Quái Khách Muôn Mặt

Chương 6: Trở về cố hương




Từ đó trở đi, Long Uyên và Vân Tuệ cứ ăn trái cây với cá và ở trong thạch thất luyện tập những võ công khắc ở bốn vách và phép dị dung.
Hai người cùng ở một phòng. Tuy Long Uyên nằm trên cái thảm trải ở dưới đất, nhưng vì căn phòng ấy quá nhỏ khiến hai người được tiếp xúc luôn nên tình cảm của hai người ngày càng khăng khít thêm.
Long Uyên chóng lớn lắm, nên tình cảm của chàng thành thuộc cũng rất mau. Hai người ngày đêm gần nhau như vậy và Vân Tuệ lại đẹp như tiên nga nên Long Uyên đã đem lòng yêu nàng. Tuy chàng không nghĩ gì đến tình dục nhưng lúc nào chàng cũng muốn được ăn ở với nàng mãi mãi.
Tuy Vân Tuệ là người ngoại quốc nhưng nàng sống ở Trung Quốc từ hồi nhỏ, nên tư tưởng và hành động của nàng cũng như người Trung Hoa vậy. Từ lúc mới gặp Long Uyên, nàng đã đem lòng yêu rồi, nhưng lòng yêu lúc ấy khác với lòng yêu bây giờ. Vì lúc này nàng thấy Long Uyên đã như người lớn rồi nên nhất cử nhất động của chàng đều làm cho nàng yêu đương dù nàng lớn tuổi hơn và hiểu biết hơn. Nhưng là người nữ bao giờ cũng thụ động nên nàng cứ đợi chờ Long Uyên tỏ lòng yêu trước mới dám thuận tình.
Ở trong động không có đêm ngày và cũng không có xuân hạ, thu đông, Long Uyên phải lấy đá gạch vào vách để tính ngày tháng. Không bao lâu, hai người đã ở trong động được hơn hai năm rồi.
Long Uyên là người thông minh cái thế đã học thuộc lòng võ công và dị dung thuật khắc ở trên vách đá rồi. Vân Tuệ kém thông minh hơn chàng một chút nên mấy mấy thế võ vẫn chưa học thuộc hẳn. Ngoài ra, trong hai năm đó, Long Uyên đã cao hơn Vân Tuệ một cái đầu và về võ công cũng vậy. Trái lại Vân Tuệ còn phải học lại chàng. Đồng thời, chàng còn dạy nàng những môn võ công ở trong Đơn Thư Thiết Quyển.
Dị dung thuật khắc ở trên vách đá là lợi dụng quần áo đồ trang sức và mấy thứ thuốc màu để cải biến hình dung chứ không phải thay đổi bộ mặt như phép tiên đâu. Trên đó còn ghi rõ những đơn thuốc nữa.
Khi còn ở trên cù lao, Long Uyên đã nghiên cứu qua cuốn Thần Nông Y Giản, nên chàng hiểu biết hết tính chất của các vị thuốc. Lại thêm chàng rất thông minh, bất cứ học hỏi môn thuốc nào cũng vậy, chỉ đọc qua hai lượt là thuộc lòng liền, nên các đơn thuốc khắc ở trên vách đá chàng cũng thuộc lòng hết.
Chỉ có một điều khiến chàng buồn nhất là không sao ra được bên ngoài để hái thuốc làm thử xem. Nhưng Vương Lâu chủ nhân của hang động đó hình như đã biết trước điều này nên đã để sẵn nhiều thứ thuốc ở trong tủ đá cho chàng. Vì thế, hai người cứ lấy những thứ thuốc đó ra mà bào chế và thi nhau hóa trang xem ai hóa trang nhanh, giỏi mà không có sự sơ hở.
Long Uyên rất đẹp trai, nên chàng không cần phải hóa trang thành người đẹp nữa. Trái lại, chàng chỉ thích hóa trang thành người tuổi trung niên rất xấu hay là người già nua yếu đuối thôi.
Vân Tuệ cũng thường hóa trang thành một cụ bà, tóc vàng của nàng hóa thành tóc bạc. Vì vậy trong thạch thất thường thấy xuất hiện nhiều hạng người: già, trẻ, đẹp và xấu.
Tất nhiên những người đó là Long Uyên và Vân Tuệ giả dạng. Cả tiếng nói cũng được thay đổi nốt.
Sở dĩ hai người thay đổi được giọng nói là nhờ trên vách đá có khắc môn Ảo Vân Phục Ma Âm. Môn này cần phải có nội công luyện tới mức thượng thặng mới học được để vận chân khí lên trên cổ họng, điều khiển thanh quản tùy theo ý muốn của mình mà nói ra. Môn đó khi luyện tới mức thật cao siêu có thể dùng chân khí đưa tiếng nói vào tai những người ở cách xa mình mấy trượng làm cho những người đó mất hết thần trí hoặc chết.
Nhưng môn này có một khuyết điểm là nếu còn dùng môn đó để giết người thì khi dùng xong một lần, chân khí ở trong người thế nào cũng sẽ bị tiêu hao mất hơn nửa. Như vậy, trong bốn mươi chín ngày, phải kiếm ngay một chỗ thanh tĩnh để khổ luyện trong hai mươi bốn ngày, như vậy mới có thể trở lại bình thường được. Bằng không, sau bốn mươi chín ngày, nội tạng sẽ bị tổn thương rất nặng, rồi bị thổ huyết ra mà chết.
