Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 39: Chương 39




Hai người ngồi trong phòng khách uống trà, ngoài phòng bắt đầu nghe tí tách hạt mưa. Chốc lát sau, trận mưa rào đổ ào xuống, mưa lộp độp rơi trên tàu lá chuối.
Vương Trăn lẳng lặng thưởng trà, chàng vẫn mặc quan phục đỏ thuần, hiển nhiên là vừa về phủ đã gặp ngay Đường Thận. Đường Thận lén quan sát sư huynh. Cậu biết sư huynh nhà mình hơi…lập dị, tính tình cũng khó nắm bắt, hành vi cử chỉ càng khó dự liệu, nhưng đến giờ xem ra anh ta không có ác ý với mình.
Đường Thận thầm thở dài: Vương Tử Phong thỉnh thoảng cứ nghĩ một đằng nói một nẻo, cậu cố gắng chịu đựng là được.
Đường Thận đang tự làm công tác tư tưởng, chợt Vương Trăn hỏi: “Trường đệ nhị lần này, đệ chọn năm đề Chu Dịch đúng không?”
Đường Thận ngẩn người, ngồi thẳng lên đáp: “Vâng. Tử Phong sư huynh đã dặn rằng Dương Đại học sĩ thích Chu Dịch, nên đệ tận dụng cơ hội luôn.”
“Viết khá đấy.”
Đường Thận tò mò ghê gớm: Thế quái nào anh ta biết mình viết khá?
Nhưng đầu óc cậu phản ứng khá nhanh. Dương Đại học sĩ với Vương Trăn đều là quan trong triều, chuyện mình là sư đệ Vương Trăn chẳng phải bí mật ở Quốc Tử Giám, có thể Dương Đại học sĩ cũng biết. Nếu thế, việc ông ta nói riêng cho Vương Trăn biết về bài văn của mình cũng không phải là không thể.
Nghĩ thế xong, Đường Thận cầm chén trà lên định làm một hớp, chợt cậu trố mắt nhìn Vương Trăn rút từ ống tay áo ra một tệp giấy Tuyên Thành. Trên chồng giấy đó còn lờ mờ vết hồ dán, lại nhìn theo tay Vương Trăn lật bài, rành rành nét chữ Quán các không thể quen hơn của chính mình chứ ai!
Đường Thận ngớ người ra, ngó trân trân, tay bưng chén trà khựng lại giữa chừng, chẳng biết phải uống tiếp hay đặt xuống đây.
Đệt!
Vương Tử Phong dám lạm quyền đến mức này luôn!
Ngay cả bài thi Hương của cậu cũng lén lấy về!!!
Giờ mà là thời hiện đại thì có khác nào lấy bài thi đại học về xem đâu?
Dường như Vương Trăn nghe được tiếng lòng của Đường Thận, chàng ngẩng đầu, bắt gặp vẻ mặt khiếp hãi của đàn em, liền vờ như ngạc nhiên hỏi: “Ủa, tiểu sư đệ không biết, quyển thi Hương được thoải mái lấy về à?”
“Dạ?”
“Để phòng trường hợp giám khảo bất công, chấm bài sai sót, sau khi yết bảng thí sinh nào cũng có quyền lấy bài của mình về để xem. Bài thi đồng sinh thì lưu trữ ở huyện nha trong một năm; thi Hương, thi Hội thì giữ bài trong ba năm. Tiểu sư đệ không biết thật à?”
Đường Thận: “…”
Cậu nào biết những chuyện này!
Nếu thí sinh có thể tự do lấy bài về, vậy Vương Trăn lấy được bài của cậu cũng không phải việc gì ghê gớm.
Vương Trăn cười nói: “Ngồi dịch sang đây mà xem này.”
Đường Thận do dự một thoáng rồi mới đến ngồi cạnh Vương Trăn.
Trong phòng khách có một chiếc giường La Hán bằng gỗ tử đàn, chạm khắc rất đẹp. Chỉ cần dịch bàn trà nhỏ giữa giường sang một bên thì đủ chỗ cho hai người ngồi cạnh nhau.
Thi Hương kéo dài ròng rã chín ngày, Đường Thận lúc đi thi phải làm bài ba ngày không được tắm, nghỉ ngơi cũng bất tiện. Để vượt qua kì thi cậu đã dốc cạn sức rồi. Bởi thế, được đọc lại bài mình viết là việc rất có ích, vừa giúp ôn tập, vừa để biết đường chữa lỗi, bổ sung những chỗ còn yếu kém.
Đường Thận đọc lại hai bài chế nghệ ở vòng thi đầu, phát hiện có một số chỗ nếu thay đổi cách diễn đạt sẽ thể hiện ý đồ rõ ràng hơn và gây ấn tượng sâu hơn với người đọc. Cậu thấy quan chấm bài dán lời phê vào bài là “Mở đoạn đặc sắc, phát triển ý tự nhiên, chuyển ý đa dạng, bài làm có chiều sâu.”
