sau, khi nào Popov sẽ tới.
– Xin ông Karlsson thứ lỗi, mật vụ Hutton nói qua điện thoại từ thủ đô nước Pháp.
Tôi có một số việc khác đang cần giải quyết. Chúc ông may mắn!
Rồi mật vụ Hutton gác máy, thở dài, quay lại với mớ hậu quả lộn xộn của vụ đảo chính quân sự – được CIA hỗ trợ – ở Hy Lạp mấy năm trước. Cũng giống như nhiều thứ khác trong thời gian gần đây, nó đã đi chệch hướng.
Về phần mình, Allan chẳng biết làm gì hơn là đi bách bộ đến thư viện thành phố Moskva mỗi ngày, ngồi đó hàng giờ đọc các nhật báo và tạp chí. Ông hy vọng mình sẽ vớ được bài báo nào đó về chuyện Popov sắp xuất hiện công khai đâu đó ngoài hàng rào dây thép gai ở Arzamas-16.
Hàng tháng trôi qua mà chẳng có tin tức nào như thế. Nhưng Allan có thể đọc tin ứng cử viên tổng thống Robert Kennedy cũng gặp số phận tương tự như ông anh mình và Tiệp Khắc đã yêu cầu Liên Xô giúp đỡ để chấn chỉnh chủ nghĩa xã hội ở nước mình.
Ngoài ra, Allan ghi nhận một ngày kia, Richard M Nixon đã lên thay Lyndon B Johnson. Nhưng vì vẫn nhận phong bì lương từ Đại sứ quán đều đều mỗi tháng, Allan nghĩ tốt nhất là mình cứ tiếp tục săn tìm Popov. Nếu có gì đã thay đổi, thể nào mật vụ Hutton cũng liên lạc và báo cho ông.
Qua năm 1968 đến mùa xuân năm 1969, khi đang mải miết lật báo ở thư viện, Allan tình cờ phát hiện ra một tin thú vị. Đoàn nhạc kịch Vienna sẽ có một buổi biểu diễn cho khách mời tại Nhà hát Bolshoi ở Moskva, Franco Corelli hát nam chính và ngôi sao quốc tế người Thụy Điển Birgit Nilsson trong vai Turandot.
Allan gãi gãi râu (giờ lại mọc đầy) và nhớ lại buổi tối đầu tiên và duy nhất mà ông bên Yury. Đêm khuya, Yury bắt đầu hát rống lên bài “Nessun Dorma” – không ai được phép ngủ! Chẳng bao lâu, ngấm rượu, ông cũng lăn ra ngủ nhưng đó là một chuyện khác.
Theo suy luận của Allan, chẳng lẽ một người đã từng biểu diễn khá hay Puccini và Turandot ở độ sâu hai trăm mét, lại có thể bỏ lỡ buổi trình diễn từ Vienna với chương trình tương tự tại Nhà hát Bolshoi ở Moskva? Nhất là nếu ông ta chỉ ở cách đó vài tiếng đi xe và thừa huy chương để kiếm một chỗ trong khán phòng.
Nhưng biết đâu không phải thế. Vậy thì Allan vẫn cứ tiếp tục hàng ngày đi bách bộ đến thư viện thôi. Đấy là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, mà nó cũng không tệ lắm.
Tạm thời, Allan cứ cho rằng Yury sẽ xuất hiện bên ngoài nhà hát, và ông chỉ cần đứng đó, nhắc Yury nhớ đến chầu rượu cuối cùng của họ. Chắc là thế.
Hoặc không phải thế. Thực tế hoàn toàn khác.
*
Tối ngày 22 tháng Ba 1969, Allan đứng chỗ dễ thấy nhất bên trái lối vào chính của Nhà hát Bolshoi. Ông nghĩ từ chỗ này mình có thể nhận ra Yury khi ông ta trên đường vào khán phòng. Tuy nhiên nảy sinh vấn đề là mọi người khách nhìn gần như giống hệt nhau. Đàn ông đều mặc comple đen dưới áo choàng màu đen còn phụ nữ thì váy dạ hội lấp ló dưới áo khoác lông thú đen hoặc nâu. Họ đều đi thành từng cặp, từ ngoài trời lạnh nhanh chóng tiến vào nhà hát ấm áp, lướt qua chỗ Allan đang đứng ở bậc trên cùng chiếc cầu thang lộng lẫy. Trời thì tối om, Allan làm sao có thể nhận ra một khuôn mặt ông chỉ thấy trong hai ngày, từ hai mươi mốt năm về trước. Trừ khi ông gặp may mắn không thể tin được là chính Yury sẽ nhận ra ông.
Không, Allan không gặp may như thế. Tất nhiên chẳng có gì chắc chắn rằng Yury Borisovich cùng ai đó đã vào bên trong nhà hát, nhưng, nếu có thế thật thì ông ta đã đi qua cách người bạn cũ vài mét mà chẳng có tín hiệu gì. Allan có thể làm gì? Ông nghĩ thành tiếng:
Nếu vừa đi vào nhà hát, Yury Borisovitch thân mến ạ, thì vài tiếng nữa ông bạn chắc chắn sẽ lại đi ra qua cánh cửa này. Nhưng lúc ấy trông ông vẫn hệt như lúc đi vào. Thế thì tôi không thể tìm thấy ông được. Có nghĩa là ông sẽ phải tìm tôi vậy.
