***
Văn luôn là môn thi đầu tiên, nếu tôi nhớ không nhầm! Tuy bản thân tôi đã có bốn năm mài đũng quần trong lớp chuyên văn hồi còn học cấp hai nhưng điểm trung bình môn Văn của tôi chỉ đạt loại khá. Tôi chưa bao giờ dám vỗ ngực tự nhận mình là học sinh giỏi Văn mà chỉ tự tin nói rằng tôi là một đứa yêu thích môn Văn. Ngoài môn Văn thì tôi còn thích cả môn Sử học và Địa lý nữa. Tôi là một đứa lười biếng, học hành cũng có phần chểnh mảng và chủ quan. Hồi thi đầu vào cấp ba, tôi chỉ được 5 điểm cho môn Văn và 1,5 điểm cho môn Toán, tổng số điểm hai môn vừa đủ giúp tôi trở thành học sinh trường Thuận Thành 1, vì vậy tôi học ở lớp bê bát cũng chẳng có gì là oan.
Trong tất cả các kỳ thi có môn Văn mà tôi đã từng tham dự, duy chỉ có kỳ thi tốt nghiệp cấp hai là tôi đạt điểm cao gần như tuyệt đối, nhưng phần nhiều vì may mắn, hay đúng hơn là “cả hệ thống chính trị cõi… âm của huyện vào cuộc”, hơn là nỗ lực của bản thân. Còn đâu các kỳ thi khác mà tôi đã từng trải qua trong cuộc đời của mình mà có môn Văn, môn mà tôi yêu thích, thì điểm cao nhất tôi có thể đạt được chỉ hơn 7 điểm.
Bất kỳ ai từng cắp sách đến trường đều đã từng học qua hai tác phẩm Làng và Vợ nhặt. Hai tác phẩm văn học được xếp vào hàng kinh điển này đều có chung một tác giả là nhà văn Kim Lân, vừa hay quê quán của ông Kim Lân lại ở Bắc Ninh! Chẳng biết có phải vì là đồng hương hay không mà nhiều lần đi thi thì đề bài đều liên quan đến hai tác phẩm của nhà văn nổi tiếng này. Tôi chưa bao giờ có cơ hội được gặp nhà văn Kim Lân nhưng tôi đã xem bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” vài lần nên cũng có thể xem như được diện kiến nhà văn đáng kính này qua vai Lão Hạc.
Bởi vì môn thi đầu tiên là môn Văn nên tôi tương đối tự tin thay vì căng thẳng. Tôi cũng như nhiều bạn bè của tôi, chúng tôi đều tin tưởng rằng bản thân sẽ chẳng khó khăn gì để “vượt Vũ Môn”, thử thách thực sự mà chúng tôi cần phải để tâm là kỳ thi đại học sắp tới. Các thầy cô cũng thường động viên chúng tôi như thế.
Nhưng nói gì thì nói, thi tốt nghiệp cấp ba là một dấu mốc quan trọng trong đời của mỗi học sinh.
Tôi đã cố gắng đi ngủ sớm hơn thường lệ nhưng cứ trằn trọc mãi.
Tôi khó ngủ!
Tôi không lo lắng về kỳ thi mà tôi bận tâm suy nghĩ đến sau kỳ thi tôi sẽ chính thức rời khỏi ngôi nhà thân yêu này, bỏ lại bà Già sống một mình để đến một nơi nhộn nhịp hơn với những ánh đèn Neon nơi phố thị. Tôi đã ao ước, đã chờ đợi suốt mấy năm trời, mong đến ngày này biết bao mà giờ đây, khi ngày ấy gần kề thì tôi lại không muốn rời xa nữa. Sự xuất hiện bất ngờ của Hà An trong thời điểm quan trọng này cũng chỉ là một phần nhỏ khiến tôi phải bận tâm suy nghĩ. Tôi nhớ lại những mùa hè trước đây khi tôi ở cùng bố mẹ tại Hà Nội, vào những mùa hè đó, bà Già vò võ một mình trong ngôi nhà thân thuộc này. Tôi biết rằng khi tôi không còn ở cùng với bà, người đã chăm sóc tôi kể từ lúc tôi vừa lọt lòng, thì mỗi tối sau bữa cơm, bà nhất định sẽ tắt hết đèn điện, chỉ thắp độc một ngọn đèn dầu để bên trong cái tủ kính nhằm tiết kiệm điện, nghĩ đến những điều này thì lòng tôi lại cảm thấy buồn rầu.
-“Mình nhất định sẽ tranh thủ về ngủ với bà bất cứ lúc nào mình có thời gian, chí ít trong một năm nữa thì mình vẫn thường xuyên về vì còn cái An ở đây nhưng sau đó thì sao? Một khi cái An cũng đi học thì liệu mình có còn chăm chỉ về thăm bà nữa hay không?”
Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi này của tôi. Tôi chưa bao giờ dám hứa với bà là ngày nào, giờ nào tôi về nếu không chắc chắn vì tôi sợ bà sẽ đếm từng ngày, sẽ ngóng trông thằng cháu đích tôn của mình.
Cách tốt nhất để giữ lời hứa là đừng hứa hẹn gì cả!
Nhưng ngay cả khi Hà An không còn xuất hiện trong cuộc đời của tôi nữa thì tôi vẫn đều đặn về thăm bà, ăn với bà một bữa cơm, ngủ một giấc thẳng cẳng đến trưa trờ trưa trật mới chịu rời khỏi giường.
-Sao hả em? Đang suy nghĩ mông lung lắm phải không?
Mùa hè tôi thích ngủ trên phản vì phản cao hơn giường nên mát mẻ hơn và cánh cửa sổ đầu hồi nhà sẽ mở một bên để đón những cơn gió từ ngoài cánh đồng thổi xuyên qua lũy tre lùa vào nhà. Thực tâm tôi không nghĩ đêm nay mình sẽ lại ngủ mơ nhưng chị Ma muốn xuất hiện bất cứ lúc nào thì chỉ có chị ấy mới biết chứ tôi chịu.
-À vâng! – Tôi thừa nhận.
Vẫn như nhiều lần trước đó, trong giấc mơ của mình, tôi luôn ngồi bên bồn hoa đầu hồi nhà, tựa lưng vào cái cột ăng ten làm từ một cây tre thẳng tắp. Chị Ma, hồn ma trinh nữ, linh hồn luôn thích mặc những bộ váy áo sặc sỡ nhưng chủ yếu là màu đỏ sậm thường ngồi vắt vẻo trên đống rơm trước cửa ngôi miếu. Mấy năm trước, bà tôi để đống rơm ở ngay cạnh sân nhưng sau khi bố tôi đào bới trong vườn để tìm kiếm thứ gì đó quý giá rồi lấp lại thì một ụ đất xuất hiện nên hai bà cháu đã bàn với nhau chuyển đống rơm sang vị trí ấy hòng… che mắt hàng xóm láng giềng!
-Đàn ông con trai sao cứ nặng lòng như thế hả em?
Tôi buồn rầu chép miệng:
-Em biết làm sao được. Những năm trước sau khi hết năm học, em rất háo hức với việc được ra Hà Nội. – Tôi thở hắt ra. – Vậy mà bây giờ…
-Em đừng cả nghĩ, bây giờ không phải lúc đâu. Chỉ hơn hai canh giờ nữa là em sẽ đến trường thi, đó là việc quan trọng hơn cả. Em đừng phân tâm bởi những chuyện nhỏ nhặt, không đáng đâu.
-Em cũng biết như thế nhưng chị còn lạ gì em nữa.
-Ờ, chị hiểu chứ! Nhưng em lại quên mất một điều rồi.
-Em quên gì ạ?
-Chị vẫn ở đây! Bà em tuy có ở một mình nhưng cũng không lâu đâu, độ hơn ba, bốn năm nữa là sẽ có người ở cùng bà. Trong khoảng thời gian này chị sẽ trông nom bà em họ em, nếu bà cụ có đau ốm, trái gió trở trời thì em sẽ mau biết ngay thôi.
-Ba, bốn năm à? – Tôi nhăn mặt hỏi. – Ô, có phải là sau khi em học xong đại học em sẽ về sống với bà em không?
Chị Ma lắc đầu.
-Ờ… hay là em lấy vợ, vợ em ở cùng với bà còn em đi làm?
Chị Ma phì cười, nhảy từ trên đống rơm xuống vườn, chậm rãi bước lại gần chỗ tôi đang ngồi, nheo mắt hỏi tôi:
-Đã tính lấy vợ rồi cơ à?
-Chậc! Thì thuận miệng nên em hỏi vậy.
-Có nghĩ thì mới hỏi chứ không tự nhiên.
-Vậy bà em sẽ ở với ai?
-Tương lai biết trước còn gì là thú vị nữa, đừng có hỏi linh tinh, quý em lắm chị mới nói ra đấy. Em cứ yên tâm mà thi cử rồi ra Thăng Long, à, ra Hà Nội học hành thành tài.
-Mà chị này, ờ… - Tôi đưa tay lên gãi đầu, ngập ngừng trong giây lát. - Em thấy cái An nó cũng tốt lắm, em cũng thích nó.
-Ừ, thì sao?
-Thì… thì trước đây chị bảo là…
-Lại chuyện thành thân phải không?
-Dạ, là… là lấy nhau ấy chị.
Chị Ma bĩu môi:
-Tí cái tuổi ranh, yêu thì cứ yêu đi, cưới thì từ từ.
