Quyến Luyến - Ôn Sưởng

Chương 47:




Editor: Hà Vĩ
Beta: Mạc Y Phi
Mẹ Tống đang nấu cơm trong phòng bếp, bố Tống bảo anh: "Ngồi xuống ăn cơm đi."
Mẹ Tống bưng thức ăn lên, nói: "Viện Viện thích ăn canh, hôm nay mẹ hầm củ cải với sườn, lúc về con nhớ mang cho nó một ít."
Vũ Nghị gật đầu: "Vâng."
Ba người im lặng cả bữa cơm, ăn xong mỗi người ngồi xuống một bên ghế sofa.
Mẹ Tống nói thẳng: "Mẹ sống thực tế, hai người chung sống có va chạm cũng là sự thật. Hôm nay vì Tống Nhất Viện mà con đã tới đây bênh vực kẻ yếu như thể rất yêu con bé, nhưng ai biết sau này có còn như vậy nữa không? Đến lúc Tống Nhất Viện già rồi, con có tiền, vẫn còn biết bao nhiêu cô gái xinh tươi trẻ trung sà vào lòng con. Đến lúc đó, ngoại trừ bố mẹ, ai sẽ ở bên cạnh con bé?" Bà tạm dừng, "Chưa biết chừng bố mẹ cũng không sống nổi đến lúc đó."
Vũ Nghị đáp: "Con sẽ không thay đổi."
"Lời nói gió bay thì ai mà chẳng nói được."
Vũ Nghị đáp: "Con sẽ không thay đổi."
Mẹ Tống nhíu mày. Bố Tống nhìn anh: "Lời hứa của người đàn ông lúc còn trẻ đều xuất phát từ thật lòng nhưng cũng rất dễ dàng làm trái lại."
"Con sẽ không thay đổi."
"Con biết làm bố mẹ ai cũng lo lắng cho đứa con của mình, muốn có một số thứ bảo đảm cho cuộc sống của cô ấy. Con cũng rất sẵn lòng cung cấp cho cô ấy."
"Nhưng làm thế Viện Viện sẽ tức giận." Vũ Nghị mấp máy môi, "Không duyên không cớ đưa cho cô ấy một số tài sản, cứ như đề phòng trước cho việc phản bội trong tương lai vậy. Nếu con không có, bởi vậy mà cô ấy cảm thấy an toàn, thế thì sự an toàn này không phải do con mang lại cho cô ấy mà do số tài khoản này mang lại; nếu con có, dựa vào tính cách của Tống Nhất Viện, cô ấy cầm trong tay cũng chê bẩn. Điều cô ấy muốn ngay từ đầu là một chỗ lánh nạn, có ăn có uống và không cần đối mặt với cuộc sống; điều bây giờ cô ấy muốn…" Vũ Nghị hơi dừng lại, "Mẹ không tin vào tình yêu nhưng con tin, cô ấy cũng tin. Chúng con đều khát vọng điều đó."
"Mẹ muốn con dùng tiền để chứng minh tình yêu, có thể hy sinh một phần lợi ích của mình vì tình yêu. Con xin lỗi, con không thích như vậy. Dùng vật chất để chứng minh tinh thần, cứ như bán tình yêu đi vậy." Vũ Nghị nói, "Cô ấy cũng không thích."
"Nếu con thay lòng đổi dạ, người đầu tiên nhận ra không phải mẹ mà là người bên gối của con."
"Tâm tư cô ấy tinh tế như vậy, con sẽ không giấu được. Đến lúc đó, nếu thật sự cô ấy vì vậy mà từ yêu sinh hận, muốn khiến con thân bại danh liệt, mất hết tất cả thì mọi thứ của con đều để ở nơi cô ấy biết, cô ấy có rất nhiều cách để trả thù con."