Đành phải thế thôi. Allan về văn phòng nhỏ của mình ở Đại sứ quán, chuẩn bị vài thứ và quay trở lại đúng lúc trước khi Hoàng tử Calif làm trái tim công chúa Turandot tan chảy.
Trong quá trình được mật vụ Hutton huấn luyện, Allan bị nhồi nhét nhiều nhất là từ thận trọng. Một mật vụ giỏi không bao giờ tạo ra bất kỳ sự chú ý nào xung quanh mình, anh ta không được khác biệt, phải hòa lẫn vào môi trường hoạt động của mình tới mức gần như là vô hình.
Ông hiểu chứ, ông Karlsson? Mật vụ Hutton hỏi.
Chắc chắn rồi, ông Hutton ạ, Allan đã trả lời.
Khán giả vỗ tay đòi Birgit Nilsson và Franco Corelli trở lại sân khấu hai mươi lần, buổi diễn thành công rực rỡ. Do đó, phải mất thêm một lúc lâu trước khi khán giả rời khỏi khán phòng và đám người trông giống nhau ấy bắt đầu ùn ùn xuống cầu thang lần nữa. Ai cũng thấy một người đàn ông đứng ở giữa bậc cuối cùng, hai tay giơ lên giữ một tấm biển tự chế trên ghi:
TÔI LÀ
ALLAN
EMMANUEL
Tất nhiên Allan Karlsson hiểu rõ bài giảng của mật vụ Hutton, ông chỉ không quan tâm đến nó nữa. Paris chỗ Hutton đang mùa xuân, nhưng Moskva lúc này trời vừa lạnh vừa tối. Allan lạnh cóng và chỉ muốn được việc. Lúc đầu, ông định viết tên Yury trên tấm biển, nhưng cuối cùng quyết định rằng như thế sẽ lộ liễu quá, trước tiên nó phải liên quan đến bản thân mình chứ không phải người khác.
Larissa Aleksandrevna Popova, vợ Yury Borisovich Popov, âu yếm nắm lấy tay chồng, cảm ơn đến lần thứ năm về buổi diễn tuyệt vời họ vừa thưởng thức. Birgit
Nilsson đúng là Maria Callas hiện thân! Và chỗ ngồi nữa!
Hàng thứ tư, ở chính giữa. Lâu lắm rồi Larissa mới hạnh phúc như thế. Chưa hết, tối nay bà và chồng sẽ được ở tại khách sạn, không phải quay trở lại cái thành phố kinh khủng đằng sau hàng rào kẽm gai trong gần hai mươi bốn giờ. Họ sẽ có một bữa tối lãng mạn cho hai người… chỉ có bà và Yury… và rồi có lẽ…
Xin lỗi, em yêu, Yury nói và dừng lại trên bậc thềm ngay bên ngoài cửa nhà hát.
Cái gì vậy, anh yêu? Larissa lo lắng hỏi.
Không… có lẽ không có gì… nhưng… em có nhìn thấy người đàn ông ở dưới đó với cái biển không? Anh phải ra đó xem sao… không thể thế được… nhưng anh phải… nhưng người ấy đã chết rồi cơ mà!
Ai chết cơ, anh yêu?
Đi nào! Yury nói và đi với vợ xuống cầu thang.
Cách Allan ba mét, Yury dừng lại, cố gắng làm não hiểu những gì mắt thấy. Allan đã nhận ra ông bạn điên cuồng chằm chằm nhìn mình từ nãy, hạ tấm biển xuống và nói:
– Birgit diễn hay không?
Yury vẫn nín lặng, nhưng vợ ông thì thầm hỏi chồng liệu đây có phải là người mà anh cho là đã chết không. Allan nói với Yury là mình chưa chết, và nếu vợ chồng Popov muốn đảm bảo rằng ông không bị cóng đến chết thì tốt nhất, họ nên lập tức dắt ông đến nhà hàng nào đó, cho ông uống ít vodka và chút gì đó để ăn.
Đúng là anh rồi…, cuối cùng Yury cũng kêu lên. Nhưng… anh nói tiếng Nga à…?
Vâng, sau khi chúng ta gặp nhau lần cuối, tôi đã theo học năm năm tiếng nước anh, Allan đáp. Trường GULAG. Còn vodka thì sao?
Yury Borisovich là một người rất đàng hoàng, và suốt hai mốt năm qua, ông cảm thấy rất có lỗi vì đã vô tình dụ anh chàng chuyên gia bom nguyên tử người Thụy Điển đến Moskva rồi đưa đẩy tới Vladisvostok, nơi anh ta, nếu còn sống được tới lúc ấy, thì có lẽ cũng bị chết thiêu trong đám cháy mà ở Liên Xô ai cũng biết. Ông đã ân hận suốt hai mươi mốt năm qua và lập tức cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy anh chàng Thụy Điển, vẫn với vẻ lạc quan như ngày nào.
