Uông Xưởng Công

Chương 819: Chương 819




Hàn Châu Tiết vâng lệnh của hoàng thượng, dẫn theo vài ám vệ cưỡi ngựa phi như bay đến đạo Giang Nam và gặp được nhóm người của Trần Tựu Đạo và Thẩm Túy Sơn ở thành Dương Châu.
Trần Tựu Đạo giữ thái độ hoài nghi với tất cả những điều đã điều tra được, nhưng bất kể bọn họ thẩm vấn thế nào thì Tiền Khả Kính vẫn một mực khai rằng tiền bạc đã được đưa đến Đông cung. Còn những nhà buôn khác đều liên hệ với Tiền Khả Kính qua thông báo, những người khác cũng không nói ra được nguyên do vì sao.
Chân tướng của sự việc nằm trong miệng một người, đương nhiên không thể tin được. Tuy nhiên, việc vận chuyển bằng đường thủy ở đạo Giang Nam vị gián đoán quả thật quá quan trọng, Trần Tựu Đạo không thể không bẩm tấu kết quả này lên hoàng thượng.
Về phần Kinh Triệu hỗn loạn vì chuyện này, Trần Tựu Đạo đã đoán trước được, nhưng vẫn đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của nó.
Lương đệ của thái tử đã chết, bây giờ không có người đối chứng, Tiền Khả Kính trở thành người duy nhất biết rõ nội tình.
Nay dòng họ Trường Hưng Tiền thị đã khai trừ Tiền Khả Kính ra khỏi dòng họ, phủi sạch quan hệ với ông ta để tự bảo vệ chính mình. Tộc trưởng Tiền Tuy của dòng họ Trường Hưng Tiền thị còn đặc biệt đến chào hỏi Trần Tựu Đạo, tỏ rõ dòng họ Tiền thị không hề biết gì về tất cả những chuyện này. Vì thế, dòng họ Tiền thị nguyện dốc hết tiền của và sức lực trong tộc để nạo vét mở rộng đường sông.
Tiền Tuy còn bày tỏ sẽ bắt tay với các gia tộc lớn của đạo Giang Nam cùng tu sửa đường sông, giúp đỡ khôi phục việc vận chuyển bằng đường thủy trở lại bình thường.
Trần Tựu Đạo thầm biết đây là biểu hiện lấy công chuộc tội của gia tộc Tiền thị. Tuy bọn họ đã khai trừ Tiền Khả Kính ra khỏi dòng họ, nhưng dù sao Tiền Khả Kính cũng thuộc chi chính của dòng họ Tiền thị, là máu mủ ruột già, dòng họ Tiền thị không thể không biết gì về những việc này.
Có điều, xử lí một Tiền Khả Kính thì dễ, nhưng muốn xử lí cả dòng họ Tiền thị thì rất khó. Dòng họ Trường Hưng Tiền thị chiếm giữ đạo Giang Nam đã nhiều năm, có ảnh hưởng rất lớn. Cho dù Vĩnh Chiêu Đế muốn xử lý cả dòng họ Tiền thị thì cũng phải cân nhắc nhiều lần.
Vả lại, chuyện quan trọng nhất hiện giờ là khôi phục việc vận chuyển bằng đường thủy ở đạo Giang Nam. Vĩnh Chiêu Đế vẫn chấp nhận hành động lấy công chuộc tội của dòng họ Tiền thị, nên đã ra ý chỉ lệnh cho dòng họ Tiền thị phối hợp với Trần Tựu Đạo khôi phục việc vận chuyển bằng đường sông, đồng thời cũng ra ý chỉ thẩm vấn Tiền Khả Kính nghiêm khắc hơn, nhất định phải tra rõ sự thật trong chuyện này.
Chân tướng mà Tiền Khả Kính đã khai ra trước sau đều nhằm vào thái tử. Khi Trần Tựu Đạo đã bó tay thì Hàn Châu Tiết dẫn theo ám vệ tới.
Ông ta như trút được gánh nặng, nói với Hàn Châu Tiết: “Hàn đại nhân, bên chỗ Tiền Khả Kính giao cho đại nhân, bổn quan thực sự đã hết cách.”
Trần Tựu Đạo có rất ít kinh nghiệm trong việc thẩm vấn, giao việc này cho Hàn Châu Tiết là tốt nhất. Mặc dù ông ta cảm thấy rất kỳ lạ: Hàn Châu Tiết là tự thừa Hồng Lư Tự, sao hoàng thượng lại phái hắn tới điều tra thẩm vấn?
Nghĩ lại thì Hàn Châu Tiết cũng là phò mã của công chúa Đồng Nhạc, Trần Tựu Đạo không cảm thấy kỳ lạ nữa.
Đương nhiên Hàn Châu Tiết sẽ không nhiều lời, còn nhanh chóng tiếp nhận công việc liên quan đến Tiền Khả Kính.
Trần Tựu Đạo cũng đã thuật lại cho Hàn Châu Tiết biết chuyện viên lục sự đã cung cấp quyển ghi chép thật sự về việc vận chuyển bằng đường thủy trước đó.