Mẹ Tống không nói lời nào. Sau một lúc lâu im lặng, bà lên tiếng như đang giận dỗi, lại vừa chất chứa nỗi chua xót vô tận: "Rõ ràng là vì muốn tốt cho nó, kết quả ai cũng nói mẹ không tốt. Là một người mẹ, làm sao có thể không thương máu thịt của mình chứ? Đúng là mẹ có những điểm chưa thích hợp, cũng bởi vì những điều đó mà bị con nói như thể mẹ làm sai tất cả, mỗi tối mẹ nghĩ đến những lời của con thì ngủ không yên giấc…"
Vũ Nghị vội vàng nói: "Con thật sự xin lỗi! Lúc ấy con nói như thế thật sự rất cực đoan, mẹ yêu Viện Viện, không ai hiểu điều đó hơn Viện Viện cả, cho nên Viện Viện không nói nặng lời với mẹ, con kích động nói những lời như vậy cũng chỉ vì…" Định tiếp tục lại cảm thấy không thích hợp, người đàn ông vội dừng lại.
Mẹ Tống nhìn anh một cái, biết anh muốn nói cái gì.
Tống Nhất Viện không nói bởi vì Tống Nhất Viện yêu bà; còn Vũ Nghị nói bởi vì Vũ Nghị yêu Tống Nhất Viện hơn, anh không có quá nhiều tình cảm với bọn họ.
Mẹ Tống cũng không hy vọng xa vời Vũ Nghị có bao nhiêu chân thành với hai người, tốt nhất tất cả sự chân thành của anh dành cho Tống Nhất Viện là được. Người đàn ông này cũng ngốc, mỗi câu anh nói trước đó đã đánh mất thân phận, cũng mất đi phong độ; lời nói cay nghiệt và quá phận. Nếu Tống Nhất Viện biết, chưa chắc cô đã vui vẻ.
Anh cục cằn lỗ mãng như đứa trẻ đang tuổi dậy thì, mạo hiểm việc có nguy cơ nảy sinh khoảng cách với Tống Nhất Viện mà liều lĩnh nói ra tất cả.
Cực kỳ non nớt ngây thơ nhưng lại vô cùng dũng cảm vĩ đại.
Vũ Nghị khiến bà tức giận nhưng lại khiến bà yên tâm.
Những lời của Vũ Nghị quả thật rất khó nghe nhưng sự thật lại đúng như vậy.
Bà ích kỷ, mong muốn kiểm soát quá mạnh, cảm xúc còn có phần mất kiểm soát, trình độ văn hóa không cao, khá tự phụ và còn hơi tự ti. Bà lớn lên trong hoàn cảnh bị đay nghiến nặng nề, dù trong lòng cảm thấy hết sức tự hào vì Tống Nhất Viện nhưng ngoài miệng vẫn không có ý định cất lời cổ vũ.
Làm sao để nói lời nhẹ nhàng với người khác?
Bà chưa từng được nghe mẹ mình khen một câu rằng "Con giỏi lắm", vậy nên bà cũng không nói.
Người gánh vác cả gia đình là bà, bà là sống lưng, không được yếu đuối.
Những điều đó trong lúc vô hình đã trở thành tư tưởng dạy con chủ yếu của bà.
Bà hết lòng hết dạ yêu Tống Nhất Viện, tất cả tâm huyết đều dành cho Tống Nhất Viện, vậy nên khao khát con gái yêu bà, bà đã sai rồi sao?
Bà biết mình sai rồi, cũng biết vì sao trả giá nhiều như vậy mà nhận lại chỉ có ít như thế, nhưng bà đã sống hơn năm mươi năm, bảo bà thản nhiên thừa nhận sai lầm của mình trước mặt người ngoài đương nhiên là không thể nào.
Mẹ Tống nói: "Nó theo đuổi những thứ không thực tế, mẹ cũng chẳng muốn mở mồm. Mẹ già rồi, không quản được nữa, nó tự chọn con đường mình đi, không làm được thì đừng về khóc nhè với mẹ."
Ánh mắt Vũ Nghị tỏa sáng, "Cảm ơn mẹ."
Mẹ Tống khẽ hừ một tiếng.
Bố Tống im lặng hồi lâu mới lên tiếng, "Sau này Viện Viện trông cậy vào con rồi."
"Vâng, con sẽ đối xử tốt với cô ấy."
Bố Tống không nói gì nữa.
Mẹ Tống đóng gói canh cho Tống Nhất Viện, còn bỏ thêm một hộp nho hái trong vườn nhà mình, bà đưa cho Vũ Nghị rồi nói: "Đến giờ tan tầm rồi."
Vũ Nghị nhận lấy: "Mẹ vất vả rồi ạ."
