Thâm Cung

Chương 117: Chương 117




Đại điện Lạc Mai cung tuy không lớn lắm nhưng cách trần thiết vô cùng tinh mỹ. Bấy giờ đã là cuối tháng năm, bốn dãy bàn tiệc bày đầy những khay vải tươi đỏ ửng như son cùng mấy món bánh điểm tâm xinh xắn. Gạo nếp thơm mới thu hoạch lúc chớm hè, giờ đã hóa thành những bông sen gạo trắng muốt nổi bật trên nền men lam tươi mát. Nơi cao nhất trong chính điện kê một bàn lớn khảm vàng dành cho hoàng đế. Ta ngồi bên phải hắn như thường lệ, còn ghế bên trái đặc cách riêng cho Tiệp Tuyết vì hôm nay là sinh thần của nàng. Ngồi kế bên ta là Triệu Lam Kiều, còn bên trái Tiệp Tuyết là Minh Du.
Bấy giờ gặp mặt Minh Du ta mới biết, những lời đồn đại về nàng thực cũng chẳng ngoa. Lúc này, Minh Du đã rũ bỏ hẳn dáng vẻ xanh xao yếu ớt khi trước – vẫn tà áo lụa màu thiên thanh quen thuộc, vẫn chuỗi ngọc bích thanh nhã ôm lấy cần cổ trắng ngần, nhưng hôm nay trông nàng lại có chút khác lạ. Gò má nàng phớt hồng như hoa đào lúc đương xuân, đôi mắt miên man tựa sóng thu khiến ta nhìn mà không khỏi ngây người.
Minh Du trông thấy ta tiến vào liền đứng dậy định chào hỏi, nhưng Triệu Lam Kiều đã nhanh nhẹn cướp lời:
– Hiền phi tỷ tỷ đến rồi đấy ư? Đã nhiều ngày tỷ tỷ không rời Cát Tường điện nửa bước, muội muốn đến Cẩm Tước cung bái kiến mà chẳng đặng. Giờ gặp được tỷ tỷ ở đây, muội thật vui mừng quá!
Không ngờ sau khi nhận một chiếc thau vàng từ Minh Du mà Triệu Lam Kiều vẫn còn nhã hứng đến Lạc Mai cung dự tiệc. Chẳng những vậy, nàng ta còn trang điểm hết sức tỉ mỉ, tóc cài trâm phượng tám đuôi bằng vàng ròng khảm ngọc, lại mặc một bộ váy gấm thêu tử đằng hết sức xa hoa. Hai hàng lông mày đen nhánh được tô chuốt cẩn thận thành hai cánh cung sắc sảo, như thể muốn dùng thứ khí thế bức người này dọa chết kẻ khác.
Ta cũng tỏ ra hết sức phấn khởi đáp lại Triệu Lam Kiều:
– Trông muội muội khỏe mạnh thế này, bản cung cũng mừng lắm. Cứ nghĩ đến việc lỡ tay té nước vào muội muội, làm muội ngã bệnh suốt cả tháng ròng là bản cung lại áy náy không thôi.
Lúc này, Tiệp Tuyết đang bận dặn dò đám nhạc công ngồi ở góc điện, nhưng nghe thấy giọng ta liền vội vàng bước ra ngoài tiếp đón. Nàng mặc váy lụa đỏ thêu hình hải đường nở rộ, rực rỡ thanh tân vô cùng. Tuy nàng không trang điểm lộng lẫy như Triệu Lam Kiều nhưng nét vẻ xán lạn đầy sức sống lại khiến người ta dễ sinh hảo cảm.
Tiệp Tuyết cúi chào ta, gương mặt tràn ngập nét cười:
– Bái kiến hiền phi nương nương! Nương nương hạ cố đến đây thực là vinh dự cho thần thiếp!
Trong vụ việc long thai lần trước, ta, dù rằng miễn cưỡng, cũng đã mấy lần đứng ra làm chứng cho tỷ muội nhà nàng. Vì vậy, Tiệp Tuyết đối với ta thân thiện hơn trước rất nhiều.
