Uông Xưởng Công

Chương 822: Chương 822




Vi hoàng hậu nhìn ánh mắt dò xét của Vĩnh Chiêu Đế, trong lòng tức thì càng bất an hơn, vẻ mặt càng tỏ ra đoan trang hiền dịu hơn: “Hoàng thượng, sao ngài cứ nhìn thiếp mãi thế? Có phải trên mặt thần thiếp có gì không ổn không?”
Vĩnh Chiêu Đế lắc đầu, hồi lâu sau mới nói: “Hoàng hậu, hiện nay có quan viên dâng tấu xin phế bỏ thái tử. Nàng nghĩ thế nào về chuyện này?”
Nghe thấy bốn chữ “phế bỏ thái tử”, trong lòng Vi hoàng hậu cả kinh, nhưng vẫn cố gắng bình tĩnh đáp: “Hoàng thượng, thần thiếp cho rằng thái tử là người kế vị, phế truất thái tử là chuyện quá lớn, thực sự không phải chuyện bình thường.”
“Vả lại, thần thiếp thấy thái tử rất tốt, tuy rằng đã từng phạm phải một số sai lầm, nhưng cũng đang cố gắng sửa chữa, là bậc quân vương kế vị cần thiết của nước nhà.”
Mặc dù phi tần trong hậu cung không được tham gia vào việc triều chính, nhưng nếu hoàng hậu đã hỏi thì đương nhiên là Vi hoàng hậu nên trả lời, để chứng tỏ bản thân bà ta không hề liên quan đến thế cuộc hiện giờ. Bà ta còn cố ý tán dương thái tử, bày tỏ việc phế thái tử là hoàn toàn không thích hợp.
Vi hoàng hậu nghĩ thầm, chắc hẳn hoàng thượng muốn nghe những lời này.
Nhưng Vĩnh Chiêu Đế nghe xong lại chẳng tỏ vẻ gì, nét mặt dửng dưng, chỉ liếc nhìn hoàng hậu với ánh mắt đầy ẩn ý.
Vào lúc Vi hoàng hậu đang muốn nói điều gì đó để nhấn mạnh thái độ của bản thân, Vĩnh Chiêu Đế liền thản nhiên lên tiếng: “Hóa ra hoàng hậu nghĩ như vậy sao? Không thích hợp để phế bỏ thái tử? Nhưng sao trẫm lại nghe Nghi Loan Vệ báo cáo rằng chuyện phế bỏ thái tử có liên quan đến phủ Thừa Ân Công?”
Tim hoàng hậu như sắp vọt ra khỏi lồng ngực, nhất thời không nói được nên lời.
Bà ta không ngờ hoàng thượng lại nói thẳng ra những lời đó như thế, hơn nữa còn nói một cách rất thản nhiên, điều này càng cho thấy sự khác thường.
Hoàng thượng cố tình nhắc đến Nghi Loan Vệ và phủ Thừa Ân Công là tin tưởng rằng chuyện này không liên quan đến bà ta, hay là đang dấy binh hỏi tội?
Rất nhiều thứ lập tức dâng lên trong đầu Vi hoàng hậu. Bà ta mở to hai mắt, lấy làm kinh ngạc, giọng nói cũng hơi run rẩy: “Hoàng thượng… dĩ nhiên là thần thiếp nghĩ như vậy. Bên phủ Thừa Ân Công, cha thần thiếp đã dâng tấu quở trách bản tấu xin phế bỏ thái tử. Hoàng thượng… xin hoàng thượng minh xét.”
Bà ta không nắm chắc thái độ của Vĩnh Chiêu Đế là gì, nhưng tỏ ra yếu đuối và tủi thân là sự lựa chọn theo bản năng.
Hoàng thượng đột ngột đến cung Khôn Ninh, chẳng lẽ thật sự là đến để hỏi tội bà ta? Việc này hoàn toàn không phù hợp với tác phong làm việc của hoàng thượng.
Đi theo Vĩnh Chiêu Đế đã mấy chục năm, Vi hoàng hậu vẫn ít nhiều đoán được tâm tư và việc làm của đế vương. Bà ta biết nếu hoàng thượng thật sự tức giận muốn hỏi tội thì tuyệt đối sẽ không đích thân đến cung Khôn Ninh nói những lời này.
Vậy hoàng thượng đang có ý gì?
Nhìn biểu hiện của hoàng hậu, tuy vẻ mặt vẫn đoan trang nhưng hốc mắt đã đỏ lên, rõ ràng là đang cố gắng giữ bình tĩnh nhưng không làm mất đi phong thái. Đây chính là hoàng hậu, chính là người phụ nữ mẫu nghi thiên hạ.
Vĩnh Chiêu Đế dời ánh mắt nhìn đi nơi khác, lại im lặng lần nữa.
Thật ra, chính ông ta cũng không biết mình đến cung Khôn Ninh là có ý gì. Trước đó, ông ta đang đọc báo cáo của đạo Giang Nam gửi tới, lại nghĩ đến những lời nói của Trưởng công chúa Trịnh Vi, trong lòng liền dậy sóng, luôn cảm thấy ngọn nguồn của tất cả những chuyện này đều là từ cung Khôn Ninh mà ra.
Chuyện vận chuyển bằng đường thủy có vấn đề, chuyện phế bỏ thái tử, sự rối loạn của Đại An. Người đứng sau thúc đẩy những chuyện này có phải là hoàng hậu không? Có phải hoàng hậu cũng có bụng dạ như thái hậu Vĩnh Long không?