Đồng thời, trong bốn mươi chín ngày đó, không những không thể sử dụng được lần thứ hai, mà thậm chí đấu với người chỉ dùng sức hơi mạnh một chút cũng nguy hiểm đến bản thân liền. Vì thế, bất đắc dĩ lắm mới phải dùng tới nó để giết người.
Cho nên, hai người tuy đã tự tin có thể sử dụng môn Ảo Vân Phục Ma Âm giết người nhưng vẫn không dám thử thách.
Hai người chỉ dùng nó để thay đổi giọng nói thôi và cũng nhờ có môn dị dung này, cuộc đời hai người mới khỏi khô khan buồn tẻ.
Trên vách còn khắc một võ thuật của Phục Ma kiếm pháp. Vương Lâu đặc biệt chỉ rõ pho kiếm pháp này là một môn bí học của đạo gia huyền môn, oai lực rất mạnh và phải ngộ tính rất cao mới có thể lĩnh hỏi được sự huyền diệu ở bên trong.
Bề ngoài pho kiếm pháp đó chỉ có năm thức thôi, tuy học rất dễ, nhưng rất khó tinh xảo.
Long Uyên thông minh như thế mà cũng phải luyện tập hàng tháng mới thành công. Vì kiếm pháp ấy biến hóa rất nhiều, nên thể thức nào cũng có oai lực không tả, đối thủ càng lợi hại bao nhiêu, kiếm thức cũng biến hóa khôn lường bấy nhiêu.
Điều cốt yếu của pho kiếm pháp này là khi sử dụng cần phải thiên, thần và kiếp hợp lại một, tâm trí thống nhất. Bằng không, không sao giở hết được sự huyền diệu của pho kiếm ấy ra.
Cái gì gọi là thiên, thần, kiếm hợp nhất? Nghĩa là lấy lòng mình thay lòng trời. Người sử dụng pho kiếm này phải chính tâm thánh ý, hoàn toàn giữ tôn chỉ “thay trời hành đạo” chứ trong lòng không được nghĩ đến một chút tà niệm nào cả.
Long Uyên là người rất lương thiện, nên lúc biểu diễn pho kiếm ấy rất dễ thi hành nổi yếu chỉ của pho kiếm ấy.
Vân Tuệ vì bị ảnh hưởng của Cô Độc Khách, tình tình còn cố chấp, trong lòng nàng lúc nào cũng không quên sự trả thù cho sư phụ, nên học tới pho kiếm đó, nàng không sao tinh xảo bằng Long Uyên được.
Vì thế, khi luyện Phục Ma Ngũ Kiếm phải tốn gấp đôi công mà kết quả chỉ được một nửa, không sao phát huy được hết oai lực của pho kiếm ấy. Long Uyên đã giải thích rõ cho nàng, mà nàng vẫn không sao quên được chuyện đó.
Thời gian của một năm sắp hết, nghĩa là chỉ còn một ngày nữa hai người ở trong thạch động đã đúng ba năm rồi. Cả hai phấn khởi vô cùng, vì vậy mà cả hai không nghĩ ngợi, nhắm mắt chỉ ngồi chờ cánh cửa của thạch thất mở. Vân Tuệ dùng vải khâu ba cái túi lớn, hai túi nhỏ. Túi nhỏ dùng để đựng những trái cây kỳ dị, còn túi lớn thì nàng để không.
Long Uyên nhìn xung quanh có vẻ quyến luyến, vì dù sao chàng ở trong đó cũng được ba năm rồi, nên bất cứ vật gì ở đây đều trở nên quen thuộc. Như vậy, chàng không quyến luyến sao được.
Chàng biết võ công của hai người hiện giờ đã có hỏa hầu rất thâm hậu, chỉ rời khỏi nơi đây là hai người không thể nào gần gũi nhau suốt ngày như vậy nữa. Điều này càng làm cho chàng luyến tiếc thêm. Nhất là sau khi rời khỏi nơi đây, chàng thế nào cũng phải về nhà thăm cha mẹ và Vân Tuệ trả thù cho Cô Độc Khách, như vậy hai người làm sao mà gần nhau được nữa.
Còn Vân Tuệ thì nghĩ khác, nàng nhận thấy tương lai của mình rất đẹp và cũng rất buồn. Vì việc thứ nhất của nàng là phải đi trả thù cho sư phụ, phải làm xong việc đó nàng mới hết trách nhiệm, mới được tự do tự tại. Lúc ấy nàng sẽ cùng Long Uyên ngao du các danh lam thắng cảnh và sẽ ký thác thân mình cho chàng.
Nhưng việc trả thù cho sư phụ rất lớn lao và cũng rất nặng nề. Bảy Đại chưởng môn của bảy môn phái ở Trung Nguyên đều là những người có võ công rất cao thâm, dù võ công của nàng có cao siêu đến đâu cũng khó lòng giết cả bọn chúng một lúc được, nên nàng phải dùng kế “tằm ăn dâu” mà đánh giết từng người một, nhưng thi hành kế sách này phải lâu lắm.
