Về Người Tôi Yêu

Chương 41: Hoà giải




Cô lại trở về phòng của mình, tắm rửa chuẩn bị đi ngủ, nhìn thấy trên điện thoại có mấy tin nhắn, một là hình mì trứng cà chua kèm rau kinh giới, cái còn lại là hình những bông hoa màu tím và trắng, bên dưới là một câu: Lần này mua rau kinh giới không được ngon như lần trước chúng ta mua. Hoa này là hoa củ cải, anh nhặt ở chợ rau.
Tin nhắn đã được anh gửi hai tiếng trước.
Lương Tị suy nghĩ một lúc, nhắn lại cho anh: Em mới thấy tin nhắn.
Lý Thiên Thuỷ trả lời: Ngủ?
Một giọt nước mắt của Lương Tị rơi trên màn hình điện thoại, cô trả lời anh: Không có.
Sau đó Lý Thiên Thuỷ gọi điện đến, anh không đề cập đến việc Lương Minh Nguyệt gọi cho mình, chỉ nói về công việc của ngày hôm nay.
Lương Tị lắng nghe và khóc nức nở, cô tự trách mình đáng chết, đặc biệt là khi nghe Lương Minh Nguyệt nói anh là "thằng bám váy phụ nữ". Không cần nghĩ cũng biết Lương Minh Nguyệt đã nói những câu khó nghe như thế nào.
Lý Thiên Thuỷ hiểu tại sao cô lại khóc, vì sợ cô sẽ quá tự trách mình nên anh đã gửi hình cho cô. Anh hút một điếu thuốc, an ủi cô, nói Lương Minh Nguyệt không nói những lời khó nghe, hơn nữa anh cũng không phải là ngọc lưu ly dễ vỡ, có nói cũng không sao.
Lương Tị đã cố gắng giải thích lý do tại sao cô mượn tay người khác để cho anh vay tiền, nhưng câu từ của cô lộn xộn, lời nói không mạch lạc, càng nói, cô càng trở nên hoảng loạn.
Lý Thiên Thuỷ chỉ nói: "Anh hiểu, anh hiểu mà, anh hiểu tất cả." Sau đó, anh chậm rãi thay đổi chủ đề, nói trưa mai Lý Thiên Vân sẽ đến Tân Cương, sau khi bàn giao xong, ngày mốt anh sẽ về. Anh nói xong, cô nghe được tiếng rẹt rẹt phát ra từ điện thoại.
Lương Tị hỏi anh: "Anh đang làm gì vậy?"
Lý Thiên Thuỷ chuyển sang cuộc gọi video, anh ngồi xổm trên sàn, một tay cầm điếu thuốc, tay kia dùng băng dính dán chặt chiếc thùng lại. Anh muốn mang tất cả những thứ không được mang lên máy bay này đến bưu cục để gửi về.
"Không phải em anh vẫn ở trong căn nhà này sao, gửi về để làm gì?" Lương Tị đã bình tĩnh lại, hỏi anh.
"Anh muốn gửi." Lý Thiên Thuỷ tùy ý ngồi xuống, lấy một chiếc bình được bọc trong các lớp báo ra, "Muốn mang nó về."
"Ôi trời." Lương Tị bật cười. Là cái bình quê kệch đó.
"Anh cũng mang nửa con cừu về." Lý Thiên Thuỷ ngồi khoanh chân, vừa hút thuốc vừa nhìn cô trên màn hình điện thoại.
"Anh muốn mang thịt cừu về sao?" Lương Tị dùng tay nâng má, ngón tay vô thức che mắt lại, hỏi anh.
"Gửi chuyển phát nhanh." Lý Thiên Thủy nhìn cô, "Đừng che, mắt em không sưng đâu."
"Đáng ghét." Lương Tị xấu hổ che mặt.
Lý Thiên Thuỷ bật cười, "Để cho anh nhìn em."
Lương Tị buông tay, mỉm cười với anh trên màn hình. Lý Thiên Thuỷ nhìn cô, im lặng hút thuốc, thấy quầng mắt cô lại đỏ lên, anh nói: "Máy bay anh về đáp buổi tối ngày mốt, quá muộn, em đừng đến đón..."
"Nhưng em muốn đón." Lương Tị nói.
"Có lẽ xuống được máy bay thì cũng đã qua ngày mới rồi."
"Em vẫn muốn đón."
"Ừ, vậy em nhớ lái xe cẩn thận."
Không còn gì để nói, hai người nhìn nhau. Khuôn mặt của Lương Tị bắt đầu đỏ dần lên, cô không hiểu tại sao, chỉ cần nhìn anh hơn một phút, mặt cô sẽ bất giác nóng lên.