Giờ thì Yury Borisovich đang đứng bên ngoài Nhà hát Bolshoi ở Moskva, trời lạnh âm 15 độ, sau màn trình diễn opera ấm cúng và… không, ông không thể tin được. Allan Emmanuel Karlsson đã thoát. Và anh ta vẫn còn sống sót, đang đứng sờ sờ trước mặt Yury ngay lúc này. Ở giữa Moskva. Nói tiếng Nga!
Yury Borisovich đã lấy Larissa Aleksandrevna 40 năm và sống rất hạnh phúc. Họ không có con cái nhưng tin tưởng nhau tuyệt đối. Họ chia sẻ với nhau mọi điều hay dở và Yury đã hơn một lần thổ lộ với vợ nỗi buồn thương cho số phận của Allan Emmanuel Karlsson. Lúc này, trong khi Yury vẫn tìm cách liên lạc với não mình,
Larissa Aleksandrevna chủ động nói.
Theo em hiểu thì đây là bạn cũ của anh, người mà anh gián tiếp đẩy đến chỗ chết. Anh yêu, sao mình không nhanh chóng chiều ý anh ấy, đưa anh ấy đến nhà hàng uống ít vodka trước khi anh ấy chết thật?
Yury không đáp, nhưng gật gật đầu và để vợ đưa ra chiếc limousine đang đợi sẵn, ông ngồi vào, cạnh người đồng chí đã chết của mình trong lúc vợ chỉ đường cho lái xe.
Anh đến nhà hàng Puskhin nhé.
Họ cần hai ly rượu mạnh cho Allan để tan giá và hai ly nữa cho Yury hoàn hồn trở lại. Trong lúc đó, Allan và Larissa làm quen với nhau.
Khi Yury cuối cùng cũng hoàn hồn, và cú sốc biến thành niềm vui (“Chúng ta ăn mừng nào!”), Allan nghĩ đã đến lúc phải nói thẳng. Nếu phải nói thì thà là nói ngay và luôn.
Trở thành gián điệp thì sao? Allan nói. Tôi cũng làm đấy, và thực ra nó thú vị phết.
Yury sặc trên ly rượu thứ năm của mình và phun nó ra khắp bàn ăn.
Gián điệp á? Larissa hỏi trong lúc ông chồng ho sặc sụa.
Vâng, hoặc là điệp viên. Tôi chẳng biết nó có gì khác nhau, thật đấy.
Hay nhỉ! Anh kể thêm cho chúng tôi đi, Allan Emmanuel.
Không, không, Allan, Yury ho. Đừng nói nữa! Chúng tôi không muốn biết nữa!
Đừng có ngốc thế, Yury thân yêu, Larissa nói. Bao năm rồi không gặp, bạn anh phải được cho chúng mình biết công việc của anh ấy hiện nay chứ. Anh tiếp đi, Allan Emmanuel.
Allan nói tiếp và Larissa chăm chú lắng nghe trong lúc Yury lấy tay ôm mặt. Allan kể về bữa ăn tối với Tổng thống Johnson và mật vụ CIA Hutton, về cuộc gặp Hutton ngày hôm sau, khi Hutton đề xuất Allan nên đi Moskva và tìm hiểu về tên lửa Liên Xô.
Allan thấy mình vẫn có thể chọn cách ở lại Paris, nơi ông chắc chắn sẽ giúp ích cho bà đại sứ và chồng tránh các cuộc khủng hoảng ngoại giao vì vạ miệng. Nhưng vì Amanda và Herbert là hai người mà Allan không thể phân thân nhiều nơi cùng một lúc nên ông đã đồng ý với đề nghị của mật vụ Hutton. Nó có vẻ khá đơn giản và bình tĩnh hơn. Thêm nữa, gặp lại Yury sau chừng ấy năm cũng vui.
Yury vẫn vùi mặt vào hai bàn tay nhưng lén nhìn trộm Allan giữa các khe ngón. Yury nghe nhắc đến tên Herbert Einstein? Yury còn nhớ anh ta và thật là tin tốt lành nếu Herbert cũng sống sót qua vụ bắt cóc và trại tù mà Beria đã tống anh ta vào.
Ồ, có chứ, Allan khẳng định. Rồi ông kể tóm tắt câu chuyện về hai mươi năm ở với Herbert; ông bạn này đầu tiên chỉ muốn chết, nhưng cuối cùng khi phải chết, vào cuối tháng mười hai vừa rồi ở Paris, ở tuổi bảy mươi sáu, ông đã hoàn toàn đổi ý về điều đó. Ông đã để lại một người vợ thành đạt – bây giờ là góa phụ – từng là một nhà ngoại giao ở Paris, và hai đứa con tuổi teen. Tin mới nhất từ thủ đô nước Pháp cho hay, gia đình đã quen dần với sự ra đi của Herbert, và bà Einstein rất được yêu mến trong cộng đồng VIP. Tiếng Pháp của bà đúng là cực kỳ khủng khiếp, nhưng lại đâm có duyên, vì thỉnh thoảng bà nói những điều ngớ ngẩn mà có lẽ không thể tin được là định nói.
Chắc là tôi đang bị lạc đề rồi, Allan nói. Anh quên chưa trả lời câu hỏi của tôi. Anh có phải là một điệp viên không?
