Phía Đông Mặt Trời

Chương 54: Chương 54




Chuyện là thế.
Sáng hôm sau, khi Viva thông báo với Tor và Rose rằng cô dự định sẽ bắt tàu đi Simla để nhận lại chiếc rương của bố mẹ mình, cô cố giữ giọng thật bình thản, do đó không một ai trong hai cô gái nhận thấy cô đang hoảng loạn đến nhường nào. Khi Tor và Rose đề nghị sẽ cùng đi với cô đến đấy, Viva dứt khoát từ chối, rằng cô sẽ sớm trở về để kịp đón Giáng sinh với mọi người, rằng tốt hơn hết Tor và Rose nên ở nhà để chuẩn bị.
Viva có cảm giác chuyến đi lần này thực sự giống như một thử thách của trẻ con: một cú đột kích nghẹt thở vào sào huyệt của quái vật và nhanh chóng thoát ra ngoài. Phải làm thật nhanh và nhẹ nhàng, đừng để phải đau đớn, cô tự nhủ, đừng biến mình thành miếng mồi ngon lành cho nó.
Cô ngồi trên chiếc ghế bên cạnh cửa sổ của chuyến tàu mang tên Nữ hoàng Himalaya, chính bố cô đã góp tay xây dựng con tàu và hệ thống đường ray quanh co chạy men theo những chân núi dưới dãy Himalaya năm nào, xuyên qua những cánh rừng bán nhiệt đới, nhắm hướng những rặng núi chót vót quanh năm trắng xóa tuyết phủ. Con tàu nhỏ bé như một món đồ chơi trẻ em xuyên qua hết tầng hầm này đến tầng hầm khác, từ miền ánh sáng rạng rỡ rơi tõm vào khoảng không gian tối sầm sau những vách đá. Cô cố giữ lòng thật bình tĩnh. Mái ấm chỉ là một thuật ngữ. Nó không có nghĩa gì với mình nếu cô không hề muốn nó.
Một cuốn sách nho nhỏ in những vần thơ của nhà thơ Tagore nằm im trong lòng Viva, cuốn sách được cô chọn ngẫu nhiên từ giá sách của Toby - kể từ sau lần bị bắt cóc, có vẻ sự tập trung trong cô gần như đã biến mất.
Viva đặt đôi bàn chân của mình trên chiếc vali cũ kỹ của mẹ để lại. Cô rất thích chiếc va-li nhếch nhác này, chiếc vali với những dây đai da chắc dày cùng những nhãn hiệu đã mờ vết mực bởi thời gian, cùng những đường chỉ may nổi đã gần như mòn vẹt - có lẽ cô nên sớm thay mới nó. Bên trong, cô để chùm chìa khóa của chiếc rương, một ít áo quần và một mẩu giấy ghi địa chỉ của Mabel Waghorn: "Nhà tôi ở đằng sau một tiệm giày Trung Hoa", được bà ghi cho cô bằng những con chữ run rẩy của người già. "Rất gần Lower Bazaar - cô không thể để lỡ dịp gặp tôi được".
Tất nhiên, đấy là một khả năng hoàn hảo, Viva nghĩ, trong lúc dựa đầu vào thành cửa sổ toa tàu, rằng Waghorn đã chết sau khi bà viết cho cô bức thư này. Khi còn là một đứa bé, cô đã một, hai lần gặp bà, chút ký ức ít ỏi về Waghorn đọng lại trong cô lúc này chỉ là một người đàn bà cao lớn, hơi đường bệ, một người phụ nữ già hơn mẹ cô.
Nếu quả thực bà Waghorn đã chết, có lẽ sẽ không còn gì chờ đợi cô ở phía trước. Ý nghĩ ấy bất giác khiến cô cảm thấy choáng váng, nhưng nó khá quan trọng trong việc giữ cho niềm hy vọng trong cô không trào dâng đến đỉnh điểm, cho dù niềm hy vọng ấy không hề đại diện cho nỗi hoảng sợ cuối cùng đang mỗi lúc một dâng cao trong cô khi con tàu vẫn rùng mình lao về phía trước.
Đoàn tàu tiếp tục bò qua những cánh rừng dày đặc hướng đến dưới chân những ngọn núi trong dãy Himalaya. Cách chỗ cô ngồi mấy ghế, giọng Anh trầm ấm của một người đàn ông chợt vang lên giải thích điều gì đấy - có lẽ cho vợ của anh ta hiểu - rằng đường ray xe lửa chỉ rộng đúng 60,6 cm và 6 mm; và điều thần kỳ nằm ở khâu thiết kế chế tạo, rằng một cách ngắn gọn thì hệ thống đường ray này chạy xuyên qua một trăm lẻ hai đường hầm được nổ mìn xuyên qua những rặng núi đá khổng lồ. "Một trăm lẻ hai! Ôi Chúa ơi", một giọng người tẻ nhạt, hơi giả tạo phụ họa theo. "Thật không thể tin được".
Và rồi niềm hãnh diện của một đứa con gái thôi thúc trong cô, Viva muốn nhào đến mà khoe khoang rằng, "Đường ray xe lửa này từng có phần đóng góp công sức của bố tôi. Ông ấy là một trong những kỹ sư ngành hỏa xa giỏi nhất ở Ấn Độ".
Nhưng giọng nói của hai con người ngồi cách chỗ cô không xa, chỉ vài ghế kia đã gần như mất hút giữa tiếng động cơ gầm rú của con tàu khi nó rung mình băng qua một đường hầm tối đen và lại nhanh chóng chui ra ngoài giữa ánh sáng ban ngày chói lòa.
Cô đã yêu biết nhường nào những tháng ngày rong ruổi trên những nẻo đường thời thơ ấu ấy. Cô thấy tiếc cho những đứa trẻ không bao giờ có được cảm giác khám phá những ngôi nhà mới, những đứa trẻ không bao giờ có được những hàng cây mới cho mình trèo lên tụt xuống mỗi ngày, không có những con vật nuôi mới, những bạn bè kết nghĩa trong chốc lát. Những năm tháng ấy, cô là một công chúa, cô có thể thấy rõ điều đấy khi giờ đây nhớ lại.