Phía bên kia, Lý Thiên Thuỷ đứng dậy, điều chỉnh lại vị trí của điện thoại và phát nhạc, sau đó lùi lại vài bước, cho cô xem bài Cha Cha mà anh học được từ mấy ông bà cụ nhảy ở quảng trường dưới lầu mấy ngày nay.
Lương Tị cười muốn điên, nhưng anh đã nhảy một cách rất nghiêm túc. Nhảy được vài động tác, anh ngồi xuống nói: "Anh mới tập chưa thành thạo, khi nào quen anh sẽ nhảy với em."
Lương Tị vui vẻ nói: "Được, về đây em dạy cho anh."
Sau khi cúp điện thoại, cô không ngủ được nên ra ban công hóng gió một lúc, sau đó quay lại ngồi xuống, mở laptop bắt đầu viết "Về người tôi yêu".
Cô gõ dòng tiêu đề đầu tiên: Về Lý Thiên Thuỷ.
[Anh nói anh thích cây cối, đặc biệt là những cây to thẳng tắp ở quê anh. Anh nói rằng mỗi năm khi trở lại, anh sẽ lang thang khắp thị trấn và nhìn lên những cái cây đã lớn lên cùng mình, anh nói những cái cây to lớn này khiến anh cảm thấy thân thiết và vui vẻ.
Anh nói anh thích cây ngô đồng, cây bạch dương, cây hoè, cây du và cây liễu. Anh nói hai bên sân trường có rất nhiều cây dương lớn màu trắng, mùa hè chỉ cần gió thổi qua, những chiếc lá sẽ xào xạc lay động. Nó còn hay hơn cả tiếng piano của giáo viên dạy nhạc.
Anh nói trong khu nhà cũ của anh có hai cây ngô đồng lớn, cao đến tận trời, chúng sẽ nở hoa vào đầu mùa hè, và sẽ có những chùm hoa nhỏ màu tím nhạt với nhị hoa mảnh mai và mật hoa sền sệt. Anh thường tách hoa ngô đồng ra, liếʍ mật bên trong.
Anh nói, bây giờ chỉ cần nghe tiếng lá dương xào xạc, ngửi thấy mùi thơm của hoa ngô đồng là anh lại nhớ đến quê hương, nhớ đến mùa hè của tuổi thơ.】
Mãi viết đến khi trời hửng sáng, cô duỗi eo và cử động tay chân. Cô không hề thấy buồn ngủ hay mệt mỏi chút nào, ngược lại rất có tinh thần. Cảm thấy thoả mãn, cô đóng laptop lại, đi ra ban công mở cửa đón gió sớm thổi vào.
Lúc này, cô mới nhớ đến tin nhắn mà Lý Thiên Thuỷ đã gửi cho mình, hướng dẫn cách làm bánh nướng của người Xibe, cô mở cửa phòng ra, bịch bịch—— tất cả những chiếc túi treo trên tay nắm cửa đều rơi xuống đất.
Cô nhặt những chiếc túi này và treo từng chiếc lên tay nắm cửa phòng Lương Minh Nguyệt, em mới không thèm những chiếc túi hôi hám của chị đâu. Rồi cô vào bếp, tìm bịch bột, cho bột vào thau, nhào bột để lên men, chuẩn bị lát nữa làm bánh.
Thức dậy quá sớm, chỉ mới sáu giờ. Cô quấn tóc lên đi ra sân sau, nhìn mảnh đất hoang mọc đầy cỏ dại, tìm một cái cuốc nhỏ đến giẫy cỏ, sau đó ngồi xổm xuống nhổ rễ cỏ, chuẩn bị dọn dẹp rồi rải phân, trồng mấy hàng rau.
Trước kia khi mua căn biệt thự, cả nhà đều rất thích khoảng không gian thoáng rộng hàng chục mét vuông ở sân sau này. Ba Lương rất thích chơi bóng cửa, vì vậy ông nói có thể làm một sân bóng cửa nhỏ. Mẹ Lương thì nói sẽ trồng rau, rất tiện và an toàn. Lương Minh Nguyệt thấy vậy thì mời một thầy phong thủy, người nọ nói trồng hoa trồng cỏ thì được, kị trồng cây trồng rau. Bóng cây rộng, dễ chặn tiền tài.
Mẹ Lương hỏi tại sao không thể trồng rau, ông thầy vuốt mấy cọng râu thưa thớt bạc trắng, nói rau (thái) này rau (thái) nọ, dễ yết thái*, ngụ ý không tốt. Sau đó vì bất đồng ý kiến mà họ không sống ở đây thường xuyên, nó trở nên hoang vắng theo thời gian.
*歇菜 /xiē cài/ :chấm hết, chấm dứt, kết thúc, cút đi, đi đời nhà ma.
Lương Tị vừa xới đất vừa lẩm bẩm rằng mình sẽ trồng rau. Ngày nào cô cũng ăn rau, có thấy đi đời nhà ma bao giờ đâu.
