Vương Triều Thịnh Thế

Chương 19: Nghĩa quân thần, tình huynh đệ




Niên hiệu Thuận Thiên, năm thứ nhất. Kinh thành Thăng Long. Hoàng cung Đại Việt. Ngự thư phòng.
Lúc này, trong thư phòng chỉ có hai người đang ngồi chơi cờ.
Người chấp kỳ trắng tuổi hơn tứ tuần, thân vận đơn giản trường bào. Dáng vẻ không kém phần bệ vệ, uy nghi.
Hắn chính là thủ lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn – Lê Lợi. Bây giờ, chính là đương kim hoàng đế.
Người ngồi đối diện, dù một thân thường phục, nhưng không giấu được nét tao nhã ung dung, hai mắt sáng như đuốc, hắc bạch phân minh, cơ trí quang mang.
Hắn chính là Đại Hành khiển Nguyễn Trãi, cánh tay trái đắc lực của hoàng đế. Cũng là người đang chấp kỳ đen.
Lê Lợi chần chừ rồi đặt một quân cờ trắng xuống một vị trí trên bàn cờ, sau đó mở miệng hỏi:
“Tiên sinh, những gì khanh vừa nói là thật?”
Nguyễn Trãi nhanh chóng đặt một quân đen xuống chặn đường đi của cờ trắng, gật đầu khẳng định:
“Chắc chắn không phải giả.” Làm sao để thuyết phục bệ hạ…
“Ừm…”
Một tiếng “cạch” vang lên, một cây quạt xếp đúng lúc xuất hiện chặn ngang một bàn tay đang cố gắng thay đổi vị trí của các quân cờ.
“Hoàng thượng! Chơi cờ thì không được gian lận, hơn nữa tính luôn lần này thì ngài lại đã đi lại tổng cộng đã hơn ba lần rồi.” Nguyễn Trãi cố ý nhấn mạnh chữ “lại”.
Thì ra bệ hạ chúng ta nhân lúc Nguyễn Trãi đang suy tư, lén lút đổi vị trí các quân cờ. Nhưng ai biết Nguyễn đại nhân nhất tâm nhị dụng, lại bắt quả tang bệ hạ ăn gian.
“Khụ… khụ… Ái khanh… Khanh không thể làm ngơ một lần sao? Chỉ một lần…”
“Không được. Có lần một sẽ có lần hai. Bệ hạ đã chơi thì phải chịu thua. Không thể ăn gian. Còn có, lần nào chơi cờ thần cũng đã để cho bệ hạ đi lại rất nhiều lần.”
Cho nên ngài không thể được một tấc, lấn một thước.
“Ái khanh a… Khanh không thể nể mặt trẫm một lần sao? Lần nào cũng vậy, mới đi được vài nước khanh thì khanh phong sát trẫm không chút thương tiếc thế này. Trẫm cũng thật mất mặt.”
“Bệ hạ lôi kéo thần chơi cờ.”
Là bệ hạ ngài chính mình tìm đường chết. Có thua mất mặt thì cũng phải ráng mà chịu.
Lê Lợi bị nói cũng có chút mặt mũi không ánh sáng, hạ thêm một quân cờ lại tiếp tục kỳ kèo:
“Tiên sinh… Khanh nhường trẫm một chút không được sao?”
Nguyễn Trãi lại hạ một quân chặn ngang, sau đó ngẩng đầu lên nhìn hoàng đế hai mắt thâm thúy:
“Nếu ngài là Lê Lợi thần nhường cũng được. Nhưng ngài là hoàng đế nên thần không thể nhường.”
Lê Lợi trầm mặc. Hắn hiểu ý tứ mà Nguyễn Trãi nói. Nếu hắn là Lê Lợi – một người bình thường với tiên sinh vừa là thầy vừa là bạn, tiên sinh nhường không vấn đề gì. Nhưng hắn là hoàng đế thì nhường một nước cờ sẽ mang một hàm nghĩa khác.
Và khi hàm nghĩa đó đặt ở chính sự… Một khi thần tử vì nịnh nọt mà buông ra chính kiến, chìu theo ý hoàng đế…
Lúc đó… Chắc mọi chuyện sẽ vui lắm… Hắn nếu mà chết rồi, chắc sẽ vui tới sống lại…
Không nhường thì không nhường vậy.
Cũng đâu phải lần đầu trẫm thua.
Dù sao tiên sinh thắng, trẫm có mất mặt cũng không mất đến đâu.
“Hoàng thượng, ngài thua.”