Thêm những dòng ký ức ùa đến trong cô. Tổ ấm của cô, ấy là nơi có mọi người, là bố, mẹ, chị Jesie, và cô đã bay đi từ đấy.
Bố, mẹ, Jesie - lâu, thật đã lâu lắm rồi cô mới đủ can đảm thì thầm cùng lúc gọi những cái tên ấy trong lòng mình. Cô xòe bàn tay gồm những ngón khẳng khiu ra trước mặt nhẩm tính: ấy là năm cô lên tám, không, có lẽ là chín, khi lần cuối cùng cô ngồi trên chuyến tàu này cùng mọi người. Thật kỳ lạ nhường nào khi cô một mình lưu giữ những kỷ niệm cũ kỹ ấy mà không có một ai bên cạnh. Mẹ đã chuẩn bị gói ghém những món đồ quen thuộc dành cho một chuyến dã ngoại đặc biệt: nước chanh, bánh sữa, thừa thãi bánh ngọt và bánh xăng-đuých. Trong chuyến đi cuối cùng bên nhau ấy, Josie ngồi sát bên mẹ, còn cô ngồi cạnh bố, đối diện với hai người, một vuông nắng lọt qua ô cửa sổ đậu xuống chỗ cô ngồi. Giờ đây cô cảm nhận được những lọn nắng đang đậu trên mái tóc mình, cả niềm vui sướng âm ỉ khi được ngồi bên cạnh bố trong chuyến đi lần ấy. Người đàn ông mảnh khảnh lúc nào cũng kiệm lời mà cô gọi bằng bố ấy, với đôi tay dịu dàng và khuôn mặt sáng sủa chưa bao giờ nói với cô rằng ông yêu cô, thể hiện tình yêu dành cho những cô con gái bằng ngôn từ không phải là cách của ông, nhưng rõ ràng ông yêu chúng rất nhiều, và cô hiểu hơn ai hết điều đấy, luôn là thế; giống như việc ta chuyển động trong vùng không gian từ trường vô hình. 
Hình bóng ông lại ùa về nơi đây. Khi ánh mắt cô xa xăm nhìn ra ngoài cửa sổ toa tàu hướng đến những ngôi làng bụi bặm, những thị trấn xiêu vẹo, những cánh đồng cằn cỗi nứt nẻ dấu chân chim, cô muốn ông trở về với vẻ ngoài nhiệt tình đã nhiều năm qua cô không hề nhìn thấy. Để được chuyện trò cùng ông về tuyến đường ray mà con tàu đang rung rung chạy dưới chân cô. Trong ngôi nhà nơi ông đang góp tay xây dựng với những chi tiết phức tạp trong công tác tu di bảo dưỡng, ông sẽ kéo một cái hộp bằng gỗ khá lớn, nhãn hiệu "Nữ Hoàng", ra khỏi tủ quần áo. Ông sẽ pha chế những nguyên liệu lên trên một tấm thảm bằng cỏ theo cách mà ông đã học được: lớp vữa được tán mịn, loại vữa người ta vẫn thường sử dụng để xây nên những cây cầu ở Paris, những tảng đá, những thân cây, cả những viên đá cuội. Trong mắt cô, những thao tác khéo léo mà ông đang tạo dựng thành cuộc đời mình nhẹ nhàng như một trò chơi. Cả cái nhiệm vụ tuyệt vọng trên cung đường đầy tham vọng này cũng thế, với những vách núi dựng đứng, những đường hầm hun hút xuyên qua những thân núi khổng lồ.
Viva buông một tiếng thở dài não nề đến nỗi sau đấy cô phải xin lỗi người đàn bà ngồi sát bênh cạnh mình. Tại sao người ta lại làm như thế khi tan nát cõi lòng? Ngoại trừ Frank, có lẽ anh không thực sự hiểu được điều đấy, anh sẽ nguyền rủa nếu đến ga tiếp theo cô quyết định bước chân xuống khỏi con tàu, quay trở về Amritsar? Mọi dấu vết về tổ ấm ngày nào có thể sẽ được cô tống khứ khỏi đời mình bằng cách viết cho Mabel Waghorn một bức thư, ném chùm chìa khóa mở chiếc rương ra khỏi ô cửa sổ của con tàu đang lao vùn vụt ngoài kia.
Con tàu vẫn rùng rùng lao về phía trước, tiếng động cơ vẫn rền rĩ vang lên từng chặp bất tận. Ở Kalka, một ga xép nhỏ bé dựa lưng vào một vách núi, một người đàn ông với một giỏ đồ ăn tiếp cận tới bên hông toa tàu, rồi hối hả vừa rao vừa cuống quýt chạy như thể ống quần của ông ta đang bắt lửa: "Nước uống, bánh trái cây đây". Nhưng cô không thể nuốt, cô không muốn ăn gì cả.
Cô lặng lẽ quan sát chàng trai trẻ ngồi đối diện mình nhảy khỏi toa tàu, băm bổ chạy vụt vào sân ga, đến trước một quán cóc mua hai đĩa đậu lăng. Cô vợ trẻ vẫn kiên nhẫn ngồi chờ trong im lặng, đôi mắt của cô dán chặt vào người chồng trên sân ga.
Cuối cùng, thật đơn giản, Viva nghĩ, mình sẽ để lòng thật thanh thản khi anh quay lại.
Tổ ấm mà cô đang nghĩ đến ấy đã từng là trung tâm thế giới của một người nào khác. Cô đã đánh mất sự an toàn ấy khi bố mẹ cô qua đời. Không một ai đối xử tàn nhẫn với cô kể từ ngày bố mẹ ra đi - cô không hề bị đánh đập hay bị tống cổ vào trại tế bần, cô không cần đến tiếng vĩ cầm nức nở - điều thay đổi ấy chính là cô bắt đầu cảm thấy - khái niệm ấy là gì nhỉ? - thừa thãi những yêu cầu đòi hỏi.
