Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Chương 2: Hồng Nhai Câu




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Nguyên Túc Châu tên Tửu Tuyền, nổi tiếng nhất với cốc linh lung dạ quang, là cống phẩm triều đình hằng năm. Ngoài ra còn có rượu trắng Tửu Tuyền thuộc loại hảo hạng đậm đà men say, và cả những thức quả ngọt lịm ăn mát vào tận gan ruột.
Ngày đến Túc Châu, ông trời bỗng giở tính tai ngược đổ rào một trận mưa buốt. Mọi người ngồi vây chung quanh quán trọ thưởng thức mấy vò rượu trắng trong niềm sung sướng. Nghỉ hết một ngày rồi lại lên đường đi theo hướng đông đến Cam Châu.
Túc Châu cách Cam Châu bốn trăm dặm hơn. Đi về phía đông dọc ven chân dãy Kỳ Liên Sơn, cảnh vật dần dần biến khác so với vẻ hoang dã của tắc ngoại*. Trời xanh như gột rửa, mây trắng nở bồng bềnh, núi non đồ sộ làm bật lên đỉnh núi tuyết đọng quanh năm, xa xa đồng cỏ nhấp nhô trải dài tựa bức họa cuộn tròn. Mọi người đi trọn một đường, vốn đã quen với cát vàng mênh mông, giờ nhìn xa là núi xuyên hồ, lòng tràn niềm vui khoan khoái.
(*Tắc ngoại: Phía bắc Trường Thành)
Trạm Hắc Tuyền là một trạm dịch nhỏ đổ nát bên đường, mọi người ở đây bổ sung đồ ăn thức uống, Tào Đắc Ninh đi sang nói với Đoàn Cẩn Kha: "Cậu Kha, trưa trời trưa trật rồi, hay là nghỉ chân một lát đi."
Đoàn Cẩn Kha dán mắt vào con ngựa đỏ thẫm của mình đang uống nước cạnh giếng, gật gật đầu: "Mọi việc cứ theo ý chú Tào."
Dọc đường, nếu không có làng hay trạm dịch để bắc nồi nấu cơm, thì mọi người có thể lấy lương khô làm thức ăn. Lương khô chủ yếu là bánh vừng* và thịt khô, các trạm dịch và quán trọ ven đường đều có bán. Bánh vừng dày độ một hai tấc, đem nướng trên lửa than, vậy là đã cho ra lò một chiếc bánh thơm, dày và mặn, dùng dây thừng xâu lại thành chuỗi, khi ăn chấm chút nước cho mềm, ăn kèm cùng thịt khô.
Đoàn Cẩn Kha sinh ra ở Trường An, mẹ xuất thân từ quan lại Giang Nam. Đầu bếp trong nhà toàn là người miền nam, sở trường chế biến những món đòi hỏi sự tỉ mỉ như xắt mỏng hay làm trà bánh. Trong vòng nửa năm trở lại đây, nói một cách hoa mỹ thì, trên phương diện ăn uống quả thực là khổ mà chẳng thể nói.
Vỏ bánh vừng thô ráp, Đoàn Cẩn Kha nhai nuốt từng miếng nhỏ. Gã sai vặt lanh lợi Ngụy Lâm bên cạnh lấy từ trong tay áo ra một chiếc hũ nhỏ, nhón mấy miếng hoa quả đưa cho y: "Đây, công tử."
Đó là loại mơ tía tô có tiếng nhất của cửa hàng Thôi gia ở Trường An, được đựng trong chiếc hũ nhỏ bằng ngọc lưu ly*. Quả nào quả nấy trơn bóng mượt mà, vỏ khoác ngoài như được phết lớp son hồng, ngậm vào miệng là lập tức tan ra, lẫn trong vị chua chua là cái ngọt lành thanh mát cả khoang miệng. Con người Đoàn Cẩn Kha, tuy trông vào thì phú quý nho nhã, ăn mặc ngủ nghỉ cũng không quá kén chọn, chỉ có điều thích nhất là ăn đồ ngọt. Có lẽ năm ấy lúc phu nhân mang bầu đã ăn khá nhiều mơ, từ bé đến lớn chung quanh y chẳng thiếu sơn hào hải vị, nhưng chỉ một chén mơ trộn cơm cũng đủ khiến y thỏa thuê sung sướng.
