Tuhfa - vallennox

Chương 1: Trang 1 - 4




Tiếp theo tôi sẽ dùng ngôn ngữ của cậu để viết, bởi vì ngôn ngữ của tôi thiếu từ vựng. Không phải kiểu thiếu mà người ngoài đảo tưởng tượng, ngôn ngữ của tôi có mười bốn bộ từ khác nhau, dùng để miêu tả những cơn sóng khác nhau, nhưng khi nói về con người thì sẽ không có nhiều bộ từ phù hợp. Vì vậy, để thuận tiện, chỉ vì thuận tiện thôi nên tạm thời tôi sẽ mượn ngôn ngữ của cậu. Không phải vì sợ hãi, và chắc chắn cũng không phải vì nịnh nọt. Đôi khi người ta phải từ bỏ sự tao nhã để đổi lấy sự chính xác. Tiếng mẹ đẻ của tôi bị ám ảnh bởi mười bốn con sóng, sáu trận động đất, bốn cơn mưa và vô số thuật ngữ hàng hải, cũng như núi lửa và trên hết là núi lửa, thật dễ hiểu tại sao chúng tôi lại bỏ qua những thứ còn lại.
Hôm nay tôi lại đi ngắm núi lửa, từ xa. Khói vẫn chưa tan, bình minh thoạt nhìn như bóng hoàng hôn nhuốm màu loang lổ, từ bến tàu có thể cảm nhận được những rung động dưới nước. Tôi nằm xuống đất, áp tai phải xuống, cố gắng hết sức để từng tấc da chạm vào cát, nhắm mắt lại lắng nghe bài hát sâu lắng của núi lửa. Những hòn đảo mới đang được hình thành, và có thể trong hai mươi hay ba mươi năm nữa, những con người mới sẽ lái những con tàu mới đến đó rồi đốt lên những đống lửa mới. “Lửa trại mới”, đây là một khởi đầu tốt đẹp, tốt hơn bất cứ điều gì tôi nghĩ ra trong vài ngày qua. Tôi không biết bắt đầu từ đâu với một câu chuyện. Những câu chuyện của người ngoài đảo thường quen bắt đầu bằng tên của nhân vật chính, nhưng nếu bắt đầu bằng tên trước, chúng ta sẽ buộc phải nhảy đến giữa câu chuyện thay vì bắt đầu.
Lần đầu gặp nhau, cậu đã cười nhạo tên tôi, hay đúng hơn là cậu cười vì tôi không có tên. Vào đêm đầu tiên của mùa buôn bán, bên cạnh đống lửa khổng lồ ở bến cảng, tôi là đứa trẻ duy nhất đến từ Icahn, tôi là người Icahn đầu tiên mà cậu nói chuyện, và cậu có thể được tha thứ cho sự thiếu hiểu biết của mình. Cậu không biết rằng trẻ em trên đảo không có tên, chỉ có đại từ. Người ngoài đảo đặt tên cho trẻ sơ sinh một cách bất cẩn, bất kể chúng có sống sót hay không hoặc có phù hợp với cái tên đó hay không, điều này thật không hợp lí và không công bằng, đây không phải là phong tục của hòn đảo.
Trước khi tôi có tên riêng, mẹ Pucia đã gọi tôi là “Cá Nhồng bé nhỏ” – hơi khó phát âm trong ngôn ngữ của cậu, nhưng trong ngôn ngữ của hòn đảo thì “Cá Nhồng” chỉ có hai âm tiết nên nó là một đại từ rất phổ biến dành cho trẻ em, cùng vần điệu với nó còn có “Cá Ngựa”, “Gỗ Lũa”(1) và “San Hô”. Trên đảo, cậu có thể thử đứng ở quảng trường dưới chân núi lửa và hét tên bất kỳ loài cá nước mặn nào, và ít nhất năm hoặc sáu đứa trẻ sẽ đáp lại.
(1) Gỗ lũa: phần lõi cứng còn sót lại của các cây gỗ sau khi chết, sau quá trình chịu tác động bào mòn của thiên nhiên.