Trong gia đình của những người bà con họ hàng, cô từng ngủ trên những chiếc giường dành cho những đứa trẻ mới lớn; từ trên nóc tủ quần áo, những con búp bê cũ kỹ và xơ xác cùng những đoàn tàu hỏa mô hình bằng gỗ của chúng giương mắt nhìn chằm chằm vào cô. Trong suốt kỳ nghỉ lễ, khi trường học đóng cửa, cô đã ở trong khuôn viên kín mít của tu viện, ở đấy cô được người ta sắp xếp cho ngủ trong viện điều dưỡng, nơi luôn khiến cho bất kỳ ai từng ở đấy có cảm giác nỗi cô đơn giống hệt như triệu chứng đặc biệt của một chứng bệnh bứt rứt đầy khó chịu. Ý nghĩ cuối cùng rồi cũng sẽ đủ lớn để tự tay thu vén đời mình, để lần đầu tiên sở hữu một căn buồng bé tin hin gần quảng trường Nevern Square luôn khiến cô mê lịm. Cuối cùng cô cũng được một mình, hoàn toàn tự do và không phải đau đáu trong lòng cảm giác biết ơn bất kỳ ai.
Trong nửa giấc mơ cũ kỹ ấy, cô dành cho Josie. Rồi cô chợt kinh hoàng khi nhận ra những ký ức về Josie trong cô đang dần dần phai nhạt giống như những giai điệu rời rạc của một bản nhạc được chơi đầy cảm xúc và hào hứng ngay từ những nốt đầu tiên, nhưng đã yếu dần, yếu dần và gần như tắt lịm ở những nốt cuối cùng. Những lọn tóc đen, đôi mắt xanh thẳm, cặp chân dài miên man bước đi như một cô dê núi lướt trên tảng đá này đến tảng đá khác. "Nhanh lên, chậm thế cô nàng, nhảy đi!".
Ký ức rõ ràng nhất còn lại trong cô là kỷ niệm về đợt cắm trại cùng Jesie dưới những chân núi của dãy Himalaya. Cả gia đình cô cưỡi trên lưng những chú ngựa hai bên lèn chặt những đồ đạc lỉnh kỉnh nào là giường, ghế xếp, lều bạt... cùng những người hầu cần mẫn theo sau. Cả gia đình cô ngủ trong những túp lều dưới trời đêm sáng quắc lấp lánh ánh sao, lắng nghe tiếng nhai cỏ nhóp nhéo của những chú ngựa buộc bên ngoài lều, tiếng thác nước ào ạt từ trên cao vọng xuống, bố mẹ cô nhóm một đống lửa bên ngoài túp lều, bắt đầu kể cho nhau nghe những câu chuyện cuộc đời kéo dài đến bất tận. Câu chuyện hư cấu yêu thích của bố cô là câu chuyện về Puffington Blowfly: một cậu bé mạnh mẽ và dũng cảm, và không bao giờ kêu ca phàn nàn về bất cứ khó khăn nào trong cuộc đời.
Sau đấy, gia đình cô chuyển đến Kashmir, tên chính xác của thị trấn đã bị lãng quên, cũng như bao ngôi nhà, những mái trường, bạn bè của cô đã từng rơi vào quên lãng. Cô chỉ còn nhớ có một cây cầu ở đâu đấy đột nhiên đổ sụp, và người ta cần đến sự giúp đỡ của bố cô trong việc sửa chữa lại nó. Gia đình cô kết thúc kỳ nghỉ tại một cái hồ ở Srinagar, nơi bố mẹ cô đã thuê một cái nhà thuyền. Cô và Josie (cô hãy còn nhớ như in chuyện này) đã phấn khích đến nhường nào khi nhìn thấy những tấm rèm cửa may bằng vải hoa sặc sỡ và những chiếc lồng đèn bằng giấy đặt trên mặt bàn, cả những phòng ngủ với những chiếc giường xinh xắn hãy còn mới tinh màu sơn. Nhưng Viva còn mang máng nhớ cả cái lần cô khóc lóc thảm thiết đến thế nào - hình như bởi cô đã bỏ quên chú chó của mình ở nơi cũ - chú chó thân yêu bởi bản tính ham chơi sơ suất của cô chủ nhỏ nên Viva đã không bao giờ có thể gặp lại chú thêm một lần nào nữa. Để an ủi cô, mẹ cho phép hai chị em có thể ngủ trên mặt bàn nếu muốn. Cô và Jesie đã ngồi dựa lưng trong chiếc màn tránh muỗi say sưa nhìn ngắm ánh mặt trời đỏ rực đang từ từ chìm xuống, rồi cuối cùng để lại một vết loang khổng lồ rạng rỡ trên mặt hồ sau khi mất hút cuối đường chân trời, xa tít bên kia hồ. 
Có phải có lần, trong đêm yên tĩnh, Josie, cô chị gái có đầu óc tính toán nhanh nhạy hệt như bố mình, đã tính toán được sự kiện thảm họa sẽ xảy ra và một trong hai chị em cô sẽ chết trẻ, bỏ lại người kia cô đơn trên cõi đời hoang vắng?
"Cứ một trong bốn người ở Ấn Độ", Josie đã nói với cô như thế. "Chúng ta có thể sẽ không thể sống đến lúc dầu bạc răng long", chị gái đã cảnh báo với cô.
Và Viva đã trả lời: "Nếu chị chết, em sẽ chết cùng chị".
Cô đã không làm như thế, thêm những cơn choáng váng nhuốm đầy màu sắc bội phản - cô có thể sống mà không cần có chúng.
Sau cái chết của Josie, chị gái cô được chôn cất trong một nghĩa trang quân đội, suốt nhiều tháng trời, Viva bị ám ảnh bởi ý nghĩ rồi Josie sẽ biến thành một bộ xương khô trong nấm mồ hoang lạnh ấy. Cô đã nhìn thấy tận mắt những ụ đất mới tinh đắp quanh những tấm mộ chí nho nhỏ. Cô đã khiến mẹ phải bực mình khi quấy rầy bà bằng những câu hỏi kiểu như có bao nhiêu đứa trẻ đã qua đời được chôn trong nghĩa trang này. Có một cậu bé, cô nhớ lại, đã bị một con rắn độc cắn chết sau khi cố chìa tay về phía nó để hỏi han kết thân, thêm một đứa bé qua đời sau ngày Josie ra đi đúng một hôm bởi căn bệnh thương hàn quái ác.