Đoàn Cẩn Kha nhai hạt mơ, đứng lên ngắm nhìn dãy núi cách đó ít xa. Đằng trước là đỉnh nam Dã Mã, chỉ thấy từng cụm núi che mắt, nối liền lấy nhau, trập trùng nhấp nhô không biết mấy tầng, uốn lượn quanh đường núi như ẩn như hiện.
Vương triều phong Lương Châu làm quân trấn Hà Tây, có sáu Chiết Trùng Phủ*, bốn vạn quân Xích Thủy đóng giữ. Nơi giao dịch đặt ở Cam Châu, bố trí nơi giao dịch để giám sát, khuyến khích việc mua bán của Trung Nguyên và Tây Vực. Khi thương đội tiến vào Cam Châu dỡ hàng, thì đó đã là cuộc hành trình vạn dặm để cuối cùng trở về quê nhà.
(*Chiết Trùng Phủ: tên chế độ binh phủ, tổ chức cơ sở quân sự thời Đường)
"Này, đợi đến Cam Châu rồi..." Không biết người nào trong thương đội cất tiếng khởi xướng, "Đợi đến Cam Châu rồi, thể nào cũng phải ăn ba ngày ba đêm cho đã. Thịt bướu lạc đà, phô mai, rùa móng ngựa, đuôi gấu mèo om lê*, có đem thần tiên đổi cũng xin từ chối!"
"Rượu nho là tốt nhất, rượu Dương Cao uống vào sướng hết người, rượu Trường An mua trăm tám mươi hũ, uống ba ngày ba đêm cũng không hết!"
"Thế thì cô nương thành Cam Châu phải ôm ngủ ba ngày ba đêm mới đủ!"
Mọi người phá lên cười sảng khoái.
Trên trời, cánh chim sải chao nghiêng đang đọ cao thấp với đỉnh núi. Thương đội phía dưới kéo theo đoàn lữ hành tít tắp chẳng thấy đầu cuối đi trên con đường quanh co khúc khuỷu, tiếng lục lạc leng keng chậm chạp dội sâu vào đường núi.
Núi Dã Mã nhiều cát đá, là loại đá vụn bị băng tuyết mưa gió quanh năm suốt tháng ăn mòn. Thương đội vượt qua các vách núi trùng điệp, đập vào mắt cơ man là gờ núi dốc ngược, mỏm đá lởm chởm nằm cao chót vót.
Đi được vài dặm thì trước mặt hiện ra một chỗ đá trũng. Đây là một khu đất hoang bị gió nạo vét tứ phía, cỏ cây rất thưa thớt, đâu đâu cũng thấy có khe rãnh nông sâu, đất đá ngổn ngang, vô số tảng đá và gờ hình thù quái đản. Đá đỏ như máu, màu vàng bơ, màu đất đỏ, đỏ thẫm, hay tím đậm,.. hệt như lò hỏa luyện đông đặc lại trong nháy mắt, lắm hang nhiều lỗ, như trụ như rừng, thường dễ bị lạc giữa không gian ấy. Do đá và đất có màu sẫm đỏ, nên dân bản xứ gọi nơi đây là Hồng Nhai Câu*.
(*红崖沟 - Hồng Nhai Câu: Hồng là đỏ, Nhai là vách đá, Câu là khe rãnh)
Gió khúc khích nô đùa mài trên đá, rít qua tai mọi người, nghe quả thực có phần bực dọc. Đi nửa đường, Hách Liên Quảng dẫn đầu bỗng nhướng mày, vỗ ngựa lùi ra đằng xa.
Hắn quay đầu làm dấu tay, ngăn thương đội tiến lên trước, nghiêm mặt nói: "Dấu chân dưới đất kỳ lạ quá."
Mọi người vốn đã có hơi hoang mang, giờ phút này ai nấy cũng giữ rịt lấy chiếc túi lớn đeo bên người, bối rối hỏi: "Xảy ra chuyện gì thế?"
