Uông Xưởng Công

Chương 339: Chương 339LO ÂU




Uông Ấn kể lại cuộc trò chuyện ở điện Tử Thần.
Cuối cùng, hắn thờ ơ kết luận: “Muốn có được thì trước tiên phải cho đi. Hoàng thượng để thái tử giám quốc tuyệt đối không phải là hành động thiếu suy nghĩ. Thái tử đã làm thái tử mười bảy năm, mặc dù không có kinh nghiệm xử lí việc triều chính nhưng cũng chưa từng đi quá giới hạn. Trước kia, hoàng thượng bất đồng ý kiến với thái tử vì chuyện của các gia tộc lớn, hiện tại lại để thái tử giám quốc, nếu thái tử lỡ để xảy ra việc gì thì sao?”
Muốn phế lập thái tử nhất định phải có nguyên do. Việc cho thái tử giám quốc không phải là điềm báo tốt lành gì. Khả năng lớn nhất chính là hoàng thượng đã có ý muốn phế thái tử. Những việc như giám quốc chẳng qua chỉ là bước đệm trước mà thôi.
Nghe xong, Diệp Tuy liền trầm lặng.
Uông Ấn giỏi đoán lòng đế vương, chỉ qua những lời nói đó mà đã đoán được tâm tư trong lòng của Vĩnh Chiêu Đế.
Nàng cho rằng Uông Ấn đoán không sai, nhưng…
Diệp Tuy trấn tĩnh lại rồi lên tiếng hỏi: “Nhưng tại sao hoàng thượng lại có ý muốn phế thái tử vào thời điểm này?”
Về sau, đúng là thái tử Trịnh Trọng bị phế thật, nhưng đó là chuyện của hơn mười năm nữa.
Bây giờ mới là năm Vĩnh Chiêu Đế thứ mười chín, chuyện bị đẩy lên sớm hơn quá nhiều.
Uông Ấn chắp hai tay sau lưng, vẻ mặt vẫn hết sức lãnh đạm, bình tĩnh trả lời: “Mặc dù hoàng thượng mừng giận khó đoán nhưng không bao giờ làm việc vô cớ. Có lẽ vào lúc chúng ta còn chưa hay biết thì hoàng thượng đã không thích thái tử rồi, bây giờ đã tích lũy đến một mức nhất định nên mới thể hiện ra.”
Bất cứ chuyện gì cũng đều không phải vừa xảy ra đã như vậy, thích hay ghét đều do bồi đắp dần dần.
Ý muốn phế bỏ thái tử của hoàng thượng cũng vậy.
Uông Ấn nhắm mắt rồi lại mở ra, hỏi: “Cô gái nhỏ, nàng còn nhớ sự rối ren của thế cục trong triều hồi đầu năm, chuyện của Triệu Tổ Thuần và Khúc Công Độ không?”
Hồi đầu năm, đại tướng quân của Nhạn Tây Vệ là Triệu Tổ Thuần gặp chuyện, để lại dòng chữ bằng máu nhắm vào Trung Thư Lệnh - Khúc Công Độ. Bởi vậy mà sau đó Khúc Công Độ đã bị bắt giam vào ngục, cuối cùng chuyện lại kết thúc bằng việc Triệu Tổ Thuần thông đồng với địch, Khúc Công Độ cáo lão hồi hương.
Qua những sự việc đó, hoàng thượng đã nắm chắc Nhạn Tây Vệ trong tay, đồng thời còn thu hồi được cả quyền lực của Trung Thư Tỉnh.
Lúc đó, tất cả mọi người đều suy đoán hành động của Vĩnh Chiêu Đế nhằm trải sẵn thế lực cho thái tử, nhưng Uông Ấn lại đoán rằng hoàng thượng làm thế để thu giữ tất cả quyền lực vào tay mình.
Đến nay, vị trí đại tướng quân của Nhạn Tây Vệ và Trung Thư Lệnh vẫn chưa được quyết định, càng khiến suy đoán của Uông Ấn thêm chắc chắn hơn.
Hoàng thượng sẽ không cho phép ai chia mỏng quyền lực đế vương của ông ta, cho dù là người kế vị đi chăng nữa.
Đúng vậy, người kế vị thể hiện việc thái tử có thể thừa kế quyền lực đế vương, địa vị này cũng đã cướp đi một phần quyền lực từ tay hoàng thượng.
“Nhưng… thái tử là con trai của hoàng thượng, quốc gia không thể không có người kế vị, sao hoàng thượng lại…” Nói đến đây, giọng Diệp Tuy dần nhỏ đi.
Cho dù nàng đã sống tới kiếp thứ hai, đã hiểu rất rõ về tính tình của Vĩnh Chiêu Đế nhưng nàng vẫn không kìm nén nổi sự kinh ngạc.
Sao ngay cả đến con trai của mình mà hoàng thượng cũng không dung tha được?
Cả hai người đều nhất thời im lặng.
Mặc dù cảm thấy đây quả thực không phải chuyện tốt đẹp gì, nhưng nó lại là sự thực trần trụi nhất.
Hoàng đế ngồi ở vị trí trên cao, có tâm tư độc chiếm quyền lực đế vương thế nào, quả thật không phải điều mà bọn họ có thể lí giải.
Uông Ấn nhớ đến tin tức trong cung truyền tới, bèn nói thêm: “Chuyện thái tử giám quốc là do Vi hoàng hậu đề xướng.”
Sau khi biết việc là do Vi hoàng hậu đề xướng, Uông Ấn càng có thể khẳng định suy đoán trong lòng hơn.
Vi hoàng hậu sẽ thật lòng trù tính cho thái tử sao? Cho dù bà ta có đoan trang hiền hậu hơn nữa thì cũng không có khả năng này, chưa nói đến việc bà ta còn Thập Bát hoàng tử.
