Sao Thầy Không Mãi Teen Teen?

Chương 17: Chương 17




Edit: Thịnh Ái Tư Tư
Sau hai tiết học, tôi đang chơi ở hành lang thì bỗng có một thầy giám thị tới thì thầm:
-Phạm Ngọc Lưu Ly, sau giờ học, thầy Hiệu trưởng muốn nói chuyện với em. Nhớ lên văn phòng nhé, Thầy chờ.
Ái chà, Ly Cún hơi lạnh buốt sống lưng. Cổ rụt lại. Chuyện gì nữa đây?
Thầy Hiệu trưởng cấp III An Hòa của tôi có bề ngoài rất mẫu mực: Cao, gầy, tóc bạc và đeo kính trắng. Tính Thầy cũng rất nhỏ nhẹ, hiền lành, dễ thương. Thứ hai hàng tuần, khi có điều gì phải phát biểu với cả ngàn học sinh, Thầy chỉ hay dùng các từ như “mong các em”, “tha thiết dặn các em, “hi vọng các em”, chứ không khi nào ra lệnh.
Hồi mới vô, tôi rất ấn tượng khi được dự một buổi học cuối năm. Thầy vừa đánh trống vừa đọc những lời chia tay với các học sinh lớp 12 sắp ra trường. Những lời Thầy nói hay và cảm động tới mức Ly Cún nước mắt đầm đìa. Yêu Thầy quá.
Nhưng đến lần thứ hai dự buổi lễ kiểu ấy, tôi thất vọng khi nghe bài diễn văn không hề thay đổi. Hóa ra, năm nào Thầy cũng đọc giống hệt nhau, và đánh trống giống hệt nhau. Ly Cún không khóc nữa, mà chỉ thấy buồn buồn.
Tôi nói vấn đề phải lên chỗ Hiệu trưởng cho Mai. Chỉ mình Mai. Nó lè lưỡi. Lưỡi nó vốn giống nó, tròn và ngắn, nhưng hôm nay chả hiểu sao bỗng dài ra cả tấc:
-Tiêu rồi.
Ly Cún thều thào:
-Sao mày biết?
Mai nhún vai bé bỏng:
-Tao chưa thấy học sinh nào từ trong phòng Hiệu trưởng ra mà hai tay bưng quà cáp cả.
Các bạn thấy chưa? Mai đánh giá hạnh phúc nhiều hoặc ít qua quà. Chả trách gì clip “Anh không đòi quà” được lan đến chóng mặt khi nữ sinh nào cũng như Mai.
Dù sao, cũng phải đi thôi. Dân gian có câu “dám chơi, dám chịu”. Ki Ki có câu “dám bơi, dám chịu”.
Khi tôi bước vào, Thầy Hiệu trưởng đang ngồi bên bàn chờ sẵn. Cái bàn rất to, trên để nhiều thứ mà quá nửa tôi không hiểu là gì. Đằng sau Thầy treo rất nhiều cờ, bằng khen. Ly Cún liếc nhanh, thấy ngoài giải nhất trong kết quả thi tốt quả tốt nghiệp còn có giải nhất trong cuộc thi nhảy bao bố toàn thành.
Thầy Hiệu trưởng nhỏ nhẹ cất tiếng, hình như Thầy còn ngại nói hơn tôi:
-Lưu Ly à, Thầy mời em lên đây một cách kín đáo vì không muốn các bạn xôn xao, như thế có khả năng thành tai hại.
Tôi im lặng, hơi gật nhẹ đầu, ra vẻ hiểu. Thật ra tôi chả hiểu ý Thầy nói tai hại cho ai. Nếu như toàn thể học sinh và giáo viên suốt ngày ở bể bơi, có thể tai hại cho thi cử?
Thầy giáo đứng lên, đi quanh bàn, húng hắng ho, nói từng chữ một:
-Hôm nay trường xôn xao vì những hình em và thầy dạy Sử mặc đồ tắm.
Ly Cún định há mồm, Thầy giơ tay chặn lại:
-Tôi biết bản thân áo tắm không xấu. Quần tắm cũng không xấu. Xà bông tắm càng không xấu. Nói tóm lại chả có gì thuộc về tắm mà xấu cả. Theo khoa học, chúng ta nên tắm thường xuyên.
Điều kinh ngạc là khi nói những câu ấy, Thầy không hề cười. Rõ ràng, Thầy coi tắm nghiêm túc thật.
-Phạm Ngọc Lưu Ly, em có quyền tắm, có quyền bơi. Như các nữ sinh khác. Thậm chí, hơn cũng không sao. Trường này chưa từng kỉ luật ai, nhắc nhở ai vì tắm nhiều, bơi nhiều cả.