Phải chăng cô đã hỏi quá nhiều? Cô phải hỏi. Hoặc giả mẹ cô không thể chịu được hình ảnh đứa con gái còn lại giống hệt đứa con gái đã lìa trần của bà, nhưng khuôn mặt ấy, nụ cười ấy lại không phải là Josie yêu quý, cũng có thể bởi bà đã cương quyết từ chối chấp nhận sự thật rằng Josie đã mãi mãi ra đi. Bà đã thì thầm triệu triệu lời nguyện cầu. Bà mang theo chiếc váy ngủ của Josie lên giường hằng đêm, nhét một chiếc bánh quy xuống dưới tấm chăn trải giường để khi Josie quay về, chị ấy có cái bỏ bụng; rồi bà lại tất tả đến với đền chùa miếu mạo, dâng tặng cơm và hoa trước các thánh thần, cho đến khi bà buông xuôi, từ bỏ niềm tin vào họ.
Không lâu sau đấy, cô bị gửi vào tu viện. Trong ký ức nhập nhòa của mình, cô nhớ cô đến đấy một mình - nhưng liệu có chắc chắn là không? Cô mới mười tuổi. Hẳn phải có một người đi kèm chứ. Tại sao mẹ lại không đến đấy cùng cô? Bà có hôn lên trán cô lúc từ biệt? Có những kỷ niệm đóng kén trong tâm trí bạn từ bao năm qua, bỗng một ngày trào lên biến bạn thành một kẻ dối trá trước chính mình và trước mọi người. Frank đã đúng trong chuyện này, nhưng giờ thì cô bỗng chốc thấy nổi giận với anh vì đã đâm đầu - chính xác, đâm đầu là hai tiếng đúng đắn nhất trong hoàn cảnh ấy - vào những chuyện kinh hoàng, rất chính xác.
Khi chuyến tàu chỉ còn cách ga cuối chừng hai mươi dặm, cô chợt nhận ra lòng mình đang nức nở đến nghẹn ngào. Lẽ ra cô không nên đến đấy, cô hiểu điều đấy, cô hiểu điều đấy hơn ai hết. Cô còn một ít thời gian để bình tĩnh trở lại, để kiểm soát bản thân, để lau khô dòng lệ, để xua tan những cơn nức nở bằng cách vờ làm ra vẻ mình đang bị những cơn hen hành hạ. Bỗng nhiên cô thấy buồn ngủ, khi tỉnh dậy, người đàn bà ngồi đối diện đang vỗ nhẹ vào cánh tay cô để đánh thức. Con tàu đã đến ga cuối. Cô đã trở về Simla.
Bước chân xuống khỏi con tàu, cô đứng lặng giữa những vết bùn đọng lại trên sân ga. Ánh mắt cô dán vào những rặng cây trĩu nặng truyết phủ, một chú ngựa còm cõi khoác trên mình những lớp bao bố tả tơi đứng lặng dưới gốc cây chờ đợi khách đi xe. Mảnh đất duy nhất cô không bao giờ quên lãng.
Những bông tuyết nhẹ nhàng rơi xuống đậu lại trên mái tóc cô. Viva dõi theo bóng dáng nguời đàn ông gốc Anh lúc bấy giờ vẫn còn khoa chân múa tay truyền đạt kiến thức với vợ, cho đến khi anh ta mất hút trong chiếc taxi đang từ từ biến mất sau những rặng núi.
Phía trước mặt cô, ngay trên sân ngoài nhà ga, một người xà ích chạy xe ngựa hai bánh đang dõi theo cô chờ đợi. Người xà ích lắc chiếc chuông bằng bạc trong tay để thu hút sự chú ý của cô.
"Cô đang chờ đợi quý ngài của mình à?", anh ta hỏi.
"Không", cô trả lời, "tôi đi một mình. Tôi muốn đến địa chỉ này", cô đưa cho người xà ích xem mẩu giấy ghi địa chỉ của Mabel Waghorn, "sau đấy tôi muốn đến khách sạn Cecil".
Khẽ cau mặt, người xà ích chăm chú nghiên cứu tấm bản đồ chỉ đường đến nhà Mabel Waghorn, khuôn mặt của anh ta tái xanh vì lạnh.
"Khách sạn Cecil thì được", anh ta nói. "Còn nơi này không tốt cho cô tí nào". Người xà ích trả lại cho cô tấm bản đồ. "Khu vực Lower Bazaar - không có người Anh nào sinh sống ở đấy cả đâu".
"Tôi không quan tâm". Cô nói, rồi nhấc chiếc va-li của mình lên quẳng vào trong thùng xe trước khi người xà ích kịp thay đổi ý định. "Tôi cần phải đến đấy. Ngôi nhà nằm trên con phố phía sau một tiệm giày Trung Hoa", cô nói tiếp, nhưng người xà ích đã cầm sẵn giây cương trong tay, vụt mạnh roi da vào mông ngựa. Chiếc xe lao về phía trước.
Chiếc xe ngựa chở cô chạy dọc con phố chật chội, tiếng thì thầm của khách bộ hành văng vẳng khắp không gian: một người phụ nữ da trắng to béo, khoác trên mình bộ váy áo bằng vải len với hai màu nâu trắng chủ đạo nom khá hợp mốt cùng một chiếc khăn lông cáo ấm áp quấn quanh cổ, một nhóm sĩ quan quân đội đang túm tụm bên nhau, nhưng đến giữa ngày, cô bỗng ngạc nhiên khi chợt nhận ra không khí trở nên im ắng lạ thường.
Đến ngã tư kế tiếp, chiếc xe ngựa đột ngột dừng lại. Một con bò lang với một chiếc chuông đồng lủng lẳng trên cổ đang thản nhiên dạng chân trên đường thoải mái tống những đống chất thải trong mình ra ngoài. Viva rướn đầu ra khỏi thùng xe, đập vào mắt cô là những biển hiệu ghi tên của những cửa hàng hai bên đường: Hệ thống cửa hiệu Hoàng đế, Tiệm may nhà Ram, Cửa hàng quân đội, Hiệu may đồng phục công sở, cửa hiệu Himalaya.