Nhưng mà Allan Emmanuel, anh bạn tốt của tôi ơi. Làm gì có chuyện đó! Tôi tự hào được phục vụ nước mẹ hơn bất kỳ thường dân nào khác trong lịch sử hiện đại Liên Xô. Hoàn toàn không có chuyện tôi sẽ làm gián điệp đâu! Yury nói và đưa ly lên miệng.
Đừng nói thế, Yury thân yêu, Larissa bảo, và khiến ông chồng lại sặc ly thứ sáu, giống như ly số năm.
Uống vodka vào thì tốt hơn là phun nó lên người khác chứ? Allan thắc mắc bằng giọng thân thiện.
Larissa Popova tiếp tục lập luận, trong lúc ông chồng lại lấy tay che mặt. Ý Larissa là cả mình và Yury sắp sáu mươi lăm tuổi rồi, và họ thực sự phải cảm ơn Liên Xô vì điều gì nào? OK, chồng bà đã nhận được rất nhiều huy chương và giải thưởng, và nhờ thế mà có vé tốt ở Nhà hát. Nhưng ngoài ra thì sao?
Larissa không chờ chồng trả lời, mà tiếp tục nói rằng cả hai đều phải câm lặng ở Arzamas-16, một thành phố mà chỉ cái tên không cũng làm người ta ngán ngẩm. Lại còn quây kín sau dây thép gai nữa. Phải, Larissa biết rằng họ được tự do ra vào, nhưng Yury đừng có ngắt lời vội vì bà còn chưa nói xong.
Yury đã làm nô lệ cho ai ngày này qua ngày khác? Đầu tiên là cho Stalin, và ông ta hoàn toàn điên rồ. Sau đó đến lượt Khrushchev, dấu hiệu duy nhất cho thấy ông ta còn tí tính người là cho tử hình Nguyên soái Beria. Và bây giờ là Brezhnev – người bốc mùi!
Larissa! Yury Borisovich kêu lên kinh hoảng.
Nào, Jilij thân yêu, anh đừng có ngồi đó và réo em Larissa nữa. Brezhnev bốc mùi là chính anh nói nhé.
Rồi bà tiếp tục rằng Allan Emmanuel đã đến thật đúng lúc, vì càng về cuối, bà càng thấy trầm cảm đến chết trong hàng rào dây thép gai ở cái thành phố chính thức không tồn tại này. Thậm chí chẳng biết Larissa và Yury có được tấm bia mộ thực sự sau khi chết không nữa? Hay là cũng phải ghi bằng mật mã, vì lý do an ninh?
Nơi đây yên nghỉ đồng chí X và bà Y, người vợ thân yêu của ông, Larissa nói. Yury không trả lời. Bà vợ thân yêu của ông có lẽ cũng có lý. Và bây giờ Larissa chốt hạ:
Thế thì sao không làm gián điệp vài năm với bạn anh ở đây, rồi chúng mình sẽ được giúp đỡ trốn đến New York, ở đó mình có thể đến nhà hát Metropolitan mỗi tối. Chúng mình sẽ sống ra sống, Yury thân yêu, trước khi phải chết.
Trong lúc Yury trông có vẻ xuôi xuôi, Allan tiếp tục giải thích cặn kẽ hơn nguồn cơn mọi chuyện. Ông kể mình đã loằng ngoằng thế nào gặp Hutton ở Paris, và hóa ra Hutton là người thân cận với cựu Tổng thống Johnson và cũng có một vị trí cao trong CIA.
Khi Hutton nghe nói Allan biết Yury Borisovich từ lâu, và Yury có thể còn nợ Allan một ân tình thì ông ta đã vạch ra một kế hoạch.
Allan đã không để tâm lắm về khía cạnh chính trị toàn cầu của kế hoạch vì ông có thói quen hễ người ta bắt đầu nói chuyện chính trị thì thôi không nghe nữa. Kệ nó đến đâu thì đến.
Nhà vật lý hạt nhân Liên Xô dần dần tỉnh táo lại, và gật đầu thừa nhận. Chính trị không phải là món yêu thích của Yury, hoàn toàn không. Tất nhiên, ông theo chủ nghĩa xã hội bằng cả trái tim và linh hồn, nhưng nếu ai bắt nâng cao quan điểm thì ông gặp rắc rối ngay.
Allan gắng hết sức tiếp tục tóm tắt những gì mật vụ Hutton đã nói. Chắc chắn nó liên quan đến thực tế là Liên Xô sẽ tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, hoặc là không.
Yury gật đầu lần nữa, và đồng ý rằng tình hình là như thế. Hoặc có hoặc không, chỉ có hai tình huống đó thôi.
Thêm nữa, như Allan nhớ được, Hutton – người của CIA, đã tỏ ra quan tâm đến các hậu quả nếu Liên Xô tấn công Mỹ.
Vì cho dù kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô không lớn hơn thì nó vẫn có thể quét sạch Hoa Kỳ chỉ trong một lần duy nhất, Hutton nghĩ thế cũng đủ thảm họa.
Yury Borisovich gật đầu lần thứ ba, công nhận rằng nếu Mỹ bị xóa sổ thì vấn đề phải cực kỳ nghiêm trọng với người dân Mỹ.