Hách Liên Quảng đá văng đám đá lăn lóc bên đường. Dưới đất là những vết hằn sâu hết sức lộn xộn, cách đó không xa thấp thoáng thấy có mảnh lụa trắng nằm ở rìa tảng đá dị dạng.
Đoàn Cẩn Kha cẩn thận quan sát dấu vết, Tôn lão bên cạnh cất tiếng: "Có dấu xe, dấu chân ngựa lừa, và cả dấu chân người."
"Còn có dấu móng ngựa đóng sắt nữa." Đoàn Cẩn Kha nhíu mày.
"Là mã tặc ư?"
Núi Dã Mã là con đường dân buôn bán buộc phải đi qua ở Cam Châu - Túc Châu. Núi đá của khu vực Hồng Nhai Câu phải nói vô cùng hiểm trở, khe rãnh khắp nơi, có nhiều băng nhóm lẻn lên tận đây rồi ẩn náu trong núi, chuyên gia cướp bóc thương khách qua đường.
Mọi người nghe nói tới mã tặc, lòng ai nấy cũng dâng nỗi lo âu. Tào Đắc Ninh lại chẳng hề hoang mang: "Chưa biết thực hư, tạm thời mọi người cứ bình tĩnh. Huống chi chúng ta người đông thế mạnh, tên cung đầy đủ, không hẳn là không đối phó được."
Hách Liên Quảng, Thẩm Văn đi lên trước dò xét kỹ hơn, chỉ chốc lát sau đã thúc ngựa trở về, cả hai đều lắc đầu: "Chỗ rãnh đằng trước có càng xe gãy rụng mỗi thứ một nơi, tường đổ vỡ, với cả vài món dụng cụ hằng ngày. Xem ra trước đó đã có một đoàn người đi qua gặp cướp. Tuy nhiên không thấy vết máu hay thi thể gì, chắc là gặt lúa thôi."
Gặt lúa, giải thích theo kiểu biệt ngữ thì là, hoa màu để lại gốc, sinh trưởng hết vụ này đến vụ khác, người không giết hại, chỉ vơ của*.
(*Tức là giết người rồi thì lần sau còn gì để cướp nữa)
Mọi người vội vàng đi trước, chưa được bao lâu, sau lưng tự dưng trở nên rối loạn, có người bỗng giơ tay lên chỉ: "Chỗ rãnh kia... là gì thế? Hình như có người nằm đấy!"
Dọc theo đường là khe rãnh dốc ngược, sâu mấy chục thước. Bên trong là những đá mấp mô, mỏm đá ngầm dữ tợn, đất đá đỏ rực như lửa cháy, càng làm nổi bật lên miếng vải mỏng tanh.
"Dù có là người, nơi vách đá dựng đứng thế này, chỉ sợ cũng chết mất xác rồi." Có người nói, "Vẫn nên mau đi thôi."
Không biết từ lúc nào, nàng tỉnh lại từ cơn hỗn độn vô biên. Chắc là chịu đau một khoảng thời gian khá dài nên tạm thời đã mất đi cảm giác. Cả người như nhánh tơ liễu bị gió thổi phất phơ, mềm oặt vô lực, lắc lư liên tục, chừng như giây lát sẽ tan tác theo luồng gió.
Lạnh quá, sao lại lạnh vậy chứ, lạnh đến độ cơ thể hóa bông tuyết, mỏng giòn buốt giá tan ra trên mặt đất.
Đầu óc hoa hoa váng vất, tai chỉ nghe toàn tiếng ong ong, nỗi sợ hãi không tên cứ dâng lên dần, nàng run rẩy muốn bắt lấy thứ gì đó.
Những ngón tay tô bóng nước hướng về phía nàng, nàng cố gắng chạm tới những đầu ngón tay đẹp đẽ ấy, nhưng cách xa quá, bất luận cố gắng kiểu gì cũng chẳng với được.
Không một gì hết. Bất thình lình, nàng rơi xuống từ giữa không trung. Phút chốc, cảm giác đau thấu như tim bị đục thủng, xương bị bóp nát, tràn lan khắp các dây thần kinh. Có tiếng ầm ầm vang bên tai, phần ngực, cổ họng và khoang mũi nhức nhối, như hàng ngàn nhũ băng đâm vào người.