Mẹ Tống nhắc: "Đừng nói với con bé là mẹ làm."
Tuy Vũ Nghị không nói gì nhưng buổi tối lúc ăn cơm Tống Nhất Viện vẫn nếm được; sau khi ăn xong bưng hoa quả lên, vừa nhìn cô đã biết là nho của mẹ mình trồng.
Sau cuộc cãi vã không vui vẻ gì, Tống Nhất Viện không ngờ mẹ mình sẽ nấu canh rồi mang hoa quả cho cô nhanh như vậy, cứ như thể bà đang cầu hòa trong yên lặng.
Với một người ngang ngược như mẹ Tống thì đây thật sự là một sự thay đổi rất lớn.
Tống Nhất Viện rất vui nên cô ăn thêm một chùm nho.
Tống Nhất Viện không nghĩ mấy thứ đó do Vũ Nghị mang về, dĩ nhiên cho rằng nó được mẹ Tống nhờ người gửi trực tiếp đến nhà, vậy nên cô cũng không hỏi nhiều.
Vũ Nghị hơi thấp thỏm, thấy Tống Nhất Viện không nghi ngờ gì thì có phần yên lòng hơn.
Vài ngày sau, từ chỗ Mạnh Ny, Tống Nhất Viện biết chuyện Uông Bác Nho chủ động từ chức viện trưởng học viện Văn học của đại học Y, đã được bộ giáo dục điều đến một trường khác. Viện trưởng mới bây giờ là chủ nhiệm khoa văn học Trung Quốc Đổng Triêu Kiền.
Bữa tối Tống Nhất Viện nói chuyện này với Vũ Nghị, Vũ Nghị quan sát cô. Bây giờ anh đã có thể cảm nhận được ý nghĩa trong lời nói của Tống Nhất Viện.
Tống Nhất Viện húp một ngụm canh, cô nói: “Chúng ta đã lâu không viết thư rồi đúng không anh?”
Từ đầu đã hẹn một tuần viết một lần nhưng cô và Vũ Nghị càng ngày càng nói chuyện nhiều hơn, tình huống ngượng ngùng ít đi, vậy nên cũng không cần viết thư nhiều nữa, cứ thuận theo tự nhiên lúc nào muốn viết thì viết, không thì thôi.
Bức thư thứ sáu của Tống Nhất Viện:
Vũ Nghị:
Thật ra bây giờ ngẫm lại, lúc trước sai sót của em trong luận văn tốt nghiệp có thật sự nghiêm trọng đến vậy không? Giảng viên bảo vệ luận văn thật sự không nghe thấy lời giải thích của em sao? Có giáo viên nào muốn chèn ép luận văn của một sinh viên nhỏ bé còn chưa tốt nghiệp khi đang ngồi trên ghế nhà trường chứ? Mặc dù Dương Hâm kích động đi tìm Uông Bác Nho nhưng cô ấy vẫn chưa gây ra sai lầm lớn, không có bất cứ người lãnh đạo nào mong muốn làm to chuyện. Mà lúc đó, các thầy cô giáo bị Dương Hâm chọc giận nên nói không lựa lời, sau khi bình tĩnh lại, thật sự sẽ vì cảm xúc nhất thời mà phá hủy tương lai của một đứa trẻ ư?
Mấy vấn đề này, sau khi ra xã hội hai ba năm, em đã có đáp án.
Tất cả đều là phủ định.
Đây mới là sự thật. Mặc dù đại học Y coi trọng nghiên cứu học thuật và khí thế người có học như thế nhưng không thể thoát khỏi quy luật phát triển của trường học và danh tiếng thực tế, cũng không thể tránh khỏi tranh đấu gay gắt giữa các cấp.
Tính tình của thầy thẳng thắn, lúc còn trẻ tranh luận theo lý lẽ, cũng không thích xử lý quan hệ với đồng nghiệp, ngoại trừ năng lực nghiên cứu mạnh, có lẽ không còn ưu điểm khác.
Uông Bác Nho hoàn toàn ngược lại, năng lực nghiên cứu bình thường nhưng biết cách đối nhân xử thế, biết nói lời hay ý đẹp.
