Tưởng Đại Nương - Thi Thi Đại Xọa Nữu

Chương 1:





Ta vẫn còn nhớ rõ, cái ngày phụ thân và mẫu thân ta bỏ đi là một ngày nắng đẹp.

Mặt trời lơ lửng trên cao, ánh nắng nhàn nhạt chiếu xuống, còn ta chỉ dám co ro trong góc tường tối tăm, chẳng khác nào con chuột bị người đời khinh rẻ.

Ta đói lắm, không chịu nổi nữa, cứ thế mà bước chân ra khỏi cửa nhà lúc nào chẳng hay.

Ta tới chợ, lén lút nhìn người phụ nữ sau quầy bán thịt heo.

Trước đây, ta và mẫu thân thường hay đến đó lén nhìn bà.

Bà họ Tưởng, không con không cái, người trong chợ ai cũng gọi bà là Tưởng đại tẩu, nhưng sau lưng thì lại bảo bà là Tưởng đại trùng*.

(*)Thường chỉ người hung dữ, thô lỗ, cộc cằn.

Bà chính là chính thê của phụ thân ta, còn phụ thân thì ở rể trong nhà bà.

Mẫu thân ta là người phụ thân lén lút qua lại bên ngoài.

Kỳ thực, ngay cả danh phận ngoại thất cũng không có, bởi phụ thân ta là con rể đến nhà vợ ở rể, nào có tư cách mà lấy ngoại thất.

Hai người họ lén tư tình với nhau, rồi sinh ra ta, sau đó là đệ đệ.

Mẫu thân thường dẫn ta đi theo phụ thân, đứng nhìn phụ thân đến tìm bà ấy đòi tiền.

Phụ thân ta là một Tú tài, trông yếu ớt như con gà con trước mặt bà, vậy mà lần nào cũng đòi được tiền.

Người trong chợ thường bảo bà là kẻ ngốc, một người vừa cứng nhắc vừa thô lỗ mà lại đi yêu Tú tài.

Bình thường bà hung hăng như con hổ cái, nhưng đứng trước phụ thân, bà lại chẳng có một chút khí thế nào.

Giờ đây, trượng phu thì đã cùng nhân tình bỏ trốn, bà lại càng không ngẩng đầu lên được.

Ta ngồi xổm cách quầy thịt của bà ba trượng, từ từ nhích lại gần hơn.

“Phụ thân ngươi không phải đã bỏ trốn rồi sao? Sao ngươi còn ở đây?” Người trong chợ nhìn cảnh vui, buông lời trêu chọc ta.

Ta chẳng nói gì, tiếp tục nhích dần đến gần quầy thịt của bà.

Ban đầu bà trừng mắt nhìn ta đầy hung dữ, ta cúi đầu không dám nhìn lại.

Sau đó, bà coi ta như không khí, chẳng thèm để ý tới nữa.

Đôi khi bà cân nhầm tiền thịt, ta lên tiếng nhắc nhở, bà cũng chẳng bận tâm.

Bà luôn giữ khuôn mặt lạnh tanh, tay cầm d.a.o lọc xương, không ngừng lọc từng miếng thịt.

Hôm đó, có một con c.h.ó ghẻ chạy tới, ngoạm lấy khúc xương rồi lao đi.

Không biết tại sao ta lại phát điên lên, hét to một tiếng rồi lao tới, đánh nhau với con c.h.ó.

Người trong chợ trố mắt ngạc nhiên, rồi bật cười ha hả khi nhận ra sự việc.

Bà nhíu đôi mày rậm lại, chửi một tiếng: “Cút!”

Ta lang thang trên phố không mục đích, nhìn thấy bao nhiêu đứa trẻ ăn mày cùng lứa với ta, không nhà không cửa, vô gia cư.

Nghe nói phía trước đang có chiến tranh, chẳng bao lâu nữa sẽ đánh đến chỗ chúng ta, vì thế nhiều người đã bỏ chạy.

Nhà nào con cái đông đúc, chúng trở thành gánh nặng.

Gánh nặng thì phải vứt bỏ.

Ta đói cồn cào, nhưng vẫn không động vào khúc xương mà ta giành được.

Sáng sớm hôm sau, khi trời còn chưa sáng rõ, ta đặt khúc xương lên thớt của bà.

Vương tam nương bán đậu phụ bên cạnh dậy từ rất sớm, thấy vậy cũng không khỏi tặc lưỡi ngạc nhiên: “Con bé này sao chẳng giống phụ thân nó chút nào.”

Chẳng mấy chốc, đã thấy bà ấy vác nửa tảng thịt heo, tay cầm d.a.o lọc xương đi tới.

