Thiên Mã Hành Không

Chương 77: Tinh tinh tương tích






Tinh tinh tương tích (Chí lớn gặp nhau)

Tiêu Phong nhớ lại, lúc Hoàng Dung vây công tại Phù Hương đình, ông tận sức đề khởi nội lực, tung chưởng đánh lui phe Hoàng Dung, rồi bị mê man, bất tỉnh. Giờ, lồng ngực đau nhức, cảm giác đau hơn trước đây nhiều, ông biết độc tố vốn đã trục được gần hết, nay thâm nhập trở vào nội tạng. Xem ra, bao nhiêu công lao, sức lực Lâm Yên Bích đã liên tục mấy ngày đêm thanh lọc độc tố khỏi phế phủ là hoàn toàn mất trắng. Ông vô cùng hối hận, cố gắng quày đầu, nhìn Lâm Yên Bích, ông nói:

- Lâm cô nương, ta xin lỗi, ta đã phụ lòng, đã làm uổng phí công lao bấy nhiêu ngày cô nương trị bệnh cho ta, hơn nữa, còn làm liên luỵ đến cô nương cùng bằng hữu cô nương.

Chợt nhớ đến bạch y công tử đã ra tay tương trợ giữa cơn nguy cấp, nhờ người ấy và Lâm Yên Bích, hôm nay ông mới còn giữ được sinh mạng, nằm dưỡng thương trên con thuyền này. Lập tức, ông hỏi:

- Vị Liễu công tử đã xuất thủ cứu giúp ta ở Phù Hương đình có bị thụ thương không?

- Liễu Như Lãng xin chào Tiêu đại hiệp!.

Liễu Như Lãng vén rèm cửa, đến trước giường, gã khom mình, chắp tay vái chào Tiêu Phong.

Tiêu Phong vội vàng chống tay vào giường, ông định ngồi dậy hoàn lễ, Liễu Như Lãng nhanh chóng đưa tay chặn lại, nói:

- Tiêu đại hiệp đang mang trọng thương, không nên ngồi dậy!

Tiêu Phong cảm giác toàn thân yếu ớt, cùng một tình trạng như lúc ở Lục gia trang, ông bất giác rùng mình, nghĩ thầm "Độc Kim Xà thật quá sức lợi hại, khi chưa bị trục toàn bộ khỏi cơ thể, mỗi đề khí, khởi động nội lực sẽ cho nó cơ hội phát tác trở lại, hèn chi Lâm Yên Bích từng giặn đi giặn lại không biết bao nhiêu, rằng mình chớ cố sức vận nội công, khởi động kình khí!". Nhớ đến tình hình hung hiểm tại Phù Hương đình, Tiêu Phong không nín nhịn đuợc, ông nắm chặt tay Liễu Như Lãng, nói:

- Liễu công tử đại lễ , Tiêu Phong không dám nhận, nếu không có công tử, Tiêu Phong mỗ đã bỏ mạng rồi!

Liễu Như Lãng đáp:

- Tiêu đại hiệp anh dũng vô địch, nếu không vì quỷ kế của Hoàng Dung, thiên hạ có ai địch lại. Nhất thời Tiêu đại hiệp trong cảnh hổ lạc bình dương, chút tài hèn sức mọn của tại hạ, xin Tiêu đại hiệp chớ quá bận tâm.

Tiêu Phong lắc đầu, cười:

- Anh dũng vô địch ... mà làm gì? Nếu ta không được Lâm cô nương tận lực giúp đỡ, giờ đã là tuyệt mạng! - Ông dừng một chút, rồi tiếp - Liễu công tử nếu không chê bỏ, xin đừng một điều đại hiệp, hai điều đại hiệp nữa, nghe như tuồng người dưng!.


Liễu Như Lãng cười rộ, đáp:

- Hay lắm! Tại hạ bạo gan gọi một tiếng Tiêu đại ca, đại ca huynh đừng gọi Liễu công tử này, Liễu công tử nọ nữa, được xưng huynh gọi đệ ... đó là một vinh hạnh lớn cho đệ!.