Nhưng Hutton tổng kết thế nào thì Allan thật sự không nói được. Dù sao, vì lý do này khác, ông muốn biết kho vũ khí của Liên Xô chứa những gì, và khi biết được thì ông có thể khuyên Tổng thống Johnson bắt đầu đàm phán với Liên Xô về giải trừ vũ khí nguyên tử. Dù hiện nay, tất nhiên Johnson không phải là tổng thống nữa nên…
không, Allan cũng không biết. Chính trị thường không chỉ vô bổ mà đôi khi còn phức tạp không cần thiết.
Yury được công nhận là người đứng đầu về kỹ thuật của toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân Liên Xô, ông biết mọi thứ về chiến lược, địa bàn và tiềm lực của chương trình. Nhưng trong suốt hai mươi ba năm phục vụ chương trình hạt nhân của Liên Xô, ông không hề nghĩ – mà cũng chẳng cần nghĩ – một tí nào về chính trị. Nó hợp với Yury và sức khỏe của ông đặc biệt tốt. Ông đã tồn tại qua ba đời lãnh đạo khác nhau, kể cả Nguyên soái Beria. Sống lâu và ở một vị trí cao là điều mà nhiều người đàn ông quyền lực ở Liên Xô ít có cơ hội trải nghiệm.
Yury biết Larissa đã phải hy sinh những gì. Và bây giờ, khi họ thực sự xứng đáng hưởng lương hưu và được nghỉ ngơi bên bờ Biển Đen – thì mức độ hy sinh của bà càng lớn hơn bao giờ hết. Nhưng bà chưa bao giờ phàn nàn. Chưa hề. Cho nên lúc này Yury chăm chú lắng nghe bà nói:
Yury thân yêu. Mình hãy cùng với Allan Emmanuel đóng góp một chút cho hòa bình thế giới, rồi chúng mình chuyển đến New York. Anh có thể trả lại các huy chương và Brezhnev đi mà gắn chúng lên mông ông ta.
Yury đầu hàng và nói “vâng” với toàn bộ thỏa thuận (trừ đoạn gắn huy chương lên mông Brezhnev) và sau đó, Yury và Allan thống nhất rằng Tổng thống Nixon không cần phải nghe hết sự thật mà chỉ chuyện gì làm ông ta hài lòng thôi. Bởi Nixon vui vẻ thì có thể làm Brezhnev cũng vui, và nếu cả hai đều vui thì sau đó chắc chắn không thể có chiến tranh được, đúng không?
Allan vừa tuyển một gián điệp bằng cách trương biển ra ở nơi công cộng, trên một đất nước có bộ máy công an mật hiệu quả nhất trên thế giới. Cả trưởng ban quân sự GRU lẫn giám đốc dân sự KGB cũng có mặt tại Nhà hát Bolshoi buổi tối hôm đó, cùng với vợ. Cả hai, cũng như mọi người đều nhìn thấy người đàn ông giơ tấm biển ở bậc thang cuối cùng. Và cả hai đều quá từng trải trong nghề để báo động cho đồng nghiệp làm nhiệm vụ. Chẳng có kẻ nào dám làm gì phản cách mạng theo cách đó cả. Không có ai lại ngu ngốc đến thế.
Nếu không đã có ít ra một đám tai mắt KGB và GRU chuyên nghiệp ở đầy tại nhà hàng nơi cuộc tuyển dụng gián điệp thực tế đã diễn ra thành công tối hôm đó. Tại bàn số chín, một người đàn ông phun vodka lên đồ ăn, vùi mặt vào hai tay, xua tay, đảo mắt và bị vợ điều khiển. Nói cách khác, một cảnh tượng hoàn toàn bình thường trong bất kỳ nhà hàng Nga nào, không đáng chú ý.
Cho nên mới có chuyện một gián điệp Mỹ điếc lác về chính trị lại được dịp bày trò chiến lược hòa bình thế giới cùng với người đứng đầu vũ khí hạt nhân của Liên Xô, cũng mù tịt về chính trị – mà không có một hai nhân viên KGB hay GRU ngăn cản. Khi ở Paris, ông trùm CIA châu Âu, Ryan Hutton, nhận được thông báo rằng việc tuyển dụng đã hoàn thành và sẽ sớm bàn giao, ông tự nhủ có lẽ Karlsson chuyên nghiệp hơn ông tưởng lúc đầu.
*
Cứ ba hoặc bốn lần một năm, Nhà hát Bolshoi lại thay tiết mục mới. Ngoài ra hàng năm, có ít nhất một buổi diễn của khách mời như đoàn Nhạc kịch Vienna.
Vậy là mỗi năm, Allan và Yury Borisovich có khối dịp để bí mật gặp nhau trong phòng khách sạn của Yury và Larissa để bịa ra những thông tin phù hợp về vũ khí hạt nhân cho CIA. Họ trộn lẫn cả tưởng tượng và thực tế sao cho các thông tin, nhìn từ quan điểm của người Mỹ, thật lạc quan và đáng tin cậy.
Kết quả những báo cáo tình báo của Allan đã khiến đầu những năm 1970, bộ sậu của Tổng thống Nixon bắt đầu tác động đến Moskva để lên chương trình nghị sự về cuộc họp thượng đỉnh giải trừ vũ khí. Nixon cảm thấy an toàn khi biết rằng trong hai nước thì Hoa Kỳ mạnh hơn.