"Dừng lại!", cô đã nhìn thấy một hiệu giày đề biển "Tiệm giày Trung Hoa Ta-Tung và Co". Trên cửa sổ ken dày những đôi giày leo núi và những đôi ủng cưỡi ngựa xinh xắn, những đôi giày chơi polo, những đôi dép lê quai nhung êm mượt, đầu mũi dép đính những chùm lông cáo tua rua bắt mắt. "Vui lòng khách đến", trên một thân cây trước cửa hiệu là một tấm biển ghi câu đối. "Vừa lòng khách đi", tấm biển đính trên thân cây đối diện ghi rõ vế còn lại.
Cô cẩn thận quan sát tấm bản đồ thêm một lần nữa.
"Tôi có thể xuống đây", cô nói với người xà ích, móc ví trả tiền cho anh ta. "Nhà bạn tôi nằm trên con ngõ phía sau hiệu giày này".
Người xà ích lẩm bẩm câu gì đấy trong miệng rồi khẽ lắc đầu như thể cô sẽ sớm phát hiện ra sai lầm của mình khi tìm đến địa chỉ theo lời chỉ dẫn trong tấm bản đồ vẽ tay kia.
Cô đứng lặng giữa đường, cố gắng xác định phương hướng. Bên phải cô là một con phố mang đậm kiến trúc châu Âu khang trang, được chăm chút quét dọn sạch sẽ, với những bồn hoa nho nhỏ trồng dọc hai bên hè đường. Phía cuối những bồn hoa, dọc theo những bậc thang uốn lượn là khu phố của người dân địa phương, với những ngôi nhà cũ kỹ mọc xiêu vẹo trên những ngõ ngách chật chội chi chít những cửa hiệu ngập tràn ánh sáng.
Cô bước dọc theo dãy bậc thang đầu tiên.
Mình vừa phạm phải sai lầm ngớ ngẩn, cô tự nhủ, ngó nghiêng nhìn vào một cái hố bẩn thỉu nơi một ông già đang ngồi bên cạnh nhướn mắt nhìn ra giữa đường. Cô tiếp tục tiến về phía trước, bước qua một cửa hàng bán len tồi tàn với những bao tải căng phồng những cuộn len sáng màu để bảo vệ con người trước giá lạnh của băng tuyết. Cô cẩn thận nghiên cứu tấm bản đồ thêm một lần nữa, run rẩy và lóng ngóng bởi cơn lạnh thấu xương đang bủa vây quanh mình.
Mabel Waghorn, cô khá tự tin vào trí nhớ của mình trong chuyện này, từng là một giáo viên, hình như bà là hiệu trưởng thì phải. Có lẽ thông tin trong tấm bản đồ không chính xác. Đường phố quá xuống cấp, cũ kỹ, dậy mùi hôi hám. Bối rối, cô ngồi xuống một bậc thềm, bất chợt từ đây, cô nhìn thấy một ngôi nhà nhô lên khỏi những mái nhà lợp tôn xiêu vẹo, có thể đấy là ngôi nhà cô đang tìm kiếm.
Tiến gần hơn, cô dừng chân trước một ngôi nhà hai tầng nằm dựa lưng vào chân một ngọn núi, cẩn thận quan sát. Có lẽ không phải. Mặt tiền của ngôi nhà hướng thẳng lên những ngọn núi ở phía ngoài xa, tường vách trát vữa đã cũ kỹ, tróc lở nham nhở, ban công bằng sắt phía trên tầng thượng ken dày những thùng xô, túi quần áo, lồng chim, có cả một cái động cơ đã hỏng hóc của một thiết bị nào đấy bị thải loại nằm chỏng chơ giữa những vật dụng không rõ hình hài.
Cô tiến gần hơn đến trước của ngôi nhà, vẫn chưa tin lắm vào quyết định của mình, nhưng rõ ràng, dòng chữ "số nhà 12" được viết bằng sơn xanh trên cánh cửa được bọc bên ngoài bằng một lớp lưới hoen rỉ, trông giống hệt như cánh cửa dẫn vào phòng của những vị giáo sĩ thuộc dòng tu Carmelite ngày nào. Bên phải tấm lưới là một chiếc chuông đồng thò ra một mẩu giây giật, phía dưới chiếc chuông là dòng chữ "Tôi ở tầng một" với những nét run rẩy của Mabel Waghorn. Cô mạnh dạn giật chuông, không có ai trả lời.
Viva đứng chờ bên ngoài chừng năm phút, liên tục nhún nhảy hai chân, trời càng về chiều càng buốt giá. Những đỉnh núi phía ngoài xa đã gần như biến mất trong màn sương mù dày đặc, bóng một con chim đại bàng sải cánh lượn trong câm lặng ngang trên đầu cô, Viva nhìn rõ cả mẩu bánh mì bị quắp chặt trong chiếc mỏ sắc nhọn của con chim, trong khoảnh khắc tĩnh lặng đến hoàn hảo ấy, cô chợt có cảm giác như đang chìm dần vào dòng thời gian chợt đứng lặng quanh mình.
"Xin chào". Ánh mắt của bà già xuất hiện trước ngưỡng cửa mơ hồ nhìn cô như thể bà ta vừa mới dứt mình ra khỏi cơn ngủ miên man. Chân trần không có tất xỏ trong đôi dép lê, một cơn gió khẽ lùa qua, chiếc áo choàng len đang khoác trên mình bà già lay nhẹ để lộ ra vạt váy ngủ mỏng manh bên trong. Hai người đưa mắt nhìn nhau, mất vài giây lưỡng lự, cuối cùng Viva bất đắc dĩ đành tin bà già bạc nhược đang đứng trước mặt cô là Mabel Waghorn cần tìm. Không hiểu sao trong lần đầu tiên nghe đến cái tên của bà, trong đầu Viva đã mường tượng ra hình ảnh về một người đàn bà khỏe khoắn với chiếc vợt tennis trong tay, với đôi giày bằng da dê đầy sinh lực dưới chân, và một trí nhớ tuyệt vời luôn sẵn sàng tồng tộc với cô từng chi tiết nhỏ nhặt nhất mà Viva đang háo hức muốn được tường tận.