Vĩnh Chiêu Đế không rõ, cho dù ông ta đích thân đến cung Khôn Ninh thì cũng không rõ điều đó. Song, ông ta biết rõ một điều là: Hoàng hậu hoàn toàn không phải là một người phụ nữ bình thường.
Bất luận trong tình huống nào, hoàng hậu cũng sẽ không mất đi phong thái, cho dù đối mặt với lời chất vấn của ông ta, hoàng hậu vẫn có thể giữ được bình tĩnh. Trước đây, ông ta vô cùng tán thưởng những điều này ở hoàng hậu, nhưng bây giờ ông ta lại cảm thấy rất không thoải mái.
Người phụ nữ lợi hại như thế, hoàn toàn có bản lĩnh làm ra những chuyện giống như thái hậu Vĩnh Long.
Vĩnh Chiêu Đế không nói đến chuyện phế bỏ thái tử nữa mà hỏi về Thập Bát hoàng tử: “Gần đây tiểu Thập Bát thế nào? Nói nghe xem, cũng lâu rồi trẫm chưa gặp nó, ngày mai bảo nó đến điện Tử Thần một chuyến đi!”
Thập Bát hoàng tử được Vi hoàng hậu dày công dạy bảo, đương nhiên sẽ không hề kém cỏi. Vĩnh Chiêu Đế cũng có phần yêu thích và coi trọng Thập Bát hoàng tử. Tuy nhiên, trong lòng ông ta, người quan trọng nhất, đặc biệt nhất vẫn là Nhị Thập Nhất hoàng tử có vết bớt trên cánh tay.
Còn ở trong cung Khôn Ninh này, ông ta nghĩ tới Thập Bát hoàng tử là bởi vì biết rõ mọi việc làm của hoàng hậu đều là vì con trai mà thôi.
Từ xưa đến nay, cha mẹ đều yêu thương con một cách ngu dại, Vi hoàng hậu cũng không phải là ngoại lệ. Có phải vì thế mà hoàng hậu mới kiêu ngạo và to gan như vậy?
“Vâng… ngày mai thần thiếp sẽ để Thập Bát đến điện Tử Thần thỉnh an hoàng thượng.” Vi hoàng hậu đáp, giọng điệu hơi chùng xuống.
Trong thâm tâm bà ta luôn có một thứ dự cảm không lành, luôn cảm thấy việc hoàng thượng muốn gặp Thập Bát hoàng tử có phải là có suy nghĩ gì đó hay không. Nhưng bất luận thế nào thì bà ta cũng không thể từ chối.
Vi hoàng hậu còn đang muốn thăm dò thái độ của Vinh Chiêu đế thì không ngờ ông ta đã đứng lên, nói: “Cứ như vậy đi, trẫm còn có tấu chương cần phê duyệt, đêm nay trẫm nghỉ ở điện Tử Thần.”
Nói rồi, ông ta không đợi Vi hoàng hậu phản ứng lại đã sải bước đi ra ngoài điện.
“Thần thiếp cung kính tiễn hoàng thượng.” Vi hoàng hậu vội vàng đứng lên. Lời nói vừa dứt thì chỉ còn thấy được bóng lưng của Vĩnh Chiêu Đế.
Đế vương đến đột ngột mà đi cũng đột ngột, khiến trong lòng Vi hoàng hậu thấp thỏm, cuối cùng hóa thành nỗi lo âu khó mà xua tan đi được.
Rốt cuộc hoàng thượng đang làm gì đây?
Còn Vĩnh Chiêu Đế sau khi rời khỏi cung Khôn Ninh thì đang dừng bước bên ngoài điện Tử Thần, bất giác cau mày.
Đêm khuya nhiều sương, nhưng giờ phút này lại có người đứng yên bên ngoài điện Tử Thần. Người nọ mặc trường bào màu vàng nhạt, nhưng vẫn nhìn ra thân hình mảnh mai, dáng vẻ yếu đuối mong manh, hai hàng lông mày lá liễu khẽ chau, đôi mắt long lanh như nước mùa thu, khiến người ta nhìn mà cảm thấy thương xót.
Người này chính là Hoàng quý phi Phạm thị, mẹ đẻ của thái tử Trịnh Trọng?
Sao Hoàng quý phi lại đứng bên ngoài điện Tử Thần vào lúc này?
Bấy giờ, Phạm thị cũng đã nhìn thấy Vĩnh Chiêu Đế, đôi mắt liền sáng lấp lánh, vội vàng khom người, nói: “Thần thiếp tham kiến hoàng thượng.”
Giọng bà ta không lớn, nghe ra cũng có vẻ rụt rè, mang dáng vẻ liễu yếu đào tơ.
Cho dù hiện giờ tâm trạng Vĩnh Chiêu Đế không tốt, nhưng ông ta vẫn đi tới, giọng nói cũng dịu đi: “Ái phi, sao nàng lại đến đây? Bên ngoài nhiều sương, vào trong điện trước đã!”
Vĩnh Chiêu Đế thích nhất chính là người phụ nữ như Phạm thị. Nếu không, năm xưa ông ta đã không lập Trịnh Trọng do bà ta sinh ra làm thái tử.
Nguyên nhân chủ yếu là vì Trịnh Trọng là hoàng tử trưởng, nhưng cũng là bởi Vĩnh Chiêu Đế yêu chiều Phạm thị.
Tuy hậu cung bây giờ muôn hồng nghìn tía, Phạm thị đã không là gì, nhưng sự cưng chiều mấy chục năm của đế vương vẫn còn đó, cũng để lại dấu ấn trong lòng ông ta.
Ông ta đoán được mục đích đến của Phạm thị nhưng vẫn để bà ta vào trong điện. Vừa hay ông ta cũng có lời muốn nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.