Chủ tịch Brezhnev, về phần mình, đã không hề bi quan trước hiệp ước giải trừ vũ khí, vì các báo cáo tình báo của ông cho thấy trong hai nước, Liên Xô mạnh hơn. Chỉ có một điểm hơi phức tạp là một chị quét dọn ở bộ phận báo cáo tình báo CIA đã bán một số thông tin rất đáng chú ý cho GRU. Chị ta có những tài liệu được gửi từ văn phòng CIA ở Paris, cho thấy CIA đã có một gián điệp cài ngay ở trung tâm của chương trình vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Vấn đề là các thông tin kèm theo lại không chính xác. Nếu Nixon muốn giải trừ vũ khí dựa trên thông tin do một gã bịp bợm người Nga gửi cho CIA ở Paris thì đương nhiên Brezhnev thấy chẳng sao cả. Nhưng toàn bộ vụ này quá phức tạp, đòi hỏi thời gian để suy nghĩ. Và dẫu sao cũng phải tìm ra cái gã bịp bợm kia.
Biện pháp đầu tiên của Brezhnev là gọi người phụ trách kỹ thuật vũ khí hạt nhân của mình lên. Ông yêu cầu Yury Borisovich Popov tuyệt đối trung thành phân tích xem người Mỹ lấy thông tin sai kia từ đâu. Bởi vì cho dù những tin CIA thu được đã đánh giá rất thấp khả năng vũ khí hạt nhân của Liên Xô nhưng cách trình bày tài liệu cho thấy một cái nhìn nội bộ khá sâu sắc, gây nguy hiểm cho vấn đề này. Đó là lý do vì sao cần Popov hỗ trợ về chuyên môn.
Popov đọc những gì mình và anh bạn Allan đã bịa ra và nhún vai. Theo Popov, những tài liệu này sinh viên nào chịu khó nghiên cứu ở thư viện một chút cũng có thể viết ra. Chẳng có gì mà đồng chí Brezhnev phải lo lắng, nếu đồng chí Brezhnev cho phép một nhà vật lý thuần túy được bày tỏ ý kiến về vấn đề này?
Phải, đó chính là lý do vì sao Brezhnev đã gọi Yury Borisovich tới. Ông chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của người phụ trách kỹ thuật vũ khí hạt nhân và gửi lời hỏi thăm tới Larissa Aleksandrevna, phu nhân duyên dáng của Yury Borisovich.
*
Trong khi KGB phí công thiết lập giám sát bí mật các tài liệu liên quan đến vũ khí hạt nhân tại hai trăm thư viện ở Liên Xô, Brezhnev tiếp tục suy nghĩ xem ông nên đáp ứng đề nghị không chính thức của Nixon như thế nào. Cho tới ngày – thật khủng khiếp! – khi Nixon được mời đến Trung Quốc gặp tên béo Mao Trạch Đông! Vừa mới đây thôi, Brezhnev và Mao đã bảo nhau biến xuống địa ngục luôn đi, và bây giờ đột nhiên có nguy cơ rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể hình thành một liên minh xấu xa chống lại Liên Xô. Điều đó không được phép xảy ra.
Thế là, ngày hôm sau, Richard M Nixon, Tổng thống Hoa Kỳ, nhận được lời mời chính thức đến thăm Liên Xô. Tiếp đó là bận rộn ở hậu trường và kết quả là Brezhnev và Nixon đã không chỉ bắt tay mà còn ký hai hiệp ước giải trừ vũ khí riêng biệt: một liên quan đến tên lửa chống tên lửa đạn đạo (hiệp ước ABM) và một liên quan đến vũ khí chiến lược (SALT). Vì việc ký kết diễn ra tại Moskva, Nixon đã có dịp bắt tay điệp viên ở Đại sứ quán Mỹ, người đã rất xuất sắc cung cấp cho ông thông tin về tiềm năng vũ khí hạt nhân của Liên Xô.
Không có gì, thưa Tổng thống, Allan nói. Nhưng ông không định mời tôi ăn tối chứ? Họ vẫn làm vậy.
Ai làm thế? Tổng thống ngạc nhiên hỏi.
Vâng, Allan nói. Những người đã hài lòng… Franco, Truman và Stalin… cả Mao Chủ tịch… dù ông ta chỉ cho tôi ăn mỗi mì… nhưng tất nhiên lúc đó khuya lắm rồi… còn Thủ tướng Thụy Điển thì chỉ mời tôi cà phê, nếu tôi còn nhớ. Nói thật với ông, nó cũng không tệ, vì thời đó thiếu thốn lắm…
May mà Tổng thống Nixon đã nghe nói về quá khứ của điệp viên này, do đó ông vẫn bình tĩnh và tỏ ý tiếc rằng không có thời gian ăn tối với ông Karlsson. Nhưng rồi ông nói thêm rằng tổng thống Mỹ không thể kém hào phóng hơn thủ tướng Thụy Điển, do đó chắc chắn sẽ có một tách cà phê và cognac kèm theo. Ngay bây giờ, nếu tiện?
Allan cảm ơn ông về lời mời, và hỏi nếu mình nhịn cà phê thì gọi ly đúp cognac có được không. Nixon đáp ngân sách quốc gia Mỹ có thể đáp ứng cả hai.