Ta đưa tay đỡ Tiệp Tuyết, cười nói:
– Hôm nay là sinh thần của muội muội, bản cung sao có thể không đến? Cẩm Tước cung có chút quà mọn, muội đừng chê nhé!
Ta nói dứt lời, Ngọc Nga nhanh nhẹn bưng lên một cặp gậy như ý bằng ngọc Hòa Điền thượng hạng cùng một đôi trâm vàng khảm dạ minh châu. Số châu bảo này đều được ta cẩn thận chọn lựa từ rương quà mà Chu Trường Lăng đưa đến khi trước. Phong Thể Minh cũng góp thêm hai xấp lụa Phong tộc thêu nguyệt quý đỏ cho thêm phần long trọng.
Tiệp Tuyết vốn ưa xa hoa, vừa trông thấy quà đưa đến đã hết sức vui thích. Nàng hết lời cảm tạ ta rồi lập tức sai người tiếp nhận.
Chẳng ngoài dự đoán của ta, Trịnh Vân Anh cáo bệnh không đến. Liễu Yến Yến cũng chẳng thấy tăm hơi. Thêm một khắc trôi qua, khi chúng phi đã yên vị đâu ra đấy thì hoàng đế đến.
Hôm nay hắn chỉ mặc một bộ trường y màu ngà giản dị, ngực áo thêu chìm hình rồng cuộn trong mây. Có lẽ tâm trạng hắn rất tốt nên long nhan ngoài vẻ anh tuấn còn thấp thoáng nét ôn hòa, tuy thần thái vẫn uy nghiêm nhưng lại mang cảm giác gần gũi.
Hắn khoác tay Tiệp Tuyết đi vào đại sảnh, cử chỉ vô cùng thân mật khiến mấy phi tần chức vị thấp ngồi gần cửa điện không khỏi lưu luyến nhìn theo.
Tiệp Tuyết thích nhất là ca vũ, tiệc mừng sinh thần của nàng đương nhiên không thể thiếu mấy tiết mục này. Nghe đám cung nhân rỉ tai nhau, hoàng đế đã cho vời mấy gánh hát danh tiếng nhất kinh thành vào hoàng cung để biểu diễn đêm dạ yến. Không những vậy, hắn còn đích thân lựa ra những ca cơ, vũ cơ, nhạc công tinh hoa nhất để làm vui lòng Tiệp Tuyết. Ân sủng nhường ấy thậm chí có thể so sánh với tâm tư mà Tiên đế từng dành cho thái hậu năm nào, khiến chúng phi đỏ mắt ghen tị.
Bản thân nhân vật chính của chúng ta – Tiệp phi nương nương, đương nhiên là cười đến híp cả hai mắt lại. Xem hết mấy màn biểu diễn, rượu cũng đã qua vài chung, hơi men ngà ngà khiến nàng trở nên bạo dạn hơn. Nàng kéo tay hoàng đế, ngước nhìn hắn đầy cảm kích:
– Hoàng thượng đối với thiếp tốt quá, thiếp không biết phải đền đáp thế nào mới phải…
Hoàng đế mỉm cười ngọt ngào, trìu mến xoa đầu Tiệp Tuyết:
– Trẫm không cần nàng đền đáp. Nàng cứ mãi tươi cười vui vẻ thế này là trẫm thấy đủ rồi.
Đứng trước khung cảnh tình chàng ý thiếp ấy mà Triệu Lam Kiều mặt vẫn không đổi sắc. Nàng ta nâng chung rượu lên môi hớp một ngụm nhỏ, đoạn nặn ra một nụ cười hết sức ôn hòa:
– Muốn đền đáp cũng không phải là không có cách. Nhớ lại trong tiệc mừng đại thọ thái hậu khi trước, Tiệp phi muội muội múa đẹp biết bao nhiêu! Thiếp nhớ hoàng thượng còn trách sao vũ điệu đẹp như vậy mà hoàng thượng lại chưa từng được thưởng ngoạn…
Hoàng đế gật gù, nheo nheo mắt hồi tưởng:
– Đúng là như vậy. Vũ điệu của Tuyết nhi khi đó quả là thiên hạ vô song.
