Tình Sử Võ Tắc Thiên

Chương 15: Đại Vân Kinh




Để ganh tài với bọn khủng bố, sư Hoài Nghĩa cũng có những hành động rất ngoạn mục và giật gân. Gã điên, điều đó không thể chối cãi. Với bộ áo sư trưởng bằng lụa đỏ chói, gã có vẻ tự hào đã đạt được tột đỉnh danh vọng trên trái đất. Gã được phong tước Công và các đại thần còn phải ngồi dưới gã xa. Gã được phát ngân phiếu trắng (muốn tiêu bao nhiêu tiền cứ việc điền vào rồi đi lãnh!)
Vào những ngày lễ lớn như ngày hội rước đèn rằm tháng giêng. Gã thường chở hàng chục xe đầy tiền đúc ra cổng Hoàng cung và liệng cho dân chúng cướp. Gã tổ chức những ngày hội chúng sinh cho tất cả mọi người tham dự, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, sang hèn.
Ngoài máu điên, gã sư hổ mang còn có một chút máu ngông. Gã khoái biểu diển trò Phật ở dưới đất chui lên. Trò này rất ngoạn mục. Gã cho đào một hầm lớn sâu hai chục thước trong điện Thiên Đường. Trong hầm gã đặt những tượng Phật ăn mặc rất đẹp, xung quanh có cắm hàng ngàn cây nến sáng rực. Khi gã ra hiệu, bọn thuộc hạ phía dưới đẩy những tượng phật từ từ nhô lên khỏi mặt đất. Các người đứng xem đều há hốc miệng.
Tưởng cũng nên nhắc lại, Võ Hậu rất say mê các lầu đài, cung điện. Nói rộng hơn nữa, bà thích mọi thứ phải khác thường: kiến trúc nguy nga, chính trị phô trương và giai thoại thần kỳ.
Hoài Nghĩa hiện đã là sư trưởng đền Bạch Mã ở ngoại thành. Tại đây gã qui tụ một bọn đầu trâu mặt ngựa xuất thân từ đám giang hồ mãi võ. Gã đã trở nên đệ nhất kiến trúc sư trong nước, lo việc xây cất hai toà điện mới: Minh Đường -- về sau đổi là Đền Thờ Muôn Vật và được Võ Hậu dùng làm nơi tiếp kiến các quan vào chầu và Thiên Đường.
Việc xây hai tòa điện này nằm trong một kế hoạch chính trị ám muội của gã sư điên. Riêng toà điện Minh Đường sẽ đưa tới một cuộc khủng hoảng chính trị sau này.
Mọi hoạt động đều mang tính chất tôn giáo. Kinh đô được đổi thành Thánh Đô. Một chương trình vĩ đại được thực hiện để mọi người tin tưởng rằng Võ Hậu chính là hiện thân của một vị phật.
Tổn phí xây cất Minh Đường và Thiên Đường không thể kể xiết. Hàng mấy chục ngàn nhân công được đặt dưới quyền vị sư trưởng. Những cây gỗ khổng lồ được chuyển từ núi về. Mỗi cây hàng ngàn người khiêng đi một cách chậm chạp.
Toà Minh Đường rộng và cao một trăm thước gồm ba tầng.
Tầng dưới cũng hình vuông, bốn mặt tường sơn bốn màu trắng, đen, đỏ và xanh lá cây, tượng trưng cho tứ đại của vũ trụ - đất, nước, không khí và lửa-. Tầng giữa có mười hai cạnh tượng trưng cho mười hai tháng và mười hai cung của hoàng đạo. Tầng này có mái cong tựa trên chín con rồng. Tầng trên cũng có hai mươi bốn cạnh tượng trưng cho hai mươi bốn chòm sao trên trời. Trên đỉnh có hình chim phượng hoàng, cao ba thước nạm vàng sáng chói. Xung quanh điện có máng sắt để nước chảy tượng trưng cho sự lan tràn của văn hoá.
Toà Thiên Đường được xây trên một khu đất cao hơn ở phía Tây toà Minh Đường. Đứng ở tầng thứ ba, người ta có thể trông thấy nóc Minh Đường. Ngôi điện bao quanh một tượng Phật khổng lồ bằng thạch cao bên trong nhồi vỏ gai. Kể cả bệ, bức tượng cao gần một trăm thước. Mười người có thể đứng trên ngón tay út của bức tượng.