Ta có chút lo lắng, ánh mắt bà ấy dường như lướt qua khúc xương trên thớt, nhưng cũng chẳng để tâm.

Suốt ngày hôm đó, bà ấy tiếp tục lọc thịt, cân thịt, bán thịt, đếm tiền... Còn khúc xương kia nằm yên đó, như một mảnh rác nhỏ bị lãng quên.

Ta cúi đầu, ngày càng thấp hơn.

Đến khi chiều muộn, bà ấy đã bán hết thịt. Trước khi rời đi, bà lạnh lùng nhặt khúc xương lên, ném vào giỏ.

Ta lập tức ngẩng cao đầu, dõi theo bóng lưng như tháp sắt của bà dần xa, rồi “vút” một cái chạy thẳng ra ngoài chợ.

Ở đó có một quán mì.

Ta đứng bên, chờ đợi với ánh mắt như sói đói, lấp lánh tia hy vọng, chăm chú nhìn vào thùng đựng cặn nước mì bên cạnh.

Ta biết, trong đó là nước mì thừa của những người đến ăn vào ban ngày, nếu may mắn, có thể sẽ còn sót lại vài sợi mì.

Ta cũng biết, chỉ đến khi chủ quán dọn hàng, ta mới dám đến gần thùng nước đó, vì không thể quấy rầy việc kinh doanh của họ.

Ta uống một bát nước mì, nhấp từng giọt dầu nhỏ trong đó, ngon lành biết bao.

Sau đó, ta đi ra sông, rửa sạch sẽ cái thùng cặn, mang trả cho chủ quán.

Chủ quán cũng chẳng giàu có gì, quán mì nhỏ bé đó phải nuôi sống năm miệng ăn trong nhà.

Nhưng ông đã dặn người nhà sau này đừng ném giẻ lau bàn bẩn vào thùng cặn nữa.

Đó là chút thiện ý nhỏ nhoi ông dành cho ta, một đứa bé năm tuổi.

Đáng tiếc, ta không hưởng được thiện ý ấy bao lâu, thùng nước mì thừa đó đã bị mấy đứa trẻ ăn mày để mắt tới.

Chúng giành giật với ta, đẩy ta ngã nhào xuống đất.

Ta chỉ mới năm tuổi, dáng người không cao, sức lực không bằng bọn chúng, chỉ có thể trơ mắt nhìn chúng chia nhau thùng nước mì.

Chúng còn giơ nắm đ.ấ.m đe dọa, không cho ta xuất hiện nữa.


Khắp người ta bầm tím, đau đớn vô cùng.

Nhưng dù đau đến mấy cũng không thể thắng được cơn đói hành hạ, đêm về nằm trong căn nhà rách nát, bốn bề gió lùa lạnh lẽo, ta kéo một sợi rơm từ mái nhà rủ xuống, nhét vào miệng nhai.

Không ngờ lại có vị ngọt.

Ban ngày, ta vẫn thường đến xem bà ấy bán thịt.

Khi còn nhỏ, ta không hiểu tại sao mình lại cố chấp đi một quãng đường dài như thế chỉ để đến đó.

Sau này ngẫm lại, có lẽ là vì hình ảnh vung d.a.o mổ lợn mạnh mẽ ấy của bà, khiến ta—một đứa trẻ cô đơn—không còn cảm thấy sợ hãi thế gian rộng lớn này nữa.

Bà luôn phớt lờ ta, còn những người xung quanh thì chỉ trỏ, nhưng chẳng ai muốn gần gũi với một đứa trẻ gầy còm như ta.

Họ cũng sợ ta bám lấy họ.

Thời buổi này, ai cũng khó khăn, thêm một miệng ăn chẳng phải chuyện nhỏ.

Ta nhặt lên một cành cây, theo phản xạ bỏ vào miệng muốn nhai, nhưng không cắn nổi.

Thế là ta dùng nó để vạch chữ trên mặt đất.

Thực ra ta còn biết tính toán, đó là điều phụ thân dạy cho ta khi ông vui vẻ. Ta học rất chăm chỉ.

Mỗi lần thấy ta viết chữ, ông lại cười và khen ta có năng khiếu.

Đệ đệ thì ngốc nghếch hơn, cũng chẳng thích học viết chữ.

Mỗi lần chỉ biết khóc lóc om sòm.

Nhưng khi phụ thân và mẫu thân bỏ đi, họ vẫn chỉ mang theo đệ đệ vừa ngốc vừa lười, chẳng nghe lời.

“Ồ, con bé này biết viết chữ đấy,” có người đi ngang qua ngạc nhiên thốt lên.

Lúc đó, ta thấy Tưởng đại nương khẽ ngước mắt nhìn về phía ta, thế là ta càng chăm chú viết hơn.