Tiêu Phong lồng ngực đau như giần, thân mình yếu ớt, ông không cử động được nhiều, nhưng quen được một người bạn can đảm, dám xả thân vì bằng hữu, trong lòng ông cực vui sướng, bèn cười đáp:

- Đáng tiếc không có rượu, để ta cùng Liễu huynh đệ say sưa một phen!.

Lâm Yên Bích lập tức nói:

- Không được đâu! Mang trọng thương trên mình, người tuyệt đối không uống được rượu!

Liễu Như Lãng nhìn Lâm Yên Bích, rồi quay qua Tiêu Phong, gã cười hì hì:

- Trên thuyền có rượu mạnh đấy, nhưng nay Lâm muội nói huynh không uống được, đệ không dám mời, để chờ đến Khánh Nguyên, khi huynh khỏi bệnh, hai ta sẽ uống một trận thật thống khoái.

Tiêu Phong gật gù nhìn Lâm Yên Bích, rồi ông hỏi diễn tiến trận ác đấu ở Phù Hương đình sau khi mình bất tỉnh.

Liễu Như Lãng thuật đầy đủ, về Lam Kì cùng các nữ lang thì gã chỉ nói phớt qua là bạn bè tương trợ, không bảo họ làm hồng phấn tri kỷ của mình. Tiêu Phong nghe xong, ông hỏi:

- Các bằng hữu đó hiện có mặt trên thuyền không? Xin cho ta được gặp mặt để cảm ơn.

Liễu Như Lãng hơi bối rối, đáp:

- Các bằng hữu đó, huynh cám ơn ở đây được rồi, không cần gặp mặt họ!

Tiêu Phong nghiêm sắc mặt:

- Không được! Tục ngữ có câu Đã uống một giọt nước ân nghĩa nhỏ, phải đáp đền lại bằng trọn một dòng suối lớn, huống hồ, đây lại là ơn cứu mạng!. Nếu các vị đó có mặt trên thuyền, nhất định ta phải tận mặt cảm ơn!

Lâm Yên Bích liếc Liễu Như Lãng, khoé miệng hàm tiếu một nụ cười, cô nói:

- Tiêu đại ca nói đúng đấy, huynh lên tiếng gọi họ vào cả đi!.

Nói xong, cô thò đầu ra ngoài cửa, cất tiếng:

- Chư vị, Liễu đại ca cho mời các vị vào!.

Năm nữ lang đang nghỉ nơi đầu thuyền, lập tức chạy đến, họ vén rèm, bước vào đứng đàng sau lưng Liễu Như Lãng, năm cái miệng đồng thanh hỏi:

- Liễu lang, chàng gọi bọn thiếp ... có chuyện gì vậy?

Tiêu Phong chợt thấy năm cô ùa vào, thần tình họ vô cùng thân thiết với Liễu Như Lãng, ông bất giác chẳng ngăn được, mắt trợn tròn, ông cứ nghĩ sẽ gặp năm hán tử dũng mãnh, đâu ngờ đấy là một toán nữ lang thiên kiều bá mị!

Liễu Như Lãng thoáng hồng nét mặt, gã lúng túng, gượng cười, nói:

- Tiêu đại ca, đây là mấy vị bằng hữu!.

Rồi quay sang cả năm cô, gã nói:

- Tiêu đại ca muốn gặp tận mặt các nàng để cảm ơn cứu mạng!.

Tiêu Phong lúc đó định thần xong, ông bảo Liễu Như Lãng:

- Liễu huynh đệ, phiền huynh đệ đỡ ta ngồi dậy! Nằm dài như vầy trước các vị cô nương có ơn cứu mạng mình ... thật là thái thậm bất kính.

- Tiêu đại ca, huynh đang mang trọng thương, không ngồi dậy được, để đệ thay huynh cám ơn các vị cũng được.