Võ Hậu thích cái gì cũng phải to lớn và huy hoàng!
Nhà sư to và huy hoàng một cách riêng tư còn tượng Phật to và huy hoàng một cách công khai.
Vô hình chung, Võ Hậu trở nên một Phật giáo đồ. Nhà sư hay thì đạo Phật cũng hay. Bà ngự tại Minh Đường và Phật ngự tại Thiên Đường. Nhà sư là mối liên lạc giữa hai bên. Sự xếp đặt này tượng trưng cho một cuộc phiêu lưu tinh thần và những giai thoại pha trộn giữa thiêng liêng và phàm tục, xác thịt và tôn giáo.
Võ Hậu đã nắm quyền tối thượng và hưỡng mọi hạnh phúc dưới trần gian, bà muốn mang thiên đường xuống hạ giới và đặt vào trong cung.
Nhà sư điên và Võ Hậu gặp nhau ở một điểm cùng thích những cái phi thường. Gã sai người vẽ chân dung một ông Phật trên vải. Bức hình cao sáu bảy chục thước, mũi của ông Phật to bằng chiếc thuyền.
Mực để vẽ hình là máu bò, nhưng gã nói máu đó lấy ở đầu gối của gã - Những Phật giáo đồ cuồng tín thường dùng máu mình vẽ hình Phật để làm vật cúng tế. Chẳng may gió mạnh thổi rách mất bức hình đó, gã bèn sai người vẽ bức khác.
Võ Hậu và nhà sư điên, người yêu của bà, đều quan niệm rằng dân chúng rất nhẹ dạ hay tin nhảm. Hai người tha hồ tưởng tượng ra những chuyện ly kỳ. Nhà sư điên đang sắp đặt một huyền thoại để biến Võ Hậu thành Phật Cười tái sinh. Sự lựa chọn vị phật này không căn cứ trên căn bản thần học mà dựa vào tánh cách phổ thông, mọi người đều biết tới. Phật Cười chính là vị Phật bụng phệ, hở rốn mà chúng ta thường thấy. Từng là hiện thân của hạnh phúc và sự hoan hỉ.
Trong những dịp gần gũi Võ Hậu, có thể gã sư hổ mang bất ngờ khám phá ra chân lý của vũ trụ, khi sự che đậy bên ngoài hoàn toàn bị trút bỏ. Gã được hân hạnh trông thấy chiếc bụng phệ hở rốn của Võ Hậu. Qua sự méo mó nghề nghiệp, gã tưởng tượng ra Võ Hậu là vị Phật Cười, và gã đã thực sự quỳ gối để chiêm ngưỡng chiếc bụng phệ trong khi Phật đang mỉm cười.
Sau đó gã sư hổ mang sai mười tên sư khác soạn một tập truyện thần thoại mang nhan đề "Đại Vân Kinh" -- Kinh đám mây lớn - trong đó kể rằng Phật Cười đã đầu thai làm Võ Hậu để xuống trần gian cứu nhân độ thế.
Về sau chuyện này được chính thức phổ biến bằng sắc chỉ.
Say mê với những giấc mộng huy hoàng tưởng chừng sắp bay bỗng lên không trung. Võ Hậu còn muốn tiến xa hơn nữa. Theo lời khuyên của Hoài Nghĩa và Thừa Tự, bà quyết định xưng làm Thánh Mẫu, Thánh Hoàng cho có vẻ hợp với khung cảnh hiện tại Chữ Hoàng trong danh hiệu nãy muốn biến là Hoàng hậu cũng được, muốn hiểu là Hoàng đế cũng được. Võ Hậu muốn mọi người hiểu theo cách thứ hai hơn vì chức vị Hoàng đế đối với bà không còn xa lạ mấy.
Riêng danh từ Thánh Mẫu để chỉ một vị nữ thánh là danh từ quan trọng hơn.
Võ Hậu buông thả óc tưởng tượng của mình đến độ chót. Bà sung sướng và, hơn thế nữa, hứng khởi. Máu ngông của nhà sư điên chưa chắc đã hơn bà. Người ta chọn chó, mèo hay chim để ngồi làm cảnh, nhưng nếu là Võ Hậu bà sẽ chọn cá voi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.