Uông Xưởng Công

Chương 928: Chương 928LO LẮNG




Cùng lúc đó, trong phủ quan sát sứ đạo Giang Nam ở bên Tây Hồ cũng có một người vô cùng chú ý đến tình hình ở đây, hơn nữa còn đang cực kì lo lắng.
“Đại nhân, hạ quan đã phái người trông coi xung quanh cổng thành nhưng không phát hiện ra tung tích của đề kỵ hay nhóm hộ vệ lớn nào. Có lẽ Uông đốc chủ chưa đến phủ Hàng Châu, hoặc là đã đi đến phủ khác rồi.” Triệu Huyên bẩm báo.
Đạo Giang Nam có bốn phủ là Hàng Châu, Tô Châu, Giang Ninh, Cửu Ninh. Có phải Uông đốc chủ đã đến phủ khác rồi không?
Tuy Triệu Huyên cảm thấy xác suất rất nhỏ nhưng vẫn âm thầm mong đợi.
Nghe nói những nơi Uông đốc chủ đi qua đều có các vụ án lớn phải điều tra, gió tanh mưa máu không ngừng. Cho dù đây có phải là nói quá sự thật hay không thì Triệu Huyên đều không muốn vị sát tinh này đến phủ Hàng Châu.
Khi y đến Kinh Triệu báo cáo đã từng gặp Uông đốc chủ một lần. Đến giờ y vẫn nhớ gương mặt tuấn tú, khôi ngô ấy, càng nhớ rõ ánh mắt lạnh nhạt liếc thoáng qua y.
Rõ ràng không nhìn ra điều gì nhưng không hiểu sao y lại cảm thấy áp lực nặng như núi đè, gần như không dám thở. Đến giờ nghĩ lại trong lòng vẫn còn thấy run sợ.
Lúc này, y không muốn Uông đốc chủ đến đạo Giang Nam, nhưng y cũng không làm gì được.
Việc duy nhất có thể làm chính là phái người trông chừng nghiêm ngặt bốn cổng thành, nhiệt liệt hoan nghênh Uông đốc chủ đến rồi lại tiễn hắn đi suôn sẻ.
Trong thời gian này, tuyệt đối không nên xảy ra chuyện gì…
Cố Tổ Phân nghiêm mặt, mang theo khí thế của trọng thần tam phẩm trong triều, cau mày nhìn Triệu Huyên, không vui nói: “Phủ Hàng Châu là trấn quan trọng của đạo Giang Nam. Ngươi cảm thấy Uông Ấn có thể đi phủ khác sao?”
Uông Ấn tới đạo Giang Nam thì nhất định sẽ đến phủ Hàng Châu trước!
Hôm nay, lính gác trong thành không phát hiện ra tung tích của đoàn người Uông Ấn, vậy thì một là Uông Ấn chưa đến, hai là đã đến mà họ không biết.
Kinh Triệu gửi thư nói Uông Ấn dẫn theo vợ và tôi tớ rời kinh từ đầu tháng hai. Giờ đã nửa tháng trôi qua, lâu vậy rồi mà còn không có tin tức gì.
Rốt cuộc Uông Ấn có đến hay không?
Quan trọng hơn là Uông Ấn tới đạo Giang Nam làm gì?
Vấn đề thứ hai mới là điều Cố Tổ Phân quan tâm nhất.
Uông Ấn là đốc chủ Đề Xưởng, đầu năm nay mới được hoàng thượng dùng lại. Vì sao nhân vật trong truyền thuyết này lại đến đạo Giang Nam? Thực sự chỉ vì dẫn vợ đi du lịch thôi sao?
Thiên hạ có mười đạo lớn, vậy mà Uông Ấn lại chọn đến đạo Giang Nam du ngoạn…
Tin tức từ Kinh Triệu cũng không rõ ràng, động cơ Uông Ấn đến đây thì không biết. Ông ta thực sự không dám xem thường.
“Được rồi, ngươi lui xuống đi, phái người tiếp tục trông coi cửa thành. Năm trăm đề kỵ vào thành chắc chắn sẽ có động tĩnh lớn. Uông Ấn nói là tới du lịch nên các ngươi cũng không cần quá căng thẳng.” Cố Tổ Phân nói.
Triệu Huyên cung kính đáp: “Dạ, đại nhân. Hạ quan sẽ không lơ là, có tin tức sẽ bẩm báo ngay.”
Dĩ nhiên y biết quan sát sứ đại nhân chỉ nói cho có thôi. Nếu không căng thẳng, sao Quan sát sứ lại liên tiếp hạ lệnh cho tất cả quan viên chú ý động tĩnh của Uông Ấn?
Thứ sử là chức quan tứ phẩm, người bình thường lên được chức quan này đã là tổ tiên phù hộ lắm rồi, nhưng Triệu Huyên lại không cảm thấy như vậy.
