Việt Linh

Chương 50: Luyện Sắt




Chương 50: Luyện Sắt
Trong một căn nhà nhỏ nằm một góc của Hồng thôn vang lên tiếng kim loại chát chúa. Một đám người mồ hôi nhễ nhại bên lò lửa đỏ rực, nhóm thì ra sức dùng ống hơi thổi lửa, nhóm lại đập nhỏ những quặng sắt thành bột mịn, nhóm lại bắt đầu nung cho chúng kết dính với nhau. Tiếng kêu gọi, tiếng lửa cháy, tiếng va đập trộn lẫn vào nhau tạo nên bầu không khí làm việc khá bận rộn.
Nguyễn Long lúc này đang chăm chú quan sát quá trình lấy sắt từ quặng. Nghề luyện sắt thời hiện đại trông thì đơn giản, nhưng với tình trạng thiếu thốn đủ thứ như hiện nay thì đó là một việc hết sức gian nan.
Từ thời kỳ đồ đá phải trải qua một thời gian cực kỳ dài lâu mới đến được thời kỳ đồ đồng. Từ đồ đồng đến đồ sắt lại phải qua một quá trình gian khổ tìm tòi nghiên cứu của không biết bao nhiêu thế hệ nữa. Việc tìm ra và sử dụng được sắt chính là bước nhảy vọt của lịch sử loài người, là cuộc cách mạng đưa nhân loại đến một chân trời mới.
Để lấy được sắt ra từ quặng, người xưa đã tìm ra rất nhiều phương thức. Mỗi phương thức lại dính líu rất nhiều yếu tố phát triển khác nhau, nào là nguyên liệu, chất đốt, dụng cụ hỗ trợ đến kỹ thuật luyện kim, kỹ thuật tạo hình,....
Sắt trong tự nhiên luôn luôn bị ôxy hoá và lẫn rất nhiều tạp chất. Chúng thường ở dưới dạng xù xì, xấu xí, có màu rỉ sét. Hơn nữa chúng lại là một kim loại khó nấu chảy.
Trong khi đồng nóng chảy chỉ ở khoảng một ngàn độ hay đồng thau tầm bảy đến chín trăm độ, thì sắt lại có nhiệt độ nóng chảy lên đến một ngàn rưỡi độ. Với nhiệt độ này, chất đốt từ than củi hoàn toàn không thể đáp ứng được.
Hiện tại Nguyễn Long đang phải áp dụng phương pháp nguyên thủy nhất chính là thổi sắt sống. Chính là dùng bột sắt liên kết lại với nhau để rèn. Cách này chỉ cần nhiệt độ khoảng chín trăm, than củi hoàn toàn có thể thực hiện được.
Lò thổi sắt sống có cấu tạo rất đơn giản, được xây bằng đá và đắp bùn xung quanh, có lỗ thông gió và thổi gió vào.
Quặng sắt được đem về từ tận vùng núi rừng Lạc Tiên. Không phải Nguyễn Long không muốn tinh luyện tại chỗ, nhưng hiện tại đang có mối lo Sơn Việt nên hắn đành phải chịu vất vả mang về đây. Hơn nữa, tiện thể hắn dùng việc này để rèn luyện Hồng Lâm quân.
Cứ cách vài ngày bọn họ sẽ hành quân đường dài, mang theo thực phẩm đến cho những người canh giữ và đào quặng nơi đó, đồng thời sẽ mang quặng sắt trở về.
Từng khối đá chứa sắt sẽ được sàng lọc, đập nhỏ, rửa sạch, xếp theo từng lớp trên củi để đốt.
Sau khi đốt, lúc này khối quặng liên kết đã trở nên lỏng lẻo, có thể dễ dàng nghiền nát thành bột mịn.
Tiếp đó, lại đổ tất cả chúng vào lò thổi sắt sống, đốt than đã được hầm sẵn, dùng ống thổi gió bằng đất sét để tăng tốc độ cháy.
Nhiệt độ trong lò giúp khử cho hết rỉ sét bị oxi hoá làm cho sắt hoàn nguyên và kết dính lại với nhau. Do kỹ thuật đơn giản cho nên sắt được hoàn nguyên chỉ ở trạng thái xốp, lủng lỗ chỗ tổ ong, lẫn lộn với cứt sắt và các loại tạp chất khác đọng lại dưới đáy lò.
Đợi cho lò nguội hẳn mới phá lò lấy sắt ra. Những cục sắt tinh này lại được nung đỏ, đập rèn nhiều lần để thành ra những thỏi sắt chín có hình dáng nhất định.
Nguyễn Long cầm một cục sắt đã được tinh luyện lên xem xét, chúng rất sần sùi, về cơ bản chất lượng không cao. Nhưng hắn cũng không thất vọng, bước đầu như thế đã quá tốt.
"Phải dùng bao nhiêu quặng mới ra được như thế này?" hắn hỏi Cao Lỗ.
"Khoảng hơn 10 ký quặng."
"Cao như vậy?", Nguyễn Long kinh ngạc, khối sắt trên tay hắn nặng tầm ba bốn ký lô. Nếu tính như vậy hàm lượng sắt trong mỏ quặng này chiếm đến ba bốn mươi phần trăm. Con số này biểu thị đây là một mỏ quặng rất giàu sắt.