Hai người ghét nhau, thầy ghét Uông Bác Nho suốt ngày đeo mặt nạ, quan sát chỗ này cười nói với chỗ kia, không tập trung cho học thuật. Uông Bác Nho ghét thầy cả ngày chỉ biết đọc sách rồi đọc sách, viết luận văn này đến luận văn khác như một học trò cổ hủ thời cổ đại, không biết đối nhân xử thế, còn thường khiến ông ta không thể tỏa sáng. Vậy nên hai người đều cố gắng tránh tiếp xúc hết sức có thể, thật sự phải tiếp xúc thì nếu không cần thiết, tuyệt đối sẽ không trao đổi.
Vậy nên có lẽ Uông Bác Nho cũng có thái độ thù địch với em. Khi ông ta biết em là học trò mà thầy tâm đắc nhất thì rất ngứa mắt.
Trong trường học cũng phân chia thế lực. Có một số người chân thành bội phục thầy, khi bỏ phiếu chọn viện trưởng, hơn phân nửa số người ủng hộ thầy đến cùng.
Hy sinh một sinh viên tốt nghiệp để xử lý đối thủ cạnh tranh mà mình không ưa thật sự rất có lời.
Thế là ông ta cắn chết không tha, vì thế em điên rồi, Dương Hâm qua đời, Trân Châu rời đi, ông ta cũng thành công lên làm viện trưởng.
Chuyện này luôn canh cánh trong lòng thầy, đến chết không buông. Thầy luôn cảm thấy vì mình nên mới có kết quả không thể cứu vãn.
Thầy ngốc mà em cũng ngốc.
Uổng công thầy thích Bắc Đảo (1) như vậy.
(1) Bắc Đảo sinh năm 1949 tại Bắc Kinh, là nhà thơ đương đại nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là một trong những cây bút tiên phong của trào lưu Thơ Mông lung, ra đời từ khoảng thập niên 1970, với tiếng nói và cách diễn đạt khác hẳn với thi ca truyền thống. Tác phẩm của ông đã được dịch ra 25 thứ tiếng trên thế giới. Bắc Đảo là viện sĩ danh dự của Viện Văn học Nghệ thuật Hoa Kỳ, đồng thời cũng từng được đề cử giải Nobel Văn học.
“Ty tiện là giấy thông hành của kẻ ty tiện,
Cao thượng là bia mộ chí của người cao thượng." (2)
(2) Trích hai câu đầu của bài thơ Hồi đáp được Bắc Đảo viết vào năm 1975. Bản dịch trên từ Ngô Trần Trung Nghĩa, nguồn Văn hóa Trung Hoa: Văn học NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2018.
Chuyện có liên quan đến Uông Bác Nho, từ trước đến nay em chưa từng nói với bất cứ ai, vì em vừa không muốn làm người hy sinh trong mắt người xa lạ vừa không muốn coi ông ta như một người quá quan trọng.
Em coi thường ông ta.
Bức thư thứ sáu của Vũ Nghị:
Lúc anh học lớp 7, khi sắp được nghỉ hè, trên đường anh gặp được một cô bé có mái tóc ngắn ngang vai trông rất mềm mại, được buộc thành một cái đuôi ngựa gọn gàng, trên trán có vài sợi tóc tơ lưa thưa, cô ấy đang mua đồ uống ở một cửa hàng nước giải khát.
Câu chuyện bắt đầu thật ra cũng không xảy ra điều gì quá đặc biệt.
Nghiêm khắc mà nói, có lẽ thời điểm đó anh đã gặp sắc nảy lòng tham, đơn giản bị vẻ ngoài của em mê hoặc.
Thích em yên lặng đứng chờ ở đó, vẻ mặt bình tĩnh, ánh mắt như đang suy nghĩ đến điều gì đấy; cũng thích em ngọt ngào nói với nhân viên cửa hàng câu "Cảm ơn". Trong đôi mắt em như có ánh sáng, nụ cười em tươi rói rạng rỡ.
Sao có thể có người dịu dàng và rạng rỡ như vậy, chiếu sáng vẻ mặt ảm đạm của mọi người bên cạnh.
Anh tin vào chuyện yêu từ cái nhìn đầu tiên, bởi vì nó dựa vào điều mà bản thân mong muốn nhưng không có được theo bản năng.
Em là "huyền thoại" của anh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.