“Cái gì? Còn thua nhanh hơn cả lần trước… Nguyễn Trãi! Khanh…”
Lần trước, trẫm còn có thể kéo dài gần ba canh giờ mới thua…
“Hoàng thượng, trong khi chơi cờ ngài vẫn có thời gian để thất thần.” Trãi cũng phải cám ơn sự thất thần của ngài. Nếu không, còn không biết bị ngài kéo tới bao giờ.
Trẫm đúng là tìm ngược mới lôi kéo ngươi chơi cờ.
“Vậy mà, vẫn có người cứ cách vài hôm lại triệu thần tiến cung chơi cờ.”
Lê Lợi: “…” Ghét tiên sinh điểm này nhất. Rõ ràng, trẫm còn chưa nói gì mà.
“Được rồi, trẫm thua. Chuyện trẫm đã hứa thì không nuốt lời. Nhưng ái khanh cũng đừng để người ta tán ra tán vào nói ta tá ma giết lừa.”
“Bệ hạ thật không có tá ma giết lừa?”
“Được rồi, tá ma giết lừa thì tá ma giết lừa vậy… Tiên sinh ta vì phối hợp khanh mà không ngại bị người ta mắng là vong ân phụ nghĩa. Khanh nói xem nên bồi thường ta thế nào.”
Nguyễn Trãi sửng sốt:
“Không phải thần đã bồi thường rồi sao?”
Lê Lợi càng ngơ ngác:
“Hồi nào?”
“Vậy chứ khi nãy thần bồi bệ hạ đánh cờ, ngài tưởng bồi không sao! Bệ hạ, ngài cũng biết thời gian của thần rất quý giá, nhưng thần lại cất công bồi ngài một thời gian dài như vậy. Còn có, chính vì ai đó, chơi một tay lạn cờ, nhưng cờ phẩm lại quá kém – một nước cờ lại có thể đi lại trên ba lần. Hậu quả, ván cờ đáng lý ra chỉ phải hạ một khắc là xong, nhưng lại bị ngài làm cho kéo dài hơn hai canh giờ…”
Nguyễn Trãi tủm tỉm:
“Bệ hạ… Ngài nói xem… Một canh – ba khắc bị dư ra của thần ngài bồi lại sao đây?”
Lê Lợi: “…” Không đòi được nợ, phản bị đòi!
Tiên sinh tài ăn nói quá tốt, cũng không phải chuyện tốt.
Nhớ năm đó, khi tiên sinh đứng trên thành lâu, đầu chít khăn, thân vận nguyệt bạch trường bào, dáng tựa trích tiên, ung dung ưu nhã, mở miệng khép miệng, tự tự như châu ngọc mà mắng lũ giặc và bọn Việt gian bán nước…
Mắng hơn một canh giờ vẫn không lập lại từ. Hắn xem mà sảng khoái từ trong ra tới ngoài. Không riêng gì hắn mà hầu như ba quân, tướng sĩ đều sảng như vậy. Sau này khi xuất chinh, bọn họ điều học cách mắng người lễ độ, không thô tục của tiên sinh.
Dù không bằng tiên sinh mắng hơn một canh nhưng ít ra cũng phải được một khắc.
Chuyện xưa bay qua như gió thoảng, thoáng chóc cảnh còn người mất.
Bây giờ, thấy tiên sinh miệng động dăm ba câu. Vẫn không mất phong thái năm xưa. Nhưng đối tượng lại trở thành chính mình… Hắn mới hiểu được cái cảm giác nội thương của những người bị tiên sinh nói cho á khẩu.
Để tránh mất mặt thêm nữa, Lê Lợi bắt sang chuyện khác, hỏi:
“Tiên sinh… khanh… Thật là làm trẫm nghĩ không rõ. Đáng lý chuyện của sư huynh khanh, khanh nên tị hiềm mới phải… Khanh không sợ, có một ngày trẫm nghi ngờ khanh… Sau đó…”
Nguyễn Trãi thản nhiên cười:
“Bệ hạ, giao tình của chúng ta xưa nay không phải chỉ nói mà thôi. Trãi tin bệ hạ không phải là loại người như vậy. Ừm nếu có một ngày thật xảy ra chuyện như vậy… Lúc đó chỉ có thể trách lúc trước, thần mắt mù tâm hạt thờ nhầm chủ.”
Có thể nói đây là lời nói đùa nhưng đồng thời cũng là lời nói thật của Nguyễn Trãi. Năm tuổi được sư phụ thu làm đồ đệ, được người truyền võ dạy văn, binh pháp, thao lược. Mười bảy tuổi theo lời sư phụ hắn bắt đầu chu du thiên hạ để tăng trưởng kiến thức.