A, đsng rồi. Học trò thường bị bêu tên do quay cóp bài, do đánh nhau, do nói nhiều, do nhiều điểm kém, chứ chưa khi nào do không xát xà bông.
Dừng lại
Các bạn nam sinh thân mến. Nếu như có đọc cuốn sách này, đến chỗ này, mong các bạn nhìn chung quanh phòng mình một lát.
Chắc chắn sẽ có vớ, có giày đá banh, có nón lưỡi trai, có hình tài tử Hàn Quốc, có quần áo vắt trên lưng ghế và có dép quăng dưới gầm giường.
Vài bạn, kinh khủng hơn, còn có mẩu thuốc lá hoặc vỏ chai bia.
Nhưng rất ít khi có cục xà bông. Nó nói rõ hơn, hầu hết các bạn đều lười tắm.
Lười tắm thì kệ. Nhưng đã lười tắm thì đừng xem trên màn ảnh những cảnh nam sinh đạp xe, đằng trước có giỏ hoa phượng, đằng sau có cô bạn gái mặc áo dài trắng nép vào lưng, với bài hát êm dịu vang lên:
“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng.
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”
Đơn giản do lúc ấy lưng áo các bạn không có xà bông, hôi rình!
Tiếp tục
Thầy Hiệu trưởng vẫn rất thận trọng:
-Nhưng Ly ạ, nữ sinh tắm với giáo viên thì khác, đặc biệt giáo viên nam.
-Thưa thầy Hiệu trưởng, em không tắm, em bơi.
Về vẻ ngoài, Ly Cún biết tắm và bơi rất giống nhau. Nhưng về bản chất bên trong, Ly Cún hiểu hai thứ đó khác một trời một vực.
Bạn học sinh nào không tin cứ mở tivi. Sẽ thầy cả nước ta đang tự hào về Phạm Quý Phước hay Ánh Viên, hai ngôi sao bơi lội Việt Nam. Nhưng chả ai tự hào về những ngôi sao đang tắm, bất kể tắm nhanh hay tắm chậm, bất kể tắm cá nhân hay tắm đồng đội.
Từ đấy suy ra đi bơi với ai cao quý hơn tắm với ai có khi tới cả triệu lần.
-Ừ, bơi. Thầy đồng ý. Nhưng Thầy mời em lên vì muốn hỏi một câu này, rất riêng, rất chân thành, rất thoải mái.
Tôi im lặng. Bạn học sinh lớp 11, bạn được gọi lên phòng thầy Hiệu trưởng, nơi bạn cả đời chưa có dịp nào. Bạn thoải mái không? Tùy đấy.
-Buổi sáng tắm đó, à, xin lỗi, buổi sáng bơi đó thầy dạy Sử đề nghị em đi như thế nào?
Ly Cún ngơ ngác:
-Dạ thưa, đấy là do em đề nghị.
Thầy Hiệu trưởng ngơ ngác hơn:
-Em đề nghị?
-Vâng ạ.
Sao nhỉ? Học trò đề nghị Thầy dạy thêm được, đề nghị Thầy cho hỏi lại bài được. Sao đề nghị bơi không được?
Thầy Hiệu trưởng có vẻ chưa tin:
-Hoàn toàn do em muốn
-Dạ vâng. Em tự chọn bể bơi và chọn cả áo bơi. Hoàn toàn do em.
Thầy Hiệu trưởng bỗng mở ngăn kéo, lấy vài tắm hình ra. Ơ kìa, nó được phóng to trên giấy. Nó còn đẹp hơn khi ở điện thoại.
-Vậy những lúc làm các động tác này em cũng tự chọn à? Phạm Ngọc Lưu Ly.
Khi thầy cô gọi trang trọng cả họ và tên mình, thường khi ấy có chuyện to.
Đấy là các tấm hình lúc trai đẹp bị ngạt nước, tôi ôm và kéo lên bờ. Nom tình cảm vô cùng. Nhất là những tấm Thầy còn đang nhắm mắt. Chàng trai nhắm mắt, cô gái áp tai vào ngực. Rõ ràng chưa? Cãi nữa hay thôi!
Tôi hỏi luôn:
-Thưa Thầy, Thầy có biết bơi không ạ?
-Chưa. Sao em hỏi thế?
-Nếu đi bơi, sẽ có lúc gặp người ngạt nước. Khi ngạt nước cần được cấp cứu bằng cách hô hấp nhận tạo, áp vào ngực nghe tim.
Thầy Hiệu trưởng có vẻ sửng sốt, im lặng hồi lâu không biết hỏi gì. May mà thầy không hỏi tim ai. Bởi lúc đo tim Ly Cún cũng gần như ngừng đập.