Triệu Lam Kiều vẫn giữ nguyên vẻ hiền đức, tiếp tục thêu hoa trên gấm:
– Chi bằng nhân ngày vui này, Tiệp phi muội muội hãy múa một bài đi, vừa là đền đáp long ân, vừa là để tỷ muội một nhà được mở rộng tầm mắt. Hiền phi nương nương nói có phải không?
Ta đang chuyên tâm ăn uống, chợt nghe Triệu Lam Kiều nhắc đến tên mình thì bất giác nổi da gà. Nàng ta lại đang tính toán cái gì đây? Định lôi kéo Minh Du về phe mình cùng đè bẹp ta, cho nên mới cố tình nâng đỡ Tiệp Tuyết? Hay chỉ đơn giản là khi trước đã chọc giận hoàng đế nên bây giờ muốn tỏ ra hiền đức để lấy lòng hắn?
Không cần biết trong cái đầu xinh đẹp quỷ quái kia đang mưu tính điều gì. Nhưng hôm nay thực sự là ngày vui, nếu là chuyện vui thì ta tất phải tán thành.
Nghĩ vậy, ta liền góp thêm một câu ba phải:
– Đức phi nói không sai!
Tiệp Tuyết lén liếc nhìn Minh Du một cái, thấy nàng khẽ gật đầu ủng hộ, mới mạnh dạn cười đáp ứng:
– Cung kính không bằng tuân mệnh. Vậy xin hoàng thượng cho thần thiếp đi thay y phục.
Được hoàng đế gật đầu chấp thuận, Tiệp Tuyết bèn nhanh chóng cáo lui. Chưa đầy nửa khắc đã thấy nàng quay lại trong bộ váy áo màu phấn hồng. Từ cửa điện tiến vào, bước chân của Tiệp Tuyết nhanh dần, tà váy bằng sa mỏng khẽ rung rinh như gió đêm thoảng qua cánh sen đầu hạ. Đôi hài thêu nhỏ xinh lướt êm ru trên mặt sàn trong tiếng hồ cầm réo rắt.
Tiệp Tuyết bắt đầu tiến gần vào giữa điện, đương lúc ai nấy đều nín thở chờ đợi nàng tung bước Bộ Bộ Liên Hoa đầu tiên thì một vệt nước từ đâu hắt đến, đáp thẳng lên ngực áo nàng.
– Á…
Tiệp Tuyết bị giật mình, chúi hẳn người về phía trước. Nhưng may mắn là nàng tập múa từ nhỏ, khả năng giữ thăng bằng rất tốt nên chỉ hơi lảo đảo một chút là đứng vững lại được ngay.
Tiếng nhạc bỗng im bặt. Trong điện thoáng chốc chẳng còn chút tiếng động nào.
Hoàng đế cũng bị bất ngờ, hắn nhổm dậy như để nhìn cho rõ:
– Có chuyện gì vậy?
Tiệp Tuyết cúi đầu nhìn ngực áo, thẹn đến nỗi hai má đỏ bừng, vội khoanh tay che ngực:
– Thiếp không biết… Đột nhiên có người tạt nước…
Sa mỏng thấm nước rất nhanh đã trở nên trong suốt, lộ rõ cả hình thêu trên yếm đào bên trong.
– Tỷ tỷ không sao chứ?
Liên Nhạc hốt hoảng bước ra, khoác áo choàng của mình lên người Tiệp Tuyết.
Tiệp Tuyết vội vàng kéo áo che kín người, gắng gượng đáp:
– Chỉ bị ướt một chút thôi…
Màn cẩm thượng thiêm hoa của mình đột nhiên bị phá hỏng, Triệu Lam Kiều hết sức tức tối. Nàng ta cao giọng:
– Là kẻ nào phạm thượng dám hắt nước vào Tiệp phi?
Hoàng đế rõ ràng là mất hứng. Hắn chỉ tay về phía dãy bàn bên phải, lạnh nhạt nói:
– Ban nãy trẫm nhìn thấy nước từ hướng này tạt ra.
