Xách Ba Lô Lên Và Đi - Tập 1: Châu Á Là Nhà, Đừng Khóc

Chương 47: Ngủ lang ở Guwahati




Trên đường về lại Nepal, tôi quyết định dừng chân ở Guwahati. Tàu đến Guwahati lúc nửa đêm, thấy bên ngoài không có vẻ gì là an toàn cả, tôi ngồi trong ga ngủ. Sớm quá không muốn đánh thức ai, tôi tính đi dạo vòng vòng quanh thành phố đợi trời sáng hẳn sẽ ra điện thoại công cộng gọi cho Devraj, một CouchSurfer mà tôi đã liên hệ từ trước.
Cũng giống như ăn cá phải ăn lúc còn tươi, muốn tìm hiểu một thành phố thì phải chọn lúc sáng sớm, khi mà thành phố đang bắt đầu lấy lại nhịp sống sôi động hàng ngày nhưng chưa đủ tỉnh táo để che đậy những bí mật riêng tư nhất của mình. Một người phụ nữ trải báo nằm ngủ ngay dưới chân tượng nữ thần Durga. Một dãy đàn ông ngồi xổm bên đường hồn nhiên làm vệ sinh buổi sáng. Một em bé ngồi chống cẳm bên thùng bánh, ngáp không buồn che miệng. Một cụ già vừa quét vỉa hè, vừa nhóp nhép nhai trầu. Một anh thợ cắt tóc hí hoáy cạo râu cho một người đàn ông trung niên trên vỉa hè, những vị khách còn lại kiên nhẫn đọc báo đứng chờ. Một cô gái một tay cầm tràng hoa cúc, một tay khẽ nhấc chân bộ sari rực rỡ bước từng bậc lên chùa.
Chợ trung tâm đã bắt đầu lấy lại sự nhộn nhịp. Chợ ở Guwahati rất lớn, tràn ngập hoa quả, gia vị, xoong nồi, củi đun, trầm thơm, hoa cúng, lá dừa khô để lợp nhà, cỏ lau khô để làm chổi. Khác với chợ Việt Nam, đồ ăn Ấn Độ không nhiều thịt cá, rất nhiều rau củ quả, nhiều nhất là ớt. Người Guwahati cũng ăn trầu cau như mình. Cau vàng óng ả chất thành từng bao đầy oạp, lá trầu không xanh ngắt xếp tròn thành từng vòng. Đất đai Guwahati màu mỡ, quả nào cũng căng tròn, béo ngậy, màu sắc tươi giòn. Tôi mua cho mình một nải chuối đi ra bờ sông ngồi ăn.
Sông Guwahati có bãi cát trắng muốt, tỏa ra một vầng sáng mờ ảo trong ánh nắng ban mai. Bãi cát này rộng phải đến năm mươi mét, là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của ngư dân nơi đây. Lần đầu tiên ở Ấn Độ tôi thấy đàn ôn giặt quần áo. Những người đàn ông ngâm nửa người dưới nước, hì hụi vo vo, đập đập. Hàng chục dây căng dài kín đặc quần áo: hàng trăm chiếc quần phăng xanh, hàng trăm chiếc khăn trắng – loại được dùng để làm quấn quanh hông dạng như khố. Tôi đoán là họ nhận giặt quần áo thuê, chứ làm gì có ai nhiều quần áo thế. Khắp bờ sông rải rác những hình nộm làm từ rơm. Trong dịp lễ hội, chúng được khoác quần áo, được thờ cúng như những vị thần. Giờ đây hết thời, chúng bị lột trần truồng vứt văng vứt vãi mé nước, sứt đầu, sứt tay, sứt chân. Những xác thuyền sắt được tận dụng làm hotel giờ mới bắt đầu mở cửa. Hotel ở Ấn Độ có rất nhiều nghĩa và trong văn cảnh này nó có nghĩa là quán ăn nhỏ.
