Xách Ba Lô Lên Và Đi - Tập 1: Châu Á Là Nhà, Đừng Khóc

Chương 15: Đổi tiền ở Myanmar




Tôi ở Thái Lan hai tuần, sau đó bay từ Bangkok qua Yangon(10). Tôi muốn đi đường bộ qua Myanmar, nhưng tất cả các đường bộ vào Myanmar đều bị đóng do những bất ổn về chính trị.
Lúc ngồi trên máy bay, tôi rất lo, không biết Hải quan có cho mình nhập cảnh không. Myanmar là nước duy nhất ở Đông Nam Á yêu cầu visa dành cho người Việt. Tuy nhiên, chính sách visa của nước này thay đổi liên tục tùy theo những biến động trong nước. Tôi có đọc trên mạng rằng để xin visa ở sân bay, mình cần vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn, hai bức ảnh hộ chiếu, ít nhất 300 USD mang theo người. Tôi lúc ấy trong người cũng có 300 USD, có vé máy bay ra khỏi Myanmar nhưng không có đặt phòng khách sạn. Ng địa phương bị cấm cho khách nước ngoài ở, nên tôi không thể mang CouchSurfing ra làm chỗ ở được. Cô bạn Kay Thi người Myanmar tôi gặp trong một khóa học truyền thông ngắn hạn ở Thái Lan cùng bay với tôi trong chuyến bay ngày hôm đó. Cô bảo chúng tôi không nên đi cùng nhau khi làm thủ tục xuất nhập cảnh bởi cô không muốn bị nhìn thấy đi cùng với người nước ngoài. Và tôi làm gì cũng không được nhắc đến khóa học truyền thông tôi mới tham gia ở Thái Lan “Chính phủ Myanmar ghét truyền thông lắm”, cô nói thế tôi càng thêm lo.
Nhưng xuống sân bay hóa ra mọi chuyện đơn giản lắm. Chính quyền Myanmar đang cần tiền từ khách du lịch nên mình chỉ cần trả 30 USD làm phí visa là họ làm cho luôn. Chẳng ai hỏi tôi vé khứ hồi hay đặt phòng khách sạn gì cả. Sau này tôi mới biết số tôi rất may, bởi tôi vào Myanmar đúng lúc thủ tục nhập cảnh đơn giản. Sau đó không lâu, tôi có đọc trên mạng rằng chính phủ Myanmar lại thay đổi chính sách không cấp visa tại sân bay nữa rồi. Bạn nào đi Myanmar thì cố gắng tìm hiểu thông tin cập nhật mới nhất nhé, tốt nhất là gọi điện lên đại sứ quán Myanmar mà hỏi.
Bạn trai Kay Thi đến đón chúng tôi tại sân bay, đưa tôi về căn hộ của Kenneth – CouchSurfing host của tôi. Kenneth là chuyên gia người Philippines đang sinh sống và làm việc ở Myanmar. Anh được công ty cấp một căn hộ ở Grand Mee Ya – một trong những khu khách sạn, nhà ở sang trọng bậc nhất ở Yangon.
Grand Mee Ya này có bể bơi, nhà hàng, trung tâm mua sắm, wifi miễn phí khắp sảnh. “Tư bản ở Myanmar”, tôi nói đùa với Kenneth. Lúc ấy, anh cũng đang host một cô bạn người Nga, nhưng hôm ấy là đêm cuối cùng cô ở đây. Cô để lại cho tôi cuốn Lonely Planet Myanmar cô không dùng nữa.