Liễu Như Lãng nhỏm thẳng người lên, gã chắp hai tay, vái một vòng vào năm nữ lang, miệng nói:

- Năm vị mỹ nhân như hoa như ngọc đây, ta xin thay mặt Tiêu đại ca có lời cảm tạ ơn cứu mạng. Các vị đã trượng nghĩa, liều thân, xả mệnh ra tay cứu trợ, nghiã cử đó kinh thiên động địa, khiến quỷ khốc, thần sầu, ta rất đỗi cảm kích, đại ân đó nguyện vĩnh viễn ghi nhớ!

Năm nữ lang ôm nhau cười rũ rượi, Kì Nhi hì hì:

- Liễu công tử đại lễ, chúng thiếp thân không dám nhận lĩnh!

Lam Kì nói:

- Chỉ cần chàng từ giờ đừng phong lưu, phóng đãng khắp nơi nữa, chúng thiếp thân lấy làm vui sướng rồi, không ước muốn gì hơn!

Lưu Vân bảo:

- Tiêu đại hiệp làm hảo bằng hữu của chàng rồi, dĩ nhiên cũng là bằng hữu tốt của nữ nhân chúng muội.

Lãnh Nguyệt thêm:

- Chỉ cần chàng đừng phụ bạc nữa, dù có lên núi đao, xuống vực lửa, bọn thiếp quyết đi theo chàng.

Liên Tinh nói:

- Từ bữa chàng bỏ đi không một lời từ biệt ấy, ba chị em muội lùng kiếm chàng đến rõ khổ, chàng biết không?.

Năm cái miệng của năm nữ lang không ngừng ríu ra ríu rít, Tiêu Phong càng nghe càng thấy lạ lẫm., cuối cùng ông hiểu cả năm đều là hồng phấn tri kỷ của chàng Liễu Như Lãng.

Lâm Yên Bích không nói, cô ngồi một bên, tủm tỉm cười.

Liễu Như Lãng thấy hết cô này đến cô kia thi nhau líu lo, gã bèn nghiêm sắc mặt, cao giọng, nói:

- Đủ rồi! Tiêu đại ca cần nghỉ ngơi, các vị rút lui đi thôi, có muốn nói gì khác, chờ đến Khánh Nguyên rồi hãy nói tiếp!.

Năm nữ lang thấy vẻ mặt nghiêm nghị của gã, các cô ngoan ngoãn kéo nhau lui bước.

Liễu Như Lãng nhìn Tiêu Phong, nói:

- Đã để Tiêu đại ca chê cười rồi!.

Tiêu Phong cười rộ:

- Ha ... ha, không dè Liễu huynh đệ ... nguyên là một giống đa tình.

Ông thấy Liễu Như Lãng anh tuấn tiêu sái, khí độ hơn người, các nữ lang đó chết mê chết mệt vì gã cũng không có gì lạ, nhìn bộ dạng, , rõ là một tay phóng đãng có thừa, gã dư sức đối phó quần nữ, không chút khó khăn!

Rồi ông nhắm mắt, chìm vào giấc ngủ.

Đi thuyền được hai ngày, họ về đến Lâm An. Thuyền cập bến, trời đã về chiều, Liễu Như Lãng bàn cùng Tiêu Phong và Lâm Yên Bích:

- Gần tối rồi, tất cả đều đã mỏi mệt sau hai ngày ngồi thuyền, mình chi bằng đến tệ xá Liễu trang nghỉ chân một đêm, mai đi tiếp. Mấy hôm trước, Bích Vân cung có sai người đến đòi một vật gì đó, chuyển giao cho Lâm muội đem về cung. Đây là lúc thuận tiện giao ra cho Lâm muội. Mà ta nghĩ, Hoàng Dung có truy tầm giỏi mấy đi nữa, chưa chắc đã tìm đến nhà ta ngay được đâu.