Chúng ta cùng nhìn theo ngón tay hoàng đế, mọi ánh mắt đồng loạt đổ dồn về phía Tô Nhược và Dương Ngọc Huệ.
Lòng ta chùng xuống, thầm khấn vái đất trời phù hộ: đừng là nàng ta, nàng ta có ngu ngốc cũng không thể ngu ngốc đến mức này, tuyệt đối không thể là nàng ta…
Chỉ tiếc, khi Tô Nhược đứng dậy lò dò tiến đến trước long nhan, ta rốt cuộc cũng nhận ra mình hãy còn đánh giá nàng ta quá cao.
– Hoàng thượng, thần thiếp chỉ lỡ tay, thực sự không cố ý mạo phạm Tiệp phi nương nương.
Ngay đến vị Thiên tử tâm cơ thâm trầm ngồi cạnh ta đây cũng chẳng thể ngờ Tô Nhược lại giở loại thủ đoạn đầu đường xó chợ thế này. Hắn nhất thời nghẹn lời, không nói nổi câu nào.
Trong dạ yến long trọng mừng sinh thần của mình lại bị mất thể diện trước nhiều người như vậy, Tiệp Tuyết đương nhiên là không nhịn nổi. Nàng vừa thẹn vừa giận, xô Tô Nhược một cái:
– Ngươi muốn chết hay sao?!
Tô Nhược chỉ chờ có thế, lập tức ngã nhào xuống đất, tỏ ra sợ sệt vô cùng:
– Nương nương tha mạng!
Không chỉ vậy, nàng ta còn lết về phía hoàng đế, tha thiết van xin:
– Hoàng thượng minh giám, thiếp chỉ bất cẩn mà thôi…
Hoàng đế mệt mỏi tựa vào ghế, đưa tay day trán:
– Được rồi… Được rồi… Bất cẩn thì thôi…
Tiệp Tuyết cắn môi, hai mắt đã hơi đỏ:
– Hoàng thượng, nàng ta rõ ràng là cố ý làm nhục thiếp…
Đây vốn là một buổi tiệc hết sức vui vẻ, chỉ vì Tô Nhược mà hóa thành tình cảnh khó xử này. Mà phàm là những lúc khó xử, đương nhiên sẽ có kẻ châm dầu vào lửa.
***
Dương Ngọc Huệ vốn có hiềm khích với Tô Nhược, sao có thể bỏ qua cơ hội này? Nàng ta giả vờ thương cảm, khẽ than một tiếng:
– Tiệp phi nương nương thật là đáng thương. Rõ ràng là ngày vui của mình, thế mà lại bị…
Lời này quả nhiên khiến Tiệp Tuyết càng thêm tủi thân, nước mắt long lanh thoáng chốc đã rơi xuống.
Sắc mặt hoàng đế đã không thể xấu hơn được nữa.
Hắn dằn chén rượu xuống bàn, giọng lạnh lùng:
– Người đâu, còn không mau đưa Tiệp phi nương nương đi thay y phục?
Hoàng đế dứt lời, liền có cung nữ vội vã tuân lệnh đưa Tiệp Tuyết vào hậu điện. Liên Nhạc cũng đi theo, dáng vẻ tràn ngập quan tâm lo lắng.
Tiệp Tuyết đi rồi, ta mới chợt nhớ đến Minh Du. Ta lén nhìn qua phía nàng thì chỉ bắt gặp một gương mặt lạnh lẽo như băng, nét vui vẻ ban nãy đã chẳng còn đâu nữa. Bên trán ta bất giác xuất hiện một giọt mồ hôi lạnh. Dựa vào tình cảm của Minh Du và Tiệp Tuyết, sau sự việc ngày hôm nay, Tô Nhược nhất định không được yên thân, mà cả ta cũng chưa chắc tránh được liên lụy.