Điều đó còn thu hút một cô bé trạc tuổi ta lại xem. Đó là cháu gái của bà lão bán kẹo đường bên cạnh.

Cô bé ngồi xổm bên cạnh ta, vừa ăn kẹo đường vừa nhìn ta viết.

Cây kẹo đường trong tay cô bé ngọt lịm, toát ra mùi hương quyến rũ.

Ta nuốt nước bọt liên hồi.

Nếu được ăn một miếng, không, chỉ cần l.i.ế.m một cái thôi cũng đủ rồi.

Trước đây, mẫu thân cũng từng mua kẹo đường cho đệ đệ. Mỗi lần, ta đều nhặt những que kẹo mà đệ đệ bỏ đi, rồi tỉ mỉ l.i.ế.m từng chút vị ngọt còn sót lại trên đó.

Ngửi thấy mùi kẹo đường thơm ngọt, về nhà nhai rơm trên mái nhà, sao mà thấy khô khốc, nhai không nổi lại chẳng thể no bụng.

Ta lại chạy đến quán mì.

Tiếc thay, chủ quán đã dọn hàng, ta còn bị mấy đứa trẻ ăn mày phát hiện.

Chúng nói đây là địa bàn của chúng, nếu ta đến, sẽ bị đánh.

Lần này chúng đánh ta rất nặng.

Mặt trời ngả về phía Tây, ánh sáng yếu ớt phủ lên nhân gian, ta co quắp bất động trên con đường nhỏ.

Thân hình bé nhỏ, chẳng đáng chú ý.

Có lẽ lúc này, chỉ cần một cỗ xe ngựa vô tình đi qua, ta sẽ giống như một con mèo hoang bị cán chec.

Khi tia nắng cuối cùng gần tắt, một bóng dáng to lớn xuất hiện, ngược sáng bước tới từ đầu đường.

Bà không nói một lời, nhấc bổng ta lên, đưa về nhà.

Bà đút cho ta vài ngụm canh thịt, mùi thơm ngào ngạt, ta mở to mắt nhìn.

Ba ngày sau, ta đã có thể xuống giường.

Bà vẫn chẳng nói chuyện với ta, có lẽ bà không biết phải nói gì, hoặc cũng có thể bà vốn dĩ không phải là người thích nói chuyện. Khi mở miệng, bà toàn là chửi bới.

Nhưng cơm bà nấu, thật sự rất ngon!

Bà dùng mỡ heo rang gạo lứt vàng ươm, mềm dẻo, ta ăn đến mỡ chảy đầy miệng.

Bà còn nướng bánh, rồi xé thành từng miếng nhỏ, ngâm trong nước canh xương heo đậm đà, ta có thể ăn đầy một bát nhỏ.

Ta theo bà ra chợ bán thịt.

Ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ phía sau bà, mỗi khi có khách đến mua thịt, bà cân xong, ta liền nhanh nhẹn báo số lượng bạc cần trả.

Lúc đầu, bà còn không tin một đứa trẻ như ta biết tính toán, nhưng sau khi bà cẩn thận kiểm tra lại, phát hiện ta tính rất nhanh và chính xác.

Từ đó, ta giúp bà tính tiền.

Ngoài tính tiền, ta còn biết làm nhiều thứ khác.

Trời nóng, bà dựng tấm phên che nắng bằng trúc và vải bạt, ta ở bên giúp bà giữ cây trúc.

Ta cũng cầm một cây gậy, trên đó buộc một dải vải đỏ, mỗi ngày ta phất nó từ sáng đến tối để đuổi ruồi.

Có khi trời đổ mưa, mưa lớn ào ào!

May thay, nhờ có chút che chắn, bà kịp thời thu dọn hết thịt chưa bán xong, gói ghém lại.

Còn ta và bà thì bị ướt sũng như chuột lột.

Về nhà, bà nấu canh gừng, ta sợ cay không muốn uống, bà lớn tiếng quát mắng.

Nhưng rồi bà cũng quay lưng lại, lặng lẽ lấy một thìa nhỏ đường đỏ cho vào bát của ta.

Ta húp từng ngụm, cố tìm vị ngọt của đường trong hương cay nồng, chẳng biết chán.

Từng ngụm từng ngụm, cả bát canh gừng rồi cũng cạn.

Đêm đến, trời sấm chớp ầm ầm, ta ôm chăn, chạy sang phòng bà.

Bà ngủ rất say, ta nằm nép vào một góc giường, cẩn thận nằm xuống.

Bên ngoài mưa gió ầm ào, nhưng giữa tiếng ngáy đều đặn của bà, ta chẳng còn cảm thấy sợ hãi.

Rất nhanh, ta ngủ say sưa. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.