Nói kĩ ra thì viên lục sự này mới là người đáng phải thẩm vấn nhất. Tuy nhiên, Trần Tựu Đạo và Hàn Châu Tiết lần lượt điều tra về lai lịch, bối cảnh của người này, nhưng không phát hiện ra điểm nào đáng nghi.
Sở dĩ viên lục sự này ghi chép lại tình hình thật sự của việc vận chuyển bằng đường thủy chỉ là bởi vì hằng ngày thường hay bị các quan viên khác trong Tư Vận Chuyển bắt nạt, trong lòng luôn ấm ức nên mới muốn ghi chép lại sự thật.
Viên lục sự này có thể nói là kẻ gió chiều nào xoay chiều đó, cũng có thể nói là người hết sức nhạy bén. Sau khi việc vận chuyển bằng đường thủy bị gián đoạn, y liền biết Tư Vận Chuyển chắc chắn sẽ có kết cục không tốt, cho nên mới nộp quyển ghi chép này để bảo đảm an toàn cho bản thân.
Chính vì mọi hành động và việc làm của viên lục sự này đều hợp tình hợp lý đã khiến Hàn Châu Tiết cảm thấy không ổn: Chỉ là một viên lục sự mà thôi, nhưng mỗi bước đi đều đúng, dường như có thể dự đoán được tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì vậy.
Với sự nhạy bén của người làm ám vệ như Hàn Châu Tiết, hắn càng cảm thấy viên lục sự này giống như một quân cờ đã được sắp xếp cẩn thận, mục đích là để giao những ghi chép thật sự cho Trần Tựu Đạo.
Về phần những ghi chép này… Qua việc điều tra thăm dò những nhà thuyền, các quan viên và những nhà buôn, hộ vệ ở đạo Giang Nam, đã có thể chắc chắn đây là những ghi chép thật.
Việc vận chuyển bằng đường thủy xảy ra tình huống nghiêm trọng như vậy chủ yếu nằm ở sự mục nát của Tư Vận Chuyển, ở sự tham ô của các quan viên do Tiền Khả Kính cầm đầu. Nhưng bọn họ tham ô tiền của là do có người giật dây. Rốt cuộc người đứng đằng sau thật sự có phải là thái tử hay không?
Đây chính là việc mà Hàn Châu Tiết cần phải điều tra kĩ càng.
Có điều, đạo Giang Nam là vùng đất giàu có và đông đúc, tình hình cũng rắc rối, phức tạp. Dù Hàn Châu Tiết hiểu rõ những chiêu trò bí mật, còn dùng hình phạt tra tấn vẫn không thể điều tra ra được điều gì từ Tiền Khả Kính và viên lục sự, nên khó có được tiến triển mang tính đột phá.
Tình trạng bế tắc trong việc điều tra này cũng được ám vệ gửi đến trước mặt hoàng thượng bằng tốc độ nhanh nhất.
Sau khi nhận được báo cáo, sắc mặt Vĩnh Chiêu Đế không thay đổi là bao, nhưng trong lòng lại có cảm giác “quả nhiên là thế”.
Ông ta cử Hàn Châu Tiết đến đạo Giang Nam nhưng lại loáng thoáng cảm thấy hắn đi chuyến này không thu hoạch được gì.
Việc vận chuyển bằng đường thủy ở đạo Giang Nam quan trọng nhường nào, hiện tại nếu đã bại lộ và còn dính dáng đến thái tử, vậy chỉ có thể chứng tỏ rằng mỗi một khâu phía sau đều vô cùng chặt chẽ, ngay cả ám vệ cũng rất khó điều tra ra được.
Bây giờ báo cáo của Hàn Châu Tiết đã chứng thực cho suy đoán của Vĩnh Chiêu Đế, khiến ông ta càng tin rằng chuyện này có liên quan đến phe cánh của Vi hoàng hậu.
Lịch sử về thái hậu Vĩnh Long bất ngờ xuất hiện trong đầu ông ta. Trong lòng hoàng hậu… có nghĩ giống như thái hậu Vĩnh Long không?
Vĩnh Chiêu Đế không có cách nào đoán được, nhưng vụ việc vận chuyển bằng đường thủy càng nhằm vào thái tử thì suy nghĩ nào đó trong đầu ông ta càng dâng lên mạnh mẽ.
Nếu Vi hoàng hậu thật sự có lòng dạ như thái hậu Vĩnh Long thì ông ta nhất định phải… phế bỏ bà ta!
Hoàng hậu là mẫu nghi thiên hạ, việc phế hậu liên quan đến đại sự quốc gia, còn liên quan nhiều hơn và ảnh hưởng lớn hơn cả việc phế bỏ thái tử.
Huống hồ, Vi hoàng hậu còn sinh được Thập Bát hoàng tử, có công kéo dài hồng phúc cho Đại An, xử sự công bằng quang minh chính đại, làm người đoan trang hiền thục… có danh tiếng tốt trong triều. Vô duyên vô cớ phế bỏ hoàng hậu, trời sẽ giáng họa lớn.
Khi Vĩnh Chiêu Đế đang vắt óc suy nghĩ thì Trưởng công chúa Trịnh Vi gửi thỉnh cầu xin vào cung gặp mặt ông ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.