"Lạy Chúa lòng lành!". Bà già lảo đảo bước ra ban công và nhìn xuống dưới đường. Khi một chiếc dép tụt ra, Viva nhìn thấy một cẳng chân khẳng khiu với những chiếc móng màu hồng quắp chặt vào những thanh sắt chạy dọc rào chắn.
"Lạy Chúa lòng lành!". Hai người vẫn đưa mắt nhìn nhau.
"Không!". Bà giá há hốc miệng, trợn mắt nhìn cô, đầy xúc động.
"Không! Không! Không!". Cô gào lên, để tránh một kết cục bi thảm. "Tên cháu là Viva - cháu là con gái của bà ấy".
Lập tức thần thái của bà Waghorn thay đổi. Bà già bỗng nhiên câm lặng. Có lẽ bà vừa có cảm giác mình đã bị đánh lừa, những tưởng đã nhìn thấy người bạn quá cố của mình, hoặc giả cũng có thể bà đã quá già để ứng biến nhanh nhạy với những việc bất ngờ vượt ra khỏi thông lệ của cuộc sống.
Bà gạt gạt chiếc dép còn lại dưới chân cho đến khi nó tuột ra ngoài.
"Tôi thành thật xin lỗi", bà già lên tiếng, "nhưng tôi đã mời cô đến đây sao?".
Vạt áo khoác của bà già khẽ lay động, để lộ đôi chân khẳng khiu như chân chim và hai ống quần buộc túm cũ kỹ. Viva thoáng rùng mình.
"Lẽ ra cháu nên viết thư trước khi đến đây", Viva rối rít xin lỗi. "Bác đã bảo cháu đến đây từ nhiều năm trước". Bà già trước mặt đột nhiên đưa hai tay lên che lấy tai, Viva buộc lòng phải hét lên, "bác có phiền nếu cháu vào trong? Cháu không ở lại đây lâu đâu. Cháu xin lỗi vì đã làm bác sợ".
Đôi mắt bà Waghorn vẫn chằm chằm dán vào cô, cứ như thể bà đang nhìn một bóng ma.
"Vào đi", bà già tiếp tục mở miệng sau một hồi lâu im lặng. "Tôi sẽ bảo Hari xuống đón cô".
Vài giây sau, Hari, một cậu bé với nụ cười dễ thương với chiếc áo choàng thắt ngang lưng kiểu Ca-sơ-mia khẽ kéo tấm cửa cọt kẹt sang một bên, vẫy tay ra hiệu cho cô vào trong nhà. Cậu bé xách va-li của Viva lên rồi dẫn cô đi dọc hành lang chật chội chua lòm mùi phân mèo.
"Làm ơn bước theo cháu", cậu bé thì thầm với cô bằng giọng điệu của chủ nhà, những âm thanh vừa phát ra từ miệng Hari lập tức vang vọng khắp hành lang chật chội. "Bà Waghorn đang ở trên gác nghiên cứu".
Cầu thang dẫn lên tầng trên được thắp sáng bởi những ngọn nến đang leo lét cháy trên những chân đèn treo dọc vách tường, hệt như lối vào một nhà ngục thời Trung cổ, Viva nhủ thầm. Khi bàn chân vừa chạm vào bậc thang trên cùng, cô nghe thấy tiếng sủa ăng ẳng của một chú chó con, xen lẫn giữa những tiếng sột soạt của một cây gậy đang di di trên sàn nhà.
"Hari?". Có tiếng gọi vang lên phía sau cánh cửa. "Phải cô ấy không? Ta ở trong này".
Hari trao cho cô một cái nhìn bí ẩn, láu lỉnh như muốn nói, "cô đang chuẩn bị được thiết đãi". "Vào đi", cậu bé nói. "Bà ấy đang chờ cô ở trong".
Vừa bước chân vào, cảm giác đầu tiên trong cô là căn phòng hơi tối, Viva nhầm chồng quần áo trên chiếc ghế trong góc là bà Waghorn. Sau một lúc điều chỉnh, khi đôi mắt cô đã quen dần với bóng tối, Viva mới nhìn thấy bà già đang ngồi lù lù trước chiếc lò sưởi chạy bằng dầu hỏa. Phủ phục trong lòng bà già là một chú chó bé tí, nhăn nheo như một con dơi với đôi mắt ướt nhoẹt đang thảm thiết nhìn cô.
"Mời vào", bà già ra hiệu cho Viva. "Và ngồi xuống chỗ nào tôi có thể nhìn thấy cô ấy". 
Bà chỉ tay vào chiếc tràng kỷ cũ mèm đã võng xuống, một chồng giấy tờ sổ sách chất ở một đầu ghế. Giọng nói của bà già, dẫu đã hổn hển, nhưng vẫn đầy quyền uy. 
Hai người đàn bà đưa mắt nhìn nhau, im lặng.
Viva dặn lòng cố giữ bình tĩnh, tránh không kích động. "Cháu là con gái của Alexander và Felicity Holloway. Bác còn nhớ cháu nữa không? Bác thật tốt bụng khi nhiều năm trước đã viết thư thông báo cho cháu biết về chiếc rương mà bố mẹ đã để lại. Cháu xin lỗi vì đã lâu lắm rồi mới đến đây nhận nó".
Ánh mắt bà già nhìn cô, thoáng sợ hãi, hệt như cái nhìn đầu tiên khi bà trông thấy cô từ trên ban công. Bàn tay bà khẽ vỗ nhẹ lên vòng cổ chú chó tí hon đang gầm gừ trong lòng như thể tìm kiếm sự chở che từ nó.
Viva nhìn chằm chằm vào đôi mắt ầng ậng những nước của bà già, trong cô chợt trào lên cảm giác hào hứng muốn khơi gợi để bà già trước mặt kể cho cô nghe về công việc giáo viên của bà ta nơi đây, sau đấy cô cũng sẽ kể lại cho bà nghe về mái ấm tình thương của mình ở Bombay, nhưng ý nghĩ vừa chớm dậy lên trong đầu lập tức vụt biến mất.
"Cô có lạnh không?", ánh mắt đầy khiêu khích của bà Waghorn từ lúc Viva đặt chân vào đây đến giờ đã bớt dữ dằn hơn một chút. "Nếu thấy lạnh, cô có thể vặn lớn sợi bấc trên chiếc bếp dầu, hoặc vỗ vỗ vào nó vài cái. Thực ra, cô có thể tỏ rõ thiện ý của mình. Sợi bấc cần được xén tỉa lại cho gọn gàng, gần chỗ bếp dầu có mấy cây kéo đấy".
