Trên đời này luôn có những kẻ biết tranh thủ thời cơ, nhất là khi mùa màng thất thu, những kẻ dòm ngó Đại Hưng lại chưa bao giờ là ít. Hôm nay khi thượng triều, Thượng Thư Binh Bộ trình lên một cuốn sổ con. Thanh âm hồn hậu như trống trận biên cương vang lên giữ đại điện "Biên cảnh phía tây giáp cùng Mục Đô quốc cấp báo về! Thành trì biên quan của đối phương đang tập hợp binh lực, có dấu hiệu khai chiến!" Gần trăm năm nay Đại Hưng thống trị chư hầu, quốc thái dân an. Nhưng kẻ dã tâm trước giờ không thiếu, nhất là khi Đại Hưng đang đứng trước thiên tai khó tránh. Mục Đô là một nước mạnh chỉ sau Đại Hưng, trăm năm trước chiến bại dưới Thái Tổ Hoàng Đế - Bình Hưng Đế, từ đó về sau an phận thủ thường. Hiện tại quốc lực đối phương khôi phục, lại được thiên thời địa lợi trợ trận, không khai chiến thì thật uổng phí một mảnh dã tâm. Chỉ là thái bình đã lâu, sống an nhàn đã quen. Vừa nghe đến sắp phải khai chiến thì đám quan văn đều nháo nhào cả lên. Đã nhiều năm bọn họ không chiến đấu, sĩ khí sớm đã sụt giảm, lại nói nếu chiến tranh diễn ra thì quân lương là không thể thiếu. Vậy nhưng Thượng Thư Binh Bộ không cho bọn họ thời gian tiếp nhận thực tại là chiến tranh sắp phải diễn ra, lão tướng râu tóc đã hai màu tiếp tục trình tấu. "Bệ hạ, không chỉ Mục Đô quốc, ngay cả Thái Nguyệt quốc tiếp giáp với vùng biên cảnh phía nam cũng đã có động thái." Tin trước làm lòng người lo lắng, tin sau lại như giọt nước rơi vào chảo dầu sôi. Chu Hưng Đế nhìn triều thần trên dưới rối loạn, trong lồng ngực ứ nghẹn một hơi khó phát tiết. Cuối cùng ánh mắt hoàng thượng dừng trên người Thừa Tướng, nói "Trước tình thế nguy cấp hiện nay, không biết Thừa Tướng có diệu kế gì không?" Cố Khâm từ lúc bắt đầu vào thượng triều vẫn luôn giữ im lặng, mặc cho những quan viên khác có tranh cãi đến sứt đầu mẻ trán hắn cũng không lên tiếng. Lúc này khi Chu Hưng Đế hỏi đến, hắn mới trậm rãi lên tiếng, thanh âm bằng phẳng không mang bất cứ cảm xúc nào. "Bẩm bệ hạ, Thái Nguyệt quốc chủ sự vẫn luôn là nữ làm đầu, sức chiến đấu yếu, có thể hòa giải. Còn về Mục Đô, nên đánh." Khi Cố Khâm lên tiếng thì những quan viên khác đều im lặng lắng nghe sáng ý của đối phương. Câu đầu bọn họ có thể lý giải, chỉ là đến câu sau tránh không khỏi có những quan viên phản đối kịch liệt. Nhất là người Hộ Bộ, chuyện nạn dân đã thương tổn đến quốc khố rất nhiều, nếu giờ lại chiến tranh thì thật sự là làm khổ bọn họ. Thượng Thư Hộ Bộ lập tức đứng ra phản bác "Ý của Thừa Tướng là sao!? Ngài phải hiểu tình hình hiện nay rằng chúng ta đang trong tình trạng vụ mùa thất bát, nếu giao tranh sẽ cần có một lương người và của lớn. Đến lúc đó ruộng đất không ai trồng, lương thực nuôi quân tiêu hao không điểm dừng. Đó mới là tổn thất lớn!" Hết vị này lại có vị khác đứng ra tiếp lời "Bệ hạ, nếu Thái Nguyệt quốc có thể hòa đàm thì sao Mục Đô quốc lại không thể! Thần kiến nghị nên lấy lễ làm đầu!" "Đúng thế thưa bệ hạ! Nếu giao tranh thì dù có chiến thắng thì quốc lực vẫn sẽ bị ảnh hưởng, dù là thế nào đều không phải việc tốt!" Nhưng trái ý với bọn họ là Binh Bộ, ngoài những trận nhỏ với man tộc ra thì đã rất nhiều năm rồi không có trận đánh lớn nào. Luyện binh nhiều năm nhưng lại không có đất dụng võ, sớm hay muộn bọn họ cũng nản lòng thoái trí. Quan võ trước nay nói ít làm nhiều, Thượng Thư Binh Bộ đại diện cho toàn bộ võ tướng mà quỳ xuống xin lệnh "Bệ hạ, như Thừa Tướng đã nói. Trận này với Mục Đô quốc là phải đánh! Nếu hòa đàm thì chúng ta có khác gì kẻ yếu đâu! Thần xin được xuất binh, đoạt lấy thắng lợi vinh quang cho Đại Hưng!" Ở trên vương tọa, Chu Hưng Đế phải phân vân giữa hai quyết định, đánh hay không đánh. Thế nhưng là một quân chủ, Chu Hưng Đế vẫn muốn chủ hòa. Tình hình hiện nay của Đại Hưng không tốt, lại nhiều năm thái bình đã an nhàn quen. Nếu bây giờ có giao tranh, bọn họ liệu có thể thắng sao. Điều đó không thể xác định được. Vậy nên hắn ta quyết định. "Theo trẫm thấy vẫn là hòa đàm sẽ tốt hơn. Nếu có thể không dụng binh vào lúc này thì vẫn là không nên." Chu Hưng Đế lên tiếng giữa nháo loạn của hai phải chủ chiến và chủ hòa. Quan văn nghe thấy quyết định này của hoàng thượng thì vui mừng, thậm chí còn bàn nhau nên đưa ai đi nghị hòa. Nhưng võ tướng lại có bất mãn, bọn họ lớn lên trong binh thư, hiểu rõ tiến lui ra sao. Nếu hiện tại Đại Hưng hòa đàm thì chẳng khác nào đang tỏ ra yếu thế, như vậy không khác nào càng thêm kích thích dã tâm của quân địch. Mắt nhìn một đám quan văn nhu nhược lại ngu muội, cũng chỉ có Thừa Tướng tâm sáng như gương mà thôi. Ý của hoàng thượng đã quyết, muốn thay đổi là không thể. Đến khi hạ triều, Thượng Thư Binh Bộ tiến lại gần Cố Khâm. Bàn tay dày rộng vỗ lên vai hắn, thở dài đầy tiếc nuối "Ý của Thừa Tướng chúng ta đều hiểu rõ. Vậy nhưng lại không thể thức tỉnh nổi đám ngu xuẩn kia được." Cố Khâm khẽ lắc đầu đáp "Giao tranh chỉ là sớm hay muộn thôi. Đến lúc đó vẫn phải nhờ vào Triệu Nguyên Soái dẫn binh xuất trận."