Cũng trong năm đó, hắn quen biết với Lê Lợi mới mười bốn tuổi. Dù nhỏ hơn hắn ba tuổi nhưng đã có trí tuệ hơn người.
Phụ thân của Lê Lợi là Lê Khoáng đã nhờ hắn chỉ dạy võ nghệ và binh pháp cho con trai mình. Hai người vừa là thầy vừa là bạn, đồng hành hơn hai năm thì theo lời cha, hắn trở về tham gia khoa cử.
Thánh Nguyên năm thứ nhất, hắn đỗ Thái học sinh và ra làm quan dưới sự thống trị của họ Hồ.
Bảy năm sau, giặc Minh xâm lược. Đại Ngu kháng chiến thất bại. Phụ thân rơi vào tay giặc, hắn bị truy sát, phải phiêu bạc khắp nơi.
Lúc gặp lại, hắn thân mang trọng thương, được Lê Lợi cứu giúp. Từ đó hai chí hướng lớn gặp nhau. Cả hai bắt đầu cùng mưu đồ phục quốc, diệt giặc xâm lăng, cứu dân khỏi nơi nước lửa.
Nhưng với điều kiện lúc bấy giờ, thì đừng nói phục quốc, ngay cả bảo mạng cũng là một điều khó khăn.
Vì vậy, hai người bàn nhau chia ra từng người thực hiện nhiệm vụ. Lê Lợi âm thầm chiêu mộ hào kiệt thiên hạ, chuẩn bị cho việc dựng cờ khởi nghĩa. Còn hắn trong thời gian này hắn đã tạo nên một mạng lưới tình báo bất hủ và một đội ngũ sát thủ – danh Ẩn Sát.
Nó là một thanh kiếm sắc bén, bí ẩn lúc nào cũng trực chờ đâm vào họng kẻ thù. Là cơn ác mộng đen tối của binh tướng nhà Minh.
Và nó cũng chính là tiền thân của Bí doanh.
Mọi người chỉ biết, sau khi hoàng đế đăng cơ, vì kiên kỵ binh quyền của Nguyễn Trãi nên đã giải tán Ẩn Sát. Mà không hề biết rằng, theo sát sự biến mất của Ẩn Sát chính là sự xuất hiện của Bí doanh để giám sát trăm quan. Nó chính là Ẩn Sát vang danh khắp cõi năm nào.
Chỉ là, đã thay đổi tên gọi và không còn hiện thân trước mặt thế nhân nữa mà thôi.
Mặc dù tách ra mỗi người đi làm việc, nhưng hai người vẫn thường xuyên liên lạc.
Họ hẹn nhau, ngày gặp lại sẽ là ngày minh thệ dựng cờ khởi nghĩa.
Hội thề Lũng Nhai năm nào như hiện ra trước mắt.
Rồi sau đó, là hơn mười năm gian khó kháng chiến. Cùng vào sinh ra tử.
Có những lúc tưởng chừng tuyệt vọng. Có biết bao người đã phải hy sinh. Có biết bao điều bất đắc dĩ.
Thế nhưng họ cũng đã vượt qua.
Chừng ấy thời gian đồng cam cộng khổ, vậy mà còn bị nghi ngờ, thì tình nghĩa mấy mươi năm của cả hai đúng là quá rẻ mạt.
“Tiên sinh, khanh quá giảo hoạt. Khanh đã nói vậy, vì hai chữ minh chủ và thanh danh một đời, trẫm đúng là không thể điểu tận cung tàng.”
“Thiên hạ đều đồn rằng: Ức Trai quân sư mưu trí siêu quần, văn võ song toàn, lại chính trực nhân hậu. Theo trẫm thấy mấy câu đầu có vẻ đúng, nhưng chính trực, nhân hậu gì đó… Trẫm thấy nó cùng khanh không quan hệ. Bọn người đó mắt đúng là mù hết.”
“Đây không phải là chỉ một mình bệ hạ tâm sáng như gương mới phát hiện được con người thật của Trãi? Nhưng… Thần càng có khuynh hướng cho rằng… Vì bệ hạ và thần là cùng loại người, cho nên bệ hạ ngài mới phát hiện được bản chất của thần.”
Lê Lợi bị Nguyễn Trãi nói cho sửng sốt, sau đó cười to:
“Ha ha ha không sai…”
Nguyễn Trãi: “…” Ngài không biết ta đang mắng ngài sao?