Viva quỳ gối trên sàn nhà, cô cảm nhận được những hạt sạn vương vãi trên sàn nhà qua lớp tất xỏ dưới chân. Chiếc bếp dầu đầy cặn và liên tục nổ lép bép, bắn ra ngoài những cuộn khói đen kịt cay xè.
"Cháu cũng có một chiếc như thế này ở London". Cô nhấc chiếc chụp đèn thủy tinh ra ngoài và thò kéo cắt đứt phần bấc đèn đen xỉn cũ kỹ, sau đấy vặn nút cho lửa nhỏ lại. "Việc này đòi hỏi phải khéo léo một chút. Của bác xong rồi đây". Sau đấy cô vặn bấc cho sáng như cũ, một vòng lửa vàng rộm vụt trỗi dậy, rạng rỡ và ấm cúng. "Nên làm như thế".
"Ôi, cảm ơn rất nhiều, cô gái". Đôi mắt của bà Waghorn lại rưng rưng, rớm nước. "Cái loại khói dầu khủng khiếp. Cô gái mới tốt bụng làm sao. Tôi xin lỗi vì đã khiếm nhã với cô từ đầu. Cô biết đấy, người ta liên tục cử cánh đàn bà con gái ở câu lạc bộ đến đây thuyết phục tôi".
Viva quay người lại đối diện với bà già.
"Bác có chắc là không còn nhớ cháu nữa không?", cô hỏi. "Cháu là con gái của Felicity. Bố cháu là ông Alexander Holloway, một kỹ sư hỏa xa. Lần đầu tiên bác cháu mình gặp nhau là năm cháu lên tám hay chín tuổi gì đấy. Cháu nhớ - dạo ấy cháu hơi sợ bác bởi bác là hiệu trưởng".
"Chính xác. Cô gái nói đúng. Tôi từng là hiệu trưởng ở đây bao nhiêu năm qua". Nhắc đến trường học, đôi mắt bà già vụt sáng long lanh, thần thái của Waghorn trở nên hoạt bát hơn hẳn. "Chồng tôi, ông Arthur ấy, hai chúng tôi đã thay nhau quản lý tất cả: bốn mươi học sinh nội trú, ba mươi học sinh ngoại trú, bao gồm cả trẻ Anh lẫn Ấn. Ngôi trường có tên là Wildhern. Một nơi tuyệt vời. Đấy cũng là nơi tôi gặp Hari.". Đột nhiên bà im lặng, đưa tay chống cằm ra chiều suy tư, đôi mắt bà già vẫn dán chặt vào cô, đăm đăm. Một lúc sau, bà nhắm nghiền cặp mắt, mơ màng. "Cô biết không, tôi không nghĩ mình còn nhớ cô. Tôi xin lỗi. Có quá nhiều học trò".
"Không sao đâu ạ", Viva nói. "Là lỗi của cháu. Tất cả là lỗi của cháu".
Khuôn mặt của bà già tội nghiệp bỗng chốc trở nên đau khổ, Viva hiểu nếu cô không giúp Waghorn kiềm chế bản thân, bà già sẽ òa khóc nức nở, lúc bấy giờ không khí trong căn phòng bé nhỏ này chắc chắn sẽ không thể chịu đựng nổi.
"Bác đã cố gắng hết sức, bác đã viết thư cho cháu. Lẽ ra cháu phải đến đây sớm hơn".
"Ôi trí nhớ tồi tệ của tôi", bà già rên rỉ, "nhưng Felicity thì tôi nhớ. Một phụ nữ đáng yêu. Tôi sẽ kể cho cô nghe về cô ấy khi tôi hết mệt, được không?".
Con chó của bà già bắt đầu sục sạo tìm kiếm dưới chồng nệm ngồi. Sau một hồi chúi mũi, nó lôi ra một chiếc áo nịt ngực màu hồng nhàu nhĩ, một cái chuôi dao bám đầy bụi và một miếng mút độn ngực. Viva nhét những món đồ xuống lại dưới tấm nệm, hoan hỉ vì bà già có vẻ không nhìn thấy hành động vừa rồi của cô.
"Cháu e mình đã khiến bác mệt mỏi", cô nói. "Có lẽ cháu sẽ quay lại vào ngày mai".
Bà già liếc cô rồi đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ đeo tay được bà cài trên túi áo. "Không", bà xua tay. "Ở lại đây dùng với tôi tách trà, tí nữa Hari sẽ quay vào, nó đi đâu rồi nhỉ?".
Waghorn bắt đầu ho rũ rượi, những âm thanh đau đớn. Viva nhìn quanh chỗ bà già ngồi, một chồng sách báo cũ, những chiếc đĩa nhạc bám đầy bụi bặm, một chiếc gạt tàn xỉn màu. Chiếc bếp dầu đã thôi không nhả khói mù mịt như trước.
"Xin lỗi cô gái". Bà già đã dứt cơn ho, lắp bắp. Run rẩy lau miệng bằng một chiếc khăn tay khá rộng, lốm đốm những vết bẩn bám trên mình, đoạn nở với cô một nụ cười đôn hậu. "Chuyện này giống như một trò đùa thú vị của số phận, một cô gái xinh đẹp xuất hiện trước ngưỡng cửa trong một buổi chiều u ám. Thú thật với tôi đi nhé, có phải cô đang rất kẹt tiền?". Dứt lời, bà già xoáy mắt vào cô như thể đang chăm chú đếm từng lỗ chân lông trên khuôn mặt của Viva. "Giờ tôi mới nhìn kỹ lại cô", sau một hồi im lặng, bà già tiếp tục, "trông cô chẳng giống Felicity như tôi vẫn nghĩ, cô giống bố nhiều hơn".
Viva gần như nín thở, đúng lúc ấy cánh cửa bật mở, Hari xuất hiện với một khay trà trĩu nặng trên tay, bà Waghorn lập tức bị sao nhãng, đánh mất dòng suy nghĩ vừa chớm nhen lên trong đầu. "Scrummy!", giọng bà già hơi cáu. "Đặt nó ở kia". Bà chỉ về phía chiếc ghế đẩu có thành ghế hình bướu lạc đà.