Chấm bài thi Hương, thi Hội rất vất vả cho các quan. Mỗi bài văn dù hay dù dở, các quan cũng phải dán lời phê vào. Lời phê được chuẩn bị sẵn theo số lượng lớn, trừ trường hợp bài viết quá xuất sắc khiến các quan chấm thi nhiệt liệt tán thưởng, tự mình viết lời bình, còn không lời bình đều được đính lên bài thi sau khi chấm xong.
Quyển thi trường đệ nhất của Đường Thận chỉ được dán lời phê đại trà.
Riêng năm bài Chu Dịch trường đệ nhị thì nhận được lời bình của một người viết thể chữ Hành kiểu Vương Phái rất là đẹp. 
Vương Trăn: “Nghe nói Dương Đại học sĩ đích thân phê đấy.”
Dương Đại học sĩ viết: 
『Văn hay ở chỗ đúc kết được những điều ngàn năm vẫn có giá trị, khí phách cứng cỏi, dồi dào, nói lên được những điều người khác không thể nói』
Đường Thận gật đầu.
Dương Đại học sĩ quả nhiên là si mê Chu Dịch.
Sư huynh đệ hai người thảo luận bài thi Hương của Đường Thận trong phòng khách suốt. Vương Trăn chỉ điểm từng chỗ một, Đường Thận nghe tới đâu gật đầu tới đó. Đến khi trăng lên, Vương Trăn gọi quản gia: “Có cơm tối chưa?”
Quản gia đáp: “Bẩm, đã xong xuôi rồi ạ.”
Vương Trăn quay ra bảo Đường Thận: “Thế ở lại dùng cơm nhé.”
“…Vâng.”
Ăn cơm xong, Đường Thận cáo biệt Vương Trăn ra về. Vương Trăn đã thay trường bào màu chàm bằng tơ lụa. Màu này thường con gái hay mặc, nhưng khoác lên người Vương Tử Phong lại càng tôn lên vẻ tuấn tú của chàng, trông thanh nhã hơn người mà chẳng hề nữ tính chút nào. Trước khi Đường Thận về, Vương Trăn lại sai thư đồng đưa cậu một quyển chữ mẫu.
Vương Trăn: “Đến lúc thi Hội thì chữ viết không quan trọng nữa, bởi mỗi bài thi đều được sao chép lại để tránh kẻ gian làm rối kỉ cương.”
Việc này Đường Thận biết, đến lúc thi Hội ngoài việc dán tên, triều đình còn sắp xếp các tú tài viết chữ đẹp chép lại quyển thi của thí sinh. Các quan sau đó sẽ chấm bản sao chứ không phải bản gốc bài làm. Cất công đến thế âu cũng để phòng ngừa nạn gian lận.
Vương Trăn: “Mặc dầu vậy, chữ đẹp vẫn cực kì quan trọng.”
Đường Thận thấy hơi căng thẳng, cho là Vương Trăn lại muốn giúp mình đi cửa sau. Cậu do dự, dè dặt hỏi: “Ý của sư huynh là…”
“Bởi vì huynh thích thế.”
“….”
Vương Trăn lấy quạt che môi, cười nói: “Trêu đệ thôi. Đợi đến lúc thi Đình, nếu đệ lọt vào đệ nhất giáp, được Thánh thượng đích thân xem bài, lúc ấy tự khắc biết vì sao có lợi.”
Đường Thận ôm một bụng nghi ngờ mà không dám hỏi về nhà. Đến lúc mở bảng chữ ra cậu mới phát hiện, té ra là chữ mẫu Vương Trăn tự tay viết. Cậu suy tư một lát rồi hiểu ngay: Vương Trăn muốn cậu đổi thể chữ!
Người khôn nghĩ ngàn việc, ắt có một việc sai.
Lúc trước Vương Trăn cho Đường Thận tập viết Bảng chữ Pháp Môn của Chung Thái Sinh bởi lẽ Chung Nguy từng là Nho sĩ hàng đầu trong Tứ Nho thiên hạ, chữ Khải của ông rắn rỏi, khỏe khoắn, được công nhận là không ai bì kịp. Lối viết của ông luyện rất nhanh, chữ lại dễ đẹp, thế nên vô số sĩ tử học theo chữ của Chung Nguy. Nhưng đến khi thi Đình, kể cả khi tất cả các thí sinh đều viết thể chữ của Chung Thái Sinh, Vương Trăn cũng không để Đường Thận viết giống vậy.
Vì mình, sư huynh bố trí không thiếu thứ gì cả.
Đường Thận nhìn cuốn chữ mẫu, cảm xúc chộn rộn khó lí giải nổi.
Vương Tử Phong chỉ là sư huynh, nhưng chàng đối xử hết lòng với cậu chẳng khác nào tình nghĩa thầy trò.