Ngoài ra, nàng lại không muốn Long Uyên giúp mình, vì Cô Độc Khách chỉ là sư phụ của nàng, nàng muốn chính tay mình trả thù cho sư phụ chứ không muốn nhờ ai hết. Hơn nữa, Long Uyên là dòng dõi duy nhất của nhà họ Long, khi nào nàng lại để cho chàng mạo hiểm như thế, lỡ mệnh hệ nào có phải là nhà họ Long tuyệt tự không? Đồng thời, người của bảy môn phái đông như vậy, nếu như chàng giúp nàng thì thế nào chàng cũng kết oán với chúng, rồi chúng cứ kiếm nhà người họ Long để báo thù thì sao? Vì thế, nàng không muốn cho chàng biết, vì chàng biết thế nào cũng đòi giúp mình chứ không bao giờ khoanh tay đứng yên đâu. Những việc đó làm cho nàng khó xử hết sức, nên cứ mãi rầu rĩ như vậy. Trước khi chưa hoàn thành công việc báo thù cho sư phụ, lỡ trả thù không xong, bị kẻ địch giết chết, có phải là đau đớn biết bao không?
Hai người cứ lẳng lặng nhìn cánh cửa mà mỗi người là một nỗi niềm riêng nên không ai nói với ai nửa lời.
Long Uyên liếc mắt nhìn trộm thấy vẻ mặt của Vân Tuệ lúc buồn đôi ngươi tia ra những luồng ánh sáng chói lọi. Chàng thấy vậy kinh hãi vô cùng và nhận thấy sắc mặt của nàng đáng sợ lắm. Vì trước kia Vân Tuệ đã kể cho chàng nghe khi sư phụ của nàng sắp chết đã tỏ những sắc mặt như thế, nên bây giờ chàng biết Vân Tuệ cũng đang nghĩ đến mối thù của sư phụ.
Chàng là người rất hiền lành trung hậu, không ưa những chuyện tàn sát quá khích. Theo sự nhận thức của chàng thì người đời, ai ai cũng có quyền sống một cách tự do, không ai được can thiệp tới và càng không ai được làm nguy hại quyền sống của người khác. Vì thế, chàng không muốn Vân Tuệ quá lo nghĩ đến việc trả thù cho Cô Độc Khách nhưng bây giờ với sắc mặt ấy, chàng biết nàng quyết định trả thù.
Chàng không những hàm ơn cứu sống của nàng mà còn rất yêu nàng nữa. Lúc này, chàng không biết nên làm thế nào cho phải. Giúp nàng trả thù cho Cô Độc Khách ư? Hay là làm thinh để mặc nàng đi trả thù lấy? Chàng nhận thấy hai điều đó đều trái với tôn chỉ định tầm luyện võ của mình. Chàng muốn tìm ra một cách hoàn hảo để hóa giải mối oán thù cho nàng, nhưng càng nghĩ càng rối mù không tìm được một phương cách khả dĩ nào...
Bất chợt, cánh cửa đã mở đúng giờ. Hai người đang mải nghĩ nên quên mất cả việc cửa mở. Tới khi cửa đang từ từ đóng lại, chàng mới giật mình kinh hãi thét lớn một tiếng vội phi thân nhảy ra, giơ hai cánh tay ra chống đỡ. Lúc ấy khe cửa chỉ còn rộng hơn thước thôi. Chàng vận hết mười thành công lực ra đẩy mạnh một cái, chỉ nghe thấy “ầm” một tiếng, cánh cửa ấy mới ngưng đóng.
Nghe tiếng quát của chàng, Vân Tuệ giật mình thức tỉnh. Lúc này nàng kịp hiểu ra dịp may này chỉ trong nháy mắt là mất luôn, nên không dám trì hoãn nữa, vội xách mấy cái túi nhảy vọt qua đầu Long Uyên, phi thân ra bên ngoài.
Long Uyên dùng sức mạnh cầm cự với cánh cửa không cho nó đóng lại, nhưng chàng đã tốn rất nhiều hơi sức. Hình như sau hai vách đá có then chốt của máy móc.
Lúc ấy tiếng kêu “ùm ùm” càng ngày càng lớn, sức ép của cánh cửa càng lúc càng mạnh, nếu chàng lơi tay một cái tức thì cánh cửa đóng lại ngay. Vân Tuệ vừa nhảy xuống mặt đất để chồng áo và mấy cái túi xuống vội quay lại xem, thấy Long Uyên mặt đỏ bừng, mồ hôi toát ra như tắm đủ thấy chàng tốn rất nhiều hơi sức. Nàng vội tiến lên giơ hai tay ra chống đỡ thay để chàng chui ra.
Thấy Vân Tuệ đã chống cánh cửa hộ mình, Long Uyên nhún chân nhảy qua đầu nàng phóng ra phòng bên ngoài.
Lúc ấy, Vân Tuệ mới buông tay, chỉ nghe thấy kêu “ùm” một tiếng, cánh cửa đá đã đóng kín. Hai người nhìn nhau cười và cùng nghĩ thầm: “Nguy hiểm thật!”