Lâm Yên Bích hỏi:

- Sư phụ muội muốn muội nhận gì vậy? Người đã chỉ nhắn lời, bảo huynh sẽ đưa cho, nhưng không nói là đưa cái gì!

Tiêu Phong nghe Liễu Như Lãng bàn về Liễu trang, ông sực nhới, hồi ở Hạnh Hoa cốc, Bích Vân cung chủ từng cho người đến nhắn miệng, bảo Lâm Yên Bích đi Liễu trang nhận rồi đem về cung một món đồ gì đó, lúc ấy, Lâm Yên Bích đã tỏ ra hết sức khó chịu, ông đã từng đoán cái món đồ hiện đang cất giữ tại Liễu trang chắc khó khuân đi khuân lại. Bây giờ, thấy Liễu Như Lãng đã là chỗ thân quen của Lâm Yên Bích, vậy tại sao cô tỏ dáng vẻ bực mình khi nhận tin nhắn miệng ấy? Nhận món đồ đó xem ra cũngchẳng tốn công sức là bao, tại sao khi nghe người nhắn tin vừa đả động đến Liễu trang, lập tức ngữ khí của cô trở nên lạnh nhạt, dường như cô rất bực bội phải ghé qua nơi đó? Xem tình hình hiện thời, tay Liễu Như Lãng dẫu có phong lưu, phóng đãng thật, nhưng y luôn tỏ ra một hán tử quang minh lỗi lạc, vậy tại sao hồi đó Lâm Yên Bích lại chán ghét nhà Liễu trang đến thế? Tiêu Phong thắc mắc thầm cả nửa buổi, ông không sao minh bạch được!.

Rồi ông nghe Liễu Như Lãng cười cợt:

- Là cái gì, muội mở ra xem chắc sẽ hiểu thôi!.


Y quay sang hỏi Tiêu Phong:

- Tiêu đại ca, ý huynh ra sao?

Tiêu Phong cười đáp:

- Tiêu Phong ta rất lấy làm vinh dự được ghé thăm phủ đệ Liễu huynh đài.

- Tốt! Vậy cứ thế mà làm!.

Liễu Như Lãng vỗ tay, một trạo phu tiến đến, khom lưng hỏi:

- Công tử có việc sai bảo?

Liễu Như Lãng nói:- Ngươi hãy mau lên bờ, đến chỗ tiệm quen thuộc, mướn mười chiếc kiệu, phải toàn bộ kiệu của chính tiệm họ, không dùng kiệu mướn lại từ tiệm khác. Ngươi truyền lệnh ta, bảo họ không được hó hé chuyện này với bất cứ ai khác, tránh tiết lộ hành tung bọn ta!.

Gã trạo phu lên tiếng nhận lệnh, đi ngay tức thì. Không bao lâu, một hàng mấy cỗ kiệu lẳng lặng tiến đến chờ trên bờ, gã trạo phu bẩm báo:

- Công tử, kiệu chuẩn bị xong, thỉnh công tử lên đường.

Liễu Như Lãng gật đầu, gã đỡ Tiêu Phong ra khỏi giường, miệng gọi các nữ lang:

- Các vị cô nương, mau theo ta rời thuyền, lên kiệu về nhà.

Trong hai ngày tĩnh dưỡng trên thuyền, Tiêu Phong thổ huyết đôi ba lần, độc tính tuy bớt tác động, nhưng toàn thân ông yếu ớt vô lực, phải dựa vào Liễu Như Lãng nâng đỡ cập bờ, rồi đưa lên kiệu.