Hậu cung nhiều người như vậy, Tô Nhược hết gây thù với vị nhị phẩm thục dung đau ốm quanh năm kia rồi lại đi chuốc oán với hai vị nhất phẩm phi tần này. Ta càng nghĩ càng thêm sợ hãi, phải cố giấu tiếng thở dài bất lực. Tiên nữ giáng trần cái gì chứ? Tô Nhược này nhất định là yêu quái giả danh đến đây để ám ta.
Đương lúc ta còn đang thầm than thân trách phận, Tô Nhược lại tiếp tục tác quái. Nàng ta ngẩng đầu nhìn hoàng đế bằng ánh mắt thắm thiết, giọng nhão nhoẹt:
– Thần thiếp vô ý làm hoàng thượng và các vị tỷ tỷ mất hứng, thực là tội lớn. Trong lòng thiếp bất an vô cùng. Chi bằng, hoàng thượng cho thần thiếp cơ hội chuộc lỗi…
Hoàng đế giật mình, hơi chần chừ:
– Nàng muốn chuộc lỗi như thế nào?
Ánh mắt Tô Nhược bỗng chốc sáng ngời, nàng ta thỏ thẻ đáp:
– Ban nãy không phải Tiệp phi nương nương định hiến vũ sao? Vừa hay thần thiếp cũng biết chút vũ đạo, tuy không thể sánh được với Tiệp phi nương nương nhưng có lẽ cũng đủ góp vui cho hoàng thượng và các vị tỷ tỷ.
Một lời như sét đánh ngang tai, toàn thân ta cứng đờ. Đôi đũa bạc trên tay ta rơi xuống bàn, vang lên hai tiếng leng keng.
Hoàng đế thấy tay ta run lên, liền cầm lấy mà hỏi:
– Nàng làm sao thế?
Ta run rẩy lắc đầu, níu lấy tay hoàng đế, không biết phải làm sao để nói cho hắn biết: trời có sập xuống cũng không được để Tô Nhược nhảy múa.
Hoàng đế cau mày, chắc hẳn cũng nhìn thấy sự hãi hùng trong mắt ta nhưng nhất thời không thể hiểu nổi.
Đáng tiếc, hoàng đế không phải là người duy nhất nhìn ra ta đang sợ hãi. Hắn còn chưa kịp đáp lời Tô Nhược, Triệu Lam Kiều đã bật cười vui vẻ:
– Tô muội muội đã nhiệt thành như thế, chúng ta tất nhiên là không nên phụ lòng muội ấy mới phải. Hoàng thượng nghĩ sao?
Bộ dạng hào hứng chờ xem người khác gặp họa của nàng ta thật không lẫn đi đâu được. Ta cắn môi, chỉ hận không thể nhai đầu Triệu Lam Kiều.
Bạch Diệu Hoa và Phong Thể Minh đồng loạt nhìn ta, sắc mặt tái nhợt. Bạch Diệu Hoa hơi mấp máy môi, hình như muốn nói: “Tuyệt đối không thể”.
Thế nhưng đã muộn rồi. Hoàng đế ái ngại nhìn ta rồi lại nhìn đến Tô Nhược vẫn đang trông lên với ánh mắt ngập tràn hi vọng. Cuối cùng, hắn phẩy tay áo:
– Tùy ý Tô sung hoa vậy.
Tô Nhược được lời như cởi tấm lòng, nhanh như cắt đứng phắt dậy, phấn khởi chỉnh trang y phục.
Lúc này, ta mới có dịp nhìn kỹ Tô Nhược. Nàng ta mặc xiêm y trắng muốt như sương khói, gấu váy thêu mấy cụm mai trắng bằng chỉ ngà kết pha lê, tóc bới cao cài trâm đính ngọc trai, trên vai còn khoác một dải lụa trắng, hiển nhiên là muốn cố bám lấy hai chữ “tiên tử” mà Lưu Thiên ban tặng.