Vân Tuệ trông thấy mấy cái chết vẫn y nguyên liền cau mày nói với Long Uyên :
- Long hiền đệ, mau bỏ hết châu báu vào mấy cái túi lớn này, để tôi ra xem con Ngao Biệt có còn chờ chúng ta ở bên ngoài không?
Lúc này Long Uyên mới biết Vân Tuệ khâu ba cái túi lớn mà không đựng gì là dùng để đựng những châu báu ở ngoài này. Chàng làm theo lời nàng nhặt những hạt châu báu bỏ vào trong túi, mâm châu báu vừa chứa đầy ba túi.
Vân Tuệ đi ra một lúc đã quay trở vào, vui vẻ nói :
- Uyên đệ! Con Ngao Biệt vẫn đợi chờ chúng ta bên ngoài. Mau đi thôi!
Nói xong, nàng xách một túi châu báu và mấy túi nhỏ đựng trái cây, còn hai túi lớn để cho Long Uyên xách. Khi ra tới đường hầm, Long Uyên trông thấy hạt châu gắn ở trên đỉnh động liền nói với Vân Tuệ :
- Chị Tuệ! Những hạt châu gắn ở đỉnh động này đều là hạt châu Tị thủy. Chúng ta lấy hai hạt xuống để dùng nhé!
Vân Tuệ gật đầu rồi từ từ nhảy lên lấy hai hạt xuống, vừa ra đến chỗ cửa động, Long Uyên đã thấy con Ngao Biệt sáu chân bốn mắt đang bơi ở trong nước.
Nó vừa trông thấy hai người đã vội thò đầu vào trong động kêu “ú ú” hai tiếng, tỏ vẻ vui mừng và như nghênh đón vậy.
Long Uyên không ngờ con vật này lại khôn ngoan đến như vậy. Chàng đoán chắc nó được chủ nhân dặn bảo cố ý đưa hai người tới đây. Bằng không, nó biết làm sao được ngày giờ đến đây nghênh đón, hay là nó cứ đợi chờ ở đây ba năm liền như vậy? Nhưng bất cứ sao, chàng cũng cám ơn nó, nên chàng chìa tay ra vuốt đầu nó mấy cái và hỏi :
- Sư phụ chủ nhân của cái động này đã dặn ngươi đưa chúng ta đến đây phải không?
Con Ngao Biệt vui vẻ kêu “ú” một tiếng rồi gật đầu mấy cái.
Long Uyên hỏi tiếp :
- Nếu vậy, chúng ta phải cám ơn ngươi. Chị Tuệ! Chúng mình phải cám ơn nó phải không?
Vân Tuệ cũng nghĩ như vậy, thấy Long Uyên nói thế vội mở cái túi nhỏ lấy mấy trái cây tươi ra và nói với con Ngao Biệt :
- Ngao Biệt thần ơi! Chúng ta rất cám ơn ngươi. Bây giờ ta mời ngươi ăn mấy trái cây tươi này để cảm tạ ngươi nhé.
Ngao Biệt mở miệng ra đớp, gật đầu cám ơn, rồi rụt đầu lại ngay.
Vân Tuệ cầm hạt châu Tị thủy vừa lấy được ở trên đỉnh động đưa cho Long Uyên một hạt, rồi hai người cùng để hạt châu này lên trên bàn tay và đưa vào trong nước ở ngoài cửa động xem, quả nhiên nước biển liền rẽ ra hai bên tựa như trong hang động vậy.
Hai người thấy thế mừng rỡ vô cùng. Vân Tuệ đi nhẹ nhàng nhảy lên lưng con Ngao Biệt, Long Uyên đi sau cũng nhảy theo lên. Hai người ngồi sát cánh nhau. Hạt châu ở tay của hai người tới đâu rẽ nước tới đó. Tuy hai người ở trong biển nhưng không bị ướt chút nào. Họ như ngồi trong một cái hang sáng và trống, không dính một hạt nước nào.
Con Ngao Biệt thấy hai người đã ngồi vững liền bơi sáu chân như một mũi tên bắn thẳng lên trên mặt biển. Độ nửa tiếng đồng hồ đã lên tới mặt nước, con Ngao Biệt cứ cưỡi sóng mà đi. Hai người không trông thấy mặt trời đã ba năm, lúc này đã trông thấy mặt trời bắt đầu lặn, sóng gió rất lớn.
Hai người nhờ có hai hạt Tị Thủy châu nên không bị ướt một chút nào cả. Cả hai người đều sung sướng nhìn nhau cười. Tuy trời tối nhưng Long Uyên vẫn còn trông thấy cù lao ở phía tây vẫn đen thui như xưa. Chàng liền giật cương con Ngao Biệt đi về phía đó. Con Ngao Biệt kêu “ú” một tiếng và bơi nhanh như bay tiến thẳng về phía cù lao ngay.