Các bà mẹ khác đều chấp nhận biệt danh do mẹ Pucia đặt cho tôi vì mẹ Pucia chính là người đã sinh ra tôi. Theo phong tục, trước khi người ta lấy tên, mẹ bầu nên chọn một đại từ. Tôi xuất thân từ một gia đình nhỏ, tổng cộng chỉ có bốn người mẹ và ba người cha, cha tôi Lira và tôi trông giống nhau nhất, nhưng người thân thiết nhất với tôi là cha Cormoran. Các bà mẹ đã sớm quyết định rằng chú cá nhồng nhỏ sẽ trở thành thương nhân mới trên biển, bởi vì họ cảm nhận được rằng chú cá lớn hơn đã trở nên bất động và có thể về với núi lửa bất cứ lúc nào. Họ đã đúng, vị thương nhân già hoạt động trên đường biển đã trụ vững thêm hai mùa đông nữa và qua đời trước khi biển được thông thương trở lại. Trước khi chết, không biết tại sao ông ấy lại bò ra khỏi cabin, có lẽ muốn gọi người ở ruộng mía gần đó, tóm lại, rất nhanh đã có người phát hiện ra thi thể của ông, nằm ở ngưỡng cửa, một tay duỗi thẳng về phía trước, đã cứng ngắc rồi. Các linh mục vội vã chạy tới, mang theo vải tang, bọc thi thể rồi đẩy người đã khuất xuống miệng núi lửa. Những gì núi lửa tạo ra luôn quay trở về với núi lửa.
Đương nhiên, cha Cormoran đã tiếp quản đội tàu buôn, và ông vốn là thuyền phó – theo ngôn ngữ của tôi, “thuyền phó” có nghĩa đen là “người gọi cá voi”, có lẽ liên quan đến việc các thủy thủ đầu tiên thuần hóa cá voi để kéo tàu. Mùa buôn bán tiếp theo, tôi theo cha Cormoran lên tàu, điều này không phù hợp với lẽ thường nhưng cũng không làm trái quy định, hạm đội chưa bao giờ quy định trẻ em không được phép lên tàu, bởi vì chưa từng có ai có ý tưởng như vậy. Có người lén hỏi linh mục rằng người chưa có tên có mang lại xui xẻo cho cuộc hành trình hay không, có thể linh mục nói “không”, có thể linh mục không biết, hoặc có thể người ta không muốn xúc phạm người mới. Tóm lại, tôi trên tàu buôn chỉ mới mười ba tuổi, mang theo một túi vải đựng những viên đường thô, một bàn cờ gấp lại, tất nhiên là cả những quân cờ, vài miếng cá muối và một miếng nhỏ màu nâu sẫm – pha lê núi lửa.
Bàn cờ là một trách nhiệm. Các mẹ nhìn tôi đóng gói đồ đạc nhưng không đưa ra một lời khuyên nào, có lẽ đang đợi tôi tự mình tìm hiểu. Tôi nghĩ đây là trò chơi thú vị nhất trên thế giới nhưng không ai trên tàu muốn chơi với tôi. Thực ra chị tôi cũng có mặt trên tàu, nhưng chị ấy là một thủy thủ, và sau chuyến đi này chị ấy đã có thể tạo dựng được tên tuổi cho mình. Chị không có thời gian cũng như không có ý định nói chuyện với em trai cá nhỏ của mình. Tôi ở trong cabin thuyền trưởng cả ngày, thi đấu với chính mình. Nếu cha và thuyền phó của ông vào xem bản đồ, tôi sẽ lên boong nhìn ra biển, nhìn ngọn núi lửa lớn nhất, nó đứng trong làn nước xanh thẫm, vẫn còn cách rất xa tàu buôn, nhưng cái bóng của nó đã bao phủ mặt biển và chạm vào cánh buồm của chúng tôi. Vào một đêm rất yên tĩnh, bạn có thể nghe thấy tiếng nói trong giấc ngủ của núi lửa, phát ra từ sâu dưới đáy đại dương, khiến hộp sọ của bạn và các tấm ván thân tàu run lên và rung chuyển.
Giữa cuộc hành trình, con tàu đến nơi gần ngọn núi lửa nhất, hoàn toàn bị bóng của nó bao phủ. Vào lúc chạng vạng, mọi người bước ra khỏi boong, mang theo những mảnh pha lê núi lửa nhỏ. Cha Cormoran cầu nguyện cho mọi người và là người đầu tiên ném mảnh pha lê của mình xuống biển. Những người khác làm theo, hàng chục mảnh màu nâu đen mịn màng bay về phía làn nước đỏ như máu – một nửa là màu của hoàng hôn, một nửa không, một vùng biển rải rác những miệng núi lửa nơi magma đập như những mạch máu lộ ra. Tôi đọc thầm một lời cầu nguyện và ném thật mạnh mảnh pha lê núi lửa của mình để núi lửa nhận ra chúng tôi và con thuyền của chúng tôi, bảo vệ chúng tôi đi qua an toàn.