Bệ hạ càng ngày càng không có thuốc cứu. Năm xưa bệ hạ là một người nhiệt huyết, bộc trực, vì quốc thù gia hận mà không ngại gian nan. Mà nay không biết từ bao giờ lại học xong gian giảo, da mặt lại ngày càng có độ đàn hồi.
Không biết học từ ai.
Nhìn Nguyễn Trãi, Lê Lợi cười tủm tỉm bổ một câu:
“Từ tiên sinh!”
Nguyễn Trãi: “…” Người không biết xấu hổ đúng là vô địch.
Đang vui vẻ, như nghĩ đến chuyện gì, khuôn mặt Lê Lợi bỗng xuống sắc:
“Tiên sinh… Khanh… thật muốn làm như vậy? Nếu như quẻ bói của khanh linh nghiệm thì… Chẳng phải…”
Mặc dù nói nếu, nhưng tự trong thâm tâm Lê Lợi đã nhận định nó sẽ xảy ra. Bởi, dù hắn chỉ chứng kiến Nguyễn Trãi bói toán hai lần nhưng quẻ nào cũng chính xác…
Hắn… sợ…
Nguyễn Trãi lên tiếng ngăn cản hoàng đế:
“Bệ hạ, Trãi không hối hận!”
Lê Lợi thở dài:
“Tiên sinh… Khanh… Tội gì phải làm vậy…”
Đổi lại than tiếc của Lê Lợi là một đôi mắt nhu hòa kiên định, sắc bén mà lại rực rỡ:
“Bệ hạ không phải đã biết sao?”
“Vì biết… Nên ta mới không thể… À ái khanh… Không mấy chúng ta tạm…”
Biết ngay, bệ hạ mặc dù miệng nói đồng ý, nhưng tâm không đồng ý. Đang tìm cách lật lộng đây mà.
“Bệ hạ… Ngài đã hứa. Quân bất hí ngôn. Hơn nữa… Việc này cần người đi hoàn thành… Mà Trãi chính là lựa chọn tốt nhất.”
Lê Lợi bất đắc dĩ:
“Tiên sinh, khanh cũng biết… Thời gian của trẫm, nhiều nhất chỉ có năm năm nữa, ta… không hộ được, cũng như yểm trợ tiên sinh hoàn thành kế hoạch.”
Nguyễn Trãi áy náy:
“Bệ hạ… Nếu không phải thần… Năm đó ngài cũng không bị sư huynh…”
Lê Lợi đưa ngón trỏ lên môi mình:
“Hư… Nguyễn đại ca… đó không phải là lỗi của huynh. Cho nên huynh không cần tự trách. Hơn nữa, nếu không có huynh, đệ đã chết từ lâu. Chứ đâu còn sống mà ngồi đây.”
Kế hoạch thất bại. Không khuyên được. Cũng không lật lọng được.
Lê Lợi thở dài.
Nếu…
Hắn đã không thay đổi được tâm ý của tiên sinh. Vậy thì tận hết khả năng giúp người hoàn thành đi.
Dù gì… đây cũng là kế sách tốt nhất rồi.
Như vậy chỉ cần hơn ba mươi năm nước ta có thể hoàn toàn nắm chính quyền, quét sạch dư đảng còn lại của giặc.
Mà cái giá phải trả… Nó so với bá tánh thiên hạ… Vẫn là quá nhỏ bé. Không phải sao?
Ha hả…
Từ lúc nào, trẫm cũng có thể máu lạnh vô tình đến vậy. Rõ ràng, chỉ cần trẫm cường ngạnh một chút…
Có lẽ…
Nghĩ nghĩ, Lê Lợi nhìn Nguyễn Trãi.
Hắn chậc lưỡi… Thở dài thườn thượt.
Không thể có lẽ.
Bằng tính cách của tiên sinh. Nếu mình thật sự cường ngạnh không đồng ý thì người cũng vẫn cứ âm thầm tiến hành.
Thay vì để tiên sinh làm một mình, ta giúp sức thì kế hoạch sẽ ổn thỏa hơn…
Đã như vậy…
Thì cứ buông tay làm đi…
Năm năm… Vẫn là quá ngắn a… Giúp được tiên sinh bao nhiêu thì giúp bấy nhiêu vậy…
Nhưng…
Trẫm cũng không thể để trung thần phải thất vọng buồn lòng.
“Tiên sinh… Khanh cầm lấy.”
Nguyễn Trãi giật mình:
“Hoàng thượng…”
Hết chương 19.
Mời các bạn đón xem tiếp chương 20.
Thủy Ngọc Linh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.