Không bao lâu, hai người đã tới cù lao. Cả hai vô cùng mừng rỡ. Lúc gần tới thủy động, Long Uyên ra hiệu cho con Ngao Biệt bơi vào trong động nhưng nó bèn kêu “ú” một tiếng và lắc đầu cự tuyệt. Long Uyên cảm thấy hình như nó định rời khỏi mình nên trong lòng không nỡ, vì nó đã giúp hai người gặp được kỳ duyên, nên hai người còn muốn đền ơn nó. Chàng hoảng sợ nhảy lên một tảng đá rồi rầu rĩ hỏi :
- Ngươi định đi ư?
Ngao Biệt lại kêu “ú” một tiếng, bốn mắt nó chớp nháy nhìn chàng, hình như nó cũng không muốn xa chàng vậy. Nhưng nhiệm vụ của nó đã xong, nó có nơi đi của nó, nó sẽ về với nước, với biển cả bao la, với đồng loại. Nó thoải mái với không khí tự do.
Vân Tuệ cũng nhảy lên tảng đá ấy, trông thấy thái độ của con vật liền nói :
- Uyên đệ mau cởi dây da ở trên người nó, nên để cho nó đi! Trên đời này không có bữa tiệc nào là không có lúc tàn, chúng ta còn giữ nó ở lại trên trần tục này làm chi.
Nói tới đó, nàng lại nhìn con Ngao Biệt mà nói tiếp :
- Chúng ta rất cám ơn ngươi giúp đỡ, nhưng không biết lấy gì cảm tạ ngươi. Sau này chúng ta ghi nhớ trong lòng mãi mãi và cầu phúc cho ngươi. Nhưng mong ngươi rời bỏ nơi đây, đừng có làm những việc tàn hại sinh linh nữa. Khi nào ngươi đi ngang qua đây cứ ở bên ngoài kêu “u u” mấy tiếng, nếu chúng ta còn ở lại đây thế nào cũng ra gặp lại ngươi.
Trong khi nàng nói chuyện, Long Uyên đã cởi dây ở trên người nó ra nên nàng vừa nói xong, nó đã kêu “u” một tiếng rồi lặn xuống biển mất dạng. Long Uyên không ngờ nó đi nhanh như thế, nên đứng ngẩn người ra như mất mát một vật gì vậy. Vân Tuệ thấy thế cười khanh khách nói :
- Uyên đệ, đi về nhà chứ? Nó đã về nhà nó, sao chúng ta không về nhà chúng ta?
Thế rồi hai người cùng đi nhanh như hai mũi tên phi lên trên đỉnh cù lao.
Long Uyên bỗng nổi hào khí ngẩng mặt lên trời rú lên một tiếng thật dài rồi giậm chân một cái, giở thế Thần Long Thăng Không ra đi nhanh như gió tiến về phía trước.
Cảnh vật ở trong cù lao vẫn như xưa và cũng như lúc hai người đi ra vậy, vì lúc ấy là đêm khuya mùa hè, bây giờ cũng thế.
Hai người cũng về vào mùa hè cũng trong đêm tối, nhưng cách biệt ba năm. Khi trở về, cả hai cảm thấy mọi vật đều thân thiết vô cùng. Một lát sau, họ đã về tới nhà cũ. Trong ngoài nhà không đổi một chút nào, vẫn sạch sẽ như xưa, hiển nhiên vú Triệu không vì chủ nhân mất tích mà xao nhãng công việc.
Hai người lẳng lặng đi vào trong sảnh lắng tai nghe, thấy vú Triệu đang ngủ say, hai người nhìn nhau cười rồi lẳng lặng để mọi thứ xuống đất và về phòng ngủ một giấc ngon như xưa.
Trời sáng dần, vú Triệu ngủ dậy đi ra ngoài quét dọn, bỗng thấy trên mặt bàn có ba túi vải thật lớn, miệng lẩm bẩm tự hỏi: “Những đồ này của ai thế?”
Vú ta vừa quay đầu lại đã thấy Vân Tuệ đứng ở đằng sau, cả hai mừng rỡ vội chạy lại ôm choàng lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Lúc ấy, Long Uyên vừa bước ra thấy hai người như vậy thì cảm động vô cùng. Vú Triệu đã già hơn trước nhiều, da trên mặt có nhiều nếp nhăn hơn, và tóc đã bạc trắng.
Vú Triệu trông thấy Long Uyên cao lớn như vậy suýt tí nữa không nhận ra chàng. Một lát sau, vú mới vội chạy lại nắm tay chàng ngắm nhìn, hỏi han luôn miệng. Theo lời nói của vú Triệu thì tối hôm hai người mất tích, những người ở trong cù lao đi thuyền ra tìm kiếm luôn mấy ngày. Cha con Lý Thất nhờ hai người cứu cho thoát chết, nhưng vì chiếc thuyền đã bị con cá kình phá vỡ, mãi nửa năm sau mới làm lại được chiếc thuyền khác vào Trung Nguyên mua đồ. Lúc ấy, ai cũng tưởng hai người đã chết, cho nên đau lòng vô cùng, nên những nông dân và người đánh cá ở trong cù lao này mỗi năm đã cử hành tế lễ hai người một lần.