Ở phủ Hàng Châu này, trên y còn có một vị quan sát sứ hàng tam phẩm, dù là việc công hay việc tư thì đều bị Cố Tổ Phân theo dõi, chẳng có lợi lộc gì.
Nhất là khi phủ Hàng Châu tụ tập nhiều văn nhân, sĩ tử, người người đều có bản lĩnh lại kiêu ngạo, quản lý nơi này thật sự hao tổn sức lực, tinh thần. Giờ lại còn thêm chuyện đốc chủ Đề Xưởng đến…
Khi Triệu Huyên đi, không khỏi nhíu mày.
Mà sắc mặt của Cổ Tỏ Phân lại càng khó đoán. Ông ta biết nhiều hơn Triệu Huyên, ông ta biết Uông Ấn đến đây còn vì lệnh của hoàng thượng. Chuyện Nghi Loan Vệ chặn đường Uông Ấn đã lan truyền khắp quốc triều rồi.
Uông Ấn lấy thánh chỉ ra ngay trước cổng thành, Dương Thiện Tâm bị phạt hai mươi gậy.
Hoàng thượng hạ chỉ gì? Uông Ấn nhận lệnh làm gì? Có ảnh hưởng đến chức quan của ông ta hay không?
Cố Tổ Phân đã làm quan ở đạo Giang Nam suốt hai mươi sáu năm, từ vị trí thứ sử phủ Cửu Giang đến quan sát sứ đạo Giang Nam.
Trong hai mươi sáu năm qua, thế lực của ông ta đã rất vững chắc, nhưng đồng thời cũng có rất nhiều thứ không thể để người khác biết. Bây giờ đạo Giang Nam đã nằm trong tay ông ta, nhưng Uông Ấn lại đến đây.
Đúng lúc này, người hầu đến bẩm báo: “Lão gia, Tùng Mậu tiên sinh đã đến, nô tài đã cho người dẫn tiên sinh vào phủ.”
Chu Diễn tới? Đúng rồi, ba ngày trước Chu Diễn đưa thiệp đến, nói là hôm nay sẽ đến bàn bạc chuyện hội thơ Cô Sơn.
Cố Tổ Phân điều chỉnh lại cảm xúc, nói: “Dẫn người đến thư phòng đi.”
Chu Diễn gầy gò, râu tóc bạc phơ, mặc áo bào rộng, nhìn có tác phong, thần thái của một vị tiên.
Mấy năm gần đây, có người biên soạn một quyển “Giang Nam Văn Khôi Đồ”*. Trong đó có nhắc đến “Nhất tiên - nhị thánh - tam hiền - tứ năng - ngũ quan - lục đạo - thất tinh - bát minh - cửu phong lưu”**, mà “nhất tiên” trong câu này chính là Viện trưởng thư viện Thanh Vân Chu Diễn.
(*) Bộ tranh về những người đứng đầu giới văn thơ ở Giang Nam
(**) Xếp hạng những người có tài năng trong giới văn thơ
Chu Diễn chắp tay, nói với Cố Tổ Phân: “Lão phu bái kiến đại nhân, lão phu tới có việc làm phiền đại nhân.”
Cố Tổ Phân tự mình đỡ Chu Diễn dậy, cười nói: “Tùng Mậu tiên sinh khách khí rồi. Bản quan rất vui khi gặp được tiên sinh, sao có thể nói là làm phiền?”
Chu Diễn cười, đáp lời: “Cố đại nhân nói vậy thì lão phu sẽ không khách khí nữa. Lần trước, lão phu đã viết trên thiệp là muốn bàn bạc với Cố đại nhân về hội thơ Cô Sơn.”
“Bản quan đã đọc thiệp. Hội thơ Cô Sơn tổ chức ba năm một lần, các thư viện đều có kinh nghiệm, trước kia vẫn làm rất tốt. Trước giờ, bản quan luôn rất yên tâm, không cần đặc biệt đến bàn bạc với bản quan.” Cố Tổ Phân nói.
Hội thơ Cô Sơn là sự kiện quan trọng trong giới văn thơ ở đạo Giang Nam. Trước kia, Cố Tổ Phân cũng có hỏi đến công việc liên quan, nhưng năm nay… Vì chuyện Uông Ấn đến đây nên ông ta không còn thừa sức để quan tâm đến.
Giao cho thư viện Thanh Vân và Chu Diễn xử lý, ông ta cũng yên tâm.
“Cố đại nhân, việc hội thơ Cô Sơn đã sắp xếp xong xuôi. Lão phu tới đây là có một yêu cầu quá đáng, muốn mời Cố đại nhân là người chủ trì cho hội thi lần này. Mong Cố đại nhân sẽ đồng ý.” Chu Diễn chân thành nói.
Chủ trì hội thơ?
Cố Tổ Phân hơi bất ngờ. Trước kia, người chủ trì hôi thơ luôn là người đứng đầu giới văn thơ ở đạo Giang Nam, cũng chính là Chu Diễn. Sao đột nhiên lại muốn mời ông ta đến chủ trì?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.