"Những thứ này hiện tại đã có thể rèn một số dụng cụ thủ lĩnh nói, khi nào chúng ta có thể bắt đầu?" Cao Lỗ đầy mong chờ nhìn Nguyễn Long, hắn bẩm sinh đã yêu thích công việc rèn đúc.
"Không cần vội, muốn tăng nâng suất cần có dụng cụ cần thiết. Hiện tại phải mài dũa chúng thành dụng cụ lò rèn cái đã. Chúng ta đâu thể sử dụng đồ đá để làm mãi. Hơn nữa đây chỉ là lò luyện để thử nghiệm. Hiện tại ta sẽ chỉ ngươi cải tiến để tinh luyện nhanh hơn, ít cần người hơn.
"Cải tiến bằng cách nào, ta thấy như vậy là rất tốt rồi".
"Còn nhiều cách tốt hơn nữa, lúc trước chỉ muốn các ngươi làm quen với chúng nên làm cho đơn giản. Thứ này phức tạp hơn đôi chút, ngươi nghiên cứu rồi cho người thực hiện".
Nói rồi Nguyễn Long bèn hướng dẫn hắn làm lò luyện kiểu của người Xơ-Đăng mà hắn từng có dịp tham quan, may mắn còn nhớ chút đỉnh, phần còn lại dĩ nhiên để Cao Lỗ tự tìm cách hoàn thiện.
Cấu trúc của lò rèn truyền thống của người Xơ Đăng - Tơ Đrá gồm bễ tạo hơi bằng da thú, 2 ống bễ bằng gỗ, ống dẫn hơi bằng nứa và ống dẫn hơi chịu lửa dẫn ra lò. Cuối cùng là lò nung được làm bằng đất sét với thiết kế khá đơn giản, có kích thước dài 6 tấc, rộng và cao 3 tấc, sâu 2 tấc. Hai phía có 3 ụ đất nhô lên, chính giữa được ốp với ống dẫn hơi, phần trên là khoảng hẹp hơi trũng để đổ quặng vào nung và được đắp đất cao 5 tấc, tạo thành chỗ để người ngồi thụt hơi.
Hai người to to nhỏ nhỏ với nhau cả buổi trời. Nguyễn Long chỉ nhớ một số bộ phận cơ bản, hắn định khoán qua cho Cao Lỗ tự xử lý. Nhưng Cao Lỗ cũng không phải tay vừa, liên tục níu kéo hỏi han làm Nguyễn Long không có cách nào phân thân.
"Trước mắt chúng ta cứ tạm thời làm như thế, khi nào tìm được than đá lại cải tiến một lần nữa, đúc ra nước thép để đổ khuôn. Làm xong cứ giao lại cho vài người nung quặng. Số còn lại chuyên tâm vào rèn nông cụ."
"Ngài yên tâm, chỉ cần có đủ quặng, ta sẽ làm ra bất cứ thứ gì ngài muốn", Cao Lỗ tự tin nói.
"Luyện kim là một môn học vấn cao thâm, còn nhiều điều phải học hỏi. Ngoài sắt, sau này ngươi sẽ còn tiếp xúc với nhiều thứ kim loại khác, mỗi thứ đều có tính chất và công dụng riêng. Hơn nữa cũng không phải cứ rập khuôn là được mà cần sự sáng tạo, hy vọng ngươi có thể đưa luyện kim lên một tầm cao mới".
"Đa tạ thủ lĩnh", Cao Lỗ trịnh trọng đáp, "từ khi nhận lấy thấy cây cung từ tay ngài, ta đã thấy con đường phía trước của ta mở ra. Người khác có thể lấy võ nhập đạo, ta sao lại không thể lấy kim vấn đỉnh".
Nguyễn Long kinh ngạc, không ngờ chí hướng Cao Lỗ lại xa hơn hắn tưởng tượng rất nhiều như vậy.
"Trăm sông đổ về một biển, bất cứ con đường nào đi đến tận cùng cũng sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến đại đạo, không có thứ gì trên đời này tồn tại mà không có mục đích. Chẳng qua chúng ta có đạt được mục đích cuối cùng của nó hay không mà thôi".
"Ha ha ha, nói rất phải, nói rất phải!" Cao Lỗ cười lớn.
"Chút nữa thì quên, Phù Đổng côn ta giao cho ngươi hiện tại như thế nào rồi?"
Cao Lỗ thu hồi tiếng cười, gãy đầu ngượng ngùng:
"Không có cách nào để nối chúng lại được, ngay cả nung nóng lên còn không thể".
"Không sao, nếu dễ như vậy thì đâu còn là bảo vật. Đưa lại cho ta, gãy thì dùng theo cách gãy, sau này ta sẽ để ngươi tự tay chữa trị".
Nguyễn Long sau khi nhận lại Phù Đổng côn cũng không ở lại mà liền rời đi. Hắn cần soạn thảo một nghi lễ quan trọng, chỉ cần chờ Mai An Tiêm trở về sẽ lập tức thực hiện. Đây là thứ quan trọng của cả đời người.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.