Devraj đến đón tôi về nhà anh. Tóc anh dài, râu anh rậm rạp, tương phản với khuôn mặt non choẹt. Anh sống với bố mẹ trong một ngôi nhà xây kiểu thực dân cũ hết sức ngăn nắp và sạch sẽ, có phòng riêng cho khách. Đám bạn của anh lúc đó đã ở đó cả, đang ngồi xem video chuyến đua xe ô tô độ mà anh vừa thực hiện với một nhóm nhiếp ảnh gia khác trên đường đến xem lễ hội Chim Mỏ Sừng. Anh cẩn thận đóng cửa, rồi quay sang nói với đám bạn:
“Được rồi đấy. Cuốn đi”.
“Cuối tuần nào mọi người cũng gặp nhau thế này à?”. Tôi hỏi
“À, Devraj với anh ngày nào chẳng gặp”. Raju, anh chàng to cao, râu quai nón đặc trưng của người khu vực miền Bắc Ấn Độ, nhưng cười thì duyên đến đau tim vừa cuốn thuốc vừa bảo:
“Tuần này có hai người từ Delhi đến nên tất cả mọi người tụ tập”.
“Mọi người có tính đi đâu cuối tuần này không? Đi Bhutan đi”.
Devraj phá lên cười.
“Chip muốn đi Bhutan mà không có tiền mua visa, nên đang tìm ai lái xe qua biên giới cho nó chui xuống ghế xe lẻn vào”.
Người Ấn Độ không cần visa để vào Bhutan, nhưng người từ các quốc giá khác muốn vào Bhutan phải trả tiền visa khoảng $200/ngày.
“Ha ha, dám liều không? Để anh hỏi thử bạn bè xem có ai đi không. Ngày mai bọn anh tính ra đi ra đảo”.
“Ủa, ở Guwahati có biển đâu mà có đảo?”.
“Thế mới đặc biệt. Đảo đẹp nhất trần gian, không một bóng người, hoang sơ đến từng centimet”. “Nhìn này”. Devraj cười bí hiểm lôi ra một cái loa đĩa USB chạy bằng pin. “Mua dành riêng cho dịp này đấy. Nghe thử đi, âm thanh ngon chết luôn. Đi chơi đảo mà có nhạc nữa thì còn gì bằng”. Không ai chịu giải thích thêm cho tôi đây là đảo gì. Mãi đến buổi tối khi cả hội đi nghe nhạc, tôi mới moi được thông tin từ Devraj. Hòn đảo đấy là hòn đảo riêng của Raju.
“Cái gì? Raju có một hòn đảo?”.
“Ừ, thừa kế từ gia đình. Đảo trên sông thôi mà”.
“Vẫn sướng. Làm sao để có một hoàn đảo bây giờ nhỉ?”.
“Ha ha ha, hoặc là em có rất nhiều tiền, hoặc là gia đình em có đất đai để lại, hoặc là em cưới Raju”.
Sông Brahamaputra bắt nguồn từ Tây Tạng, sang đến Assam đột ngột mở rộng, có những chỗ rộng đến mười kilomet. Hòn đảo của Raju nằm cách bờ sông khoảng nửa tiếng đi tàu. Tàu là của chú Raju luôn. Chú Raju sống ngay trên bờ trong một trang trại cũng vô cùng đáng thèm muốn. Nhà ở ngay sát bìa rừng, có vườn đầy cây trái, ao sâu thả cá, có cả túp lều thơ mộng bên ao để câu cá. Sống ở làng quê, đất đai rộng rãi thật là thích.
Nếu tự nhiên cho tôi đáp máy bay lên đảo mà không thông báo gì trước, có lẽ chẳng bao giờ tôi nghĩ nó là đảo trên sông đâu. Đảo cũng có bãi cát trắng miên man, cũng có những cụm hoa muống biển tim tím, cũng có những tảng đá nước ăn mòn nhẵn bóng. Nước tuy không xanh như nước biển nhưng khá là trong. Hơn đảo ngoài biển, đảo trên sông không sợ thiếu nước ngọt. Trên đảo ngoài một khu để cắm trại và những cái ô rực rỡ sắc màu cho gia đình Raju thỉnh thoảng ra nghỉ thì khắp đảo không có dấu hiệu gì của thế giới văn minh.