Có lẽ những mảnh pha lê thực sự có tác dụng. Chúng tôi đến Đảo Lớn sớm hơn nửa ngày so với dự kiến, mọi người đều rất vui vẻ vì lễ kỷ niệm ở cảng vẫn chưa kết thúc, đống lửa vừa được đốt lên và ngọn lửa vẫn chưa chạm đến những khúc gỗ trên cùng. Cha Cormoran mua cho tôi và chị gái tôi mỗi người hai con cá nướng bọc lá chuối. Tôi chưa từng nhìn thấy loại cá này bao giờ nhưng không vì thế mà tôi mê ngay hương vị của nó, lớp da giòn và nhân thịt cay cay bên trong bụng cá làm bỏng lưỡi. Ăn xong, tôi ngồi trên một tảng đá và liếm chỗ muối và dầu mỡ còn sót lại trên lá chuối. Chị gái tôi muốn đi uống rượu, nhưng cha cấm chị ấy đi một mình, hai người lặng lẽ tranh luận một lúc, cha Cormoran quay đầu lại liếc nhìn đống lửa đang ngày càng sáng hơn trong ánh hoàng hôn, rồi nhìn tôi.
“Con có thể tự mình tìm được chiếc thuyền không, cá nhỏ?”
Tôi trả lời rằng tôi có thể tìm thấy nó.
“Trở về thuyền, cha dẫn San Hô đi mua chút rượu rồi sẽ quay lại ngay.”
“Con cũng muốn đi.”
“Không.” Cha và chị gái tôi nói cùng một lúc.
Thế là trời tối, tôi một mình bước đi trên con phố đông đúc dẫn ra bến cảng, lưỡi và vòm miệng đau nhức vì cá nướng nóng rát. Tất cả các ngọn đuốc bên đường đều được thắp sáng, đám người nhảy múa xô đẩy nhau, có người hất đổ ngọn đuốc, than đang cháy lăn xuống đất, người ta la hét, chửi bới rồi cười lớn. Đột nhiên có ai đó nắm lấy vai tôi, đó là một người đàn ông trông giống thủy thủ, anh ta hét vào mặt tôi nhưng tôi không hiểu gì. Anh buông ra và lại nói, chậm rãi hơn, nhưng tôi sợ đến mức quay người lao vào con hẻm hẹp giữa các ngôi nhà, lao về phía trước hết sức mà không chú ý đến phương hướng. Tiếng trống, tiếng bước chân và tiếng ồn ào của đám đông nhảy múa nhanh chóng biến mất. Khi tôi hụt hơi chạy ra khỏi bóng tối, đống lửa trại chợt hiện ra trước mắt, giống như một ngọn núi lửa nhỏ, hơi nóng dâng trào, tiếng gỗ kêu răng rắc rất lớn, giống như tiếng mười chiếc rìu ngẫu nhiên đập vào một phiến đá. Ở đây cũng có người đang nhảy múa, ngọn lửa và bóng tối nhảy múa cùng nhau khiến số người dường như đông gấp đôi.
Đây là một kiểu nhảy khác với kiểu nhảy trên đường phố, tôi phát hiện ra điều đó sau khi lén xem một lúc. Những người xung quanh đống lửa trại trông cũng tầm tuổi tôi, nhiều nhất cũng chỉ lớn hơn hai ba tuổi, cả trai lẫn gái, đều cầm giáo, mũi giáo lóe lên, khi chạm vào nhau sẽ phát ra tiếng kêu leng keng. Mỗi khi trống thay đổi nhịp, họ sẽ ném ngọn giáo của mình cho bạn nhảy. Cậu ở ngay đó, không thể không nhìn thấy, chàng trai cao nhất không mặc áo, ngực và cánh tay đẫm mồ hôi, trông như một lớp dầu dưới ánh lửa. Tôi có thể nhìn thấy hình xăm trên vai cậu và ánh sáng đáng sợ của ngọn giáo khi nó quay. Tôi chưa bao giờ nói cho cậu biết lý do tại sao tôi lại có mặt ở nơi đốt lửa trại đêm đó, tôi luôn giải thích đó “chỉ là trùng hợp thôi” vì nó không phải là nói dối. Nhưng câu trả lời trung thực hơn là thế này: cậu nổi bật vì ngọn lửa, vũ khí, màn đêm hay bất cứ thứ gì. Tôi muốn đến gần hơn, tôi muốn nhìn rõ hơn.
Nhìn xem, tôi đã đưa ra một quyết định sáng suốt ngay từ đầu. Nói sự thật bằng ngôn ngữ của người khác sẽ dễ dàng hơn.