Ba Lương cũng dậy sớm, nhưng ông rửa mặt rất lề mề, rất lâu mới ra sân sau nói sẽ giúp cô thu dọn. Tối hôm qua hai chị em cãi nhau, trong phòng ngủ có nghe thấy, hai vợ chồng họ nhìn nhau, cũng không dám nói lời nào, giả vờ như không biết.
Trong lòng bọn họ rất rõ ràng, mấy năm nay vợ chồng bọn họ lâm bệnh, đều là Lương Tị chạy trước chạy sau cả. Và trong cuộc sống, rõ ràng họ phụ thuộc và cần Lương Tị nhiều hơn.
Lương Minh Nguyệt đã đưa ông đến bệnh viện hai lần, một lần khi đến lượt họ gặp bác sĩ, một bệnh nhân khác có hậu trường cứng hơn nhảy vào chen ngang, con bé ngay lập tức cải nhau với người ta. Lần còn lại thì cứ gọi điện suốt, ở cùng với ông chỉ có một tiếng mà nghe đến ba cuộc điện thoại.
Hơn nữa kể từ khi già đi, tâm trạng của ông cũng đã thay đổi rất nhiều. Ngày xưa chị em chúng nó cãi nhau, vợ chồng ông thiên vị, bất luận đúng sai đều muốn đứa em nhường nhịn đứa chị, vì đứa em dễ nói chuyện hơn.
Cũng không phải nói đứa chị càn quấy, ngược lại đứa chị lý trí hơn, thực dụng hơn, sai là sai, đúng là đúng, có dũng khí và sự quyết đoán, chuyện gì cũng có thể xử lý một cách dứt khoát.
Còn đứa em thì là đứa xử trí theo cảm tính, cách nhìn nhận con người và vấn đề cũng từ một mà phân thành hai, giải quyết lôi thôi dài dòng. Việc nhỏ thì không sao, nhưng đυ.ng phải việc lớn thì không thể quyết định.
Bây giờ vợ chồng họ đã học được cách thông minh, giả vờ như không nghe thấy gì, không quan tâm đến.
Xéo bên đường, phía đối diện với sân sau có một cây bạch quả được trồng trong khu biệt thự, một đàn chim sẻ đậu trên đó, sáng nào cũng hót líu lo. Ba Lương thường vốc một nắm hạt kê vụn ném vào góc sân, một lúc sau lũ chim sẽ lần lượt sà xuống mổ.
Ba Lương cầm cuốc, cuốc bãi đất trống thành từng luống một, sau này sẽ tưới nước và bón phân, trồng các loại rau vào. Làm việc được một lúc, người đổ chút mồ hôi, không thấy mệt nhưng chân tay thì rã rời.
Lúc này Lương Minh Nguyệt đi tới, trên tay cầm rất nhiều túi xách, treo lên cánh tay ông, giao phó: "Của em con, lát nữa ba mang vào phòng nó đi."
Ba Lương biết chuyện, nhưng giả bộ không hiểu, "Ba đang bận việc, con tự làm đi."
Lương Minh Nguyệt nhìn mảnh đất trống đã được cuốc xong, khó hiểu, "Tại sao phải thu dọn?"
"Em gái con nói nó muốn trồng rau."
Lương Minh Nguyệt cau mày, "Nó rảnh quá mà..." Đột nhiên chị lại thay đổi lời nói: "Trồng rau rất tốt."
"Ba, đến giờ ăn cơm rồi." Lương Tị hướng cửa gọi.
"Ừ, đi ăn cơm." Ba Lương lau mồ hôi, đặt túi xách trên tay xuống đất, hai tay vung qua vung lại, đi vào trong nhà, nói: "Chà, vừa lúc ba đói bụng rồi. Mới làm có một chút mà người toàn là mồ hôi. Hồi còn trẻ ba đi chặt cây cả ngày mà có thấy mệt miết gì đâu."
Lương Tị cuộn sợi khoai tây và ớt xào vào bánh cho ông, "Tại sao ba lại chặt cây?"
Ba Lương rửa tay nói: "Chặt cây cổ thụ đi để trồng lại cây hữu ích."
Lương Tị đưa bánh cho ông, dặn ông đừng bỏ rau, nói nó là bánh nướng Xibe của người Xibe, rất mềm và ngon.
Ba Lương cắn một miếng, nhai một lúc lâu rồi nuốt xuống, khen nó ngon, mềm hơn cả bánh hấp. Hai năm trước, kể từ khi bị rụng răng sau khi ăn bánh nướng, ông không chịu ăn bánh nướng nữa.