Hai ông đã có một tiếng vui vẻ với nhau. Gọi là vui vẻ thôi vì Allan thấy Tổng thống Nixon thích nói về chính trị. Tổng thống Mỹ cứ hỏi về thế cờ chính trị ở Indonesia thế nào. Không nhắc đến tên Amanda, Allan kể chi tiết những gì có thể xảy ra khi xây dựng sự nghiệp chính trị ở Indonesia. Tổng thống Nixon chăm chú lắng nghe và có vẻ cực kỳ quan tâm đến đề tài này.
Hay, ông nói. Thú vị thật.
*
Allan và Yury hài lòng với nhau và với diễn biến sự việc. Có vẻ như cả GRU và
KGB đã bớt tìm kiếm tên gián điệp, Allan và Yury thấy nhẹ nhõm. Hay như Allan nói:
– Không có hai tổ chức giết người theo dấu chân mình thì tốt hơn.
Rồi ông nói thêm rằng đáng lẽ chúng ta không nên dành quá nhiều thời gian cho KGB, GRU và các chữ viết tắt khác mà họ dù sao cũng không thể làm gì. Thay vào đó, đã đến lúc bịa ra báo cáo tình báo tiếp theo cho mật vụ Hutton và Tổng thống. Kho tên lửa tầm trung ở Kamchatka bị rỉ sét đáng kể có thể đưa vào làm nền cho báo cáo không?
Yury ca ngợi trí tưởng tượng thú vị của Allan. Nó khiến cho việc làm báo cáo thật dễ dàng. Nghĩa là có nhiều thời gian hơn để ăn uống và tán chuyện với nhau.
*
Richard M Nixon có đủ lý do để hài lòng với hầu hết mọi thứ. Cho tới tận thời điểm ông không còn lý do nào cả.
Người dân Mỹ yêu tổng thống và bầu lại cho ông năm 1972, khi ông vét sạch phiếu. Nixon thắng tại bốn mươi chín bang, George McGovern chỉ giành chiến thắng ở một bang.
Nhưng sau đó mọi thứ trở nên khó khăn. Và thậm chí còn khó khăn hơn nữa. Cuối cùng, Nixon đã phải làm điều mà chưa một tổng thống Mỹ nào từng làm trước đó.
Ông phải từ chức.
Allan đọc về cái gọi là vụ bê bối Watergate trên các báo có ở thư viện thành phố Moskva. Tóm lại, Nixon rõ ràng đã gian lận khi nộp thuế, nhận những khoản tài trợ tranh cử bất hợp pháp, đã ra lệnh đánh bom bí mật, khủng bố kẻ thù, đột nhập và nghe lén điện thoại. Allan nghĩ chắc tổng thống đã bị ám ảnh từ cuộc trò chuyện với ly đúp cognac ở Paris. Thế là ông nói với tấm hình Nixon trên báo:
Lẽ ra ông nên xây dựng sự nghiệp ở Indonesia. Ở đó ông có thể tiến xa.
*
Nhiều năm trôi qua. Gerald Ford lên thay thế Nixon, rồi Jimmy Carter lên thay Ford. Trong khi đó Brezhnev vẫn tại vị. Cũng như Allan, Yury và Larissa. Bộ ba tiếp tục gặp gỡ năm hoặc sáu lần một năm, lần nào cũng rất vui vẻ. Các cuộc họp luôn có kết quả là một báo cáo tưởng tượng rất hợp lý về tình trạng hiện tại của kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Theo năm tháng, Allan và Yury đã chủ ý hạ bớt khả năng của Liên Xô ngày càng nhiều, vì họ thấy nó làm cho người Mỹ (bất kể ai là tổng thống) rất hài lòng và khiến bầu không khí giữa các nhà lãnh đạo hai nước có vẻ dễ chịu hơn nhiều.
Nhưng có niềm vui nào kéo dài bất tận?
Một ngày, ngay trước khi hiệp ước SALT II được ký kết, Brezhnev nghĩ Afghanistan cần ông giúp đỡ. Vì vậy, ông đã gửi đội quân tinh nhuệ của mình tới nước này, và ngay lập tức họ giết béng mất tổng thống đương nhiệm khiến Brezhnev không còn cách nào khác ngoài chỉ định ra người của mình.
Tất nhiên Tổng thống Carter khó chịu (đấy là nói nhẹ) về điều này. Mực trên hiệp ước SALT còn chưa ráo. Vì vậy, Carter cho tẩy chay Thế vận hội tại Moskva và tăng cường sự hỗ trợ bí mật của CIA cho các lực lượng du kích chính thống tại Afghanistan, phe Mujaheddin.
Carter không có thời gian để làm nhiều hơn vì chẳng bao lâu Ronald Reagan đã lên thay và ông này nóng tính hơn nhiều với cộng sản nói chung và Brezhnev già nua nói riêng.
Ông Reagan đó có vẻ giận giữ khiếp lắm, Allan nói với Yury trong cuộc gặp gián điệp đầu tiên của họ sau khi tổng thống mới tuyên bố nhậm chức.