-Vậy thầy dạy Sử không biết bơi, suýt chết đuối à? Tại sao thế nhỉ? - Thầy Hiệu trưởng như tự hỏi mình.
-Dạ, chắc tại trường ta chưa có bể.
Tôi nói điều này là đúng tim. Theo tôi biết, trường cấp ba nào đáng ra cũng phải học bơi, nhưng môn đó chúng tôi được miễn vì không có nước, không có bể, mặc dù vẫn có xà bông.
-Thôi, Thầy không hỏi thêm gì nữa. Cám ơn em.
Tôi đứng dậy ra về. Tôi đi tung tăng trên vỉa hè, mạnh mẽ tới mức thấy một cái vỏ lon nước trên đường bèn co chân đá nó bay lên. Ơ, nhỡ có ngày thầy giáo rủ mình đá banh thì sao nhỉ? Con trai nào chả khoái đá banh. Mặc áo tắm hai mảnh được thì mặc quần đùi chắc chắn phải được rồi.
Tôi chợt đứng sững lại. Kìa, thầy dạy Sử? Phóng xe trên vỉa hè. Đã thế còn phóng tới ào một cái.
-Ki Ki làm gì đó? Có ăn kem không?
Ôi, đừng nói ăn kem. Ăn sâu róm luộc Ly cún cũng sẵn sàng ăn với Thầy.
Các bạn nữ sinh có đồng ý không nào? Khi chúng mình ăn với nhau thì thức ăn quan trọng. Khi chúng ta ăn với trai thì trai quan trọng hơn nhiều.
-Dạ vâng. Kem ở đâu ạ?
-Ở Hồ Con Rùa. Lên đây Thầy chở.
-Nhưng em không đội mũ bảo hiểm.
-Đừng lo.
Thầy giáo mở cốp chiếc xe SH, lấy ra một cái mũ bóng loáng, xinh xinh. Ly Cún đội lên nom như vương miện.
Này, Thầy đi SH đấy.
Khi thì thầm về trai, bọn chúng tôi có nhiều khi chả bàn về mặt mũi, mà bàn về xe cộ. Đến mức có thể bảo:
-Tao vừa thấy Nga đi với anh Su xì po.
-Hình như bé Hằng đang thích chàng đi Air Blade.
-Ơ, Tuyết bỏ anh chạy Cub cánh én rồi. Đang ngồi sau lưng anh Vespa thì phải.
Đại khái như thế. Nhiều lúc xe còn dễ nhớ hơn mặt.
Do đó, tất nhiên SH là vua. Xấu trai đi SH đã ghê, đẹp trai đi SH còn chi nói nữa.
Ly Cún truyên bố vậy chả phải tham lam. Từ cổ chí kim, chưa thấy xe nào viết thư cho mình, mua xí muội hoặc xôi cho mình, đứng run rẩy bẽn lẽn chờ mình dưới gốc cây me già. Ly Cún kể Thầy đi xe SH vì thầy đi xe SH, vậy thôi. Bạn nào muốn nghĩ sao cũng được.
Tôi lên xe. Ngồi một bên. Tất nhiên. Mới làm quen, luôn luôn nhớ ngồi một bên.
Còn tay để vào đâu? A ha, để thấp “người ta” coi thường, để cao thì kì quá, và có thể bị té bất thình lình.
Ki Ki không để tay đâu hết, Ki Ki túm áo.
Có một sự khác nhau vô cùng to lớn giữa túm áo và ôm eo. Túm áo là bạn bè. Ôm em là bồ bịch.
Ly Cún tự nghĩ mình với Thầy hơn cả bạn bè, nhưng chắc chắn chưa là bồ bịch. Do đó túm áo là vừa, nhưng túm hơi chật một chút. Chỉ hai người cảm nhận được, kẻ tầm thường nhìn vào chả hiểu tới đâu.
Xe phóng đi rất êm. Không êm mua SH làm gì, mua xe 3 bánh cho xong. Gió thổi nhè nhè, chim hót véo von, nắng vàng lung linh nhảy múa.
Đời vui.
Gái đẹp được trai đẹp chở đi ăn kem, tiệm kem lại nằm trên phố đẹp, không vui chắc bệnh nặng rồi.
Tôi và Thầy bước vào một quán tuyệt diệu, nằm ở giữa trung tâm. Một ly kem chỗ này, hình như giá tiền bằng một thau kem chỗ khác.
-Em ăn gì, Ki Ki?
-Dạ, kem bạc hà.
-Ngon đấy. Thầy ăn kem dâu.
Biết ngay mà. Đã teen rồi lại còn teen dâu. Chịu nổi không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.