Ngọc Lăng, tỳ nữ của Tô Nhược, thấy thế bèn hấp tấp chạy đến chỗ mấy vị nhạc công. Nàng ta ăn một trận đòn oan vì Tô Nhược, tuy may mắn không mất mạng nhưng dường như đã ảnh hưởng đến xương cốt nên tướng đi hơi tập tễnh. Ngọc Lăng lần tay áo rút ra một trang nhạc phổ đưa cho nhạc công trưởng, còn khua tay loạn xạ như đang dặn dò chuyện gì rất trọng đại.
Cơn giận trong lòng ta lại cuộn lên. Tô Nhược chết tiệt đã tính toán từ trước.
Tiếng nhạc cất lên, ánh mắt Tô Nhược cháy rực quyết tâm. Nàng ta giang hai tay ra sau, tung bước chạy về phía trước. Ta vừa nhìn đã nhận ra ngay đây là bước lấy đà của điệu Bộ Bộ Liên Hoa. Nhưng ban nãy vũ điệu của Tiệp Tuyết mềm mại ưu nhã bao nhiêu thì bây giờ Tô Nhược thô thiển cục mịch bấy nhiêu. Nhìn nàng ta bây giờ có khác gì gà mái cắm đầu chạy về ổ không cơ chứ?!
Bộ Bộ Liên Hoa phong tình vạn chủng rơi vào tay Tô Nhược thật sự không còn ra thể thống gì.
Người trong đại điện thảy đều chết lặng. Đến cả kẻ chủ mưu ném đá xuống giếng như Triệu Lam Kiều cũng ngỡ ngàng không nói nên lời. Ta biết ban nãy Triệu Lam Kiều chẳng qua là thấy thái độ của ta kì quái, lại thêm chuyện Tô Nhược khi xưa từng đoạt sủng của ta nên mới hùa vào cho ta mất mặt. Nàng ta làm sao ngờ được Tô Nhược lại có ngón vũ đạo quỷ khốc thần sầu như vậy.
Hoàng đế cũng chẳng khá khẩm hơn. Toàn thân hắn cứng đờ, thái dương nổi cả gân xanh, sắc mặt lúc đen lúc đỏ. Ta cười thầm trong lòng. Tiên nữ giáng trần của nhà ngươi đấy.
Giữa điện, Tô Nhược đã bắt đầu điệu đuổi ruồi quen thuộc. Nàng ta xoay mòng mòng, hai tay khua khoắng tán loạn, chẳng còn chút gì là ăn khớp với tiếng nhạc. Y phục xinh đẹp thoát tục cách mấy cũng không cứu vãn được bộ dạng quay cuồng của nàng ta lúc này.
Ta nhịn không nổi nữa, quyết định chống cằm xoay người sang hướng khác. Thế nhưng ngay lúc ấy, trong điện lại vang lên một chuỗi âm thanh trong trẻo giòn tan rất khẽ, hòa lẫn trong tiếng nhạc. Nếu không phải do tai ta bẩm sinh thính hơn người thường thì tuyệt đối không thể nghe được. Ta ngoảnh nhìn lại thì đã thấy dưới sàn nhà từ đâu xuất hiện vô số hạt ngọc nhỏ lăn lông lốc, trông rất quen mắt.
Ta cả kinh nhìn về phía Minh Du, quả nhiên chuỗi ngọc trên cổ nàng đã không còn, mà đúng lúc đó Minh Du cũng quay lại nhìn ta, trên khóe môi hiện lên một nụ cười tinh nghịch.
Những chuyện xảy ra tiếp theo không phải là quá bất ngờ. Tô Nhược đương mải múa may, lại còn bận dùng ánh mắt triền miên tình ý quấn lấy hoàng đế, tất nhiên là không nhìn thấy những hạt ngọc dưới chân. Chỉ nghe uỵch một tiếng, Tô Nhược đã trượt ngã lăn quay dưới đất, chổng cả bốn vó lên trời.
Chúng phi đều đã nhịn lâu lắm rồi, trước cảnh này không sao kiềm nén được nữa, đồng loạt ôm bụng cười lớn thành tiếng.
Tô Nhược xấu hổ lồm cồm bò dậy, nhưng vì vội quá lại trượt chân ngã thêm lần nữa, trán đập cả xuống sàn.