Lần nữa nàng đau đớn tỉnh dậy khỏi ảo ảnh hư vô, mơ hồ nghĩ: "Nếu bị sói hoang ăn thịt... Liệu có phải sẽ rất đau..." Chốc lát sau, nàng nghĩ, "Chắc chắn rồi, dáng vẻ nhất định là xấu xí lắm..."
Hồi lâu, nàng hốt hoảng khi trông thấy gương mặt hư ảo, một cặp mắt đen nhánh. Nàng không nhớ mình đã gặp đôi mắt đó hay chưa, bụng cứ ngỡ đây là tưởng tượng của mình, rồi lại nghĩ, chả nhẽ quỷ soa đến dẫn mình đi?
Lý Vị ngồi xổm bên người nàng, hàng mày chau lại, khẽ mơn trớn tứ chi mềm mại của nàng, sau đó vỗ nhè nhẹ vào người nàng.
Nàng lặng lẽ rên lên tiếng đau đớn, thân thể như bị xé toạc thành lỗ thủng to đùng, cơn đau xộc lên tận não tưởng chết, khí huyết cứ cuộn trào nơi lồng ngực.
Đột nhiên đầu óc tỉnh táo lại: "Chẳng lẽ quay lại bắt mình ư?" Nàng nhớ rõ có một tên đàn ông nắm lấy bả vai nàng, chiếc ủng sắt pha chì đạp vào ngực nàng, ném thẳng nàng ra ngoài.
Nàng không nghe rõ tên đó nói gì, bụng nhủ thầm: "Kẻ sĩ thà chết chứ không chịu nhục!"
Lý Vị cẩn thận bế nàng đứng lên, nàng đau mà mất hết thần trí, gắng gượng ngẩng đầu dậy từ khuỷu tay hắn, thở hổn hển khó nhọc. Trước mắt là một mảng đen sì sì, nàng nghiêng đầu, nghển cổ, há miệng cắn phập xuống cánh tay kề sát mặt mình.
Vải thô xếp nếp, răng nanh sắc nhọn xuyên qua lớp áo cắn vào thịt hắn chẳng khác nào con thú con bị thương, Lý Vị không thấy đau, mà lại hơi ngạc nhiên, nhíu mi nhìn chằm chằm người trong lòng.
Khuôn mặt to bằng bàn tay đầy máu trộn lẫn với đất cát, lông mày đen cau tít, trên hàng mi dài vương máu và bụi, thoáng gây cho đối phương một cảm giác cô độc trơ trọi.
Dòng máu tanh ngọt trào ra từ cổ họng, thân thể yếu ớt của nàng khẽ co rúm, máu phun hết lên áo của hắn, bắn cả lên mặt hắn hai ba chỗ ấm nóng.
Nàng lần nữa rơi vào hôn mê.
"Người còn sống không?" Nhóm thương nhân gọi.
Người trong lòng nhẹ bẫng tựa lông hồng, lớp quần áo sau lưng đẫm máu, ướt đầm nhớp nháp dính vào đầu ngón tay hắn.
"Còn sống."
Bấy giờ, đám đông lo lắng ló đầu mới thở phào nhẹ nhõm. Hoài Viễn rút một tấm ván gỗ trên xe bò ra, nhảy xuống con rãnh sâu, động tác nhanh gọn dứt khoát, lúc thấy cảnh tượng trước mắt thì bất giác giật mình: "Chảy nhiều máu thế này..."
Lý Vị đặt người bị thương lên tấm ván, khẽ ừ, dang hai tay nhuốm đầy máu: "Xương ngực bị gãy, có vết thương do dao."
Mọi người ném sợi dây thừng ráp nhám xuống kéo hai người lên. Vừa trông thấy người bị thương có thân hình nhỏ gầy, là một chàng thiếu niên trẻ tuổi mặc chiếc áo choàng cổ tròn xoàng xĩnh, bọc ngoài là chiếc áo lông cừu trắng đậm màu đỏ của máu, ai ai cũng nhẹ nhàng thở hắt ra: "Ối, con cái nhà ai kia, cả người mặc đồ trắng mà lại lang bạt chốn đây, không sợ bẩn hay sao."