Vú Triệu thì đau đớn không nguôi, mỗi lần nhờ đến hai ngươi là ứa nước mắt. Vú nuôi và bồng bế Vân Tuệ từ hồi nhỏ đến lớn. Tuy là người làm nhưng không khác gì người mẹ vậy. Nhưng vú ta vẫn tin tưởng thế nào cũng có ngày hai người trở về chứ không chết yểu như thế được. Quả nhiên, bây giờ hai người đã về, vú lại thấy họ cao lớn như vậy làm sao mà không mừng rỡ. Sau khi nghe hai người kể cho biết ba năm qua hai người ở đâu, vú Triệu vội chạy ra ngoài làng báo cho dân làng hay.
Một lát sau đã có mấy chục người trong làng ôm con tay dắt trẻ đến đầy khách sảnh để thăm hai người và hỏi hai người trong ba năm đi đâu mà mãi bây giờ mới thấy về.
Long Uyên sợ những người dân quê mùa lại tưởng mình là thần tiên, nên chàng nói dối bị lạc đến một hoang đảo, gần đây mới chiếm được một chiếc thuyền trở về.
Tất nhiên lời kể của chàng bên trong có nhiều chỗ rất mâu thuẫn nhưng họ thấy hai người bình yên vô sự đã cảm thấy toại ý lắm rồi, cho nên không một ai hỏi đi hỏi lại nữa.
Mọi người trò chuyện một hồi rồi lần lượt cáo từ ra về. Lúc ấy, Vân Tuệ với Long Uyên mới được nghỉ ngơi.
Từ đó trở đi, hai người lại sống yên tĩnh như xưa.
Vân Tuệ một mặt may quần áo mới cho Long Uyên, một mặt ôn tập lại võ công của mình.
Còn Long Uyên thì ôn tập lại Đơn Thư Thiết Quyển và Thần Nông Y Giải. Lúc ấy Long Uyên đã trưởng thành, võ công cũng tự tin và có thể xông pha trên chốn giang hồ ở Trung Nguyên rồi. Chàng nhận thấy ở lại cù lao này, tuy ngày đêm có Vân Tuệ ở bên cạnh, nhưng trong lòng lúc nào cũng nhớ đến quê hương và cha mẹ.
Chàng nghĩ từ khi mình ra khỏi nhà đến giờ thấm thoát đã được mười năm, các bác và cha mẹ tuổi đã xấp xỉ bảy mươi chẳng biết sống được bao lâu nữa, nên chàng rất mong nhớ, chỉ muốn trở về thăm nhà ngay.
Vân Tuệ thấy sắc mặt của chàng, biết chàng nhớ nhà nên nàng liền lên tiếng hỏi. Long Uyên thành thật nói cho nàng biết và yêu cầu nàng cùng đi về quê với mình.
Vân Tuệ cũng muốn lắm, song nghĩ mình đã quyết định làm dâu nhà họ Long rồi, dù sao cũng phải về chào cha mẹ chồng và lần này đi cùng chàng về thế nào cũng được lòng thương của các bác và cha mẹ chàng. Vì nàng là ân nhân cứu Long Uyên thoát chết và cũng là sư phụ của chàng nữa, chỉ hai điểm đó, gia đình của chàng cũng sẽ hoan nghênh nàng.
Nhưng không hiểu tại sao nàng lại bỗng trả lời Long Uyên rằng :
- Uyên đệ! Tôi thiết nghĩ lần này hiền đệ nên về nhà một mình, vì ở đây tôi còn nhiều việc phải làm. Nhưng tôi biết hiền đệ không thể ở nhà được lâu đâu, chắc thế nào chúng ta cũng sẽ gặp ở trên giang hồ. Tôi định tháng sau sẽ đi Ninh Ba để hỏi thăm tin tức của cha mẹ tôi để xem cha mẹ tôi tên họ gì? Tuy tôi không nhớ ra được hình dáng của cha mẹ, nhưng làm con mà tên họ của cha mẹ cũng không biết thì còn gì đau đớn cho bằng!
Long Uyên nghe nàng nói như vậy liền nghĩ thầm: “Chị ấy vội đi hỏi thăm lai lịch và tên họ của cha mẹ, ta không có quyền gì khuyên ngăn hết. Nhưng dù sao chị ấy không đi với ta về nhà ta một chuyến trước. Chắc chị ấy nói thế để lấy cớ thoái thác thôi chứ thật sự chị ấy không muốn như vậy, có khác gì không muốn ở đời với ta không?”
Nghĩ như vậy, chàng cúi xuống tỏ vẻ rầu rĩ không nói nửa lời.
Vân Tuệ đã biết ý nghĩ của chàng, liền nói tiếp :
- Uyên đệ! Nếu đệ có ý đi chơi Giang Nam thì một năm sau chúng ta gặp nhau ở trên núi Hoàng Sơn nhé. Tôi nghĩ Uyên đệ nên ở nhà lâu một chút vì đệ đã vắng mặt bá mẫu lâu thì cũng nên ở nhà một thời gian để cho các người bề trên vui vẻ lâu một chút.
Long Uyên lẳng lặng gật đầu, nhưng trong lòng nghe đau thêm.