Sau đó, cậu gần như đã giết tôi.
Đó là sự thật, không phải là một lời buộc tội. Cậu không làm gì sai cả, cậu nhìn thấy tôi, chúng ta nhìn nhau một lúc và cậu nhận thấy cậu bé kỳ lạ này không có cây giáo trong tay nên cậu quyết định ném cây giáo của mình cho tôi. Trong trí tưởng tượng của cậu, tôi sẽ dễ dàng cầm lấy vũ khí và tham gia điệu nhảy. Nhưng tôi quá sợ hãi, rụt cổ lại, bước sang một bên, may thay, nếu không ngọn giáo có thể đã xuyên qua mạng sườn của tôi và ghim tôi xuống cát. Mũi giáo sượt qua bắp tay của tôi nhanh và sắc bén đến mức tôi thậm chí không cảm thấy đau đớn. Ngọn giáo cắm sâu vào cát và đứng đó bất động.
Máu chảy xuống cánh tay tôi, mọi người xung quanh đều dừng lại, nhìn tôi rồi quay lại nhìn cậu. Cậu chạy tới, rút ngọn giáo của mình ra và kéo tôi ra khỏi đám đông đang nhảy múa. Tiếng trống lại vang lên, một chàng trai khác lấp đầy khoảng trống mà cậu để lại, bóng tối lại rung chuyển, hàng chục ngọn giáo lại chém vào nhau một cách gọn gàng.
Bàn tay trái của tôi chảy nhiều máu hơn tôi tưởng. Cơn đau trở nên sắc bén như mũi giáo, cậu ném ngọn giáo xuống đất, lấy một mảnh quần áo trong đống quần áo ném trên đá, xé nó thành dải hai hoặc ba lần và buộc chặt vết thương của tôi. Cơn đau càng tăng, tôi hét lên, cậu vỗ nhẹ vào lưng tôi và nói tiếp. Ngôn ngữ của chúng ta không cách xa nhau đến thế, nhưng chúng cũng không giống như những người ủng hộ chủ nghĩa bành trướng tuyên bố, và tôi sẽ để cậu tiếp tục cho đến khi tôi nghĩ cậu hẳn đã nhận thấy rằng dù sao thì tôi cũng không hiểu, sau đó tôi thừa nhận rằng tôi không hiểu.
“À.” Cậu nói, tôi tưởng cậu sẽ bỏ đi hoặc tìm người bán hàng tới, nhưng cậu vừa thay đổi sang ngôn ngữ của tôi. “Đáng lẽ cậu nên nói với mình sớm hơn.”
Nhưng tôi không biết cậu có nói được ngôn ngữ của tôi không, tôi không có sự tự tin đó. Cậu có thể khá chắc chắn rằng sớm hay muộn thì những người khác cũng sẽ thông thạo ngôn ngữ của cậu, vì nó không chỉ là ngôn ngữ chung trong thương mại mà còn là ngôn ngữ của hợp đồng và luật pháp, của thơ ca và nghệ thuật nấu chảy, của lịch sử và giá cả hàng ngày. Các thuyền trưởng dùng nó để cãi vã và các nhà lãnh đạo tôn giáo dùng nó để thuyết giáo. Còn với chúng tôi, hòn đảo nhỏ bên kia núi lửa, chúng tôi luôn ngạc nhiên mỗi khi có người ngoài đảo nói tiếng mẹ đẻ của mình.
Tôi bày tỏ sự ngạc nhiên tương tự. Cậu trông có vẻ tự mãn và nói với tôi rằng cha cậu là một trong những đại biểu của Hội đồng Thương mại Đảo Lớn, rằng cậu có thể nói tiếng địa phương của bốn hòn đảo thương mại lớn và rằng cậu đã đọc “Biên niên sử về những ngọn núi lửa” của chúng tôi. Bản thân tôi chưa đọc nên cố tình không theo dõi chủ đề. Tôi đoán cậu đã quá quen với việc nhận được những lời khen ngợi nên cậu hơi thất vọng khi tôi không thể hiện sự ngưỡng mộ ngay lập tức.
Bên đống lửa đằng kia, các thanh niên nam nữ hét lên “Ho!” và ném giáo vào tay nhau. Tôi lo lắng nhìn chằm chằm, sợ ai đó có thể bị đâm vào đầu, nhưng rõ ràng đêm đó tôi là người duy nhất không biết cách sử dụng vũ khí.
“Mình xin lỗi.” Cậu nói: “Tất nhiên là mình không có ý giết người.”