Bên kia, Lương Minh Nguyệt đặt những chiếc túi vào phòng của Lương Tị, nhìn thấy ba Lương đang ăn bánh, chị cũng vào bếp lấy. Nhưng không ngờ, miếng bánh cuối cùng đã bị Lương Tị cầm lấy, cuộn nó với những sợi ớt xào và ăn một mình.
Lương Minh Nguyệt xoay người đi ra một cách khô khốc. Mắt nhìn ba Lương, ông xoay lưng lại, không quan tâm đến những chuyện khác.
Lương Tị vừa ăn bánh vừa nhìn chị, "Trên bàn bếp có sẵn bột, chị tự làm đi."
Lương Minh Nguyệt ngắt một miếng bột cỡ nắm tay, dùng lòng bàn tay vỗ nhẹ rồi dùng cây lăn cán mỏng, cuối cùng lấy lên trải vào trong chảo. Bánh nướng cũng được lắm, nhưng nhiệt độ không được kiểm soát tốt, lửa quá cao khiến bánh phồng lên và cháy khét chỉ trong vài giây. Chị vội vàng lật nó lại, và chỉ sau vài giây, mặt bên kia cũng phồng và khét luôn. Hơn nữa lúc lật bánh chị cũng không để ý, bị quai chảo làm phỏng.
Lương Tị ngửi thấy mùi khét thì bước đến, đưa tay lấy cái bánh ra, bên ngoài khét nhưng bên trong lại sống, hoàn toàn không thể ăn được. Cô tắt lửa trước, sau đó nhúng một miếng khăn khô vào nước, lau chảo cho hạ nhiệt rồi ngắt một miếng bột, lăn đi lăn lại vài vòng, vặn lửa, trải bánh vào chảo.
Lương Minh Nguyệt nhìn động tác nhanh nhẹn của cô, tìm lời nói: "Khi nào thì lật bánh được?"
Lương Tị thậm chí không nhìn chị, trả lời: "Đợi thấy một lớp bong bóng nhỏ nổi lên thì lật."
Lương Minh Nguyệt cầm đũa đứng đó, lúc thì xoay đũa, lúc thì quay tay, nhìn rất chuyên nghiệp. Sau đó chị lại nhìn chiếc chảo kiểu cũ, nói: "Cái chảo này cũ lắm rồi? Sao không dùng loại chảo chuyên nướng bánh... gọi thế nào nhỉ?" Cả buổi cũng nhớ không ra.
Lương Tị lấy bánh ra, trải bánh mới nướng lên trên dĩa rồi nói: "Cái đó gọi là chảo điện."
"Ừ, chảo điện." Lương Minh Nguyệt nói: "Để trưa chị mua cho em một cái."
"Cái đó dùng không tốt đâu, nhà mình cũng có." Ba Lương tại bàn ăn trả lời: "Cái chảo nướng điện kia ba mua mấy năm trước rồi, không dễ sử dụng như cái chảo kiểu cũ, cái chảo này dùng nhiều năm rồi, là bà nội của hai đứa......" Ông ngừng nói, sợ giẫm phải mìn, đứng dậy đi vào phòng bếp, nhỏ giọng nói: "Là của bà nội hai đứa để lại, đã mười mấy hai mươi năm rồi."
...
Ba Lương vừa nói xong, Lương Tị liền nghiêm túc sửa lời Lương Minh Nguyệt, "Chị không mua chảo điện cho 'em', chị mua nó cho gia đình này. Và việc chị bỏ tiền ra mua cũng là việc nên làm, nhưng không có nghĩa chị có thể thoải mái mà ăn bánh do em làm đâu."
...
Ba Lương nghe xong liền quay trở lại bàn ăn. Bây giờ trong nhà không thể nói lung tung, đâu đâu cũng có mìn.
Lương Minh Nguyệt cầm miếng bánh lên, nghiêm túc nói: "Em vất vả rồi, cảm ơn em đã nướng bánh cho chị." Sau đó chuẩn bị cuộn sợi khoai tây.
Lương Tị gật đầu, nhận lời cảm ơn của chị, chỉ vào một dĩa khoai tây khác, "Chị cuộn cái này này. Khoai tây này giòn, xào chín bảy phần thôi. Khoai tây đó được đặc biệt xào cho ba, mềm hơn, vì răng của ba không tốt."
Ba Lương đúng lúc trả lời: "Mỗi lần em con nấu món nào điều sẽ làm hai phần, ba với mẹ con ăn một phần, các con ăn một phần."
Lương Minh Nguyệt vẫn im lặng, chị thường nhìn thấy hai món ăn giống hệt nhau trên bàn, mặc dù có chút tò mò nhưng chị chưa bao giờ hỏi đến. Lúc này chị mới biết mình đã không quan tâm chuyện ở nhà đến mức độ này.
Bên kia, ba Lương vẫn còn đang nói: "Dì giúp việc nấu ăn không hợp khẩu vị của ba, không dụng tâm như em con."

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.