Sự thật Vân Tuệ có dụng ý riêng, nhất thời không nói ra nên nàng chỉ nói sang việc khác và nói tiếp :
- Uyên đệ, sau này hành đạo giang hồ phải cẩn thận lắm mới được. Hiền đệ đẹp trai anh tuấn như vậy phải đề phòng những đàn bà xấu xa ở trong giang hồ. Tôi còn nhớ lời của sư phụ nói người giang hồ rất hiểm ác khó mà lường được, nhất là những người miệng cười hiền thục nhưng lại có những thủ đoạn rất xảo trá, ví dụ những đàn bà dâm đãng chuyên mê hoặc đàn ông và ngấm ngầm hại người. Hiền đệ đẹp trai như vậy, ai trông thấy mà chả yêu. Hiền đệ mới bước chân vào trong giang hồ, kinh nghiệm non nớt nhất định sa ngã vào trong những người đàn bà ấy thì khó mà thoát thân được.
Vân Tuệ nói như vậy là có dụng ý riêng, nhưng vì Long Uyên đã hiểu lầm nên không lĩnh hội được những ý nghĩa sâu sắc câu nói đó. Thậm chỉ chàng còn hận là khác, nên chàng tưởng nàng nói như thế cố ý giễu cợt mình.
Vân Tuệ không thấy chàng nói gì cả, thì thở dài một tiếng và nói tiếp :
- Hà... Uyên đệ! Không phải tôi nói ngoa đâu. Sự thật hiền đệ quá đẹp trai, bất cứ một ai trông thấy hiền đệ cũng phải động lòng yêu. Nhất là những thiếu nữ mới lớn lên, nếu hiền đệ không đề phòng chỉ hơi dễ dãi với họ một chút là họ lôi cuốn hiền đệ vào trong tình ái liền. Nếu đối phương là người hư thân mất nết, hiền đệ có thể bỏ mặc họ cũng không sao, nhưng nếu đối phương là một con nhà tử tế, thử hỏi đến lúc đó hiền đệ sẽ xử trí ra sao... Tôi lo lắng nhất là vấn đề này...
Vân Tuệ đã thổ lộ hết tâm sự của mình cho chàng nghe. Quả thật, nàng lo âu nhất là Long Uyên gặp những thiếu nữ yêu chàng, chàng là người giàu tình cảm sẽ không sao bỏ rơi những thiếu nữ đó. Như vậy có phải là nàng “xôi hỏng bỗng không” không?
Long Uyên vẫn hiểu lầm như thường, nên không sao biết rõ được tâm sự của Vân Tuệ. Trái lại, chàng còn tưởng nàng chế giễu mình, với giọng ai oán, chàng đỡ lời :
- Chị Tuệ! Tôi không đồng ý lời nói của chị. Tôi chắc chị bị ảnh hưởng của Vương Lâu tiền bối cho người đời ai ai cũng trọng bộ mặt. Trái lại, tôi cho ý kiến ấy không đúng, có bộ mặt anh tuấn như thế tuy dễ gây được thiện cảm với người thật, nhưng cốt yếu là phải có nhân phẩm và tâm tính mới được.
- Lời nói của hiền đệ rất có lý. Nhưng người có ý nghĩ như hiền đệ quả thật ít ỏi. Nếu hiền đệ không tin cứ hóa trang thành một người xấu xí xem. Tôi dám chắc không đầy một tháng, hiền đệ thế nào cũng bị người giang hồ ghẻ lạnh không có một người bạn tri âm nào cả cho mà xem.
Long Uyên càng không phục, cãi tiếp :
- Được, chúng ta đánh cuộc, kỳ hạn là một năm. Lần này tôi đi lại trên giang hồ, tôi sẽ hóa trang thành một thiếu niên rất xấu để xem có ai bằng lòng gần gũi tôi không?
Vân Tuệ nghe nói mừng thầm, vì nàng biết Long Uyên rất trọng lời hứa. Trong một năm xa cách, nếu chàng cải trang thành một thanh niên xấu xí như vậy, chàng sẽ được biết lòng người thế nào và mình cũng đỡ sợ thiếu nữ khác yêu chàng.
Như thế không khác gì nàng đã được sự bảo đảm một năm, tới khi gặp nhau ở Hoàng Sơn, lúc ấy nàng đã trả thù cho sư phụ. Trong thời gian cách biệt đó thế nào Long Uyên cũng sẽ hiểu rõ tâm tình của nàng.
Ngay hôm sau, Long Uyên vừa rầu rĩ quyến luyến mà rời khỏi cù lao. Cha con Lý Thất đưa thuyền tiễn chàng ra khơi.
Vân Tuệ khóc thầm nhưng mặt vẫn gượng cười tiễn chàng ra đi, và bảo chàng đem theo hai túi châu báu và những quần áo thường dùng. Nàng đứng ở trên đỉnh cù lao nhìn theo chiếc thuyền của Long Uyên cho đến khi hút bóng mới thôi, rồi nàng rầu rĩ quay trở về nhà liền.
Tất nhiên, vú Triệu cũng đau lòng vô cùng. Vú ta thấy Vân cô nương như kẻ mất hồn mất vía, lại càng thương tiếc thêm.
Vú vừa khuyên giải vừa nghĩ cách để ghép hai người thành vợ thành chồng.
Long Uyên cũng đau lòng như Vân Tuệ, chàng đứng ở đằng lái nhìn về phía sau tới khi hút bóng của nàng mới thôi. Chàng cảm thấy mình có hàng vạn lời muốn nói với nàng mà không sao nói ra được.