-Nhưng… nhưng… chị biết đấy… Em với nó đã… đã…
-Gạo nấu thành cơm chứ gì? – Chị Ma phẩy tay. – Chuyện nào ra chuyện đó.
-Nhưng em muốn biết, em muốn hỏi xem là…
Chị Ma lắc đầu, nét mặt bỗng trở nên nghiêm nghị:
-Chị không phải là bà thầy bói mà biết trước được. Chị nói rồi, đương yêu thì cứ yêu cho thỏa, vui thì vui cho trọn vẹn đi, cớ sao em lại để tâm đến chuyện sau này làm cái gì?
-Đành vậy!
Tôi cũng không dám hỏi thêm bởi tôi chẳng lạ gì tính chị Ma, có hỏi cố cũng chẳng khai thác được gì hữu ích mà lại khiến chị ấy bực. Biết làm sao được, người cao tuổi tính khí thất thường thật khó dò.
-Chỉ cần ngày nào con bé còn ở đất Kinh Bắc này thì nó sẽ chỉ yêu em mà thôi, cứ yên tâm.
-Em không lo về chuyện đó!
-Xời! Tự tin gớm!
-À thì… thì…
Có những lời chị Ma nói ra phải rất lâu sau đó tôi mới hiểu ẩn ý giấu bên trong. Tuy nhiên, có lời hứa của chị Ma là trông nom bà Già giúp tôi nên tôi yên tâm vài phần vì khi màn đêm buông xuống đã có người để ý đến giấc ngủ của bà tôi.
-Này! Chị nghe nói em sẽ thi môn Văn đầu tiên có phải không?
-Sao chị biết ạ?
-Úi xời! Làng này đâu phải riêng mình em thi, huyện này đâu phải riêng mình em chuẩn bị. Gia tiên tiền tổ của bao nhiêu nhà đương bàn tán xôm lắm.
-Dạ? Bàn tán… bàn cái gì ạ?
-Thì con cháu làm cơm cúng bái gia tiên phù hộ cho con cháu, có đứa còn xin gặp trúng tủ gì đấy, bao nhiêu nhà đều khấn xin nên đêm nay âm phần cũng náo động.
-À vâng!
-Nhưng mà bàn cũng đến thế, đề thi chẳng ai biết, gia tiên có muốn cũng chẳng thể giúp được.
Thấy tôi ngồi thừ người ra không nói gì, chị Ma hỏi:
-Này! Sao em không hỏi?
-Hỏi gì ạ?
-Hỏi chị có biết đề thi không ấy mà.
Tôi ngẩn người ra:
-Sao chị biết được, chị vừa bảo là gia tiên cả huyện này chẳng ai biết cơ mà.
-Thì đúng. – Chị Ma gật đầu. – Nhưng chị có phải gia tiên nhà nào đâu.
-Là như nào? – Tôi nhăn mặt không hiểu.
-Chị không biết đề thi như nào nhưng trước khi vào trường thi, em lật giở cuốn sách của môn thi ấy, giở vô tình chỗ nào thì chỗ đó khả năng sẽ là thứ em cần chú ý.
-Cái gì? Có… có hẳn ưu tiên như vậy ạ? – Tôi trố mắt.
-Đúng! – Chị Ma đưa một ngón tay lên quệt mũi, mặt nghếch lên trời, vẻ giương giương tự đắc. - Chị đây muốn cái gì là được cái đó mà.
-Giàu thích thật chị ạ!
-Dĩ nhiên! Có tiền thì phiền được thiên hạ, chị đây không có tiền nhưng có vàng!
-Nhưng… nhưng… thật chứ ạ?
-Ô hay! Chị nói dối em bao giờ chưa nào? – Chị Ma chợt thở dài. – Nhưng kỳ này không xôm như lần trước được, mang tiếng chết. Nói chung là ngày mai trước khi bước vào trường thi, em cứ làm như chị nói, đừng hỏi nhiều.
-Vâ… vâng! – Tôi gật đầu luôn nhưng vẫn bán tín bán nghi.
Điểm thi tốt nghiệp cấp ba của tôi không hoành tráng như hồi tốt nghiệp cấp hai, nói chung là cũng không đến nỗi tệ nhưng tôi cũng không cho là vẻ vang gì bởi ít nhiều cũng được mách nước. Sau này chị Ma bảo rằng sở dĩ chị ấy phải ra tay giúp tôi vì sợ tôi sẽ thi hỏng môn nào đó vì nhiều gia tiên tiền tổ ở các làng tỏ ra lo lắng cho con cháu nên chị ấy cũng lo. Nếu tôi thi trượt thì kế hoạch đào tạo tôi thành một người đàn ông sẽ đổ sông đổ bể hết cả.
***
Mỗi tuần có một cái chức nghiệp