Việc đầu tiên tôi cần làm là đi đổi tiền. Lúc đấy đã sáu giờ tối, chỗ đổi tiền mà Kenneth biết đã đóng cửa, Kenneth đã bảo rằng anh sẽ nấu cơm ăn ở nhà nên tôi không phải tiêu tiền. Ăn xong, chúng tôi đ vòng quanh thành phố. Tôi tranh thủ chụp ảnh, nhưng phải cảnh giác nhìn trước nhìn sau sợ chú công an mặc thường phục nào phát hiện. Đúng lúc ấy người đàn ông Ấn Độ tiếp cận hỏi tôi có muốn bán USD với giá 1 USD: 1000 Kyat(11) không. Tôi chưa biết tỉ giá nên muốn đi kiểm tra xem thế nào. Một người khác chào giá 1 USD: 950 Kyat, chúng tôi quay lại người ban đầu hỏi bán $100. Ông bảo là thế thì chì có 970 Kyat thôi, 1000 nếu như tôi muốn bán $200 hoặc hơn. Tôi không thích cách làm ăn lật lọng kiểu này nên bỏ đi. Ông gọi với theo nói 980 nhưng tôi cũng mặc kệ.
Ở Yangon, nếu bạn nhìn giống khách du lịch, chắc chắn bạn sẽ bị rất nhiều người tiếp cận hỏi mua USD. Hầu hết họ là người Ấn Độ. Tôi không biết họ không có quốc tịch ở đây hay họ liều hơn những người khác, bởi theo luật người dân Myanmar bị cấm giao dịch bằng ngoại tệ. Phần lớn những người này là trung gian giữa khách du lịch và ông chủ chợ đen. Bởi bản thân họ không phải là người quyết định giá, nên nhiều khi họ chỉ nói bừa một giá hy vọng dẫn được khách đến ông chủ để ăn hoa hồng. Sáng hôm sau, khi chúng tôi bước ra khỏi Grand Mee Ya, một cò mồi đến đưa ra giá 1000 Kyat nếu tôi đổi $100. Kenneth hỏi anh ta có chắc chắn, anh bảo anh phải hỏi lại ông chủ và bảo chúng tôi đi theo. Chúng tôi đi theo anh ta khoảng hai mươi phút, qua cầu băng qua đường ray đến một khu tràn ngập những cửa hàng đổi tiền và đại lý xe bus. Người chủ cho tôi giá 1020 Kyat cho $200, nhưng từ chối chấp nhận $100. Một cò mồi khác đi qua đưa ra giá 980 Kyat. Lúc ấy tôi bắt đầu thấy cáu với những người trung gian này lắm rồi. Tôi tặc lưỡi, thôi về Central Hotel để đổi tiền vậy.
Tỷ giá ở khách sạn này là 1:970. Tôi đưa cho cô lễ tân $100 nhưng cô không đưa lại Kyat cho tôi. Chúng tôi ngồi chờ mười lăm phút vẫn không thấy tiền đâu. Kenneth hỏi thì cô đỏ bừng mặt, lấm lét nhìn người đàn ông đứng bên cạnh. Hóa ra cô đổi tiền bất hợp pháp, ông chủ ở đấy thì cô không được phép đổi.
Khi nhận tiền, tôi bị sốc. Tôi chưa bao giờ cầm nhiều tiền đến thế! Ở đây tờ tiền giá trị cao nhất là 5000 Kyat, nhưng nó không phổ biến và hầu hết mọi người chỉ dùng đến 1000 Kyat, tức là khoảng $1. Tờ tiền ở đây to và dày, lại mềm và cũ nát. Tôi nhận về một cục 97 tờ 100 Kyat. Cục tiền nặng phải đến 100 gam, dày phải đến 2 centimet.
Số tôi vẫn còn may, bởi tôi chỉ có $100 tiền Kyat. Myanmar hệ thống thẻ ngân hàng không hoạt động, nên tất cả mọi người đều nhận lương bằng tiền mặt. Thử tưởng tưởng bạn làm cho công ty nước ngoài và nhận lương không đếm theo tờ mà đếm theo kilogam? Bây giờ thì tôi đã hiểu khi Preetam nói lúc rời Myanmar, anh với bạn không biết làm gì với Kyat nên cả hội ngồi gấp máy bay. Kyat chỉ có giá trị trong Myanmar.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.