Tuy chàng rất yêu nàng nhưng trong lòng cũng còn sự hiểu lầm, chàng tự bảo: “Ta hãy về nhà hưởng hạnh phúc gia đình một thời gian đã, rồi sẽ ra giang hồ. Như vậy ta sẽ khuây khỏa mà có thế tạm quên nàng được”.
Chàng cố ý chuyện trò với cha con Lý Thất để quên hình bóng của Vân Tuệ đi.
Ngày hôm sau, thuyền của chàng đã sắp vào tới bờ. Long Uyên đã trông thấy lầu cát ẩn hiện, chàng mừng rỡ khôn tả, không chờ thuyền vào tới bờ, chàng đã giở khinh công tuyệt đỉnh nhảy ngay lên trên bãi cát chạy thẳng lên trên sườn núi ngay. Chàng vừa đi vừa ngắm nhìn chung quanh, thấy cỏ hoang mọc đầy núi. Khi tới tòa nhà của gia đình, chàng thấy cửa lầu đóng kín, màng nhện giăng đầy hình như không có người ở vậy.
Chàng kinh ngạc vô cùng, vội đi tới tòa nhà ở giữa, mở cửa ra vào trong đại sảnh. Chàng thấy trong đại sảnh cát bụi bám đầy và không có một bóng người nào hết. Chàng vội lên lầu mở hết các cửa phòng ra xem. Tuy những đồ gỗ ở trong phòng chưa dọn đi, vẫn bày biện như mười năm về trước, nhưng người thì không biết đi đâu hết?
Chàng đau lòng vô cùng, quanh quẩn ở phòng của người mẹ một hồi và tưởng lại gương mặt hiền từ của cha mẹ. Bỗng nghe có tiếng chân người đi lên cầu thang, chàng mừng rỡ vô cùng, chạy ra nghênh đón. Ngờ đâu đó lại là cha con Lý Thất đang khuân đồ đạc đến cho chàng.
Lý Thất cũng ngạc nhiên hết sức, vì thấy nhà chàng không có một bóng người nào cả và thấy chàng đang rầu rĩ, y cũng ái ngại vô cùng.
Long Uyên cảm ơn cha con Lý Thất và giữ hai người ở lại một đêm. Cha con Lý Thất từ chối và bảo phải trở về thuyền ngay. Y hỏi chàng có dặn bảo gì Vân Tuệ không?
Chàng đang rối trí chỉ ậm ừ thôi, chứ còn biết nói năng gì nữa đâu! Thế rồi chàng tiễn chân cha con Lý Thất ra tận ngoài cửa.
Cha con Lý Thất đi khỏi, chỉ còn một mình chàng. Chàng lại lên trên phòng ngủ của mẹ đứng khóc lóc. Mãi một lúc sau chàng mới cầm được những giọt lệ thương cảm, rồi đi kiếm cái chổi quét dọn phòng ngủ ấy cho thật sạch. Chàng đem hành lý của mình lên trên phòng rồi trải chăn lên giường để ngủ. Nhưng chàng không sao chợp mắt được mà cứ ngồi ở mép giường suy nghĩ. Chàng thấy căn nhà nguyên lành không bị suy suyển chút nào, như vậy không phải là tai nạn xảy ra.
Nhưng tại sao không còn một người nào ở lại? Chắc là nhà dọn đi nơi khác, nhưng dọn đi đâu?
Chàng lại đi quanh nhà xem xét một lần nữa nhưng vẫn không có dấu vết gì cho chàng biết là cha mẹ và các bác đã dọn đi đâu cả. Sau chàng quyết định chờ sáng mai đi hỏi thăm những người lân cận xem họ có biết gì không? Sáng ngày hôm sau, chàng dậy rửa mặt, ăn qua loa một chút lương khô rồi lại đi tìm khắp các phòng một lần nữa. Nhưng chỉ thấy phòng nào phòng nấy cũng đầy bụi cát thôi.
Sau cùng, chàng đi tới một căn lầu, lầu này xây ở nơi sau cùng, trước kia là phòng của bác bảy Chí Tri ở. Hôm qua, chỉ có lầu này là chàng chưa đặt chân tới thôi.
Khi lên tới cửa lầu, chàng bỗng giật mình đánh thót một cái vì thấy trong lầu này rất sạch sẽ, hình như mấy hôm nay đã có người quét dọn qua rồi. Chàng bỗng cảm thấy có hy vọng chứa chan, vì biết gần đây đã có người ở. Chàng vội vàng mở từng căn một ra xem, quả nhiên thấy trong một căn phòng ở cuối lầu vẫn còn chăn gối và đồ đạc bỏ sót lại. Nhưng không có một bóng người nào cả. Chàng nghĩ thầm: “Có lẽ người này đã rời khỏi nơi đây rồi, nhưng đồ đạc chưa dọn đi, thế nào y cũng quay trở lại”.
Bất cứ người ấy là ai, đã ở đây rồi tất nhiên phải biết tin tức của người nhà mình, nên chàng quyết định tạm ở lại đó đợi chờ đã.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.