Diệp Tuy hết sức đồng ý với điểm này.
Vi hoàng hậu lòng dạ độc ác, mưu tính sâu xa, so với các phi tần và hoàng tử trong cung còn cao tay hơn nhiều.
Việc để thái tử giám quốc mà do bà ta đề xuất thì sự tình hẳn không đơn giản rồi.
Diệp Tuy nhìn Uông Ấn, nói giọng điệu cực kì chắc chắn: “Nếu đã vậy, tất còn có chuyện kế tiếp đang chờ phía sau.”
Chuyện kế tiếp này sẽ nhằm vào việc thái tử giám quốc, cho dù là việc gì thì cũng không thể khinh thường, ắt hẳn sẽ khiến triều đình rung chuyển.
Nếu thái tử bị phế, với sức cám dỗ của quyền lực mà vị trí thái tử mang lại, các hoàng tử nhất định sẽ hành động, bắt đầu lôi kéo quan viên trong triều.
Vậy thì…
Nếu vị trí kế vị bị trống, thì hoàn toàn không phải chuyện tốt lành.
Trong mắt Diệp Tuy đầy vẻ lo âu, nàng nhất thời không biết nên nói gì.
Vẻ mặt Uông Ấn không hề xao động, đôi mắt cũng ẩn chứa một thoáng lo lắng.
Hồi lâu sau, hắn mới cất lời: “Hiện tại thật sự không phải thời điểm để tranh đoạt vị trí kế vị.”
Nhìn vào lịch sử, nếu một triều đại có chuyện tranh đoạt ngôi vua thì cuối cùng đều kết thúc không tốt đẹp.
Đại Ung - nước láng giềng của Đại An chính là ví dụ cực kì rõ ràng.
Mười mấy năm trước, thực lực của Đại Ung hùng mạnh nên mới dám điều mấy trăm nghìn đại quân sang xâm lược Đại An.
Khi ấy, Đại Ung đã chiếm được một phần của đạo Nhạn Tây, ngay cả Vĩnh Chiêu Đế thân chinh xuất trận cũng bị bắt đi. Có thể nói là Đại Ung thế như chẻ tre, Đại An gần như không thể chống lại.
Sau đó, Uông Ấn cứu Vĩnh Chiêu Đế ra, tạo thành bước ngoặt tình thế.
Quân đội Đại Ung không tiếp tục xâm lược tất nhiên là bởi Nhạn Tây Vệ đã liều chết chống cự, cũng là vì thái tử của Đại Ung chết bất đắc kỳ tử, vị trí người kế vị để trống, sau đó nội loạn liên miên, làm hao tổn sức mạnh của quốc gia và quân đội của Đại Ung.
Thế cục rối ren sẽ làm suy yếu sức mạnh quốc gia. Người trong triều Đại Ung bận tranh quyền đoạt lợi, nào có để ý chiến sự nơi tiền phương?
Thế là, chuyện xâm lược của Đại Ung cứ như vậy mà bị chặn lại, quân đội Đại Ung bị đuổi ra khỏi đạo Nhạn Tây.
Đến nay, Đại Ung không còn hùng mạnh như trước cũng là bởi vì tới tận bây giờ, vị trí người kế vị của Đại Ung vẫn chưa được quyết định.
Tấm gương ở ngay trước mặt, triều Đại An tuyệt đối không thể giẫm lên vết xe đổ này
Tối hôm ấy, Uông Ấn lại bí mật đến phủ đệ của tả bộc xạ Thượng Thư để gặp Tạ Giới.
Bởi vì từng có kinh nghiệm một lần bị Uông Ấn tự nhiên đến thăm hỏi nên mặc dù Tạ Giới cảm thấy bất ngờ thì biểu hiện vẫn hết sức bình tĩnh.
Ông nhìn Uông Ấn lặng lẽ đến, lên tiếng hỏi: “Không biết Đốc chủ đại nhân đột ngột tới thăm là vì chuyện gì?”
Lần trước, Uông Ấn tới là vì việc di tông dời tộc của các gia tộc lớn, để tranh thủ sự ủng hộ của ông.
Vì tương lai của Đại An, để Đại An có thể thu mộ được nhiều nhân tài xuất sắc hơn, để lợi ích của Đại An không chỉ dành riêng cho các gia tộc lớn, ông đã đồng ý với thỉnh cầu của Uông Ấn.
Bây giờ, chuyện đã kết thúc, ông đã hạ quyết tâm sẽ không dễ dàng đồng ý bất cứ chuyện gì với hắn nữa.
Giờ phút này, ánh nến càng tôn lên khuôn mặt tuấn tú hớp hồn người khác của Uông Ấn. Hắn chậm rãi nhếch khóe môi và nói: “Cảm ơn đại nhân, về việc thái tử giám quốc, bổn tọa cảm thấy rất lo lắng…”
Đương nhiên, hắn không nói với Tạ Giới chuyện hoàng thượng có ý muốn phế bỏ thái tử, chỉ nói mình lo rằng khi hoàng thượng rời khỏi Kinh Triệu, e thái tử giám quốc sẽ xảy ra chuyện gì đó.
Nếu người kế vị gặp trở ngại thì quốc gia tất sẽ rung chuyển, mong Tạ Giới nhất định phải dốc toàn lực giúp đỡ thái tử, xử lí tốt triều cục ở Kinh Triệu.
Tạ Giới im lặng, nhớ lại ý định tuyệt đối không dễ dàng đồng ý điều gì với Uông Ấn của mình, nghĩ thầm: Mình sắp tự vả vào mặt rồi.
Chuyện lớn có liên quan tới vị trí thái tử, ông hoàn toàn không có cách nào từ chối Uông Ấn được.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.