Thi Hội là chuyện đầu năm sau thì Đường Thận phải ôn luyện ngay từ bây giờ. Thịnh Kinh cũng bắt đầu xuất hiện nhiều Cử nhân hơn. Các tài tử mặc khách từ bốn phương đều tề tựu ở Thịnh Kinh, sẵn sàng cho kì thi Hội.
Đường Thận đi học ở Quốc Tử Giám, dù có không chủ động nghe ngóng thì vẫn nắm bắt được tin tức mỗi lần bè bạn bàn tán xôn xao.
“Các cậu đã nghe tin, Giải Nguyên trường thi Giang Nam hôm qua vừa đến Thịnh Kinh, thuê trọ ở khu Tây chưa?”
“Phải Vương Tiêu phủ Kim Lăng không? Nghe đồn có họ hàng xa với họ Vương ở Lang Gia đấy.”
“Chính y! Đáng lẽ hai năm trước y đã thi Hội rồi, nhưng hồi ấy y bảo không chắc sẽ đỗ Trang Nguyên nên chờ dịp khác. Giờ y tới Thịnh Kinh tức là nhắm đỗ Trạng đấy.”
“Thế thì sao, Quốc Tử Giám mình có Lưu Phóng, Mai Thắng Trạch, nào phải hạng đầu đường xó chợ?”
Mai Thắng Trạch khiêm tốn chắp tay: “Các bạn học quá khen, còn có Cảnh Tắc mới đỗ Á Nguyên này, tài học xuất chúng kém ai đâu.”
Một câu thôi mà đẩy ngay Đường Thận lên đầu sóng ngọn gió. Tuy biết anh bạn tốt khen mình, nhưng Đường Thận vẫn lườm anh ta một cái, trách anh ta lôi mình xuống nước. Song Đường Thận không thể hiện ra mặt, chỉ bình tĩnh, khiêm tốn chắp tay: “Đường Thận không dám mơ danh hiệu Trạng Nguyên, phải thi đã rồi mới dám bàn luận!”
Mười sáu tuổi đỗ Trạng Nguyên ư?
Thế thì rùm beng khác nào “Trạng Nguyên vô song Vương Tử Phong” chứ?
Chẳng những Đường Thận không muốn chuyện này xảy ra, ở Quốc Tử Giám cũng chẳng ai mong cho cậu đỗ Trạng.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc đã vào đông.
Hôm đó Đường Thận đang ngồi trong nhà luyện chữ, đọc sách. Mới có trận tuyết lớn, Quốc Tử Giám cho nghỉ ba ngày, Đường Thận bèn ở nhà tự học. Cậu vừa nhấp miếng trà thì ngoài phòng có tiếng gõ cửa.
“Mời vào.”
Cửa gỗ mở ken két, quản lí Lục vỗ người cho rơi hết tuyết rồi đi vào nhà.
“Ầy, tuyết to ghê. Tiểu đông gia à, Thịnh Kinh lạnh phát khiếp, phủ Cô Tô nhà mình chưa bao giờ tuyết lớn thế này đâu!”
Đường Thận cười, chỉ chậu than giữa phòng: “Lại đây sưởi cho ấm người.”
Quản lí Lục mau lẹ tới bên chậu than, ngồi xích lại sưởi: “Dễ chịu quá. Tiểu đông gia, trưa nay tôi vừa tới lầu Thiên Lý.”
Đường Thận buông bút lông, nhìn ông ta với vẻ nghiêm túc: “Kết quả thế nào?”
Quản lí Lục nói: “Có một tin tốt và một tin xấu. Tiểu đông gia muốn nghe cái nào?”
Đường Thận: “Cả hai chứ.”
Đường Thận nói năng thẳng đuột, nhưng quản lí Lục giấu giếm cũng chẳng ích chi. Ông đành nói: “Tin tốt là ngoài lầu Thiên Lý – tửu lâu lớn nhất Thịnh Kinh, ba trăm hai mươi mốt tửu lầu khác không nhà nào kinh doanh bát hà cung cả. Thậm chí, chưa có nhà nào thử bán bát hà cung!”
Đồng nghĩa với việc Thịnh Kinh chính là một thị trường khổng lồ đang chờ khai thác!
Đường Thận mắt sáng rực, hỏi: “Thế tin xấu là gì?”
Quản lí Lục đáp: “Lúc trước mình chỉ nghiên cứu xem làm thế nào mở tửu lầu ở Thịnh Kinh, nhưng nào ngờ sau khi tôi tiếp xúc với quản lí Hình của lầu Thiên Lý xong thì phát hiện, tiểu đông gia đoán xem, ai là người chống lưng cho lầu Thiên Lý nào?” Ông nói xong cũng chẳng chờ Đường Thận phản ứng, ngửa mặt lên trời than: “Dĩ nhiên là Tiêu Dao Vương gia, Lục hoàng thúc Triệu Ngao rồi!”‘

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.