"Nhưng cũng may nhờ bộ đồ trắng dễ gây chú ý, mới nhặt được mạng về đấy."
"Cũng đúng."
Lý Vị lôi mấy tấm thảm nỉ bọc người cho người ta, hỏi: "Có vị huynh đài nào biết khám chữa không?"
Trong thương đội vốn có một vị hòa thượng am hiểu y thuật, tuy nhiên đã từ biệt mọi người ở Ngọc Môn quan đi về Đôn Hoàng mất rồi. Đoàn Cẩn Kha bước tới kiểm tra, thấy không ai đáp, chỉ đành nói: "Mỗ có biết dược lý sơ sơ, có thể xem thử coi sao."
Mới ghé mắt vào, Đoàn Cẩn Kha đã hãi hùng suýt nhảy dựng, thiếu niên suy nhược được bọc gọn trong thảm nỉ, mặt bê bết máu và cát bùn, chẳng nhìn rõ diện mạo.
Ngụy Lâm giúp Lý Vị và Hoài Viễn khiêng người bị thương lên xe ngựa, thấy máu cứ tí tách rơi trên ván gỗ, nhịn không được thốt lên: "Vẫn còn chảy máu này."
"Trước tiên cởi quần áo ra xem vết thương." Đoàn Cẩn Kha vươn tay định cởi áo ngực, lại bất ngờ bị một bàn tay khác ngăn cản, Lý Vị do dự chốc lát, biểu cảm dị thường, thấp giọng bảo: "Hình như... là con gái."
"Hả..." Ngón tay Đoàn Cẩn Kha hãy còn chạm vào vạt áo, nghe thế thì rút về ngay tắp lự: "Nữ lang?"
Lý Vị ngập ngừng gật đầu, đứng dậy nói với tên Hồ thương ục ịch đứng cách đó không xa. Thương nhân đó tươi cười gật gật, quay đầu thì thà thì thầm, sau đó một nàng hồ cơ dáng uyển chuyển bước xuống xe ngựa, đi theo Lý Vị tới chỗ Đoàn Cẩn Kha.
Tấm khăn che khuất nửa khuôn mặt hồ cơ, để lộ nửa khuôn mặt như tuyết trắng, cặp mắt biếc chất chứa nét hờn giận, mi dài như có nỗi ưu tư. Thình lình Ngụy Lâm "a" lên một tiếng, gáy bị Đoàn Cẩn Kha vỗ cái: "Đi lấy chậu nước lại đây."
Lý Vị biết tiếng Hồ, khẽ nói với hồ cơ vài câu. Hồ cơ ngẩng đầu nhìn qua, đôi mắt tĩnh mịch như hồ nước thình lình chạm phải mắt của Đoàn Cẩn Kha, rồi bỗng chốc dời đi, cúi đầu cất bước đi vào trong xe.
Không bao lâu sau, hồ cơ thò đầu ra, sắc mặt hơi tái, lắp bắp nói gì đó.
"... Là một cô gái." Lý Vị thuật lại lời hồ cơ, "Người vẫn còn chảy máu."
Trên chiếc hộp nhỏ cài mặt dây chuyền ngọc óng ánh, bên trong có bộ nội y dính máu, vải bông quấn chặt quanh ngực, máu đỏ đậm gần như nhuộm đẫm mảnh vải.
Ngụy Lâm bưng một bát nước sạch đến, hồ cơ lấy khăn dấp nước lau máu bẩn trên mặt người bị thường, lau đi cả lớp bụi vàng nhem nhuốc. Một khuôn mặt nhỏ nhắn trầy xước phảng phất nét mỏi mệt dần hiện ra, da dẻ trắng xám như tờ giấy. Nom khuôn mặt này, cùng lắm cũng chỉ độ thiếu nữ mười bốn mười lăm tuổi thôi.
(còn tiếp)
*Chú thích:
chapter content


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.