Thời đó, Lâm An là thủ phủ của Nam Tống, nơi cư ngụ của vô số quan quyền, quý tộc. Trên đường phố, ngựa xe như nước, đoàn mười cỗ kiệu đó không gây ra chút hiếu kỳ nào. Ngồi trong kiệu, tai Tiêu Phong nghe tiếng ồn ào huyên náo của đường phố, phần lớn tiếng đánh sai quyền trên bàn nhậu, tiếng nữ nhân rỉ rả chèo kéo mời mọc nam nhân ... rặt một thứ âm thanh của ăn chơi phù phiếm! Nghĩ đến tình cảnh quân đội Mông Cổ ngày ngày luyện tập chuẩn bị cho bước Nam chinh, Tiêu Phong chạnh lòng khi nghĩ đến những khổ sở thê thảm kiếm miếng ăn cuả bách tính, bất giác ông than thầm "Triều đình Nam Tống này chạy loạn xuống miền Nam, giờ hùng mạnh không bằng một góc thời trước, làm sao chống cự nổi trăm ngàn gót sắt thiết kỵ Mông Cổ đây? Vua tôi, quý tộc chỉ lo ăn chơi phè phỡn, không để tâm hiểm hoạ giang san từng bước rơi vào tay tộc di từ miền Bắc tràn xuống! Dân đen áo không đủ ấm, cơm không đủ no, đến lúc xảy ra chiến loạn, cả bọn vua tôi nhà nó chỉ rập rình bỏ chạy đi nơi khác, rốt cuộc, chỉ khổ cho đám dân đen! Triều chính như vậy, để làm gì?". Nghĩ đến đấy, Tiêu Phong cực phẫn nộ, trải qua hơn trăm năm rồi, lòng yêu quý đất nước đã có công lao ba mươi năm dưỡng dục nuôi ông lớn lên thành người, thấy hình như tấc lòng đó càng nóng hừng hực lên hơn nhiều!

Đoàn kiệu đi chừng vài thời thần, cuối cùng cũng đến Liễu trang.

Kiệu vừa hạ xuống, Liễu Như Lãng tức thì bước đến đỡ Tiêu Phong ra khỏi kiệu. Ông nhìn, trước mặt, một khoảnh hồ rộng lớn không thấy bờ bên kia, nước hồ trong xanh, mặt hồ bình lặng như mặt gương, hàng liễu ven hồ lay động thướt tha trong gió. Một tiểu kiều dẫn vào một toà lầu cất giữa hồ, lầu treo tấm biển lớn đề hai chữ đại tự "Liễu trang". Trong trang, đèn đuốc sáng rực, hai hàng nha hoàn cùng thị bộc đứng chào đón Liễu Như Lãng hồi gia.

Nhìn khí thế hùng vĩ của trang, Tiêu Phong thấy nó thiếu phần u nhã của các đình viện miền Giang Nam, không có vẻ vũ lâm thế gia, ngược lại, ông thấy giống phủ đệ của bậc quyền quý quan lại.

Tiêu Phong cất tiếng hỏi:

- Nhà ta chắc làm đại quan trong triều?

Liễu Như Lãng đáp:

- Dạ ... Toà trang viện này vốn do hoàng thượng ân thưởng, chỉ là sau khi tổ thượng đệ bị gian thần hãm hại, bị bãi chức, người đã thôi nghề quan trường, xoay ra buôn bán , truyền đến đệ, gia nghiệp cũng bị đệ phá tan hoang không ít!

- Liễu huynh đệ chớ quá tự khiêm - Tiêu Phong nói xong, ông ngẩng nhìn ra phía xa xa của hồ nước, cất tiếng than thở - Bao nhiêu năm tháng trôi qua, mà sao Tây hồ như mới chợp mắt có một ngày, chẳng hề bị ảnh hưởng bởi thương hải tang điền, Tây hồ vẫn mỹ lệ như xưa!

- Nếu đem Tây Hồ sánh cùng nàng Tây Thi, thấy nó giống như mặt phấn đã phai nhạt nhiều rồi! - Liễu Như Lãng cười cười, hỏi - Sao Tiêu đại ca có vẻ cảm khái, dường như mấy năm trước, huynh từng có dịp ghé chơi xem hồ?

---- Xem tiếp hồi 77 ----



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.