“Có hòn đảo đẹp thế này để không phí quá. Sao Raju không mở nó thành khu nghỉ mát hay gì đó nhỉ?”.
“Nó cũng đang tính đấy. Nhưng có vẻ nó cũng không cần nhiều tiền nên cũng chưa hào hứng cho lắm”.
“Raju làm việc gì hả anh?”.
“Ha ha ha, Raju ơi, Chip đang hỏi mày làm gì”. Anh gào to. “Nó chẳng làm gì cả, suốt ngày đi câu cá thôi”.
Nhóm bạn Devraj có vẻ lãng tử, thích đàn ca, nhảy múa, thích du lịch, thích nhiếp ảnh, thích ăn uống. Có lẽ vì thế mà tôi kết thân với nhóm này rất nhanh, vừa gặp nhau đã như quen biết từ kiếp trước vậy. Có nhóm này ở đấy là tôi cứ bị cuốn đi. Mọi người dẫn tôi đi thăm đủ các danh lam thắng cảnh, cho tôi ăn đủ món ăn quái dị của nơi này. Sau khi bàn bạc, cả hội quyết định rằng lẻn vào Bhutan là không hợp lý, bởi tôi sẽ phải trốn qua bốn trạm kiểm soát Hải quan. Hồi ấy tôi cũng ngây thơ nên nghe mọi người khuyên thế, tôi cũng dễ dàng bỏ cuộc. Không sang được Bhutan, tôi còn hơn một tuần trong visa Ấn Độ. Mọi người dụ tôi ở lại Guwahati chơi, nhưng vì cuồng chân, tôi muốn đến một nơi nào đó khác. Sau khi đọc qua thông tin trên mạng, tôi quyết định chọn Sikkim.
Bí quyết đặt vé tàu ở Ấn Độ
Tàu là phương tiện đi lại hết sức tiện lợi và phổ biến ở Ấn Độ. Tuy nhiên, do cầu lớn hơn cung, vé tàu bán hết rất nhanh. An toàn nhất là bạn nên đặt vé tàu từ trước. Bạn có thể vào trang: https://erail.in để kiểm tra chuyến tàu, giá vé, quota. Tìm được vé ứng ý thì qua https://www. irctc.co.in để mua. Kiểm tra ở Irctc cũng được nhưng erail đầy đủ hơn, tiện tra cứu hơn.
Trong trường hợp bất khả kháng không kịp đặt vé trước, bạn cũng có thể mua vé phút chót bằng những cách sau.
1. Sử dụng foreign quota
Hầu hết các chuyến tàu của Ấn Độ đều có quota dành cho khách nước ngoài và thường hết vé chậm hơn. Vé này không mua được online mà bạn đến tận bến tàu, hỏi Tourist Information hay Tourist Bureau để mua vé.
2. Tatkal quota
Nôm na là vé ngày chót. Mỗi chuyến tàu đều có một số ghế nhất định dành cho người cần mua vé gấp. Vé tatkal được bán hai ngày trước ngày đi, bắt đầu từ tám giờ sáng. Ví dụ nếu bạn muốn đi ngày 24 thì 9h sáng 22 phải ngồi rì mua luôn. Vé này bán rất nhanh, có khi mười phút đã hết rồi. Bạn có thể tham khảo thêm ở đây: https://www.iloveindia.com/indian–railways/tatkal–cheme.html
3. Platform Ticket
Vé này là vé đi từ bến tàu này đến bến tàu khác, nhưng không có số ghế. Bạn sẽ phải lên khoang dành riêng cho hạng vé này, chen lấn có chỗ ngồi là may. Nhưng vé này lúc nào cũng có và giá rất rẻ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.