Hoàng đế cố nhịn cười, mím môi lên tiếng:
– Tô sung hoa không sao chứ?
Tô Nhược ngồi bệt dưới sàn, tóc tai rũ rượi, hai tay ôm trán rưng rưng:
– Hoàng thượng… thiếp… thiếp…
Dương Ngọc Huệ cười đến chảy cả nước mắt:
– Điệu múa này cũng thực là như hoa như ngọc! Không biết tư thế tiếp đất bằng đầu ban nãy gọi là gì nhỉ?
Quỳnh Tử Yên cũng chen vào góp vui:
– Tỷ tỷ hỏi làm gì chứ? Vũ điệu kinh thiên động địa như thế đương nhiên chỉ có tiên nữ mới múa được thôi, người trần mắt thịt chúng ta làm sao học được!
Triệu Lam Kiều nhấp một ngụm trà, nhếch môi nhìn ta cười khinh khỉnh:
– Cẩm Tước cung đúng là ngọa hổ tàng long. Đáng tiếc, nếu điệu múa này mà có thêm tiếng đàn của hiền phi nương nương bổ trợ thì mới thực là thập toàn thập mỹ.
Đến đây, Tô Nhược quá đỗi xấu hổ, che mặt bật khóc nức nở. Quả báo đến sớm, có thể trách ai?
Ta ôm đầu vừa mệt mỏi vừa chán nản:
– Tô sung hoa vất vả rồi, mau hồi cung thôi.
Được ta cho phép, Ngọc Lăng lật đật lao ra xốc Tô Nhược lên vai, trong chớp mắt đã chạy mất dạng.
Minh Du trước sau đều không nói lời nào, chỉ nhàn nhã cúi đầu uống trà, nhưng nét mặt bây giờ hết sức thư thái. Ta cơ hồ còn thấy được sự khoái chí trong ánh mắt của nàng.
Tiệp Tuyết bị mất mặt, nhất quyết không chịu trở lại dự tiệc nữa. Hoàng đế thì mặt mũi hằm hằm. Chúng phi xem Tô Nhược đại náo một hồi, dù rằng được một trận cười thỏa thích nhưng hứng thú ban đầu đều đã chẳng còn. Dạ yến vì vậy mà tàn sớm.
Sau đêm hôm đó, Tô Nhược luôn ở lì trong phòng, không chịu ra ngoài nửa bước. Ta chẳng hiểu nổi do nàng ta xấu hổ hay là sợ bị ta trách phạt, nhưng đã quá chán nản rồi nên chẳng muốn nói đến nàng ta nữa. Mấy lần ta định bắt Tô Nhược tự đến gặp Tiệp Tuyết tạ tội, nhưng lại sợ nàng ta gây thêm họa nên lại thôi. Để thay Tô Nhược chuộc lỗi, ta đã mang rất nhiều quà cáp đưa đến Lạc Mai cung, chỉ là trong lòng vẫn không thể nào yên. Từ sau vụ án long thai kia, ta đã biết Minh Du là người tuyệt đối không thể chọc đến được.
Ta sống trong lo âu như vậy không bao lâu thì Lạc Mai cung truyền ra tin Minh Du phát bệnh. Nghe nói, ban đầu nàng chỉ hơi đãng trí, vui buồn bất thường nên thái y kê vài thang thuốc an thần tĩnh tâm, cũng không cho là bệnh nặng gì. Nhưng rồi tâm tính nàng càng lúc càng thất thường, có khi mất trí cả canh giờ, còn đuổi đánh cả Tiệp Tuyết. Đến khi thái y nhận ra có sự bất thường thì Minh Du đã thành nửa điên nửa tỉnh.
Hoàng đế giận lắm. Hắn nói: “A Du đang khỏe mạnh sao có thể đột nhiên hóa điên dại như vậy? Nhất định là có kẻ giở trò ám hại!”
Đoạn, hắn phái ngay Tô Trường Tín cùng Đàm Mộc và Diêu Ngôn đến Lạc Mai cung tra xét.
Chẳng mất bao lâu đã tra ra được chân tướng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.