Phải, Yury trả lời. Và bây giờ chúng ta không thể tháo dỡ kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô hơn nữa bởi sau đó sẽ chẳng còn gì sót lại.
Trong trường hợp đó, tôi đề nghị chúng ta làm ngược lại, Allan nói. Đó là nói khống lên để làm Reagan mềm đi một chút, cứ đợi xem.
Thế là báo cáo gián điệp tiếp theo gửi về Mỹ, qua mật vụ Hutton, đã xác nhận một cuộc tấn công giật gân của Liên Xô về phòng thủ tên lửa. Trí tưởng tượng của Allan đã đi thẳng vào không gian. Từ đó, Allan nghĩ ra, ý tưởng là tên lửa của Liên Xô sẽ có thể bắn hạ mọi thứ mà Mỹ có ý định tấn công xuống Trái đất.
Theo cách đó, Allan – gián điệp Mỹ điếc lác về chính trị, và Yury – trùm vũ khí hạt nhân Nga, cũng mù tịt chính trị, đã đặt nền móng cho sự sụp đổ của Liên Xô. Vì Ronald Reagan phát điên khi đọc báo cáo tình báo của Allan và ngay lập tức bắt tay vào Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược của mình, còn được gọi là Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao). Mô tả của dự án, với các vệ tinh trang bị súng laser, gần như là bản sao của cái mà Allan và Yury đã bịa ra vài tháng trước, trong căn phòng khách sạn ở Moskva, dưới ảnh hưởng mà họ đổ tại nhiễm độc vodka.
Ngân sách Mỹ chi cho phòng chống vũ khí hạt nhân do đó vọt lên gần như chạm tới các vì sao. Liên Xô cũng cố gắng chạy đua nhưng không đủ khả năng. Nước Nga lâm vào khánh kiệt và rạn nứt. Chẳng biết vì những cú sốc bởi cuộc tấn công quân sự mới của Mỹ, hay vì lý do nào khác nhưng ngày 10 tháng Mười một năm 1982, Brezhnev qua đời vì một cơn đau tim. Tình cờ tối hôm sau, Allan, Yury và Larissa có một cuộc họp gián điệp.
Đã đến lúc dừng những trò nhảm nhí này lại chưa nhỉ?
Phải đấy, thôi cái trò vô nghĩa này bây giờ đi, Yury nói.
Allan gật đầu, đồng ý rằng tất cả mọi thứ đều phải đi đến hồi kết, mà nhất là trò vô nghĩa này, và việc Brezhnev sẽ sớm bốc mùi tồi tệ hơn bao giờ hết là một tín hiệu trời gửi đến, rằng họ nên rút lui ngay bây giờ.
Rồi ông nói thêm, sáng hôm sau mình sẽ gọi điện cho mật vụ Hutton. Mười ba năm rưỡi phục vụ CIA là đủ rồi, thực tế là hầu hết mọi chuyện đã được bịa ra, chẳng có ở nơi nào cả. Cả ba không hẹn mà cùng nghĩ rằng khôn ngoan nhất là giữ cho thực tế ấy mãi là bí mật với mật vụ Hutton và ngài tổng thống nóng tính của ông ta.
Giờ thì CIA sẽ xem cách nào đưa Yury và Larissa đến New York, họ đã hứa như thế, trong khi Allan tự hỏi mọi thứ ở quê nhà Thụy Điển thân thương giờ ra sao.
*
CIA và mật vụ Hutton đã giữ lời hứa. Yury và Larissa được đưa đến Mỹ, qua Tiệp Khắc và Áo. Họ được cấp cho một căn hộ ở phố 64 Tây Manhattan, và một khoản phụ cấp hàng năm rộng rãi vượt xa nhu cầu của họ. CIA cũng không hao tốn lắm vì tháng Giêng năm 1984, Yury qua đời trong giấc ngủ và ba tháng sau, Larissa đi theo ông, chết vì đau khổ. Cả hai đều bảy mươi chín tuổi và họ đã có một năm hạnh phúc nhất bên nhau vào 1983, khi Nhà hát Metropolitan tổ chức kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày thành lập, với vô số màn trình diễn không thể nào quên cho cặp vợ chồng.
Về phần mình, Allan đóng gói đồ đạc trong căn hộ ở Moskva và thông báo cho bộ phận hành chính của Đại sứ quán Mỹ rằng mình sẽ ra đi. Đến tận lúc đó, bộ phận hành chính mới phát hiện ra rằng nhân viên nhà nước Allen Carson vì lý do nào đó trong suốt 13 năm 5 tháng làm việc chỉ được thanh toán mỗi khoản phụ cấp nước ngoài.
Ông không hề nhận thấy rằng mình không nhận được lương sao? Nhân viên hành chính hỏi.
Không, Allan nói. Tôi chẳng ăn là mấy và vodka ở đây rất rẻ. Tôi nghĩ thế là quá đủ.
Trong suốt mười ba năm?
Vâng, không thể tin được là ngần ấy năm đã trôi qua nhỉ.
Nhân viên hành chính nhìn Allan quái lạ rồi đảm bảo rằng khoản tiền lương sẽ được thanh toán bằng séc ngay sau khi ông Carson, hay tên thật của ông là gì cũng được, báo cáo với Đại sứ quán Mỹ tại Stockholm

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.