"Ta vừa nói chuyện với cô gái trẻ này", bà già quay sang giải thích với cậu bé, "rằng ta đã dạy cậu ở Wildhern. Giờ thì ta không thể sống mà không có cậu bé", bà nói với Viva. "Nó là một quý ngài thuộc về tự nhiên".
Hari bắt hai tay vào nhau, khẽ cong đầu hướng về phía bà Waghorn.
"Bà ấy là cô giáo của cháu", cậu bé nói với Viva. "Cô giáo trọn cả cuộc đời".
"Ôi, trà cậu bé mang cho chúng ta nom mới tuyệt vời làm sao". Bà Waghorn có vẻ khá xúc động trước những chiếc bánh kẹp mứt, hai miếng bánh ngọt trái cây, một bình trà lớn bằng bạc đã xỉn màu cùng hai chiếc tách bằng sứ màu ngà. "Và nhắc cậu nhớ", bà già nghiêm nghị, "bỏ vào khay con dao cắt bánh nữa".
"Xin lỗi vì thiếu sót". Bà già run rẩy rót trà vào tách rồi chuyển cho Viva. Lớp sữa lập tức tan rã thành những giọt béo ngậy. "Tôi ghét cay ghét đắng sữa trâu", bà già nói. "Một niềm khao khát đơn giản dành cho một tách trà tao nhã. Giờ thì nói cho tôi biết vấn đề của cô đi", bà già lên tiếng sau khi Hari rời khỏi căn phòng, chỉ còn lại hai người. "Cô đứng về phía nào trong vấn đề Ấn Độ? Nhưng trước hết tôi phải nói với cô điều này". Bà già đặt tách trà của mình xuống, đưa ngón trỏ lên ngang mặt làm ra vẻ những gì sắp được bà nói ra sau đấy hết sức quan trọng. "Cô đã thấy Hari. Cô thấy nó là một thằng bé trong sáng, một gia đình tốt đẹp... Nó từng là một học sinh xuất sắc, một trong những đứa xuất sắc nhất mà chúng tôi từng đào tạo, thế nhưng công việc thích hợp mà nó nhận được kể từ khi rời khỏi trường học chỉ là nghề xà ích hoặc làm một kẻ tôi tớ - cô biết đấy, gia đình nó không có tiền". Đôi mắt của bà Waghorn lại rớm nước. "Nó trấn an tôi là nó không lấy làm phiền lòng, nhưng trong thâm tâm, tôi thấy mình bị xúc phạm bởi điều đấy, cô có thấy thế không?".
"Tất nhiên là cháu cũng thế", Viva trả lời. "Đấy là sai lầm".
"Ừm, tốt. Đồng ý với tôi trong chuyện này. Cô có thể ở lại dùng bữa tối với chúng tôi nếu thích. Tôi đã đề cập chuyện này với những bà già ở câu lạc bộ từ nhiều năm trước. Những bà già khủng khiếp. Bọn họ nghĩ tôi mới từ trong rừng ra, giờ thì bọn họ bắt đầu cho người từ bệnh viện đến thuyết phục tôi cơ đấy".
Có vẻ như bà Waghorn bắt đầu bị xúc động trở lại.
"Cháu không liên quan gì đến bọn họ cả", Viva dịu dàng nói. "Cháu hứa với bác, và cảm ơn nhiều về lời mời ở lại dùng bữa tối, nhưng hôm nay thì không được. Cháu phải quay về khách sạn để tắm rửa, trời đã sắp tối rồi".
Cô nhìn qua ô cửa sổ trên đầu Mabel Waghorn, bầu trời đã chuyển sang màu tím sẫm, tuyết bắt đầu rơi dày, trắng xóa bên ngoài.
Cô rướn người về phía trước, khẽ nắm lấy bàn tay của bà già. Bàn tay nhăn nheo nhẹ bẫng như một chiếc lá, đượm mùi khói thuốc.
"Nếu có thể, sáng mai cháu sẽ quay lại".
Bà già nhìn cô.
"Đừng đến sớm quá", bà nhắc. "Tôi và Hari còn phải đọc sách vào buổi sáng".
"Cháu không hề muốn gây xáo trộn thói quen hằng ngày của bác". Khi Viva đứng dậy và thọc tay vào túi áo khoác, cô chạm phải chùm chìa khóa lạnh ngắt rổn rảng kêu trong đấy. "Nhưng cháu không ở Simla lâu, nên cháu rất muốn được nhận lại chiếc rương của bố mẹ mình. Đấy là lý do vì sao cháu đến đây". Cô nhìn thấy vẻ bối rối xen lẫn ngượng ngập cuộn lên trong đôi mắt mờ đục của bà già".
"Ôi Chúa ôi, tất nhiên, tất nhiên rồi. Chúa ơi! Để tôi nghĩ xem".
Bà già đặt tách trà xuống, rồi đưa ngón tay khẳng khiu lên thái dương của mình ra chiều suy nghĩ, Viva tự hỏi không biết liệu cái bản tính hay quên vừa được Waghorn thể hiện có phải là chiến thuật của bà già hay không. "Tôi hy vọng mình có thể tìm thấy cái vật chết tiệt ấy", cuối cùng bà già nói. "Tôi đã nói với cô về dịch kiến lửa kinh hoàng xảy ra hồi năm ngoái chưa nhỉ?".
Có thể lũ kiến lửa đã gặm nhấm toàn bộ chiếc rương, nơi lưu giữ hàng chục năm trời kỷ niệm, nơi cất giấu cả cuộc đời bố mẹ cô.
"Tối nay cháu ở tại khách sạn Cecil". Viva cố giữ bình tĩnh, chừng mực. "Mười một giờ sáng mai cháu quay lại có được không?".
Không có câu trả lời. Mái đầu của bà già nghiêng ngả dụi vào cửa tủ, đôi mắt nhắm nghiền. Khi Viva đứng dậy, Hari đã chờ sẵn trước cửa phòng để dẫn cô ra ngoài.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.