Tôi không nhớ rõ mình đã nói gì, có lẽ tôi chẳng nói gì cả, tôi chỉ cười. Cậu hỏi xem máu đã ngừng chảy chưa, rồi bắt đầu giải thích điệu nhảy trước mặt cậu, ai là người tham gia và tại sao họ lại cầm giáo. Tôi không nghe, tôi không quen với giọng nói của cậu, và tôi đang nhìn vào đôi mắt của cậu, đôi mắt đen, giống như những người thủy thủ mô tả, và mái tóc của cậu cũng cùng màu. Hình xăm trên vai cậu là một con chim hải âu, sau này, khi chúng ta gặp nhau lần thứ tư, ngực trái của cậu cũng sẽ được bao phủ bởi một hình xăm, một con cá nhồng, thứ mà cậu cho rằng “đương nhiên” là đại diện cho tôi.
Tôi thực sự hy vọng rằng cậu chỉ đang đùa.
Chúng tôi cùng nhau đi đến nơi tàu buôn neo đậu, tôi không mời cậu, cậu cũng không nói gì, cậu chỉ tự nhiên đứng dậy và đi bên cạnh tôi. Cậu nói tên mình, dùng ngọn giáo vẽ những dòng chữ giống như cây nho trên cát: “Tuhfa”, hai âm tiết, có nghĩa là món quà(2). Theo tôi, đó là một cái tên lạ, cậu cũng có quan điểm tương tự về tên của tôi, cậu nhiều lần hỏi tôi về “tên thật” của tôi, tôi đã giải thích hai lần nhưng cậu vẫn nghi ngờ và cho rằng tôi cố tình nói đùa.
(2) Trong tiếng Uzbek (ngôn ngữ chính thức của Uzbekistan), “Tuhfa” có nghĩa là món quà.
“Nhưng mình biết đội trưởng của các cậu, và ông ấy không dùng động vật làm tên.”
“Ông ấy không cần nữa, ông ấy đã trưởng thành rồi.”
“Mọi người có thực sự gọi cậu là ‘Cá Nhồng’ trên đảo của cậu không?”
“Thật mà.”
“Vậy tương lai cậu định đặt cho mình cái tên gì?”
Tôi không biết, thực sự. Nó phụ thuộc vào những gì cậu đã làm để thuyết phục linh mục rằng cậu đã trưởng thành. Có những người đi biển giống như chị tôi. Có những người làm việc suốt cả mùa hè, như bố Lira. Hay như mẹ tôi Noor, người quản lý bộ sưu tập sách cho các linh mục nhờ trí nhớ tuyệt vời của bà. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch của mẹ, có lẽ tôi sẽ chọn “Meilanbao”, nghĩa là “cuộc hành trình”. Hay “Panleripan” – “người đàn ông đi dạo cùng cá heo.” Nếu mọi việc thực sự diễn ra theo đúng kế hoạch của mẹ thì có lẽ tôi và cậu đều sẽ hạnh phúc hơn. Tôi không cần phải ngồi đây và viết tất cả những điều này ngay bây giờ. Tôi dùng loại mực rất tốt, quá tốt đối với tôi, tôi không nhớ tên chính thức, là loại thường được bán trong những chai bạc nhỏ ở chợ, có nguồn gốc từ những loài côn trùng có vỏ cứng sống trong tro núi lửa. Hàng năm sẽ có hai hoặc ba người chết trong khi thu thập nguyên liệu thô, vì vậy trong một số ngôn ngữ của vùng biển phía Nam, nó được gọi là “mực máu”, nhưng chúng tôi thường gọi nó là “mực côn trùng”. Các linh mục dùng nó để ghi chép vì mực của côn trùng không bao giờ phai. Nếu họ biết tôi đang viết gì bằng loại mực này, có lẽ họ sẽ tống tôi lên ca nô, tước đoạt nước ngọt của tôi và đày tôi ra biển khơi. Nhưng sẽ không có ai truy lùng tôi chỉ vì tôi đã lãng phí bao nhiêu mực đắt tiền, và có lẽ cũng sẽ không ai đọc được những gì tôi viết. Tôi có thể viết bất cứ điều gì tôi muốn. Trong tủ có những lọ mực côn trùng, đủ để viết nên cuộc đời của cả trăm người. May mắn thay, tôi không muốn viết về một trăm người, tôi chỉ muốn viết về cậu, Tuhfa. Hãy kiểm nghiệm xem loại mực này có xứng với danh tiếng của mình và tồn tại lâu hơn cả những kí ức hay không

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.